Sữa bột trở nên phổ biến và ngày càng được ưa chuộng. Tuy nhiên, liệu có nên cho trẻ sơ sinh bú sữa bột kết hợp với sữa mẹ không? Muốn biết câu trả lời, bạn hãy đọc bài viết sau của Chúng tôi.
Hà Linh, 36 tuổi, vừa hạ sinh một cặp sinh đôi rất đáng yêu. Trong thời gian mang thai, chị nghĩ rằng mình sẽ nuôi con bằng sữa mẹ với mọi cách. Thế nhưng, sau khi sinh, Linh luôn trong tình trạng thiếu sữa. Sữa của chị không đủ để nuôi cùng lúc 2 bé. Do đó, chị đã phải dùng sữa bột kết hợp với sữa mẹ cho con bú.
Ban đầu, Linh cảm thấy rất thất vọng về bản thân mình nhưng khi thấy con không đủ sữa mẹ bú, chị phải đành chấp nhận việc cho con bú sữa bột kết hợp với sữa mẹ. Sữa công thức (sữa bột) chứa rất nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của bé. Tuy nhiên, cho bé uống sữa công thức không đồng nghĩa với việc bạn sẽ ngưng cho bé bú mẹ. Sự kết hợp của 2 loại sữa này sẽ rất hữu ích.
Trường hợp dùng sữa bột kết hợp với sữa mẹ
1. Mẹ không có đủ lượng sữa cho bé
Thông thường, nếu bạn cho bé bú càng thì sữa sẽ tiết ra nhiều. Tuy nhiên, khi gặp phải một vấn đề nào đó như phải nằm viện, bạn và bé bị tách ra lâu hơn bình thường, bé không bú tốt, bạn sẽ gặp khó khăn trong việc sản xuất sữa. Có một số phụ nữ vẫn không thể tiết đủ sữa cho bé ngay cả khi mọi thứ đều bình thường. Điều này khá phổ biến, đặc biệt là ở những phụ nữ từng phẫu thuật ngực hoặc phụ nữ lớn tuổi. Phụ nữ tuổi càng cao thì việc sản xuất sữa mẹ sẽ ít hiệu quả hơn.
Nếu bé vẫn cảm thấy đói sau khi bạn cho bé bú thì có khả năng sữa của bạn không đủ. Hãy hỏi bác sĩ về cân nặng của bé và sau đó theo dõi xem mỗi lần bé bú được bao nhiêu. Ngoài việc cho bé bú theo cách thông thường, bạn có thể vắt sữa để tăng lượng sữa sản xuất hoặc cho bé bú thêm sữa công thức trong thời gian ngắn.
Gợi ý: Cho bé bú sẽ kích thích sữa sản xuất nhiều hơn là vắt sữa. Một số phụ nữ bị đau núm thường quyết định ngưng cho bé bú và vắt sữa. Tuy nhiên, điều này có thể khiến lượng sữa tiết ra của bạn bị giảm. Nếu muốn cho bé bú thêm, bạn có thể trộn sữa mẹ đã vắt với sữa công thức trong cùng một bình. Nếu bé chưa quen với việc bú bình, hãy chuẩn bị cho bé một bình sữa nhỏ. Nếu sinh đôi, bạn có thể cho một bé bú mẹ và một bé bú bình, sau đó đổi ngược lại vào lần bú sau.
2. Mẹ không thể vắt sữa
Một số mẹ thường quyết định ngưng cho con bú khi bắt đầu đi làm lại. Điều này khá phổ biến vì việc vắt sữa ở công ty thường khiến các bà mẹ cảm thấy căng thẳng. Tuy nhiên, bạn vẫn có duy trì sữa mẹ bằng cách cho bé uống sữa công thức khi bạn đi làm. Trước khi đi làm và sau khi đi làm về, bạn cho con bú sữa mẹ. Sự kết hợp không chỉ giúp bạn bớt căng thẳng mà còn giúp bé nhận được những dưỡng chất cần thiết từ sữa mẹ. Trong vòng 1 – 2 tuần, cơ thể bạn sẽ thích nghi với việc sản xuất sữa khi bé cần, sữa sẽ tiết ra nhiều vào sáng sớm và ban đêm.
