Bên cạnh việc làm cơ thể uể oải, tâm trạng cáu gắt thì việc thiếu ngủ, ngủ không sâu giấc còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến làn da và sức khỏe của bạn.
Thực tế cho thấy giấc ngủ chiếm đến 1/3 thời gian của đời người, vì thế nếu chất lượng giấc ngủ bị giảm sút, cuộc sống của bạn sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng giấc ngủ giúp các cơ quan trong cơ thể được nghỉ ngơi, phục hồi năng lượng và phát triển não bộ.
Thế nhưng vẫn còn nhiều bạn trẻ hiện nay vẫn chưa hiểu rõ những ảnh hưởng nghiêm trọng từ việc thiếu ngủ và ngủ không sâu giấc. Vì thế, hãy cùng Hello Bacsi khám phá vì sao giấc ngủ lại có mối liên hệ mật thiết đối với làn da và cơ thể của chúng ta nhé!
Tầm quan trọng của giấc ngủ đối với làn da
Theo các nghiên cứu khoa học cho thấy, những phụ nữ có các triệu chứng như ngủ không yên, thức giấc nhiều lần vào ban đêm và thường xuyên khó ngủ có xu hướng già hơn về mặt sinh học so với phụ nữ có cùng độ tuổi không có triệu chứng trên, Judith Carroll – trợ lý giáo sư về tâm thần học tại Viện Semel UCLA cho biết.
Cụ thể, ngoài những ảnh hưởng mang tính chất tức thời như mệt mỏi, mắt thâm quầng, da xỉn màu… thiếu ngủ còn làm thay đổi cơ chế sinh học của cơ thể, khiến người thiếu ngủ dễ mắc các bệnh như tim mạch, tiểu đường, béo phì, căng thẳng và trầm cảm.
Những nghiên cứu khác về giấc ngủ được tiến hành trước đây cho thấy những người ngủ ít hơn 5 giờ/đêm có nguy cơ tử vong cao hơn 15% so với những người ngủ ngon cùng độ tuổi. Điều đáng nói, số người nằm trong diện thiếu ngủ này rất cao nhưng phần lớn họ không biết hoặc chủ quan về những ảnh hưởng xấu mà cơ thể đang phải gánh chịu.
Làn da làm gì khi bạn đang ngủ?
Bạn có biết vào ban đêm khi đang ngủ, làn da của bạn vẫn tiếp tục hoạt động, đó cũng là lúc quá trình tự phục hồi của da diễn ra mạnh mẽ nhất. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng chất lượng của giấc ngủ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình lão hóa da và khả năng phục hồi của da.
Cụ thể, trong khi ngủ, làn da của bạn vẫn làm những nhiệm vụ sau:
→ Sửa chữa: Quá trình tái tạo diễn ra. Các tế bào da cũ bị thay thế, các gốc tự do nguy hại bị loại bỏ và các tế bào mới được kích thích sản sinh trên bề mặt da.
→ Chống chọi dấu hiệu lão hóa: Melatonin – một chất chống oxy hóa mạnh được tăng cường trong giấc ngủ, giúp chống lại những dấu hiệu của tuổi tác và nếp nhăn.
→ Làm săn chắc: Hormone tăng trưởng thúc đẩy collagen dưới da phát triển, độ đàn hồi và độ săn chắc được tạo ra trong lúc ngủ.
Thiếu ngủ, ngủ không sâu giấc ảnh hưởng đến làn da và nhan sắc của bạn như thế nào?
Thiếu ngủ không chỉ ảnh hưởng đến cơ thể, nó còn làm giảm độ ẩm và độ pH trên da khiến làn da mất đi vẻ trẻ trung, hồng hào. Khi độ pH trên da giảm, sự mất cân bằng xảy ra khiến da không được cung cấp đủ độ ẩm cần thiết và trở nên khô hơn. Ngoài ra, giảm pH trên da còn gây ra tình trạng ửng đỏ, sần sùi trên da, thậm chí còn gây nên kích ứng da.
