Đau bàn chân khi chạy bộ là tình trạng rất phổ biến và thường ảnh hưởng một hoặc nhiều phần bàn chân cùng lúc. Việc hiểu rõ các nguyên nhân gây ra cơn đau sẽ giúp bạn phòng tránh và điều trị tình trạng này hiệu quả.
Đau bàn chân khi chạy bộ là tình trạng rất phổ biến sau khi bạn chạy trong một khoảng thời gian nhất định. Ngay cả một đôi giày tốt cũng không thể giúp bạn tránh khỏi cơn đau nhức trong khi chạy với cường độ cao. Đau nhức có thể xảy ra ở các phần khác nhau của bàn chân và cơn đau có thể gây rắc rối cho bạn trong cuộc sống hàng ngày nếu không được điều trị. Hiểu rõ về tình trạng này sẽ giúp bạn phòng tránh được đau chân khi chạy bộ.
Nguyên nhân nào gây đau bàn chân khi chạy bộ?
Một số lý do nhất định gây đau bàn chân bao gồm:
- Giày dép hoặc vớ không phù hợp
- Dây buộc giày quá chặt
- Khởi động ít
- Cơ bắp quá mệt mỏi
- Đột nhiên tăng khoảng cách chạy
Những phần nào của bàn chân có thể bị ảnh hưởng?
Cơn đau có thể xuất hiện ở một hoặc nhiều phần của bàn chân cùng một lúc, bao gồm:
- Vòm và gót chân
- Ngón chân
- Móng chân
- Đầu bàn chân
- Mặt trước của bàn chân
- Mặt bên bàn chân
- Gan bàn chân
Cách điều trị đau bàn chân khi chạy bộ
Bạn có thể tự điều trị tại nhà bằng các phương pháp sau:
- Nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi là một trong những biện pháp tốt nhất. Thời gian nghỉ ngơi khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của đau nhức. Nghỉ ngơi có nghĩa là bạn sẽ phải tránh đứng hoặc chạy càng nhiều càng tốt. Ngoài ra, bạn hãy bảo đảm nghỉ ngơi đủ sau khi chạy, trước khi đứng hoặc đi bộ.
- Nâng cao chân. Nếu chân bạn bị sưng, hãy cố gắng giữ chúng ở cao hơn vùng chậu để tăng lưu lượng máu.
- Chườm nước đá. Bước tiếp theo sau khi nâng cao chân là đặt túi nước đá lên khu vực bị ảnh hưởng. Bạn có thể quấn túi nước đá trong một chiếc khăn hoặc mang vớ nếu nó quá lạnh. Điều này không chỉ giúp giảm đau nhức chân mà còn ngăn ngừa hoặc giảm sưng.
- Ngâm chân. Ngâm chân ngay sau khi chạy hoặc bất cứ lúc nào bàn chân bị đau có thể hữu ích. Nhiệt độ của nước tùy thuộc vào bạn. Bạn có thể muốn ngâm chân trong nước ấm và nóng để thư giãn cơ bắp hoặc trong bồn tắm lạnh giúp giảm đau và giảm áp lực giống như chườm nước đá. Bạn cũng có thể thêm muối và dầu để làm dịu da chân. Thời gian mỗi lần ngâm chân nên kéo dài ít nhất 10 phút để có kết quả tốt nhất.
Tuy nhiên, nếu cơn đau không hết hoặc trở nên nghiêm trọng hơn sau vài ngày điều trị tại nhà, bạn cần phải đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác và điều trị tốt nhất.
Phòng ngừa đau bàn chân khi chạy bộ
Dưới đây là một số mẹo hữu ích giúp bạn giảm nguy cơ bị đau bàn chân khi chạy bộ:
- Kéo giãn trước khi chạy.
- Chọn giày và vớ thích hợp cho việc chạy.
- Tránh buộc dây giày quá chặt.
- Nếu cơ bắp quá mệt mỏi, hãy dừng lại để nghỉ ngơi hoặc nghỉ ngơi trước khi tiếp tục.
- Thay đổi khoảng cách chạy một cách nhẹ nhàng và từ từ.
Chúng tôi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.