Chọc hút bằng kim xuyên phế quản dưới hướng dẫn của siêu âm nội phế quản (EBUS TBNA)

(4.14) - 31 đánh giá

Chọc hút bằng kim xuyên phế quản dưới hướng dẫn của siêu âm nội phế quản (EBUS TBNA: endobronchial ultrasound-guided transbronchial needle aspiration) là phương pháp dùng một ống soi đặc biệt để nhìn vào bên trong đường dẫn khí. Phương pháp này dùng đầu dò phát sóng siêu âm để trợ giúp bác sĩ lấy mẫu mô ở bên ngoài phổi chính xác hơn.

Lưu ý: Những thông tin dưới đây chỉ mang tính chất tham khảo chung. Cách thức và quy trình thực hiện thủ thuật này có thể khác nhau giữa các bệnh viện. Do đó, hãy tuân theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc bệnh viện địa phương mà bạn đang điều trị.

Chọc hút bằng kim xuyên phế quản dưới hướng dẫn của siêu âm nội phế quản là gì?

Chọc hút bằng kim xuyên phế quản dưới hướng dẫn của siêu âm nội phế quản là một kĩ thuật nội soi phế quản, lấy các mẫu mô cơ thể từ bên trong lồng ngực. Kĩ thuật này gọi tắt là EBUS TBNA. Phương pháp này được thực hiện với một loại ống nội soi phế quản đặc biệt. Đó là một loại “ống soi” thon gọn và mềm, được đưa qua miệng để vào đường dẫn khí. Ống nội soi phế quản (gọi tắt là “ống nội soi”) giúp bác sĩ nhìn thấy bên trong phổi và thực hiện thủ thuật.

Nội phế quản có nghĩa là từ bên trong hoặc ở phía trong phế quản. Phế quản là các đường dẫn khí lớn dạng ống. Chúng dẫn không khí từ khí quản đưa đến các đường dẫn khí nhỏ hơn, gọi là tiểu phế quản. Trong thủ thuật này, siêu âm được dùng để giúp bác sĩ thấy các cấu trúc ở ngay bên trong phổi phía ngoài đường dẫn khí. Đây là ý nghĩa của “siêu âm nội phế quản”.

Ống nội soi cũng chứa một kềm rất nhỏ. Kềm này dùng để lấy mẫu mô cơ thể bằng cách chọc xuyên qua phế quản để đến mô lân cận. Kim là dụng cụ sẽ hút lấy tế bào từ mẫu mô, đây được gọi là chọc hút. Xuyên phế quản có nghĩa là đi qua thành phế quản, do đó thủ thuật này có tên là chọc hút bằng kim xuyên phế quản.

Chọc hút bằng kim xuyên phế quản dưới hướng dẫn của Siêu âm nội phế quản dùng để làm gì?

EBUS TBNA giúp bác sĩ lấy mẫu mô mà không cần phẫu thuật. Phương pháp này được dùng để lấy mẫu mô từ một vùng cơ thể gọi là trung thất. Trung thất là một phần của lồng ngực, chứa tim, tuyến ức, thực quản, khí quản và các dây thần kinh, các hạch bạch huyết. Khu vực này thường rất khó tiếp cận, đó là lý do tại sao EBUS TBNA là một thủ thuật hữu ích như vậy.

Thủ thuật được thực hiện nhằm mục đích:

  • Đánh giá các hạch bạch huyết phì đại trong trung thất.
  • Chẩn đoán các tình trạng như bệnh sarcoidosis hoặc lao.
  • Chẩn đoán ung thư phổi và ngoài phổi.
  • Đánh giá giai đoạn ung thư bằng cách lấy mẫu mô từ các hạch bạch huyết.

EBUS TBNA và phân giai đoạn ung thư

Một trong các ứng dụng chính của EBUS TBNA là phân giai đoạn ung thư. Giai đoạn ung thư cho biết ung thư phát triển và lan rộng đến mức nào. Tùy thuộc loại ung thư, có thể có một số xét nghiệm khác nhau dùng để phân giai đoạn ung thư. Bằng cách xác định chính xác giai đoạn, bác sĩ có thể quyết định phương pháp điều trị nào là tốt nhất và có dự đoán tốt hơn về những gì có thể xảy ra sau đó. Một trong những cách giúp bác sĩ đánh giá giai đoạn của ung thư là xem nó có lan đến các cấu trúc hạch bạch huyết hay không.

