Định nghĩa
Bạch cầu mãn tính dòng tủy là bệnh gì?
Bệnh bạch cầu (hay còn gọi là bệnh ung thư máu) là tình trạng các tế bào bạch cầu tăng đột biến gây ảnh hưởng đến các tế bào xung quanh. Bệnh bạch cầu dòng tủy chỉ sự phát triển bất thường và phân chia nhanh hơn của các tế bào máu, chẳng hạn như hồng cầu và bạch cầu, trong tủy xương.
Tủy xương là mô xốp ở trung tâm của xương. Các tế bào máu hình thành và phát triển trong tủy và sau đó di chuyển vào trong máu. Bạch cầu có nhiệm vụ giúp cơ thể chống lại ngoại vật xâm nhập (đề kháng).
Bệnh bạch cầu
Bệnh bạch cầu là một loại bệnh ung thư bắt đầu từ các tế bào tạo máu trong tủy. Khi những tế bào tạo máu này phát triển nhanh quá mức chúng sẽ trở thành tế bào ung thư. Các tế bào ung thư sẽ không tự chết đi mà sẽ đi từ tủy ra mạch máu, làm tăng lượng bạch cầu trong máu nên còn được gọi là bệnh bạch cầu. Khi các tế bào ung thư này đến các bộ phận khác trong cơ thể, chúng sẽ làm các bộ phận này hoạt động bất thường.
Phân loại
Bệnh bạch cầu được phân chia tùy theo loại tế bào máu và mức độ phát triển của tế bào ung thư.
- Bệnh bạch cầu mãn tính dòng tủy
- Bệnh bạch cầu cấp tính dòng tủy
- Bệnh bạch cầu mãn tính dòng lympho
- Bệnh bạch cầu cấp tính dòng lympho.
Ở ung thư mãn tính, các tế bào bị ung thư là tế bào đã trưởng thành, dù tế bào gần như bình thường nhưng thực tế chúng vẫn mang bệnh. Tế bào bạch cầu ung thư không có khả năng phòng chống lại bệnh. Những tế bào này không chết đi mà sẽ tích tụ trong cơ thể, lấn áp tế bào khỏe mạnh. Bệnh thường phát triển chậm hơn so với các loại ung thư máu cấp tính nhưng lại khó chữa hơn.
Những ai thường mắc phải bạch cầu mãn tính dòng tủy?
Bệnh bạch cầu mạn dòng tủy xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất là người lớn tuổi trên 60 tuổi và hiếm gặp ở trẻ em.
Triệu chứng và dấu hiệu
Những dấu hiệu và triệu chứng của bạch cầu mãn tính dòng tủy là gì?
Bệnh bạch cầu mãn tính dòng tủy không thể hiện hoặc thể hiện rất ít triệu chứng và chúng cũng không gây khối u như các dạng ung thư khác. Một số triệu chứng có thể có của bệnh bao gồm:
- Mệt mỏi
- Mất cảm giác ngon miệng
- Sụt cân, đổ mồ hôi
- Sưng nướu
- Khó thở
- Xuất huyết
- Đau trong xương.
Sau một thời gian, lượng tế bào hồng cầu và tiểu cầu sẽ giảm. Vào thời kì cuối, bạn có thể bị nhức đầu nghiêm trọng hoặc khó thở.
Có thể có các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Hãy gặp bác sĩ nếu bạn có triệu chứng trên hoặc mệt mỏi bất thường, sụt cân, đau ở phía bên trái bụng, chảy máu, sốt, nhức đầu nghiêm trọng đột ngột hoặc khó thở. Trong trường hợp đang điều trị bạn, hãy liên hệ bác sĩ nếu bạn thấy xuất hiện bất kỳ triệu chứng mới nào.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra bạch cầu mãn tính dòng tủy là gì?
Nguyên nhân bệnh chưa được tìm ra, nhưng benzen và liều lượng bức xạ cao có thể là nguyên nhân. Ngoài ra, tế bào bạch cầu mãn tính dòng tủy chứa nhiễm sắc thể bất thường (nhiễm sắc thể Philadelphia, tìm thấy trong hơn 95% ở những người mắc bệnh bạch cầu mãn tính dòng tủy) có thể xảy ra với người sinh sống gần khu vực nhiễm phóng xạ.
Nguy cơ mắc bệnh
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh bạch cầu mãn tính dòng tủy?
Bệnh bạch cầu mãn tính dòng tủy sẽ thường xuất hiện ở những đối tượng có:
- Tiếp xúc với chất phóng xạ, ví dụ như là nạn nhân bom nguyên tử hoặc chịu ảnh hưởng của tai nạn nhà máy hạt nhân, hoặc dùng xạ trị để chữa một ung thư nào khác trước đây.
- Tuổi tác. Tuổi càng cao càng có nguy cơ bệnh.
- Giới tính. Bệnh xảy ra ở nam nhiều hơn ở nữ.
Không có các yếu tố nguy cơ bệnh không có nghĩa là bạn không thể mắc bệnh. Những yếu tố trên chỉ mang tính tham khảo. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để biết thêm chi tiết.
Điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những phương pháp nào dùng để điều trị bạch cầu mãn tính dòng tủy?
Bác sĩ chuyên khoa huyết học và bác sĩ chuyên khoa ung thư sẽ điều trị cho bạn. Việc điều trị bao gồm sử dụng thuốc hoặc cấy ghép tủy xương (thay thế tủy mắc bệnh). Trong cấy ghép tủy, tủy xương bất thường được thay thế bằng tủy lành mạnh hoặc điều trị bằng thuốc. Thuốc điều trị tốt nhất là imatinib (Gleevec). Những người hiến tủy thường là người thân (anh chị em) hoặc tình nguyện viên có tủy thích hợp. Cấy ghép có nhiều tác dụng phụ hoặc các biến chứng bao gồm rụng tóc, loét miệng, nhiễm trùng, và nguy cơ mảnh tủy ghép không thích hợp gây đe dọa tính mạng.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bạch cầu mãn tính dòng tủy?
Các bác sĩ chẩn đoán bệnh bạch cầu mãn tính dòng tủy nhờ xét nghiệm máu và tủy xương giúp hiển thị lượng tế bào bạch cầu, tiểu cầu và nhiễm sắc thể Philadelphia trong tế bào tủy. Để thực hiện sinh thiết tủy xương, một ống kim dài rỗng được đưa vào xương để lấy một mẫu tủy để nghiên cứu dưới kính hiển vi.
Phong cách sống và thói quen sinh hoạt
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bạch cầu mãn tính dòng tủy?
Bạn có thể kiểm soát bệnh bạch cầu mãn tính dòng tủy nếu bạn:
- Giữ lối sống năng động, nhưng cần tập thể dục một cách thận trọng.
- Hỏi ý kiến bác sĩ về các hạn chế trong chế độ ăn uống.
- Tiêm ngừa cúm vào mỗi mùa thu.
- Đánh răng bằng bàn chải mềm.
- Cạo râu chỉ với một dao cạo điện nếu bạn mắc bạch cầu mãn tính dòng tủy tăng trưởng hoặc CML thời kì cuối.
Nếu có bất kỳ thắc mắc hay đề nghị nào, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế để được có giải đáp tốt nhất.