Tìm hiểu chung
Viêm động mạch tế bào khổng lồ là bệnh gì?
Viêm động mạch tế bào khổng lồ là tình trạng viêm niêm mạc động mạch. Thông thường, bệnh ảnh hưởng đến các động mạch ở đầu, đặc biệt là vùng thái dương. Vì lý do này, viêm động mạch tế bào khổng lồ đôi khi còn được gọi là viêm động mạch thái dương.
Viêm động mạch tế bào khổng lồ thường xuyên gây đau đầu, da đầu nhạy cảm đau, đau hàm và các vấn đề về tầm nhìn. Nếu không chữa trị, bệnh có thể dẫn đến đột quỵ hoặc mù.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm động mạch tế bào khổng lồ là gì?
Các triệu chứng thường gặp nhất của viêm động mạch tế bào khổng lồ là đau đầu và đau – thường nghiêm trọng – ảnh hưởng đến cả hai thái dương. Triệu chứng khởi đầu của tình trạng này có thể giống như bệnh cúm. Nói chung, các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm động mạch tế bào khổng lồ bao gồm:
- Đau đầu nghiêm trọng, dai dẳng, thường ở vùng thái dương;
- Da đầu nhạy cảm đau;
- Đau hàm khi nhai hoặc mở miệng rộng;
- Sốt;
- Mệt mỏi;
- Sụt cân ngoài ý muốn;
- Mất thị lực hoặc nhìn đôi, đặc biệt là ở những người bị đau hàm;
- Mất thị lực đột ngột, vĩnh viễn ở một mắt.
Đau và cứng cổ, vai hoặc hông là các triệu chứng thường gặp của rối loạn có liên quan, đau đa cơ do thấp khớp. Khoảng 50% những người bị viêm động mạch tế bào khổng lồ cũng bị đau đa cơ do thấp khớp.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn mới bị đau đầu dai dẳng hoặc có bất kỳ vấn đề nào được liệt kê ở trên, hãy đến gặp bác sĩ ngay. Nếu bạn được chẩn đoán mắc viêm động mạch tế bào khổng lồ, việc bắt đầu điều trị càng sớm càng tốt thường có thể giúp ngăn ngừa mất thị lực.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân nào gây ra bệnh viêm động mạch tế bào khổng lồ?
Với bệnh viêm động mạch tế bào khổng lồ, niêm mạc của động mạch bị viêm, điều này làm cho chúng sưng lên. Tình trạng sưng này làm hẹp các mạch máu, giảm lượng máu cũng như oxy và chất dinh dưỡng quan trọng đến các mô trong cơ thể.
Hầu như bất kỳ động mạch lớn hoặc vừa đều có thể bị ảnh hưởng, nhưng tình trạng viêm thường xảy ra ở các động mạch nằm ở vùng thái dương. Chúng nằm ngay trước tai và tiếp tục lên da đầu Đôi khi, tình trạng viêm ảnh hưởng đến chỉ một phần động mạch với các phần mạch máu bình thường ở giữa.
Tóm lại, nguyên nhân gây ra bệnh này vẫn chưa rõ. Một số gen và các biến thể gen có thể làm tăng tính nhạy cảm mắc phải tình trạng này.
Nguy cơ mắc phải
Những ai thường mắc bệnh viêm động mạch tế bào khổng lồ?
Viêm động mạch tế bào khổng lồ có thể ảnh hưởng mọi người trong mọi lứa tuổi. Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm động mạch tế bào khổng lồ?