Dưới đây là những tác hại của việc mất ngủ, ngủ không sâu giấc mà bạn không thể lường trước được, đặc biệt là đối với làn da.
♦ Thiếu ngủ, ngủ không sâu giấc khiến làn da lão hóa, xuất hiện nhiều nếp nhăn
Làn da khô, thần thái kém tươi tắn, xuất hiện quầng thâm mắt… là những biểu hiện điển hình sau một đêm dài trằn trọc. Bởi thực tế, thiếu ngủ hay ngủ không sâu giấc là nguyên nhân chính làm rối loạn điều tiết da, khiến làn da trở nên nhăn nheo và thiếu sức sống.
Lý giải về mối quan hệ mật thiết giữa giấc ngủ và sức khỏe làn da, người ta phát hiện: khi ngủ không sâu giấc, cơ thể sẽ tăng tiết hormone cortisol gây phá vỡ cấu trúc collagen khiến làn da kém mịn màng và săn chắc, da trở nên khô, tối màu, sạm nám và chảy sệ.
♦ Làm chậm quá trình phục hồi làn da
Thiếu ngủ có nghĩa là cơ thể bạn sẽ sản xuất chậm các hormone tăng trưởng. Trong khi đó, hormone tăng trưởng có khả năng tái tạo, phục hồi và duy trì làn da của bạn sau khi bị hư tổn.
♦ Rụng tóc
Tóc không chỉ là một phần của cơ thể mà còn là một biểu tượng của vẻ đẹp và sức khỏe người phụ nữ. Một mái tóc khô, thiếu sức sống và thường xuyên gãy rụng “tiết lộ” nhiều vấn đề đáng ngại về sức khỏe.
Ban đêm là giai đoạn nghỉ ngơi, phục hồi của cơ thể và trí não. Và khi bạn thiếu ngủ, tuần hoàn máu lên não và da đầu giảm gây ảnh hưởng đến việc nuôi dưỡng tóc khiến tóc dễ gãy rụng.
Lời khuyên từ các chuyên gia giúp bạn có được giấc ngủ ngon, tránh tình trạng ngủ không sâu giấc
Những thói quen bổ ích sau đây sẽ giúp bạn dễ dàng có được giấc ngủ ngon.
√ Tập thể dục nhẹ nhàng: Luyện tập (yoga, thở bằng bụng…) không chỉ tốt cho sức khỏe, tinh thần được sảng khoái mà còn giúp ngủ ngon.
Trước khi ngủ, bạn không nên tập thể dục hay vận động mạnh nhưng nếu bạn vận động nhẹ nhàng kết hợp hít thở sâu sẽ giúp bạn ngủ ngon hơn, tinh thần sảng khoái, minh mẫn hơn.
√ Bỏ các thiết bị di động, điện tử ra khỏi phòng ngủ: Nghiên cứu cho thấy ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị (điện thoại, máy tính, tivi…) làm rối loạn nhịp sinh học, phá vỡ nhịp điệu giấc ngủ tự nhiên của cơ thể. Sự gián đoạn này sẽ dẫn đến tình trạng mất ngủ.
√ Chi nên ăn nhẹ vào buổi tối: Trước khi ngủ, nếu bạn cảm thấy bụng cồn cào, thì hãy uống một cốc nước hoặc dùng những món ăn chứa ít calo như bông cải xanh luộc, bắp cải nấu canh… sẽ giúp bạn dễ chìm vào giấc ngủ ngon.
√ Tạo không gian ngủ ấm cúng: Tạo cho phòng ngủ của bạn thoải mái, yên tĩnh, thông thoáng dễ chịu nhất có thể là một cách tuyệt vời để đảm bảo giấc ngủ ngon.
Bạn thấy đấy, một chế độ ngủ nghỉ hợp lý và khoa học vừa đảm bảo sức khỏe, vừa mang đến cho bạn sự trẻ trung và tươi tắn, để từ đó nâng tầm chất lượng cuộc sống của chính bạn ngày một tốt đẹp và hạnh phúc hơn!
Thương Trần / HELLO BACSI