Hạch bạch huyết là một phần của hệ thống bạch huyết. Đây là một mạng lưới các kênh và mạch máu mang một chất dịch gọi là bạch huyết. Hạch bạch huyết có vai trò như một bộ lọc cho bạch huyết. Nó chứa các bạch cầu, đây là các tế bào có thể nhận diện mầm bệnh (vi khuẩn và các tác nhân gây bệnh) xâm nhập vào hạch bạch huyết thông qua dòng máu. Khi các tác nhân lạ được phát hiện, các tế bào miễn dịch chuyên biệt được tuyển chọn đến hạch để đối phó với nhiễm trùng.

Đó là lý do tại sao hạch bạch huyết có thể sưng to khi bạn bị nhiễm trùng. Hạch bạch huyết cũng có thể sưng trong một số loại ung thư. Tế bào ung thư có thể vỡ ra từ khối u chính và đi vào bạch huyết. Sau đó, các tế bào này tập trung lại trong hạch bạch huyết. Bằng cách kiểm tra hạch bạch huyết xem có dấu hiệu của tế bào ung thư hay không, bác sĩ có thể biết ung thư có lan rộng bên trong cơ thể hay chưa.

Chọc hút bằng kim xuyên phế quản dưới hướng dẫn của Siêu âm nội phế quản được thực hiện ra sao?

Bác sĩ sẽ dùng ống nội soi mềm để đi vào đường dẫn khí của phổi. Ở cuối ống nội soi có một đầu dò siêu âm đặc biệt. Đầu dò này đưa hình ảnh siêu âm lên màn hình để bác sĩ xem và quyết định vị trí sinh thiết.

Siêu âm là một âm thanh tần số cao mà chúng ta không nghe được nhưng có thể được phát ra và nhận lại nhờ đầu dò ở cuối ống nội soi. Sóng siêu âm truyền tự do qua chất dịch và mô mềm. Tuy nhiên, sóng siêu âm bị dội lại (như tiếng dội – echo) khi nó chạm vào một bề mặt rắn (đặc) hơn. Ví dụ, sóng siêu âm sẽ truyền tự do qua máu trong buồng tim. Nhưng khi nó chạm vào một van tim, nhiều sóng siêu âm sẽ dội trở lại.

Do đó, khi sóng siêu âm chạm vào các cấu trúc có mật độ khác nhau trong cơ thể, nó sẽ dội lại ở nhiều cường độ.

Đầu dò được nối với máy siêu âm và màn hình. Xung siêu âm được truyền từ đầu dò vào cơ thể của bạn. Sau đó, sóng siêu âm sẽ dội lại từ các cấu trúc khác nhau xung quanh phế quản.

Sóng dội lại được đầu dò phát hiện và được gửi đến máy siêu âm. Các sóng này biểu hiện thành hình ảnh ghi lại trên màn hình. Hình ảnh được cập nhật liên tục nên có thể cho thấy chuyển động cũng như cấu trúc.

Sóng siêu âm giúp bác sĩ nhìn xuyên qua đường dẫn khí bằng cách cho thấy cấu trúc ở ngoài đường dẫn khí. Điều này giúp bác sĩ tìm thấy hạch bạch huyết hoặc mô cần lấy mẫu. Sau đó, bác sĩ có thể dùng kim để lấy một mẫu mô, đồng thời tránh các cấu trúc khác như mạch máu. Điều này làm cho EBUS TBNA trở thành một phương pháp hữu ích để lấy mẫu từ mô nằm ngay bên ngoài đường dẫn khí.

Quá trình thực hiện chọc hút bằng kim xuyên phế quản dưới hướng dẫn của siêu âm nội phế quản?

Thủ thuật này thường được làm ở phòng ngoại trú và bệnh nhân về trong ngày. Một số bệnh viện có thể thực hiện thủ thuật này dưới gây mê toàn thân; thông tin dưới đây mô tả của thủ thuật ở phòng ngoại trú.

