Sau khi được chẩn đoán suy tim, người bệnh cần phải tuân thủ theo phác đồ điều trị mà bác sĩ đưa ra. Trong đó, các thuốc điều trị suy tim đóng vai trò chủ yếu giúp kéo dài thời sống và cải thiện các triệu chứng bệnh.
Người bệnh suy tim có thể cần sử dụng rất nhiều loại thuốc. Mỗi người sẽ cần điều trị những triệu chứng hoặc các yếu tố gây bệnh khác nhau và đi cùng với những quy tắc riêng biệt.
Do đó, bạn cần hỏi bác sĩ cẩn thận về đặc điểm của từng loại thuốc cũng như liều lượng, cách dùng để điều trị tình trạng của chính bản thân hay những người thân yêu.
Sau đây, Chúng tôi sẽ giới thiệu một số thuốc điều trị suy tim thường gặp hiện nay để bạn có thêm thông tin khi sử dụng chúng.
Các thuốc điều trị suy tim hiện nay
Khi sử dụng các thuốc điều trị suy tim, điều quan trọng nhất là bạn phải uống thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ để mang lại hiệu quả tốt nhất. Điều trị bằng thuốc sẽ giúp kéo dài thời gian sống và cải thiện chức năng của tim.
Hãy nhớ, bạn không được tự ý ngưng dùng thuốc đột ngột hoặc thay đổi số lần dùng thuốc mà không hỏi ý kiến từ bác sĩ trước đó.
Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE)
Nhóm thuốc này có tác dụng ức chế men chuyển (enzyme) angiotensin, ngăn chặn quá trình chuyển đổi angiotensin I thành angiotensin II. Từ đó, sự bài tiết aldosterone sẽ giảm thấp xuống. Người bệnh sử dụng các thuốc ACE sẽ làm tăng tỷ lệ sống, cải thiện các triệu chứng và giảm tình trạng tái nhập viện.
Các thuốc thuộc nhóm ức chế men chuyển angiotensin thường có đuôi “-pril” trong tên hoạt chất, bao gồm:
- Captopril
- Enalapril
- Fosinopril
- Lisinopril
- Perindopril
- Quinapril
- Ramipril
- Trandolapril
Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (ARB)
Nhóm thuốc này là lựa chọn đầu tay cho người bệnh có triệu chứng suy tim nhẹ đến trung bình và rối loạn chức năng tâm thất trái khi đã dùng các hoạt chất này cho những chỉ định khác. Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II ngăn chặn hoạt động của hệ renin-angiotensin-aldosterone bằng cách ức chế cạnh tranh với thụ thể AT1. Do đó, giảm gánh nặng cho tim và bảo vệ tâm thất trái.
Các thuốc ARB thường được kê đơn với thành phần dược chất có đuôi “-sartan”, như:
- Candesartan
- Losartan
- Valsartan
Thuốc ức chế thụ thể angiotensin-neprilysin (ARNI)
Đây là nhóm thuốc mới kết hợp của một chất ức chế neprilysin và một chất ức chế thụ thể angiotensin II (ARB). Sự phối hợp này đã được chứng minh là làm giảm đáng kể nguy cơ tử vong do tim mạch và nhập viện ở những người bị suy tim mạn tính.
Thuốc ARNI gồm có:
- Sacubitril + valsartan
Thuốc chẹn kênh If
Nhóm thuốc chẹn kênh If giúp làm giảm nhịp tim, tương tự như nhóm thuốc chẹn beta. Nhóm thuốc này cũng được chứng minh là làm giảm nguy cơ nhập viện.
- Ivabradine
Thuốc chẹn beta (Beta blocker)
Thuốc chẹn beta ức chế hệ thần kinh giao cảm và ngăn chặn hoạt động co mạch của alpha1-adrenergic. Những hoạt chất này giúp giảm cả hậu tải và tiền tải của tim. Ngoài làm giảm tỷ lệ tử vong, thuốc chẹn beta cũng giúp giảm nhập viện cùng nguy cơ tử vong đột ngột, cải thiện chức năng của tâm thất trái.
Các thuốc chẹn beta gồm những hoạt chất với tên có đuôi -”lol”:
- Bisoprolol
- Metoprolol
- Carvedilol
Thuốc đối kháng aldosterone
Thuốc đối kháng aldosterone có tác dụng ngăn chặn những ảnh hưởng của hormone aldosterone, từ đó giảm viêm ở cơ tim và mạch máu cũng như giảm sản xuất collagen. Sau đó, chúng ngăn chặn quá trình tự chết theo chương trình của tế bào (apotosis) xảy ra, giảm kích thích hệ renin-angiotensin-aldosterone và hệ thần kinh giao cảm. Đồng thời, tác nhân này hoạt động như một chất ổn định màng, ngăn ngừa rối loạn nhịp tim.