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm động mạch tế bào khổng lồ, chẳng hạn như:
- Tuổi. Viêm động mạch tế bào khổng lồ chỉ ảnh hưởng đến người lớn và hiếm khi ở những người dưới 50. Những người bị bệnh này có dấu hiệu cảnh báo đầu tiên trong độ tuổi từ 70 và 80;
- Giới tính. Phụ nữ có khả năng mắc bệnh này gấp 2 lần;
- Chủng tộc và khu vực địa lý. Viêm động mạch tế bào khổng lồ thường gặp nhất ở người da trắng trong quần thể Bắc Âu hoặc gốc Scandinavi;
- Đau đa cơ do thấp khớp. Có đau đa cơ do thấp khớp khiến bạn có nguy cơ mắc bệnh viêm động mạch tế bào khổng lồ;
- Tiền sử gia đình. Đôi khi, tình trạng này mang tính gia đình.
Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.
Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh viêm động mạch tế bào khổng lồ?
Viêm động mạch tế bào khổng lồ có thể khó chẩn đoán vì các triệu chứng sớm của bệnh giống như nhiều tình trạng thường gặp khác. Vì lý do này, bác sĩ sẽ cố gắng loại bỏ các nguyên nhân khác.
Để giúp chẩn đoán viêm động mạch tế bào khổng lồ, bạn có thể thực hiện một số hoặc tất cả các xét nghiệm và thủ thuật sau đây:
- Khám thực thể. Ngoài hỏi về các triệu chứng và tiền sử y tế của bạn, bác sĩ sẽ khám kỹ lưỡng, đặc biệt chú ý đến các động mạch thái dương của bạn. Thông thường, một hoặc cả hai bên động mạch này giảm và cứng, giống như sợi dây;
- Các xét nghiệm máu. Nếu bác sĩ nghĩ rằng bạn có thể có bị viêm động mạch tế bào khổng lồ, bạn có khả năng phải xét nghiệm máu để kiểm tra tốc độ lắng máu. Xét nghiệm này đo các tế bào hồng cầu lắng xuống đáy ống máu nhanh chậm ra sao. Các tế bào hồng cầu rơi xuống nhanh có thể chỉ ra tình trạng viêm trong cơ thể của bạn. Bạn cũng có thể xét nghiệm đo C – reactive protein (CRP), một chất do gan của bạn tạo ra khi viêm xảy ra. Các xét nghiệm tương tự có thể được sử dụng để theo dõi sự tiến triển trong thời gian điều trị;
- Sinh thiết. Cách tốt nhất để xác định chẩn đoán viêm động mạch tế bào khổng lồ là lấy một mẫu nhỏ động mạch thái dương (sinh thiết). Thủ thuật được thực hiện tại cơ sở điều trị ngoại trú bằng gây mê tại chỗ, thường ít khó chịu hoặc sẹo. Các mẫu được kiểm tra dưới kính hiển vi ở phòng thí nghiệm.
Xét nghiệm hình ảnh có thể được sử dụng để chẩn đoán viêm động mạch tế bào khổng lồ và theo dõi đáp ứng điều trị. Các xét nghiệm có thể bao gồm:
- Chụp cộng hưởng từ mạch máu (MRA). Xét nghiệm này kết hợp sử dụng chụp cộng hưởng từ (MRI) với việc sử dụng chất tương phản tạo ra các hình ảnh chi tiết của các mạch máu. Cho bác sĩ biết trước nếu bạn bị khó chịu trong một không gian nhỏ hẹp vì xét nghiệm được tiến hành trong một máy hình ống;
- Siêu âm Doppler. Xét nghiệm này sử dụng sóng âm để tạo ra hình ảnh máu chảy qua các mạch máu;
- Chụp cắt lớp phóng xạ positron (PET). Sử dụng chất đánh dấu tiêm tĩnh mạch có chứa một lượng nhỏ chất phóng xạ, chụp PET có thể tạo ra hình ảnh chi tiết của các mạch máu và làm nổi bật các vùng bị viêm.
Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh viêm động mạch tế bào khổng lồ?
Điều trị viêm động mạch tế bào khổng lồ bao gồm thuốc corticosteroid liều cao như prednisone. Bởi vì điều trị ngay lập tức là cần thiết để ngăn ngừa mất thị lực, bác sĩ có thể bắt đầu dùng thuốc ngay cả trước khi xác nhận chẩn đoán bằng sinh thiết.