Bác sĩ sẽ xịt tê họng tại chỗ, vị thuốc tê có thể hơi khó chịu. Ngoài ra, bạn cũng sẽ được cho thuốc an thần để thư giãn. Thuốc này thường được tiêm vào tĩnh mạch ở tay. Thuốc an thần có thể làm bạn buồn ngủ, nhưng đó không phải là thuốc gây mê toàn thân và không làm cho bạn đi vào giấc ngủ. Tuy nhiên, nếu được dùng thuốc an thần, bạn khó có thể nhớ về quá trình thủ thuật. Bạn cũng có thể được cho dùng thuốc giảm đau tiêm vào tay để làm bạn dễ chịu hơn.

Bạn được theo dõi nhịp tim và huyết áp trong suốt quá trình thủ thuật. Bác sĩ sẽ đặt một dụng cụ gọi là oxy xung kế vào ngón tay bạn. Dụng cụ này không gây đau. Oxy xung kế sẽ kiểm tra nồng độ oxy trong máu và cho biết bạn có cần thêm oxy hay không trong quá trình thực hiện EBUS TBNA. Ngoài ra, bạn đeo thêm một ống nhựa mềm vào lỗ mũi (canula) để cung cấp oxy khi làm thủ thuật.

Bác sĩ sẽ đặt đầu ống nội soi vào miệng của bạn và sau đó nhẹ nhàng đưa ống ra phía sau họng để đi vào khí quản. Ống nội soi sẽ truyền hình ảnh thông qua một camera nối với một màn hình TV để bác sĩ nhìn thấy. Nội soi phế quản có thể làm bạn ho.

Khi ống nội soi đã vào đúng vị trí, bác sĩ sẽ dùng hình ảnh siêu âm để lấy mẫu bệnh phẩm (gọi là mẫu mô sinh thiết). Mẫu mô sinh thiết được gửi đến phòng xét nghiệm để kiểm tra dưới kính hiển vi cho việc chẩn đoán. Ống nội soi sau đó được kéo ra nhẹ nhàng. Thủ thuật này thường mất khoảng 30 phút. Tuy nhiên, thường mất đến 4 giờ cho cả buổi hẹn khám – để chuẩn bị, chờ thời gian thuốc an thần có tác dụng, thời gian làm EBUS TBNA và thời gian hồi phục.

Tôi nên chuẩn bị gì cho buổi chọc hút bằng kim xuyên phế quản dưới hướng dẫn của siêu âm nội phế quản?

Bệnh viện nơi bạn thực hiện thủ thuật sẽ hướng dẫn chi tiết về những gì cần chuẩn bị cho buổi EBUS TBNA. Bạn có thể được xét nghiệm máu một thời gian ngắn trước khi làm thủ thuật để xem máu có đông tốt hay không. Điều này để đảm bảo bạn không dễ bị chảy máu sau thủ thuật. Bạn có thể được khuyên không dùng bất cứ thuốc nào ảnh hưởng đến đông máu, như aspirin và warfarin, trong vòng 1 tuần trước thủ thuật. Quan trọng là bạn nên cho bác sĩ biết bạn đang dùng thuốc gì và tại sao cần dùng.

Ngoài ra, bạn nên lưu ý một số vấn đề như:

  • Bạn không nên ăn hay uống trong vòng vài giờ trước thủ thuật. (có thể uống từng ngụm nước nhỏ trước thủ thuật 2 giờ.)
  • Bạn cần một ai đó đi cùng về nhà, vì bạn sẽ buồn ngủ do thuốc an thần.

Những gì xảy ra sau chọc hút bằng kim xuyên phế quản dưới hướng dẫn của siêu âm nội phế quản?

Khoảng 1 giờ sau khi dùng thuốc an thần, bạn mới có thể về nhà sau khi kết thúc thủ thuật. Thuốc an thần sẽ làm bạn thấy khá dễ chịu và thư giãn. Tuy nhiên, bạn không nên lái xe, vận hành máy móc hay uống rượu trong vòng 24 giờ sau khi dùng thuốc an thần. Bạn không nên ăn hay uống bất cứ thứ gì trong vòng 2 giờ sau nội soi phế quản vì họng của bạn vẫn còn bị tê. Bạn cần một ai đó đi cùng về nhà và ở với bạn trong vòng 24 giờ cho đến khi tác dụng của thuốc đã hết hoàn toàn. Đa số bệnh nhân cảm thấy có thể trở lại hoạt động bình thường sau 24 giờ.

