Mang thai là giai đoạn mà người phụ nữ cần phải hết sức chú ý đến sức khỏe của bản thân. Trong giai đoạn này, một số triệu chứng khác thường có thể xuất hiện ở mẹ bầu, trong đó có tình trạng máu chảy từ âm đạo. Hiện tượng này có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân, một trong số đó phải kể đến là tình trạng xuất huyết dưới màng đệm. Tình trạng này thường xảy ra trong tam cá nguyệt thứ nhất của thai kỳ.
Mẹ bầu bị xuất huyết trong lúc mang thai không phải là hiện tượng hiếm gặp. Thế nhưng, bạn cần tìm hiểu rõ ràng nguyên nhân và vị trí bị chảy máu để loại trừ bất kỳ biến chứng có thể xảy ra trong thai kỳ. Một trong những tình trạng mà phụ nữ mang thai (nhất là trong ba tháng đầu thai kỳ) có thể gặp phải là xuất huyết dưới màng đệm hay tụ máu dưới màng đệm.
Nếu bạn lo lắng không biết liệu rằng tình trạng chảy máu này có gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cả mẹ và bé hay không, hãy cùng Chúng tôi tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!
Xuất huyết dưới đệm là tình trạng gì?
Màng đệm là một lớp màng nằm bên ngoài bào thai, ở giữa tử cung và nhau thai. Nếu nhau thai bị bong ra khỏi thành tử cung thì màng đệm sẽ tạo thành một túi trống ở giữa nhau thai và tử cung. Những chuyển động trong quá trình mang thai có thể dẫn đến chảy máu và ứ đọng lại trong màng đệm. Hiện tượng này được gọi là xuất huyết dưới màng đệm hay tụ máu dưới màng đệm.
Kích thước của khối máu tụ có thể nhỏ hoặc lớn. Mức độ xuất huyết nhỏ thường thấy chỉ là các đốm máu, còn khi xuất huyết quá nhiều sẽ gây ra những khối máu tụ lớn hơn và bạn sẽ thấy máu chảy ra từ âm đạo. Thông thường, tình trạng xuất huyết dưới màng đệm không cần can thiệp y khoa và bạn vẫn sẽ khỏe mạnh trong suốt thời gian mang thai.
Xuất huyết dưới màng đệm có phải là tình trạng phổ biến?
Tình trạng này thường được phát hiện thông qua siêu âm, trong tam cá nguyệt thứ nhất. Có khoảng 25 trong số 100 phụ nữ mang thai bị chảy máu âm đạo trong nửa tháng đầu tiên. Những phụ nữ trải qua quá trình thụ tinh trong ống nghiệm dễ bị xuất huyết dưới màng đệm hơn những phụ nữ thu thai bình thường.
Xuất huyết dưới màng đệm khác đốm máu thế nào?
Bạn không nên nhầm lẫn hiện tượng xuất hiện các đốm máu với xuất huyết dưới màng đệm và ngược lại. Khi bạn chỉ nhìn thấy máu dưới dạng một vài đốm nhỏ ở trên quần lót, đó là các đốm máu. Tuy nhiên, xuất huyết dưới màng đệm có thể gây chảy máu nhiều kèm theo cả đốm máu và bạn sẽ cần phải dùng băng vệ sinh hàng ngày. Tình trạng xuất huyết dưới màng đệm có thể khiến bạn bị chảy máu kèm với triệu chứng đau bụng dữ dội và chóng mặt.
Đốm máu thường xuất hiện ở khoảng 15–25% phụ nữ mang thai trong tam cá nguyệt thứ nhất. Một số nguyên nhân có thể gây ra đốm máu là:
- Trứng làm tổ ở tử cung sau khi đã thụ tinh
- Sự mở rộng của tử cung
- Tác động từ việc quan hệ tình dục
- Tăng nồng độ hormone
- Có vấn đề trong cổ tử cung, bao gồm polyp cổ tử cung
- Thủ thuật thăm khám âm đạo
Khi thấy âm đạo có máu chảy ra nhiều và bạn bắt buộc phải dùng băng vệ sinh hàng ngày thì đó có thể là dấu hiệu của một vấn đề khác, chẳng hạn như xuất huyết dưới màng đệm. Đôi khi, triệu chứng chảy máu âm đạo chính là dấu hiệu đầu tiên và duy nhất của tình trạng này. Trong trường hợp đó, bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm để xác định được nguyên nhân gây chảy máu.
