Đau vùng xương chậu là một tình trạng phổ biến có thể phát sinh từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu tình trạng này kéo dài hoặc có xu hướng trở nặng, bạn nên sớm đến gặp bác sĩ để có biện pháp điều trị kịp thời.
Vùng xương chậu là khu vực nằm dưới bụng, bao gồm nhiều bộ phận như:
- Mạch máu
- Dây thần kinh
- Cơ quan sinh dục
- Bàng quang
- Tiết niệu
- Ruột
- Trực tràng
Mỗi người chúng ta, đặc biệt là phụ nữ, đều đã từng trải nghiệm đau vùng xương chậu ít nhất một lần. Vậy, bạn đã biết cơn đau này bắt nguồn từ đâu chưa? Hãy cùng Chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.
Nguyên nhân đau vùng xương chậu
Theo thống kê từ các chuyên gia, đau vùng xương chậu có thể phát sinh từ nhiều nguyên do, chẳng hạn như:
1. Táo bón
Táo bón có thể gây đau vùng xương chậu, đặc biệt nếu nó ảnh hưởng đến đại tràng dưới. Cơn đau này có xu hướng biến mất khi ruột nhu động (thải chất bã ra ngoài).
2. Các vấn đề sức khỏe liên quan đến ruột
Một loạt các tình trạng về đường ruột có thể gây đau vùng xương chậu hoặc bụng dưới, bao gồm:
- Hội chứng ruột kích thích
- Viêm đại tràng
- Viêm túi thừa
Bạn có thể quan tâm: 8 dấu hiệu đặc trưng của hội chứng ruột kích thích.
3. Lạc nội mạc tử cung
Tình huống lạc nội mạc tử cung xảy ra khi mô tử cung phát triển bên ngoài bộ phận này. Khi đó, tình trạng chảy máu trong chu kỳ kinh nguyệt vẫn sẽ diễn ra như cũ. Tuy nhiên, do vị trí phát triển mô tử cung không bình thường, lượng máu trên sẽ lan đến các cơ quan khác thay vì chảy ra khỏi cơ thể. Điều này có thể dẫn đến nhiễm trùng cùng nhiều triệu chứng khác.
Vị trí cụ thể của cơn đau phụ thuộc vào nơi mô tử cung phát triển. Một số người có thể chỉ gặp phải triệu chứng đau vùng xương chậu trong chu kỳ kinh nguyệt, số khác lại có khả năng bắt gặp dấu hiệu này vào những thời điểm không xảy ra kinh nguyệt.
4. U xơ tử cung
Một số khối u lành tính xuất hiện ở tử cung, còn gọi là u xơ, có thể gây đau vùng xương chậu và khu vực lưng dưới. Ngoài ra, u xơ cũng có thể tạo áp lực lên trực tràng hoặc bàng quang. Điều này khiến bạn thường xuyên có cảm giác cần phải đi vệ sinh.
5. Bệnh viêm vùng chậu (PID)
Viêm vùng chậu là một tình trạng nhiễm trùng xảy ra trong cơ quan sinh dục nữ. Vấn đề này thường bắt nguồn từ các bệnh lây qua đường tình dục.
Những dấu hiệu cho thấy bạn đang bị viêm vùng chậu bao gồm:
- Đau thắt lưng
- Đau xương chậu
- Chu kỳ kinh nguyệt thay đổi
- Lượng dịch âm đạo tiết ra thay đổi bất thường
6. Mittelschmerz
Đây là tình trạng đau một bên ở khu vực bụng dưới, liên quan đến quá trình rụng trứng. Mittelschmerz thường gây khó chịu trong giai đoạn giữa chu kỳ kinh nguyệt. Nó có thể kéo dài trong vài phút hoặc thậm chí vài ngày.
Cơn đau bụng có xu hướng ngắt quãng và đột ngột xuất hiện. Thực tế, Mittelschmerz không biểu hiện cho bất kỳ vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nào.
7. Mô sẹo
Nhiễm trùng hoặc phẫu thuật có thể dẫn đến sự hình thành mô sẹo ở xương chậu. Trong một số trường hợp, các mô sẹo này có khả năng gây đau vùng xương chậu.
8. Lạc nội mạc trong cơ tử cung
Các chuyên gia đánh giá một người bị lạc nội mạc trong cơ tử cung khi những mô nội mạc tử cung phát triểu sâu trong cơ tử cung. Phụ nữ rơi vào trường hợp này thường có xu hướng rong kinh và đau vùng xương chậu nghiêm trọng.
9. Bệnh lây qua đường tình dục
Phần lớn những bệnh lây qua đường tình dục không biểu hiện bất kỳ dấu hiệu rõ ràng nào. Tuy nhiên, một số ít vẫn có thể gây đau xương chậu, chẳng hạn như chlamydia hay lậu.
Nếu bạn không có biện pháp điều trị kịp thời, các bệnh lây qua đường tình dục rất có thể dẫn đến viêm vùng chậu.
10. Đau bụng kinh (thống kinh)
Đau bụng kinh phát sinh ở phần dưới của xương chậu và có xu hướng bắt đầu ngay trước chu kỳ kinh nguyệt. Tình trạng này có thể kéo dài vài ngày.