Chọc hút bằng kim xuyên phế quản dưới hướng dẫn của Siêu âm nội phế quản có tác dụng phụ hay biến chứng nào không?

Hầu hết thủ thuật không gây biến chứng. Bạn có thể đau họng nhẹ vài ngày sau đó. Bạn có thể cảm thấy mệt hoặc buồn ngủ trong vài giờ đầu do tác dụng thuốc an thần. Bạn cũng có thể ho ra một ít máu trong khoảng 2 ngày sau thủ thuật. Bạn nên liên lạc ngay với bác sĩ nếu:

  • Bạn bị đau ngực mà không giảm sau 2 ngày.
  • Bạn tiếp tục ho ra máu.

EBUS TBNA được xem là một thủ thuật rất an toàn. EBUS TBNA rất hiếm gây tổn thương đến phổi. Đôi khi thủ thuật này có thể để lọt khí vào trung thất hoặc hiếm hơn là gây xẹp phổi. Thủ thuật này cũng có thể gây nhiễm trùng hoặc chảy máu trong phổi, mặc dù rất hiếm gặp. Bác sĩ của bạn sẽ giải thích các nguy cơ thường gặp và các tác dụng phụ có thể xảy ra trước khi thực hiện thủ thuật này.

Tài liệu tham khảo

  • http://patient.info/health/endobronchial-ultrasound-guided-transbronchial-needle-aspiration
  • https://yhoccongdong.com/thongtin/phoi-va-duong-ho-hap/
  • https://yhoccongdong.com/thongtin/noi-soi-phe-quan-bronchoscopy/
  • Biên dịch - Hiệu đính

    BS. Bùi Diễm Khuê - BS. Phạm Anh Khoa
    Đánh giá:

    Bài viết liên quan

    Những bệnh liên quan đến Amiăng

    (28)
    Những người phơi nhiễm với amiăng có thể phát bệnh trong cuộc sống sau này. Những bệnh này hầu hết ảnh hưởng đến phổi, tuy nhiên cũng có thể ảnh ... [xem thêm]

    Phẫu thuật nội soi lồng ngực có video hỗ trợ (VATS)

    (58)
    Phẫu thuật nội soi lồng ngực có video hỗ trợ (VATS) là một phương pháp phẫu thuật cho phép các bác sĩ quan sát bên trong lồng ngực và hai lá phổi. Nó là một ... [xem thêm]

    Thở khò khè

    (46)
    Khò khè là một tiếng rít xuất hiện khi bạn thở. Đây là một triệu chứng thường gặp. Có rất nhiều nguyên nhân gây khò khè. Nếu bạn bị khó thở hoặc có ... [xem thêm]

    Nội soi trung thất

    (84)
    Nội soi trung thất là phương pháp mổ xâm lấn tối thiểu bằng cách mở một đường vào ở ngực để có thể quan sát bên trong. Nhờ đó bác sĩ có thể sinh ... [xem thêm]

    Viêm phế quản mạn tính

    (53)
    Tổng quan Viêm phế quản mạn tính là gì? Viêm phế quản mạn tính (viêm phế quản mạn) là tình trạng viêm (hoặc dễ bị kích thích) của đường thở trong ... [xem thêm]

    Phù phổi

    (56)
    Phù phổi là tình trạng có thừa dịch trong phổi. Dịch tập trung trong nhiều túi khí ở phổi (phế nang), làm người bệnh khó thở. Nguyên nhân thường gặp nhất ... [xem thêm]

    Xơ phổi vô căn

    (63)
    Xơ phổi vô căn là một bệnh nghiêm trọng khi mà các túi phế nang của phổi và mô phổi cạnh phế nang bị tổn thương và xơ hóa. Bệnh này gây ra các triệu ... [xem thêm]

    Thở có kiểm soát

    (85)
    Thở có kiểm soát (hay thở chu môi) là cách thở mà bác sĩ hay điều dưỡng hướng dẫn bệnh nhân nhằm hỗ trợ tình trạng khó thở. Vì đây là một kỹ thuật ... [xem thêm]

    DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN