Tìm hiểu chung
Ung thư buồng trứng là gì?
Ung thư buồng trứng (Ovarian Cancer) là tình trạng khối u ác tính xuất hiện ở buồng trứng. Đây là nơi sản sinh ra tế bào trứng, đồng thời tiết ra hormone giới tính nữ, estrogen và progestrogen.
Ung thư bộ phận này nếu được phát hiện sớm có thể điều trị hiệu quả. Tuy nhiên, rất khó để phát hiện nếu bệnh đang ở giai đoạn đầu.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng ung thư buồng trứng là gì?
Các triệu chứng và dấu hiệu của ung thư buồng trứng thường không rõ ràng, đặc biệt là ở giai đoạn đầu. Nhiều bệnh nhân và kể cả bác sĩ cũng có thể nhầm những triệu chứng của ung thư buồng trứng với những bệnh lý khác.
Loại ung thư này được ví như “kẻ giết người thầm lặng”. Nhìn chung, các triệu chứng và dấu hiệu thường mơ hồ, do đó các bệnh nhân thường đến gặp bác sĩ khi bệnh đã ở giai đoạn trễ. Chỉ có 20% trường hợp được phát hiện còn ở giai đoạn sớm. Các triệu chứng có thể bao gồm:
- Chướng bụng
- Cảm thấy mau no khi ăn
- Sụt cân
- Khó chịu vùng chậu
- Xuất hiện tình trạng bất thường khi đi đại tiện, ví dụ táo bón
- Đi tiểu thường xuyên.
Một số triệu chứng khác có thể bao gồm:
- Thay đổi chu kỳ kinh nguyệt
- Buồn nôn, nôn mửa, khó tiêu, chán ăn, đầy hơi
- Đau lưng không rõ nguyên nhân
- Chảy máu âm đạo giữa chu kỳ kinh nguyệt
- Khi bệnh ở giai đoạn trễ, các triệu chứng liên quan đến các biểu hiện của cơ quan bị di căn: Suy kiệt, khó thở, nổi hạch trên đòn, nôn ói, co giật…
Bạn có thể gặp các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn có các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư buồng trứng. Ngoài ra, nếu trong gia đình có thành viên bị ung thư buồng trứng hoặc ung thư vú, bạn nên đi kiểm tra thường xuyên để có thể phòng ngừa bệnh.
Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân gây ung thư buồng trứng là gì?
Hiện nay, các bác sĩ vẫn không rõ nguyên nhân gây ra bệnh. Nhìn chung, ung thư thường xuất hiện là do một đột biến gene trong cơ thể, làm cho các tế bào bình thường phát triển thành các tế bào ung thư.
Sau đó, chúng sẽ nhanh chóng nhân lên, tạo thành khối u. Ngoài ra, các tế bào này còn tấn công các tế bào xung quanh và lan rộng ra các cơ quan khác của cơ thể.
Nguy cơ mắc phải
Những ai thường mắc phải ung thư buồng trứng?
Theo thống kê của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, tần số mắc ung thư buồng trứng ở phụ nữ là 2%. Những người có nguy cơ bị mắc ung thư buồng trứng cao thường nằm trong các trường hợp dưới đây.
1. Phụ nữ ở giai đoạn mãn kinh
Nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cũng tăng theo độ tuổi, phần lớn phụ nữ được chuẩn đoán mắc ung thư buồng trứng ở giai đoạn mãn kinh. Phụ nữ mãn kinh sau 50 tuổi và lớn hơn 63 tuổi có nguy cơ bị ung thư buồng trứng cao hơn những người khác.
2. Phụ nữ bị thừa cân béo phì
Những người mắc bệnh béo phì cũng có nguy cơ bị bệnh này cao hơn. Đặc biệt khi BMI lớn hơn 30. Tuy nhiên, nguy cơ này sẽ hạ xuống khi bạn sử dụng thuốc ngừa thai chứa progestin trong vòng 3–6 tháng.
3. Ung thư buồng trứng do di truyền
Bệnh ung thư buồng trứng cũng có liên quan đến di truyền. Theo thống kê của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, 10% các trường hợp ung thư buồng trứng là do di truyền các đột biến di truyền chủ yếu trên hai gene là BRCA1 và BRCA2. Nhiều phụ nữ đều biết đột biến trên hai gene này có thể gây ung thư vú nhưng đột biến di truyền trên BRCA1 và BRCA2 cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư buồng trứng.
Một ví dụ điển hình là câu chuyện về diễn viên Angelina Jolie, sau khi phát hiện mình mang đột biến trên gene BRCA1, cô đã cắt buồng trứng để ngăn ngừa nguy cơ mắc ung thư buồng trứng. Một đột biến trên gene thuộc họ BRCA có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư buồng trứng lên tới 70%.
Đó là lý do tại sao nhiều phụ nữ quan tâm đến việc xét nghiệm di truyền để xác định họ có mang đột biến di truyền làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng hay không. Ngày càng nhiều phụ nữ thực hiện xét nghiệm di truyền để xác định nguy cơ bị ung thư buồng trứng. Điều này có thể mang lại nhiều lợi ích song cũng có cả những hạn chế nhất định.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh?
Những yếu tố sau có thể gây tăng nguy cơ bị ung thư bộ phận này:
- Phụ nữ càng sinh ít con, càng có nguy cơ mắc bệnh
- Phụ nữ đã từng bị ung thư vú hoặc có tiền sử gia đình mắc ung thư vú; tử cung hoặc ung thư đại tràng
- Phụ nữ có tiền sử bệnh lạc nội mạc tử cung
- Phụ nữ có hội chứng buồng trứng đa nang
- Phụ nữ có đột biến gene BRCA1 và BRCA2 di truyền từ mẹ của mình. Những phụ nữ này có nguy cơ cao ung thư vú và buồng trứng
- Phụ nữ trong gia đình có người thân F1 và F2 bị ung thư buồng trứng
- Phụ nữ dùng liệu pháp thay thế estrogen trong vòng 5 năm hoặc hơn
- Phụ nữ lớn tuổi, béo phì
Một số yếu tố bảo vệ làm giảm nguy cơ ung thư bộ phận này:
- Phụ nữ sử dụng thuốc ngừa thai dạng uống giúp giảm nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên thuốc ngừa thai lại gây ra một số bất lợi khác. Do đó bạn cần tư vấn với bác sĩ về lợi ích và nguy cơ khi sử dụng thuốc ngừa thai trước khi sử dụng.
- Tư vấn với bác sĩ khi bạn có đột biến gene di truyền. Trong một số trường hợp không chính quy, nếu bạn thuộc nhóm nguy cơ cao, bạn có thể cân nhắc đề nghị cắt 2 buồng trứng để ngăn ngừa ung thư.
Điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế dùng để chẩn đoán ung thư buồng trứng là gì?
Bác sĩ chẩn đoán ung thư buồng trứng dựa trên triệu chứng đã xuất hiện và khám lâm sàng. Các xét nghiệm hình ảnh (như siêu âm, chụp MRI, CT) cũng có thể cho thấy các dấu hiệu ung thư.
Xét nghiệm chất chỉ điểm khối u CA-125, là một xét nghiệm giúp phát hiện protein trên bề mặt tế bào ung thư buồng trứng có thể hỗ trợ trong việc chẩn đoán và tiên lượng diễn tiến của bệnh.
Đôi khi bác sĩ không thể chẩn đoán ra bệnh cho đến khi phẫu thuật cắt bỏ hoặc sinh thiết khối u và gửi xét nghiệm giải phẫu bệnh.
Kết quả giải phẫu bệnh là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xác định bệnh.
Bác sĩ còn có thể dùng cách phẫu thuật để xác định giai đoạn ung thư (giai đoạn thể hiện mức độ lây lan của ung thư).
Lợi ích của xét nghiệm ung thư buồng trứng
Kết quả xét nghiệm di truyền không chỉ có thể giúp đánh giá nguy cơ mắc ung thư do di truyền cho bạn mà còn cung cấp thông tin về nguy cơ mắc bệnh của những người thân thiết trong gia đình bạn nữa. Sau đây là những lợi ích quan trọng của việc xét nghiệm ung thư buồng trứng:
• Biết được nguy cơ mắc các bệnh ung thư khác: Một nhân viên tư vấn di truyền hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe không chỉ giúp bạn đánh giá nguy cơ mắc bệnh không chỉ ung thư buồng trứng mà còn cả các bệnh ung thư khác như ung thư vú, đại tràng và tuyến tiền liệt.
• Lựa chọn được liệu pháp điều trị ung thư phù hợp: Kết quả xét nghiệm sẽ giúp ích rất nhiều trong việc lựa chọn liệu pháp điều trị ung thư phù hợp, đồng thời cũng là nguồn thông tin quan trọng để dự đoán nguy cơ mắc bệnh cho những người thân trong gia đình bạn.
