Bệnh dịch tả (hay còn gọi là bệnh tả) là bệnh nhiễm trùng đường ruột cấp tính do vi khuẩn vibrio cholera gây ra. Triệu chứng ban đầu thường khiến chúng ta nhầm lẫn với tiêu chảy thông thường. Hiện nay, nó hiếm khi xuất hiện ở các nước phát triển mà chỉ phổ biến ở các quốc gia châu Phi, Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam), những vùng lãnh thổ khan hiếm nguồn nước sạch và điều kiện vệ sinh kém.
Bệnh chỉ được xác định và chẩn đoán chính xác khi có kết quả xét nghiệm từ mẫu phân của bệnh nhân. Bệnh dịch tả có khả năng gây chết người trong vài giờ nhưng bệnh có thể phòng ngừa và điều trị khỏi. Việc có những hiểu biết cơ bản về căn bệnh này sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc phòng bệnh và chăm sóc bệnh nhân dịch tả
Những triệu chứng thường gặp của bệnh dịch tả
Vi khuẩn gây bệnh có thể trú ẩn 10 ngày trong cơ thể người bệnh. Tuy nhiên, người nhiễm bệnh thường không có bất kỳ triệu chứng nghiêm trọng nào ngoài dấu hiệu tiêu chảy ở mức độ nhẹ trong khoảng 5 ngày đầu. Một số bệnh nhân có kèm theo biểu hiện nôn hoặc buồn nôn, chuột rút.
Khi tiến đến giai đoạn nặng, bệnh nhân bị tiêu chảy và nôn liên tục khiến cơ thể mất nước trầm trọng. Tình trạng này có thể khiến người bệnh tử vong nếu không được điều trị bệnh dịch tả kịp thời.
Bệnh dịch tả lây lan như thế nào?
Vi khuẩn gây bệnh có trong phân của bệnh nhân và lây lan qua nguồn thực phẩm hoặc nguồn nước bị ô nhiễm. Đây cũng là lý do vì sao bệnh xuất hiện phổ biến ở những khu vực khan hiếm nguồn nước sạch.
Theo đó, các loại thực phẩm sống như tiết canh, mắm tôm sống hoặc các loại cá, động vật có vỏ cũng có thể là nguồn lây nhiễm bệnh dịch tả nếu chúng sống hoặc được sơ chế dưới nguồn nước nhiễm bệnh.
Vì vi khuẩn có trong phân của bệnh nhân nên thói quen vệ sinh kém cũng làm bệnh lây lan rất nhanh. Bệnh nhân không rửa tay kỹ bằng xà phòng diệt khuẩn hoặc nhà vệ sinh không được lau dọn sạch sẽ khi có người trong nhà mắc bệnh dịch tả, vi khuẩn gây bệnh sẽ nhanh chóng bị phát tán sang những thành viên khác.
Làm thế nào để điều trị bệnh dịch tả?
Bác sĩ sẽ xét nghiệm mẫu phân của bệnh nhân để xác định đó có phải là bệnh dịch tả hay không. Sau đó, phác đồ điều trị được đưa ra cụ thể cho từng thể trạng người bệnh. Song, điều quan trọng nhất đối với tất cả các ca mắc bệnh là bệnh nhân phải được bù nước và chất điện giải.
Người mắc bệnh dịch tả có thể không tử vong vì vi khuẩn mà tử vong vì cơ thể bị mất nước trầm trọng do tiêu chảy và nôn ói liên tục. Các loại nước thông thường như nước lọc, nước ép trái cây hay sữa không có khả năng bổ sung đủ lượng nước và chất điện giải đã mất đi. Thay vào đó, bệnh nhân cần được uống dung dịch điện giải oresol dạng bột khô pha với nước ấm hoặc dạng nước đóng chai có sẵn.
Những trường hợp bệnh nặng có thể được chỉ định dùng kháng sinh để cầm tiêu chảy hoặc truyền chất lỏng qua đường tĩnh mạch.
Tùy vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn điều trị tại nhà hoặc điều trị tại bệnh viện. Nếu điều trị bệnh tả tại nhà, bạn cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ về việc sử dụng đơn thuốc. Không tự ý tăng, giảm hoặc ngừng thuốc ngay khi thấy bệnh có dấu hiệu thuyên giảm. Khi đó, vi khuẩn gây bệnh có thể vẫn chưa bị tiêu diệt hoàn toàn, bệnh có thể tái phát với mức độ nghiêm trọng hơn.
Ngoài ra, bệnh nhân điều trị bệnh tả tại nhà phải đặc biệt chú ý đến chế độ ăn uống. Tuyệt đối ăn chín, uống chín, ăn thức ăn dạng lỏng, dễ hấp thụ để không gây thêm áp lực lên đường ruột và hệ tiêu hóa. Với bệnh nhân là trẻ em, người lớn vẫn phải bổ sung đủ sữa và các dưỡng chất khác trong bữa ăn thường ngày cho bé để đảm bảo cơ thể bé có đủ năng lượng chống chọi với bệnh.
Bệnh nhân có thể sử dụng kết hợp thuốc điều trị dịch tả với sữa chua giàu probiotic hoặc các loại dược liệu thiên nhiên như gừng, trà gừng nấu cùng bạc hà để tăng cường hệ miễn dịch, giúp giảm cơn đau bụng. Những loại thức ăn, đồ uống này có thể sử dụng hàng ngày cho đến khi hồi phục.
Nếu được phát hiện sớm và tích cực điều trị, bệnh tả sẽ không gây biến chứng và hiếm có khả năng gây tử vong.
Tôi có thể phòng ngừa bệnh dịch tả bằng cách nào?
Vì bệnh lây nhiễm chủ yếu do thói quen vệ sinh kém nên cách phòng bệnh tốt nhất là giữ vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường xung quanh khu vực mình sinh sống.
Rửa tay kỹ trước khi ăn hoặc chuẩn bị thức ăn và sau khi đi vệ sinh là cách làm hiệu quả để phòng tránh nhiều bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh tả. Bạn có thể rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn hoặc chất khử trùng da tay có chứa cồn, cồn y tế.
Khi đi du lịch ở nước ngoài, đặc biệt là đến những nước đang phát triển, hãy uống vaccine phòng bệnh dịch tả trước khi khởi hành. Trong thời gian lưu trú ở đất nước đó, bạn hãy cố gắng tránh ăn các loại thực phẩm không được nấu chín kỹ hoặc không được phục vụ nóng. Hãy chắc chắn rằng các loại trái cây, rau củ đã được rửa ở nguồn nước sạch hoặc bạn phải tự tay bóc, rửa sạch chúng trước khi ăn.
Khi dùng nước uống ở những nơi xa lạ, bạn hãy sử dụng nước đã đun sôi hoặc nước uống đóng chai. Những cách làm này nghe có vẻ hơi phiền toái cho bạn nhưng đó là điều có ý nghĩa lớn trong việc bảo vệ bạn tránh khỏi bệnh dịch tả khi đi du lịch.
Bệnh dịch tả lợn châu Phi với bệnh dịch tả ở người giống hay khác nhau?
Nghe có vẻ liên quan nhưng thực chất 2 bệnh này hoàn toàn khác nhau. Dịch tả lợn châu Phi là bệnh chỉ xảy ra trên loài lợn, không có khả năng gây nguy hiểm cho người. Bệnh cũng không lây truyền sang người thông qua việc tiếp xúc thông thường với lợn sống hoặc thịt lợn bị nhiễm bệnh.