Bạn có thể sẽ bắt đầu cảm thấy khỏe hơn trong vài ngày kể từ khi bắt đầu điều trị. Trừ khi bạn mất hoàn toàn thị lực, triệu chứng thị giác của bạn sẽ có thể khỏi trong vòng ba tháng.
Bạn có thể cần phải tiếp tục uống thuốc trong một đến hai năm hoặc lâu hơn. Sau tháng đầu tiên, bác sĩ có thể bắt đầu giảm liều dần dần cho đến khi bạn đạt đến liều corticosteroid thấp nhất đủ kiểm soát tình trạng viêm.
Một số triệu chứng đặc biệt là nhức đầu có thể trở lại trong thời gian này. Đây cũng là thời điểm mà nhiều người hình thành các triệu chứng của đau đa cơ do thấp khớp. Các đợt bùng lên như vậy thường có thể được điều trị bằng cách tăng nhẹ liều corticosteroid. Bác sĩ cũng có thể đề nghị một loại thuốc gọi là methotrexate, có thể giúp làm giảm tác dụng phụ của corticosteroid.
Corticosteroid có thể dẫn đến một số tác dụng phụ nghiêm trọng chẳng hạn như loãng xương, cao huyết áp và yếu cơ. Để chống lại những tác dụng phụ có thể, bác sĩ có thể theo dõi mật độ xương của bạn và có thể kê toa bổ sung canxi và vitamin D hoặc các loại thuốc khác để giúp ngăn ngừa mất xương. Bác sĩ cũng có thể theo dõi huyết áp của bạn và có thể đề nghị một chương trình tập thể dục, thay đổi chế độ ăn uống và thuốc men để giữ huyết áp trong phạm vi bình thường. Hầu hết các tác dụng phụ hết khi điều trị corticosteroid giảm liều và ngưng lại.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh viêm động mạch tế bào khổng lồ?
Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng các biện pháp sau đây:
- Có một chế độ ăn uống lành mạnh. Ăn uống tốt cũng có thể giúp ngăn ngừa các vấn đề tiềm tàng chẳng hạn như xương mỏng, huyết áp cao và bệnh tiểu đường. Bạn cần chú trọng các loại trái cây và rau tươi, ngũ cốc nguyên hạt và các loại thịt nạc, cá, trong khi hạn chế muối, đường và rượu. Bạn hãy chắc chắn có đủ lượng canxi và vitamin D. Các chuyên gia khuyên cần cung cấp 1 200 mg canxi hay 800 đơn vị quốc tế (IU) vitamin D mỗi ngày cho phụ nữ trên 50 và nam giới trên 70. Bạn nên đến bác sĩ khám để kiểm tra liều lượng đúng cho bạn;
- Tập thể dục đều đặn. Tập aerobic thường xuyên chẳng hạn như đi bộ có thể giúp ngăn ngừa mất xương, cao huyết áp và bệnh tiểu đường. Thể dục cũng có lợi cho tim và phổi. Ngoài ra, nhiều người thấy rằng tập thể dục cải thiện tâm trạng và cảm xúc hạnh phúc. Nếu bạn chưa từng tập thể dục, hãy bắt đầu từ từ và thực hiện dần dần. Bác sĩ có thể giúp bạn lập kế hoạch một chương trình tập thể dục thích hợp cho bạn;
- Kiểm tra sức khỏe thường xuyên. Bạn nên gặp bác sĩ để kiểm tra tác dụng phụ của điều trị và bất kỳ biến chứng nào;
- Aspirin. Bạn hãy hỏi bác sĩ về việc dùng từ 75 đến 150 mg aspirin hàng ngày. Việc uống hàng ngày, liều thấp aspirin có thể làm giảm nguy cơ mù lòa và đột quỵ.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
Chúng tôi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.