Một cơn đau bụng kinh có nhiều khả năng đại diện cho vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, ví dụ như lạc nội mạc tử cung hoặc lạc nội mạc trong cơ tử cung. Trong trường hợp này, bạn nên đến gặp bác sĩ để sớm được chẩn đoán và có biện pháp can thiệp y tế kịp thời.
11. Mang thai ngoài tử cung
Nếu mang thai ngoài tử cung, bạn sẽ cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.
Trong hầu hết trường hợp, mang thai ngoài tử cung thường xảy ra ở ống dẫn trứng. Tuy nhiên, tình trạng này có khả năng phát sinh ở bất kỳ khu vực nào thuộc vùng xương chậu và bụng dưới. Các cơn đau sẽ trở nặng theo thời gian, gây sức ép lên những cơ quan và dây thần kinh gần đó.
12. Sẩy thai
Đau xương chậu cũng có nguy cơ bắt nguồn từ sẩy thai. Mặc dù đau vùng xương chậu ở giai đoạn đầu của thai kỳ hoàn toàn bình thường, mẹ bầu nên sớm đến gặp bác sĩ nếu cơn đau trở nên nghiêm trọng hoặc kéo dài.
13. Viêm ruột thừa
Ruột thừa nằm ở vùng bụng dưới và có thể gây đau xương chậu hoặc đau thắt lưng nếu bị viêm.
14. Thoát vị
Tình trạng cơ quan nội tạng trồi ra khỏi vị trí của chúng thông qua chỗ hở của cơ được gọi là thoát vị. Nếu thoát vị xuất hiện ở các cơ thuộc vùng chậu, nó có thể gây ra các cơn đau xương chậu.
15. Co thắt cơ sàn chậu
Sàn chậu bao gồm một số nhóm cơ hỗ trợ bàng quang, cơ quan sinh sản và ruột. Tương tự các cơ khác, cơ sàn chậu cũng có khả năng co thắt, gây nên những cơn đau khó chịu.
16. Tuyến tiền liệt gặp vấn đề
Đàn ông bị viêm hoặc nhiễm trùng tuyến tiền liệt đều có thể trải nghiệm cảm giác đau vùng xương chậu. Mặt khác, những cơn đau này cũng có nguy cơ bùng phát do sự hiện diện của bất kỳ khối u nào ở bộ phận này, dù nó lành tính hay ác tính (ung thư).
17. Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI)
Các triệu chứng điển hình của nhiễm trùng đường tiết niệu là đau rát khi đi tiểu và có xu hướng thường xuyên ghé vào nhà vệ sinh. Một số người cũng sẽ bị đau vùng chậu, đặc biệt đối với tình trạng nhiễm trùng nặng hoặc mãn tính.
Bạn có thể muốn tìm hiểu: Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI): Đâu là nguyên nhân?
18. Viêm bàng quang kẽ
Viêm bàng quang kẽ là một vấn đề sức khỏe mãn tính gây đau ở vùng chậu, đặc biệt khi bạn trì hoãn việc đi vệ sinh. Những người bị viêm bàng quang kẽ thường có nhu cầu đi ngoài liên tục.
19. Sỏi thận
Sỏi hình thành trong thận có xu hướng bắt đầu thoát ra khỏi cơ thể thông qua niệu quản và bàng quang. Điều này có thể dẫn đến những cơn đau vùng xương chậu.
20. Buồng trứng phát triển bất thường
Sự phát triển bất thường của buồng trứng gây sức ép lên các dây thần kinh cũng như những cơ quan lân cận, từ đó gây nên các cơn đau xương chậu. Buồng trứng phát triển bất thường có khả năng xuất phát từ tình trạng:
- U nang buồng trứng
- Sự hiện diện của một hoặc nhiều khối u lành tính ở buồng trứng
- Ung thư buồng trứng
Kiểm soát đau vùng xương chậu
Bên cạnh sử dụng biện pháp điều trị y tế, bạn có thể áp dụng một số phương pháp khắc phục tại nhà để giảm bớt tình trạng đau xương chậu, chẳng hạn như:
- Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn, ví dụ như ibuprofen
- Áp túi chườm nhiệt lên khu vực xương chậu
- Chăm chỉ thực hiện những bài tập thể dục nhẹ nhàng
Việc kiểm soát tình trạng đau xương chậu tương đối đơn giản nếu bạn biết rõ nguyên nhân gây bệnh. Nếu cơn đau trở nên nghiêm trọng theo thời gian hoặc không cải thiện, bạn nên đến bệnh viện để được điều trị kịp thời.
Khi nào bạn cần đến gặp bác sĩ?
Thực tế, người bị đau vùng xương chậu không nhất thiết phải điều trị y tế. Tuy nhiên, nếu triệu chứng không cải thiện sau khi bạn đã áp dụng các biện pháp khắc phục tại nhà, hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.
Ngoài ra, nếu cơn đau xuất hiện cùng với dấu hiệu như buồn nôn, nôn, sốt, mất ý thức…, bạn nên đến bệnh viện ngay lập tức.