Du lịch khi bị tiểu đường tưởng chừng như sẽ gây ra nhiều khó khăn, trở ngại nhưng nếu bạn chuẩn bị kỹ lưỡng một chút, chuyến đi vẫn sẽ suôn sẻ và trọn vẹn niềm vui.
Ngoài việc lên kế hoạch nơi ở và kiểm tra thời tiết tại điểm đến như bình thường, bạn cần chuẩn bị thêm kế hoạch điều trị tiểu đường khi đi du lịch nhằm giữ cho lượng đường trong máu luôn ở mức kiểm soát.
Trước chuyến đi
- Bạn hãy bàn bạc với bác sĩ về kế hoạch du lịch sắp tới. Đặc biệt nếu bạn đến những nơi có các múi giờ khác nhau, hãy hỏi bác sĩ cách điều chỉnh liều và thời gian sử dụng insulin hợp lý.
- Để trả lời cho thắc mắc liệu bạn có cần các bữa ăn “đặc biệt” khi điều trị tiểu đường không, hãy hỏi thăm các hãng hàng không, khách sạn, hoặc tàu du lịch để điều chỉnh chế độ ăn kiêng của bản thân.
- Nếu bạn đang di chuyển đến đất nước khác, hãy kiểm tra liệu bạn có cần tiêm chủng trước khi lên đường hay chưa. Bạn nên lên kế hoạch tiêm ngừa khoảng 3-4 tuần trước chuyến đi. Một số mũi tiêm có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu, vì vậy hãy trao đổi với bác sĩ trước khi thực hiện.
- Bạn nên tìm hiểu một số cụm từ nói về bệnh tiểu đường cụ thể trong ngôn ngữ địa phương dành cho các trường hợp cần thiết, chẳng hạn như “Tôi có bệnh tiểu đường” và “Tôi không cần dùng đường”.
- Bạn cũng có thể tìm hiểu các trung tâm chăm sóc sức khỏe tại địa điểm sắp tới. Nhưng hãy nhớ, tự giữ gìn sức khỏe là quan trọng nhất.
Bạn nên mang theo những gì nếu muốn du lịch khi bị tiểu đường?
Trong túi hoặc hành lý của bạn cần có:
- Xác nhận y tế về việc bạn mắc bệnh tiểu đường.
- Một mảnh giấy hoặc thẻ với tên và số điện thoại của bác sĩ.
- Một danh sách của tất cả các loại thuốc đã và đang dùng.
- Thuốc theo toa, ống chích, hít miệng và hộp thuốc, và dụng cụ đo đường huyết. Bạn nên giữ chúng trong hành lý xách tay để tiện sử dụng.
- Các thuốc điều trị với liều lượng đủ dùng trong một tuần.
- Kẹo hoặc nước trái cây đề phòng lúc bị tụt đường huyết.
Khi làm thủ tục hải quan ở sân bay
- Hãy thông báo với bộ phận an ninh biết rằng bạn có bệnh tiểu đường và có đem theo dụng cụ y tế. Bạn có thể mang thuốc lên máy bay với điều kiện thuốc có đơn và nhãn sản xuất rõ ràng.
- Bạn cũng có thể mang theo ống tiêm nếu sử dụng insulin.
- Nếu bạn có đeo máy bơm insulin, hãy nhớ báo với nhân viên an ninh trước. Họ có thể sẽ kiểm tra đồng hồ đo nhưng hãy yêu cầu họ đừng tháo bỏ nó.
Mang theo insulin đi du lịch khi bị tiểu đường
- Nếu bạn cần tiêm insulin trong một chuyến bay, hãy làm theo quy trình bình thường hằng ngày.
- Bạn cần bảo quản lọ đựng thuốc insulin ở khoảng 0,5–26ºC, không nên đông lạnh insulin hoặc để thuốc tiếp xúc ánh nắng mặt trời trực tiếp. Khi mở bao bì thuốc insulin, bạn có thể giữ nó ở nhiệt độ phòng trong 10 ngày.
Chăm sóc cho bàn chân khi mắc bệnh tiểu đường
- Bạn cần giữ cho bàn chân thoải mái, mang theo giày, vớ mềm mại và một túi y tế du lịch để điều trị chấn thương nhỏ ở chân (nếu có).
- Hãy mang ít nhất hai đôi giày để bạn có thể thay đổi thường xuyên. Điều này có thể giúp bạn tránh được sưng chân và đau gót.
- Bạn không nên đi chân đất trên hồ bơi hay bờ hồ.
- Bạn cần tránh mang giày hở mũi như sandal hoặc dép xỏ ngón, không để ngón chân tiếp xúc với mặt đất vì điều này sẽ tạo cơ hội cho các vết thương và nhiễm trùng xảy ra ở bàn chân.