Các chuyên gia khuyến nghị sử dụng thuốc đối kháng aldosterone cho những người bệnh suy tim từ vừa đến nặng và giảm chức năng tâm thu thất trái.
Các hoạt chất trong nhóm này gồm:
- Spironolactone
- Aplerenone
Thuốc lợi tiểu
Nhóm thuốc gồm nhiều hoạt chất có cơ chế tác dụng khác nhau nhưng nhìn chung thì chúng giúp:
- Cơ thể đào thải bớt dịch và natri dư thừa thông qua nước tiểu
- Giảm bớt gánh nặng cho tim
- Giảm sự tích tụ dịch trong phổi và các bộ phận khác như bàn chân, mắt cá chân…
Những loại thuốc lợi tiểu khác nhau sẽ thải trừ dịch ở mức độ khác nhau với những cơ chế riêng biệt.
Thuốc lợi tiểu bao gồm các thuốc:
- Furosemide
- Bumetanide
- Torsemide
- Chlorothiazide
- Amiloride
- Hydrochlorothiazide
- Indapamide
- Metolazone
- Triamterene
Một số thuốc kê đơn khác
Bác sĩ cũng có thể kê một vài loại thuốc ít phổ biến hơn tùy thuộc vào vấn đề sức khỏe hiện tại của người bệnh. Những loại thuốc đó có thể là:
- Thuốc chống đông máu. Nhóm thuốc này thường được chỉ định khi bạn bị suy tim đi kèm rung tâm nhĩ hoặc có vấn đề khác ở tim. Lưu ý, thuốc chống đông máu không sử dụng để điều trị suy tim không kèm rung nhĩ.
- Thuốc hạ cholesterol (nhóm statin). Bác sĩ đôi khi kê thêm các thuốc nhóm statin nếu bạn bị cholesterol cao hoặc từng trải qua cơn đau tim. Nhóm thuốc này thực ra không dùng để điều trị suy tim nhưng được chỉ định vì những vấn đề sức khỏe khác.
- Digoxin. Một vài người bệnh sẽ cần sử dụng thêm thuốc này để cải thiện triệu chứng và tăng thêm sức mạnh cho cơ tim.
Sau đây là bảng tóm tắt các nhóm thuốc thường dùng điều trị suy tim và tác dụng chính cũng như tác dụng không muốn của từng nhóm:
Nhóm thuốc | Các thuốc tiêu biểu | Tác dụng chính | Tác dụng không mong muốn |
Thuốc ức chế men chuyển (ACE) | Benazepril Captopril Cilazapril Enalapril Fosinopril Lisinopril Perindopril Quinapril Ramipril Trandolapril | – Giãn nở mạch máu – Cải thiện chức năng tim – Cải thiện các triệu chứng suy tim – Kéo dài thời gian sống, giảm nguy cơ nhập viện và đau tim | – Ho khan – Chóng mặt, choáng váng – Tăng nồng độ kali trong máu – Sưng môi/mặt/cổ họng (hiếm gặp) |
Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (ARB) | Azilsartan Candesartan Eprosartan Irbesartan Losartan Olmesartan Telmisartan Valsartan | – Chóng mặt, choáng váng – Đau đầu – Tăng nồng độ kali máu | |
Thuốc ức chế thụ thể angiotensin-neprilysin (ARNI) | Sacubitril + valsartan | – Giãn nở mạch máu – Đào thải bớt muối và nước – Kéo dài thời gian sống, giảm nguy cơ nhập viện vì suy tim – Thay thế cho nhóm thuốc ức chế men chuyển | – Chóng mặt – Ho khan – Tăng nồng độ kali máu – Sưng môi/mặt/cổ họng (hiếm gặp) |
Thuốc chẹn beta (Beta blocker) | Bisoprolol Carvedilol Metoprolol | – Cải thiện các triệu chứng – Kéo dài thời gian sống và giảm nguy cơ nhập viện – Hạ huyết áp và giảm nhịp tim | – Mệt mỏi – Chóng mặt, choáng váng – Khò khè |
Thuốc lợi tiểu | Bumetanide Ethacrynic Furosemide Hydrochlorothiazide Indapamide Metolazone | – Đào thải nước ra khỏi cơ thể bằng cách tăng sản xuất nước tiểu – Giảm sưng phù ở chân, mắt cá chân và bụng – Giúp dễ thở hơn | – Chóng mặt, choáng váng – Hạ nồng độ kali máu – Gout – Cảm thấy khát và khô miệng |