Gợi ý: Khoảng vài tuần trước khi bạn đi làm trở lại, hãy bắt đầu vắt sữa và cho bé bú bình từ 1 – 2 lần trong ngày. Điều này sẽ giúp lượng sữa tiết ra vào buổi trưa giảm xuống. Nếu khi đi làm bạn thấy ngực bị căng tức, hãy vào nhà vệ sinh và vắt sữa một cách nhẹ nhàng để giảm cảm giác khó chịu. Vào những ngày cuối tuần, bạn hãy cố gắng cho bé bú mẹ để duy trì việc sản xuất sữa.
3. Mẹ muốn ngủ nhiều hơn
Nhiều mẹ có thể thích nghi tốt với việc thức dậy vào ban đêm để cho bé bú nhưng có người lại khó thích nghi với điều này. Nuôi con bằng sữa mẹ là một công việc rất khó khăn và khiến nhiều phụ nữ dễ bị trầm cảm. Giấc ngủ là điều cần thiết để duy trì một trạng thái tinh thần khỏe mạnh.
Do đó, bạn có thể nhờ chồng hoặc người thân cho bé bú sữa công thức vào ban đêm để bạn có nhiều thời gian ngủ hơn. Ngoài ra, sữa công thức cũng giúp bé ít thức giấc hơn vì sữa cần nhiều thời gian để tiêu hóa nên bé sẽ thấy no lâu hơn.
Gợi ý: Bạn có thể nhờ chồng cho bé bú vào 11 giờ tối để bạn có thể ngủ một giấc trọn vẹn đến giữa đêm. Lúc đầu, bạn có thể khó chịu nhưng theo thời gian cơ thể bạn sẽ quen dần.
Dấu hiệu cho thấy bé cần bổ sung sữa bột để tăng trưởng
Bố mẹ cần tham khảo ý kiến bác sĩ khi có bất cứ mối quan tâm nào về việc tăng cân, thói quen ăn uống hay sự phát triển toàn diện ở trẻ. Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy con cần được bổ sung sữa bột:
- Sụt cân nhiều hơn lúc mới sinh. Trẻ sơ sinh giảm tối đa 10% trọng lượng cơ thể trong 5 ngày đầu đời. Vào ngày thứ năm, trẻ bắt đầu tăng khoảng 29g mỗi ngày và đến khi 2 tuần, trẻ sẽ khôi phục lại được cân nặng của ngày đầu
- Đầu vú mẹ cảm giác không mềm hay bầu vú trống rỗng sau khi cho con bú
- Trẻ thay tã ít hơn 6 lần trong vòng 24 giờ khi 5 ngày tuổi
- Trẻ quấy khóc hoặc rơi vào trạng thái mệt mỏi, lừ đừ phần lớn thời gian.
Thời điểm cho bé bú bình
Nếu trẻ mới sinh, bạn nên đợi cho đến khi trẻ ít nhất một tháng tuổi rồi mới cho bú sữa bột. Còn nếu trẻ trên 1 tháng tuổi, bạn có thể cho bé uống sữa bột bất cứ lúc nào.
Cách tốt nhất để bé làm quen với sữa bột
Một số bé sẽ chuyển sang bú bình rất tự nhiên. Bé có thể bú bất kỳ thứ gì mẹ cho. Tuy nhiên, một số khác lại phản ứng ngay lập tức khi cho bé bú bình, nhất là khi mẹ đưa bình cho bé bú. Đó là vì bé có thể ngửi thấy mùi của mẹ và thích bú sữa mẹ hơn vì sữa mẹ thường ngọt tự nhiên hơn.
Để giúp quá trình bổ sung sữa bột ở trẻ trở nên dễ dàng hơn, bạn nhờ chồng hoặc người thân cho bé bú bình vài lần đầu tiên. Giải pháp khác có vẻ hiệu quả hơn là bạn có thể cho bé bú bình khi bé đói.
Việc cung cấp sữa cho trẻ đầy đủ là điều kiện cần thiết để trẻ có thể phát triển toàn diện. Bạn nên lưu ý những vấn đề trên để có thể bổ sung sữa cho con kịp thời nhé.