- Nhớ thực hiện theo thói quen chăm sóc bàn chân hàng ngày khi du lịch như rửa chân, lau khô giữa các ngón chân, dưỡng ẩm, và lưu ý các vấn đề như vết nứt hoặc đau nhức.
- Nếu có bất kỳ vấn đề gì xảy ra, bạn cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.
Ăn uống có kế hoạch trong lúc du lịch khi bị tiểu đường
- Những người bệnh tiểu đường cần duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh. Tuy nhiên, thực phẩm có sẵn trên các chuyến bay dài thường không đáp ứng yêu cầu và đôi khi không đủ để no. Khi đặt chuyến đi, nhiều hãng xe/hãng hàng không sẽ cung cấp lựa chọn một bữa ăn phù hợp với tình trạng sức khỏe khách hàng. Tuy nhiên, nếu bạn không được lựa chọn, hãy gọi đến hãng để thảo luận và tìm cách giải quyết vấn đề này.
- Bạn có thể yêu cầu một bữa ăn dành cho người bệnh tiểu đường hoặc dùng bữa ăn chay. Nhiều hãng xe/ hàng không sẽ cung cấp những bữa ăn tốt cho sức khỏe tim mạch hoặc có lượng natri thấp.
- Nếu không muốn dùng bữa trên máy bay, hãy mua đồ ăn nhẹ tại sân bay. Bạn nên mua các loại hạt, trái cây, sữa chua, bánh mì sandwich, và salad. Nếu bạn không mang theo glucose để điều trị tụt đường huyết, nên thủ sẵn kẹo, nước ngọt, hoặc nước trái cây bên mình.
Mang theo hồ sơ bệnh án/giấy chứng nhận của bệnh viện
Việc thông qua cửa an ninh sân bay sẽ nhanh hơn nếu bạn lên kế hoạch trước bằng cách mang theo hồ sơ bệnh án về bệnh tiểu đường, nhu cầu sử dụng insulin, ống tiêm, dụng cụ y tế và các vật tư khác. Bạn nhớ mang theo lọ thuốc còn nhãn dán và lọ insulin. Bạn sẽ tốn ít thời gian giải thích tại sao bạn lại gắn máy bơm insulin trong người và tại sao phải kiểm soát đường huyết liên tục.
Điều chỉnh việc sử dụng insulin
Lệch múi giờ đem lại nhiều khó khăn cho người có bệnh tiểu đường vì nó đòi hỏi phải điều chỉnh liều tiêm insulin. Đó là lý do tại sao bạn nên đề cập đến chuyến đi sắp tới với bác sĩ ít nhất một tháng trước khi rời đi. Bác sĩ sẽ giúp lên kế hoạch thay đổi cho chế độ dùng insulin. Bạn có thể cần liều nhiều hơn hoặc ít insulin, phụ thuộc vào cuộc hành trình của bạn.
Gói hành lý cẩn thận
Cách an toàn nhất để bảo vệ dụng cụ y tế của bạn là giữ chúng bên mình trong khi bay. Nếu bạn có kế hoạch để đồ ở khoang hành lý phía trên chỗ ngồi, hãy giữ một túi nhỏ bên dưới chỗ ngồi ở phía trước, để bạn dễ dàng sử dụng đồng hồ đo, ống tiêm insulin, đồ ăn nhẹ, và glucose.
Thông báo về bệnh tiểu đường với tiếp viên hàng không
Nếu bạn đang đi du lịch một mình, đừng quên thông báo với tiếp viên về bệnh tiểu đường của mình để đề phòng trường hợp khẩn cấp xảy ra. Hãy nhớ báo cho một tiếp viên hàng không khi lên máy bay về tình trạng bệnh, không cần quá chi tiết nhưng để cho họ biết rằng bạn có thể cần soda hoặc nước trái cây khi hạ đường huyết.
Ngắt kết nối máy bơm
Bạn cần ngắt kết nối từ máy bơm một thời gian ngắn khi cất cánh và hạ cánh. Khi máy bay đã đạt độ cao an toàn, bạn có thể kết nối lại. Trước khi kết nối lại máy bơm sau khi cất cánh và hạ cánh, bạn hãy kiểm tra xem có bong bóng gây ra bởi sự thay đổi độ cao không và hỉnh lại bơm nếu cần thiết, vì bong bóng có thể cản trở đường lưu thông của thuốc vào cơ thể.
Đi du lịch khi đang mắc phải một căn bệnh mạn tính chưa bao giờ là điều dễ dàng, nhất là với người bệnh tiểu đường nặng. Hy vọng những thông tin trên đây sẽ giúp bạn có chuyến đi suôn sẻ hơn.