Định nghĩa
Hẹp van ba lá là gì?
Bệnh hẹp van ba lá xảy ra khi van ở tim mở không đủ rộng (bị hẹp).
Van ba lá nằm giữa tâm nhĩ phải và tâm thất phải của tim. Van mở ra khi tâm nhĩ co lại để bơm máu vào thâm thất, đóng lại khi tâm thất co lại để ngăn máu chảy ngược về tâm nhĩ.
Van hẹp có nghĩa là máu không thể lưu thông dễ dàng. Tâm nhĩ hoạt động nhiều hơn nên lớn hơn và trở nên kém hiệu quả khi truyền máu sang tâm thất phải (suy tim).
Những ai thường mắc phải hẹp van ba lá?
Hiện nay chưa có nghiên cứu rõ ràng về những nhóm người nào thường mắc phải bệnh hẹp van ba lá. Thông thường, những ai đã trải qua sốt thấp khớp sẽ có nguy cơ mắc hẹp van ba lá.
Triệu chứng và dấu hiệu
Những dấu hiệu và triệu chứng của hẹp van ba lá là gì?
Những người bị hẹp van ba lá nhẹ thường không có triệu chứng. Các triệu chứng bắt đầu xuất hiện sau vài năm bao gồm sưng bàn chân, cẳng chân, sưng bụng và khó thở, đặc biệt là khi bạn nằm xuống. Các triệu chứng khác bao gồm nhịp tim không đều, ho ra máu, đau ngực và mệt mỏi.
Có thể có các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Hẹp van ba lá nghiêm trọng có thể dẫn đến suy tim. Nếu bạn có bất kì dấu hiệu hoặc triệu chứng của suy tim – như cảm giác mệt mỏi, khó thở đối với các hoạt động bình thường – hãy đến gặp bác sĩ. Bác sĩ có thể giới thiệu cho bạn một bác sĩ chuyên về tim mạch.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra hẹp van ba lá là gì?
Hẹp van ba lá hầu hết luôn liên quan đến bệnh nhiễm trùng tim. Bệnh thường được phát hiện cùng với các vấn đề về van hai lá và van động mạch chủ. Trong một số trường hợp hiếm, tổn thương van ba lá cũng có thể là do dị tật bẩm sinh.
Nguy cơ mắc bệnh
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh hẹp van ba lá?
Bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh hẹp van ba lá nếu bạn đã từng bị sốt thấp khớp. Ngoài ra, bạn cũng có thể mắc bệnh nếu bạn có khối u ở tim.
Điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những phương pháp nào dùng để điều trị hẹp van ba lá?
Điều trị phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng, tuổi tác và điều kiện sức khỏe tổng quát của bạn. Đối với trường hợp nhẹ cần cố gắng ngăn ngừa các biến chứng. Hạn chế muối và chất lỏng là việc quan trọng bạn cần nhớ để tránh phù tay và chân. Một số người bị rối loạn nhịp tim dùng thuốc chống đông tụ để ngăn ngừa huyết khối.
Nếu bạn bị suy tim, bạn nên dùng thuốc lợi tiểu làm giảm lượng chất lỏng trong máu để tim không phải hoạt động quá nhiều. Thuốc giãn mạch có thể được dùng khi bệnh suy tim trở nên nặng hơn. Các lựa chọn điều trị bác sĩ có thể đề xuất cho bạn bao gồm kéo giãn van bằng đường ống. Đường ống gắn bong bóng được bơm phồng trong van và kéo giãn van. Trường hợp hẹp van ba lá nặng bạn có thể phải phẫu thuật thay van tim.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán hẹp van ba lá?
Bác sĩ sẽ chẩn đoán sơ bộ dựa trên tiền sử bệnh và quá trình kiểm tra sức khỏe của bạn. Ngoài ra, bác sĩ có thể theo dõi tiếng tâm thu. Tiếng tâm thu là tiếng máu chảy trong van một cách bất thường. Nhờ vào xác định thời gian một vòng tuần hoàn của máu qua tiếng thâm thu sẽ giúp bác sĩ xác định vị trí van nào bị ảnh hưởng. Các xét nghiệm giúp chẩn đoán hẹp van ba lá có thể bao gồm siêu âm tim, chụp X-quang ngực và điện tâm đồ. Siêu âm tim là phương pháp siêu âm trên tim nhằm tìm ra các dấu hiệu của bệnh hẹp van ba lá. Điện tâm đồ cho ta thấy những thay đổi trong hệ thống hoạt động của tim như nhịp đập bất thường.
Phong cách sống và thói quen sinh hoạt
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của hẹp van ba lá?
Những việc nên làm giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh:
- Dùng thuốc theo đúng chỉ định.
- Hạn chế chất lỏng và muối trong ăn uống.
- Tập thể dục theo lời khuyên của bác sĩ.
- Gọi cho bác sĩ nếu bạn
- Gặp tác dụng phụ khi dùng thuốc;
- Có triệu chứng mới, hoặc xuất hiện các triệu chứng nặng hơn như đau ngực, thở gấp, đánh trống ngực, nhịp tim nhanh hoặc sưng tay hoặc bụng;
- Dùng thuốc chống đông tụ và có một vết cắt không ngừng chảy máu hoặc bạn bị chấn thương ở đầu.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.