Phẫu thuật sa trực tràng là một thủ thuật để chữa trị tình trạng phần cuối của ruột già (trực tràng) kéo dài và dư ra ngoài hậu môn, còn gọi là sa trực tràng. Khi đó phẫu thuật sẽ giúp cắt bỏ bớt trực tràng và đặt nó về vị trí cũ.
Bác sĩ phẫu thuật sau khi xem xét tình trạng và sức khỏe tổng thể sẽ đề xuất một trong các phẫu thuật sa trực tràng phù hợp với bạn.
Người bệnh thường quyết định phẫu thuật sa trực tràng khi gặp phải quá nhiều rắc rối từ các triệu chứng bệnh mạn tính như rò rỉ phân, không có khả năng kiểm soát nhu động ruột (đại tiện không tự chủ) hoặc tắc nghẽn ruột. Những vấn đề trên xảy ra phổ biến ở phụ nữ lớn tuổi.
Chuẩn bị trước khi phẫu thuật sa trực tràng
Để chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn:
- Vệ sinh cá nhân bằng xà phòng đặc biệt: Trước khi phẫu thuật, bạn sẽ được yêu cầu tắm bằng xà phòng sát trùng để giúp ngăn ngừa vi khuẩn trên da gây nhiễm trùng sau phẫu thuật.
- Ngừng dùng một số loại thuốc: Tùy thuộc vào thủ thuật tiến hành, bạn có thể được yêu cầu ngừng sử dụng một số loại thuốc.
Sau khi phẫu thuật sa trực tràng, bạn có thể nằm viện để theo dõi thêm nhiều ngày. Để cảm thấy thoải mái trong quá trình hồi sức, bạn nên chuẩn bị một số vật dụng như:
- Đồ dùng cá nhân như bàn chải đánh răng, khăn mặt, lược, dao cạo râu…
- Quần áo, giày dép thoải mái
- Một số vật dụng giúp giải trí như sách, máy chơi game…
Phẫu thuật sa trực tràng
Phẫu thuật này giúp cắt bỏ phần trực tràng dư thừa, có thể được thực hiện qua một vết mổ lớn (phẫu thuật mở) ở vùng bụng dưới hoặc dùng phương pháp nội soi qua khu vực quanh hậu môn (đáy chậu).
Bác sĩ sẽ lựa chọn gây mê toàn thân khiến bạn giống như đang ngủ say; gây mê cột sống làm toàn bộ nửa thân dưới tê liệt hoặc gây tê cục bộ kết hợp với thuốc giãn cơ để làm tê vùng quanh hậu môn tùy từng trường hợp phẫu thuật.
Ngoài ra, các yếu tố như tuổi tác, vấn đề sức khỏe khác, kinh nghiệm chuyên môn của bác sĩ cũng ảnh hưởng đến loại phẫu thuật sa trực tràng mà bạn sẽ được tiến hành. Không có phương pháp nào được xem là tốt toàn diện, vậy nên bạn cần thảo luận cẩn thận với bác sĩ để lựa chọn thủ thuật phù hợp.
Các loại phẫu thuật sa trực tràng:
- Điều chỉnh sa trực tràng qua ổ bụng: bác sĩ tiến hành rạch một vết mổ ở bụng rồi kéo trực tràng trở lại vị trí cũ. Sau đó, trực tràng được cố định tại xương chậu nhờ vào chỉ khâu y khoa. Trong một số trường hợp như bạn bị táo bón kéo dài, bác sĩ sẽ cắt bớt một phần đại tràng trong khi phẫu thuật.
- Phẫu thuật nội soi trực tràng: cũng được thực hiện ở ổ bụng nhưng vết mổ nhỏ hơn. Bác sĩ sẽ luồn ống nội soi có gắn một camera nhỏ ở đầu qua vết mổ vào bên trong để phẫu thuật sa trực tràng. Hiện nay, phương pháp này còn có thể được thực hiện nhờ vào cánh tay robot.
- Chữa trị sa trực tràng ở khu vực quanh hậu môn (cắt phần trực tràng thừa ở hậu môn): đây còn gọi là thủ thuật Altemeier, bác sĩ sẽ kéo trực tràng qua hậu môn rồi loại bỏ một phần trực tràng và đại tràng xích ma. Sau đó, phần trực tràng còn lại được gắn vào đại tràng. Phương pháp này sử dụng cho những người bệnh không đáp ứng được phẫu thuật mở hay nội soi.
- Một phương pháp khác để điều trị sa trực tràng thông qua đáy chậu (thủ thuật Delorme) thường được thực hiện cho các tình trạng trực tràng bị sa ngắn. Lớp lót của trực tràng được loại bỏ và gấp lớp cơ lại để rút ngắn trực tràng.
Nếu sa trực tràng kèm theo một số tình trạng khác, chẳng hạn như sa tử cung hoặc sa cơ quan vùng chậu, bạn có thể phải điều trị cả hai trong phẫu thuật.
Sau khi phẫu thuật sa trực tràng
Bạn cần nằm lại bệnh viện một thời gian để phục hồi lại chức năng đường ruột. Đầu tiên, bạn sẽ ăn uống các chất dinh dưỡng ở dạng lỏng trước khi chuyển sang thực phẩm rắn như bình thường.
Bạn cũng nên uống nhiều nước, sử dụng chất làm mềm phân và ăn nhiều chất xơ trong vài tuần sau phẫu thuật để tránh táo bón và căng thẳng quá mức, có thể dẫn đến tái phát bệnh sa trực tràng. Hầu hết mọi người có thể trở lại hoạt động bình thường trong vòng 4–6 tuần sau khi phẫu thuật.
Một số người bệnh còn yêu cầu được thực hiện vật lý trị liệu để lấy lại khả năng hoạt động của các cơ chậu.
Rủi ro khi phẫu thuật sa trực tràng
Phẫu thuật cắt bỏ trực tràng có thể mang lại một số rủi ro khác nhau, tùy vào kỹ thuật phẫu thuật:
- Chảy máu
- Tắc ruột
- Tổn thương tại gần vị trí phẫu thuật như dây thần kinh hoặc các cơ quan xung quanh
- Thu hẹp hậu môn
- Nhiễm trùng
- Xuất hiện lỗ rò (một lỗ kết nối bất thường giữa hai bộ phận cơ thể như trực tràng và âm đạo)
- Tái phát sa trực tràng
- Bị táo bón hoặc làm tình trạng táo bón tệ hơn
Kết quả
Đa số người bệnh nhận thấy phẫu thuật sa trực tràng làm giảm các triệu chứng và cải thiện tình trạng đại tiện không tự chủ và táo bón. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, táo bón có thể trở nên tồi tệ hơn hoặc trở thành vấn đề mà trước đó không có. Nếu bạn bị táo bón trước khi phẫu thuật, hãy nói chuyện với bác sĩ về những cách làm giảm tình trạng này.
Tái phát sa trực tràng sau phẫu thuật xảy ra ở khoảng 2–5% số người bệnh. Vấn đề này phổ biến hơn ở những người tiến hành thủ thuật ở đáy chậu so với phẫu thuật vùng bụng.