• Dự đoán được nguy cơ mắc bệnh của người thân: Đối với những bệnh nhân đã được chuẩn đoán mắc bệnh ung thư buồng trứng dựa trên những dấu hiệu và xét nghiệm lâm sàng khác, xét nghiệm di truyền sẽ có lợi cho cả bệnh nhân và người thân trong gia đình họ.
Xét nghiệm di truyền cho nguy cơ ung thư buồng trứng thường bao gồm xét nghiệm máu nhưng một số xét nghiệm tại nhà sử dụng mẫu nước bọt. Một số xét nghiệm chất lượng cao, ví dụ như Color Genomics, tại nhà giờ đây tồn tại dưới hình thức xét nghiệm kiểm tra những gene khác nhau có liên quan đến ung thư.
Tuy nhiên, một số xét nghiệm khác chỉ tiến hành kiểm tra một vài gene. Bạn nên gặp chuyên gia tư vấn di truyền trước khi quyết định chọn loại xét nghiệm phù hợp.
Đối với những phụ nữ sống trong gia đình có tiền sử mắc ung thư ở mức cao, dù kết quả xét nghiệm di truyền để tìm đột biến trên một gene cụ thể nào đó cho kết quả âm tính, họ vẫn có nguy cơ mắc ung thư này cao. Vấn đề chỉ là chưa tìm ra đột biến cụ thể trên những gene đặc hiệu và có thể các bác sĩ cần tiếp tục tìm kiếm trên các gene liên quan khác.
Những phương pháp dùng để điều trị ung thư buồng trứng là gì?
Điều trị ung thư buồng trứng thường là sự phối hợp của phẫu thuật và hóa trị.
Phẫu thuật là phương pháp được dùng nhiều nhất để điều trị ung thư buồng trứng ở bất kể giai đoạn nào. Đối với ung thư giai đoạn đầu, phẫu thuật là phương pháp điều trị duy nhất. Bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ cả buồng trứng lẫn ống dẫn trứng.
Đối với ung thư buồng trứng ở giai đoạn rất sớm, bác sĩ có thể chỉ cắt một bên buồng trứng và ống dẫn trứng, mục đích giúp bạn bảo tồn chức năng sinh sản. Nếu khối u ở cả 2 bên buồng trứng, bạn có thể phải cắt bỏ buồng trứng và ống dẫn trứng ở cả 2 bên. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể có thai bằng cách sử dụng trứng hoặc phôi đã trữ đông vào buồng tử cung còn lại.
Nếu ung thư đã lan rộng hoặc bạn không còn nguyện vọng giữ khả năng sinh sản, bạn sẽ được cắt bỏ tử cung hoàn toàn kèm buồng trứng, ống dẫn trứng 2 bên và mạc nối lớn, có thể sinh thiết hạch chậu 2 bên.
Ở giai đoạn bệnh đã tiến triển và phẫu thuật khó khăn, bác sĩ sẽ khuyên bạn nên được hóa trị trước để khối bướu thu nhỏ, sau đó sẽ phẫu thuật.
Ngoài ra, tử cung hoặc các cơ quan khác ở vùng chậu và vùng bụng cũng sẽ bị cắt bỏ nếu ung thư đã di căn đến đây.
- Tiếp theo đó, phương pháp hóa trị để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại sẽ được tiến hành. Hóa trị thường sử dụng đường tĩnh mạch, đôi khi đường uống, một số trường hợp có thể thực hiện hóa trị trong phúc mạc ổ bụng.
- Thuốc điều trị đích mới hiện nay như Bevacizumab được sử dụng trong ung thư buồng trứng giai đoạn tiến xa, Olaparib được dùng cho bệnh nhân có đột biến gene BRCA.
- Cuối cùng, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh đến khám đúng lịch hẹn để theo dõi tình trạng sức khỏe.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh?
Bạn có thể kiểm soát tình trạng bệnh của mình bằng cách duy trì những thói quen sinh hoạt sau:
- Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến bệnh cũng như tình trạng sức khỏe của bạn.
- Nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc bỏ thuốc trong toa.
- Báo cho bác sĩ biết về các tác dụng phụ của thuốc.
- Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, ăn nhiều rau quả trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và giảm lượng chất béo trong chế độ ăn uống.
- Duy trì cân nặng thích hợp, tập thể dục thể thao.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
Chúng tôi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.