Lupus ban đỏ là bệnh do hệ thống miễn dịch gây nên. Khi mắc bệnh, hệ thống miễn dịch sẽ tự tấn công vào các mô khỏe mạnh của cơ thể do nhầm lẫn với những tác nhân xâm nhập từ bên ngoài. Bệnh có rất nhiều loại, loại thường gặp nhất là lupus ban đỏ dạng đĩa.
Lupus ban đỏ dạng đĩa ảnh hưởng chủ yếu đến da, gây ra phát ban đỏ và kèm theo vảy. Chúng xuất hiện chủ yếu ở các khu vực cơ thể tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời.
Đây là căn bệnh mãn tính, các triệu chứng của bệnh thường xảy ra liên tục trong thời gian dài hoặc lặp đi lặp lại.
Tổng quan
Lupus ban đỏ dạng đĩa là một bệnh tự miễn. Khi cơ thể khỏe mạnh, hệ thống miễn dịch sẽ chống lại virus và vi khuẩn gây bệnh. Nhưng với bệnh lupus dạng đĩa, hệ thống miễn dịch sẽ tấn công làn da khỏe mạnh, gây ra các vết loét và vết phát ban hình đĩa.
Lupus ban đỏ hệ thống hay còn gọi tắt là SLE, là dạng lupus ảnh hưởng đến khớp, cơ, các mô khác nhau trong cơ thể. Mặc dù lupus dạng đĩa lành tính hơn so với lupus ban đỏ hệ thống, nhưng các triệu chứng viêm da thì có xu hướng nặng hơn. Khoảng 5% bệnh nhân lupus ban đỏ dạng đĩa tiến triển thành lupus ban đỏ hệ thống trong tương lai.
Bạn có thể tìm hiểu thêm: Những điều cần biết về bệnh lupus
Triệu chứng bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa
Da người bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa sẽ xuất hiện các vết loét hoặc vết phát ban dày đặc, có vảy và có màu từ đỏ đến tím. Phát ban có thể xuất hiện một nơi hoặc nhiều nơi trên cơ thể, đặc biệt là các khu vực da tiếp xúc thường xuyên với ánh sáng mặt trời như mặt, cổ và mu bàn tay.
Các triệu chứng khác bao gồm:
- Các vết thương hình tròn
- Vảy dày trên da và da đầu
- Tróc da
- Phồng rộp quanh khuỷu tay và đầu ngón tay
- Da mỏng đi
- Sắc tố da sáng hơn hoặc tối hơn
- Rụng tóc
- Móng tay giòn
- Loét bên trong môi
- Sẹo vĩnh viễn
Bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa thường chỉ ảnh hưởng bên ngoài da chứ không gây ra triệu chứng trên các cơ quan khác, nhưng trong một số trường hợp hiếm, người bệnh cũng cảm thấy đau đầu hoặc ngứa ở vết loét.
Có nhiều bệnh liên quan đến da rất dễ bị nhầm lẫn với bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa, chẳng hạn như bệnh vảy nến thể mảng hay bệnh chàm. Vì vậy, khi nhận thấy các dấu hiệu lạ trên da, bạn nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán một cách chính xác nhất.
Bạn có thể tìm hiểu thêm: Bạn biết gì về bệnh lupus ban đỏ ở trẻ em?
Nguyên nhân gây bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa
Giống như tất cả các dạng của bệnh lupus khác, lupus ban đỏ dạng đĩa không có nguyên nhân rõ ràng. Hormone, di truyền hay các yếu tố kích hoạt từ môi trường đều đóng góp một phần vào nguyên nhân gây ra căn bệnh này.
Đây là những nhóm người dễ có nguy cơ mắc bệnh nhất:
- Những người có tiền sử gia đình mắc bệnh lupus ban đỏ hoặc các bệnh khác liên quan đến hệ thống miễn dịch.
- Phụ nữ (90% người bệnh lupus ban đỏ là phái nữa)
- Người Mỹ gốc Phi có nguy cơ mắc bệnh lupus cao gấp 3 lần người da trắng
- Trong độ tuổi 20-50
Chẩn đoán
Bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa rất khó chẩn đoán và thường trở nên tồi tệ hơn nếu không được điều trị kịp thời. Vì thế, bạn nên đi khám ngay khi xuất hiện triệu chứng trên da, đồng thời tìm hiểu xem trong gia đình có ai từng mắc bệnh tự miễn hay không.