Thuốc đối kháng aldosterone | Eperenone Spironolactone | – Cải thiện các triệu chứng – Kéo dài thời gian sống và giảm nguy cơ nhập viện | – Tăng nồng độ kali máu – Tăng sinh tuyến vú/vú to ở nam (spironolactone) |
Thuốc chẹn kênh If | Ivabradine | – Làm chậm nhịp tim – Kéo dài thời gian sống và giảm nguy cơ nhập viện | – Nhạy cảm với ánh sáng – Nhìn mờ – Chóng mặt – Đau đầu – Huyết áp cao |
Digitalis | Digoxin | – Tăng cường sức mạnh cho cơ tim – Cải thiện triệu chứng – Giảm nguy cơ nhập viện – Làm chậm nhịp tim trong rung nhĩ | – Buồn nôn/nôn |
Thuốc ức chế men khử HMG-CoA | Atorvastatin Fluvastatin Lovastatin Pravastatin Rosuvastatin Simvastatin | – Giảm mức cholesterol xấu LDL – Giảm nguy cơ bị đau tim trong tương lai | – Táo bón, đầy hơi – Khó tiêu – Giảm nhẹ chức năng gan – Đau cơ (nên thông báo với bác sĩ nếu gặp phải) |
Một số chế phẩm có thể kết hợp sẵn các hợp chất với nhau, ví dụ như perindopril + indapamide, candesartan + hydrochlorothiazide, spironolactone + hydrochlorothiazide… Nếu các thuốc bạn đang sử dụng không có trong danh sách liệt kê ở trên, hãy hỏi thêm thông tin từ bác sĩ điều trị.
Một số lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị suy tim
Khi nhận được đơn thuốc điều trị từ bác sĩ, bạn nên chú ý đến những thông tin sau:
- Tên hoạt chất và tên biệt dược của các thuốc sử dụng
- Tác dụng của từng loại thuốc
- Liều lượng và cách dùng, thời gian dùng mỗi thuốc
Bên cạnh đó, bạn cũng nên hỏi bác sĩ những tác dụng không mong muốn có nguy cơ gặp phải và cách xử lý khi có những biểu hiện bất thường sau khi dùng thuốc.
Bạn nên sử dụng cùng một biệt dược của cùng một hoạt chất trong suốt quá trình điều trị để dễ dàng đánh giá hiệu quả trị liệu. Quan trọng nhất là bạn phải tuân thủ theo hướng dẫn sử dụng thuốc của bác sĩ và luôn tái khám đúng hẹn, đừng để gián đoạn quá trình điều trị.
Để nhớ uống thuốc đủ liều lượng trong ngày, bạn có thể thử một vài mẹo sau:
- Uống vào cùng một thời điểm mỗi ngày
- Tạo thói quen uống thuốc gắn liền với các hoạt động thường ngày, như bữa ăn, giờ đi ngủ, đánh răng…
- Sử dụng hộp thuốc phân liều với các ngăn riêng biệt cho từng thời điểm trong ngày
- Cài đặt nhắc nhở thông qua các ứng dụng trên điện thoại
Nếu bạn muốn sử dụng thêm bất kỳ thực phẩm chức năng để bổ sung vitamin hay các thảo dược, kể cả thuốc không kê đơn thì hãy liệt kê danh sách những thuốc đang dùng và đến hỏi bác sĩ. Một số chất trong các thuốc có thể gây tương tác với nhau gây ra nhiều tác dụng phụ hoặc gây ảnh hưởng đến tình trạng bệnh đang có.
Ví dụ, các thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) như ibuprofen, naproxen có thể khiến các triệu chứng trầm trọng hơn hoặc làm giảm hiệu quả của các thuốc kê đơn khác.
Khi bảo quản thuốc, bạn nên chú ý không để thuốc ở những nơi quá nóng hay ẩm vì có thể làm cho các thành phần hoạt chất hay tá dược bị biến đổi, ảnh hưởng đến chất lượng thuốc.
Hy vọng qua bài viết trên, bạn đã hiểu thêm về các loại thuốc điều trị suy tim đang được sử dụng hiện nay. Để tìm hiểu rõ hơn, bạn có thể tra cứu thông tin của từng loại thuốc hoặc nhờ bác sĩ hay dược sĩ tư vấn chi tiết.