Xuất huyết dưới màng đệm có gây ảnh hưởng đến thai nhi không?
Trong hầu hết các trường hợp bị tụ máu dưới màng đệm, cơ thể có khả năng tự xử lý và hồi phục. Nếu tình trạng xuất huyết xảy ra vào cuối tam cá nguyệt thứ nhất hoặc đầu tam cá nguyệt thứ hai thì có thể gây bong từng phần nhau thai ra khỏi thành tử cung. Các khối máu tụ dưới màng đệm lớn có khi sẽ tách hơn 40% nhau thai ra khỏi nội mạc tử cung. Sau đó, chúng có thể gia tăng kích thước và gây áp lực lên trên khu vực thai đang phát triển, phá vỡ màng ngoài bào thai dẫn đến hư thai.
Tình trạng tụ máu dưới màng đệm nếu xảy ra ở bên dưới và phần rìa của nhau thai hoặc ở phía sau một khu vực tách biệt của màng ngoài bào thai thì cần được theo dõi cẩn thận hơn. Khi khối máu tụ trong tử cung quá lớn có thể gây hạn chế sự phát triển của thai nhi cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ.
Những rủi ro và biến chứng khi bị xuất huyết dưới màng đệm
Đa phần các trường hợp xuất huyết dưới màng đệm thể nhẹ sẽ không gây ra nguy hại cho phụ nữ mang thai. Trong một vài trường hợp thì các rủi ro vẫn có nguy cơ xảy ra, nhất là khi bạn bị xuất huyết nặng:
- Nhau thai bị tách ra khỏi thành tử cung, làm tăng nguy cơ sinh non
- Tiềm ẩn nguy cơ gây sẩy thai
- Có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của thai nhi và người mẹ
Bạn nên làm gì khi bị xuất chuyết dưới màng đệm?
Nếu bạn bị chảy máu ở âm đạo, hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán nguyên nhân dẫn đến tình trạng này và có hướng điều trị kịp thời. Nếu bạn được chẩn đoán bị tụ máu dưới màng đệm thì nên tuân theo hướng dẫn điều trị từ bác sĩ để phòng ngừa nguy cơ sẩy thai. Những lựa chọn trong điều trị cho tình trạng này bao gồm progesteron hoặc dydrogesteron.
Trường hợp khối máu tụ dưới màng đệm có kích thước lớn, tốt nhất bạn nên:
- Nằm nghỉ ngơi trên giường
- Tránh đứng trong một thời gian dài
- Tránh quan hệ tình dục
- Tránh tập thể dục hoặc vận động mạnh.
Khi nào nên đến gặp bác sĩ?
Đôi khi tình trạng xuất huyết chỉ biểu hiện thông quan các triệu chứng nhẹ và thường bị bỏ qua. Tuy nhiên, bạn nên đến gặp bác sĩ sản khoa định kỳ 2 tuần/ lần trong ba tháng đầu thai kỳ để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời. Nếu thấy hiện tượng chảy máu từ âm đạo hoặc có đốm máu trên quần lót, hãy hỏi bác sĩ để được kiểm tra và hướng dẫn điều trị ngay lập tức.
Hãy nhớ, trong một số trường hợp xuất huyết nặng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của thai nhi nếu không được chẩn đoán kịp thời. Các trường hợp bị chảy máu trong lúc mang thai đều cần được tư vấn từ bác sĩ phụ khoa. Bên cạnh đó, khi được chẩn đoán bị xuất huyết dưới màng đệm, các mẹ bầu nên tuân thủ theo những lời khuyên của bác sĩ để ngăn ngừa nguy cơ sẩy thai.
Phương Quỳnh/HELLO BACSI