Các bước chẩn đoán của bác sĩ khi khám bệnh lupus ban đỏ:
- Kiểm tra da tổng quát
- Đặt câu hỏi về các bệnh bạn từng mắc trước đây
- Xét nghiệm máu hoặc nước tiểu
- Sinh thiết da, lấy mẫu mô da để kiểm tra
Bạn có thể tìm hiểu thêm: Bệnh tự miễn lupus ảnh hưởng đến thai kỳ như thế nào?
Điều trị bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa
Không có cách chữa trị bệnh lupus ban đỏ khỏi hoàn toàn. Việc điều trị chỉ nhằm mục đích ngăn ngừa các vết loét mới, hạn chế sẹo và làm cho da khỏe mạnh hơn.
Các cách điều trị bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa bao gồm:
Steroid
Các loại kem, thuốc mỡ và thuốc tiêm chứa steroid đều có tác dụng làm giảm mẩn đỏ, giảm viêm và cải thiện vẻ ngoài của da.
Kem, thuốc mỡ chứa steroid được bôi trực tiếp lên da tổn thương, còn thuốc tiêm steroid được tiêm vào xung quanh vùng da tổn thương.
Steroid có thể gây mỏng da, vì vậy không được sử dụng bừa bãi mà phải có sự giám sát hoặc kê đơn của bác sĩ.
Thuốc bôi không steroid
Kem bôi và thuốc mỡ không steroid như tacrolimus cũng có tác dụng giảm viêm cho bệnh nhân lupus ban đỏ.
Thuốc chống sốt rét
Thuốc chống sốt rét được sử dụng để điều trị bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa khi các phương pháp điều trị khác không thành công. Nó giúp làm giảm thiệt hại cho da theo thời gian, giảm số lần bệnh bùng phát và giúp cơ thể ngăn hấp thụ tia UV gây hại cho da.
Những loại này bao gồm hydroxychloroquine, chloroquine và quinacrine. Chúng được dùng đường uống và có tác dụng phụ nhẹ hơn các thuốc khác.
Thuốc ức chế miễn dịch
Thuốc ức chế miễn dịch giúp làm giảm sản xuất các tế bào viêm. Thuốc thường được sử dụng trong các trường hợp bệnh lupus nghiêm trọng hoặc đang cai thuốc steroid. Một số loại thuốc nổi bật thuộc nhóm này là mycophenolate mofetil, azathioprine và methotrexate.
Phòng tránh lupus ban đỏ dạng đĩa
Một trong những cách đơn giản mà hiệu quả nhất để kiểm soát lupus ban đỏ dạng đĩa là bảo vệ cơ thể khỏi tiếp xúc với các tia UV có hại của mặt trời bằng cách:
- Sử dụng kem chống nắng UVA và UVB có chỉ số chống nắng (SPF) cao, từ 50 trở lên
- Đội mũ rộng vành khi ra ngoài nắng
- Chọn quần áo che phủ phần lớn cơ thể
Hút thuốc sẽ làm nặng thêm bệnh lupus hoặc làm cho việc điều trị bệnh khó khăn hơn. Những người hút thuốc nên bỏ thuốc lá ngay để bảo vệ sức khỏe bản thân.
Giống như các dạng lupus khác, lupus ban đỏ dạng đĩa cũng có thời gian bệnh bùng phát và diễn tiến xấu đi. Vì vậy, người bệnh nên cố gắng chăm sóc sức khỏe và kiểm soát căng thẳng càng nhiều càng tốt để làm giảm số lần bùng phát bệnh.
Biến chứng
Vết phát ban do lupus gây thay đổi màu da, sẹo và rụng tóc nếu nó xuất hiện trên da đầu. Khi để lại sẹo, chúng sẽ tồn tại vĩnh viễn trên da người bệnh, gây mất thẩm mỹ. Nếu bạn lo lắng về những vết sẹo này, hãy xem xét đến các phương pháp thẩm mỹ như dùng công nghệ laser trong thời gian bệnh không bùng phát.
Lupus ban đỏ dạng đĩa đôi lúc cũng xuất hiện cùng lúc với bệnh lupus ban đỏ hệ thống, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan của cơ thể. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 1/10 người bị lupus ban đỏ dạng đĩa phát triển thêm lupus ban đỏ hệ thống.
Bạn có thể tìm hiểu thêm: Bệnh lupus có thể gây đột quỵ không?