Tìm hiểu về bệnh lymphoma
Bệnh lymphoma là gì?
Lymphoma hay còn gọi là u lympho là một loại ung thư ở hệ bạch huyết, một phần của hệ miễn dịch cơ thể.
Hệ thống bạch huyết bao gồm các hạch bạch huyết (tuyến bạch huyết), lá lách, tuyến ức và tủy xương. Bệnh lymphoma có thể ảnh hưởng đến tất cả các khu vực cũng như các cơ quan khác trên khắp cơ thể.
Có hai loại bệnh lymphoma phổ biến:
- U lympho Hodgkin (trước đây gọi là bệnh Hodgkin)
- U lympho không Hodgkin
Ngoài ra, còn nhiều dạng bệnh lymphoma khác.
Việc điều trị tùy thuộc vào loại u lympho và mức độ nghiêm trọng của nó. Điều trị lymphoma có thể bao gồm hóa trị, thuốc trị liệu miễn dịch, xạ trị, ghép tủy xương hoặc kết hợp một số loại thuốc.
Các loại lymphoma
Một số dạng bệnh lymphoma như:
- U lympho tế bào B ở da
- U lympho tế bào T ở da
- U lympho Hodgkin
- U lympho không Hodgkin
- Bệnh Waldlostrom
Các giai đoạn bệnh lymphoma
- Giai đoạn 1. Ung thư nằm trong một hạch bạch huyết hoặc một cơ quan.
- Giai đoạn 2. Ung thư nằm trong hai hạch bạch huyết gần nhau và ở cùng một phía của cơ thể; hoặc ung thư nằm trong một cơ quan và các hạch bạch huyết gần đó.
- Giai đoạn 3. Ung thư nằm trong các hạch bạch huyết ở cả hai bên của cơ thể và trong nhiều hạch bạch huyết.
- Giai đoạn 4. Ung thư có thể ở trong một cơ quan và lan ra các hạch bạch huyết gần đó. Khi u lympho không Hodgkin tiến triển, tế bào ung thư có thể bắt đầu lan rộng. Các cơ quan mà ung thư thường di căn tới gồm gan, tủy xương và phổi.
Triệu chứng bệnh lymphoma
Những dấu hiệu và triệu chứng bệnh lymphoma là gì?
Các dấu hiệu và triệu chứng của lymphoma có thể bao gồm:
- Sưng hạch không đau ở cổ, nách hoặc háng
- Mệt mỏi dai dẳng
- Sốt
- Đổ mồ hôi đêm
- Khó thở
- Giảm cân không rõ nguyên nhân
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Đến gặp bác sĩ nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng dai dẳng nào khiến bạn lo lắng. Cơ địa mỗi người là khác nhau, vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.
Nguyên nhân gây bệnh lymphoma
Nguyên nhân nào gây bệnh lymphoma?
Các bác sĩ không chắc chắn nguyên nhân gây ra lymphoma. Tuy nhiên, bệnh bắt đầu khi tế bào lympho phát triển đột biến di truyền. Đột biến làm tế bào bệnh nhân lên nhanh chóng, khiến hạch bạch huyết bị sưng.
Nguy cơ mắc bệnh lymphoma
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh lymphoma?
Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh lymphoma gồm:
- Tuổi. Một số loại u lympho phổ biến hơn ở người lớn, trong khi những bệnh khác thường được chẩn đoán ở những người trên 55 tuổi.
- Nam giới. Nam giới có nhiều khả năng phát triển lymphoma hơn nữ giới.
- Hệ thống miễn dịch bị suy yếu. Lymphoma phổ biến hơn ở những người có bệnh về hệ thống miễn dịch hoặc ở những người dùng thuốc ức chế hệ miễn dịch.
- Phát triển một số bệnh nhiễm trùng. Một số bệnh nhiễm trùng có liên quan đến tăng nguy cơ bị bệnh lymphoma, bao gồm nhiễm virus Epstein-Barr và nhiễm Helicobacter pylori.
Chẩn đoán và điều trị bệnh lymphoma
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế, vậy nên tốt nhất là bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh lymphoma?
Nếu nghi ngờ bệnh lymphoma, bác sĩ thường yêu cầu sinh thiết. Điều này liên quan đến việc lấy một tế bào từ hạch bạch huyết bị sưng để xác định sự hiện diện và phân loại tế bào lymphoma.
Nếu bác sĩ phát hiện các tế bào lymphoma, bạn sẽ được xét nghiệm thêm để xác định căn bệnh ung thư đã lan rộng đến mức nào. Các xét nghiệm này có thể bao gồm chụp X-quang ngực, xét nghiệm máu hoặc thử nghiệm các hạch bạch huyết hoặc mô gần đó.
Xét nghiệm hình ảnh, chẳng hạn như chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) cũng có thể xác định các khối u hoặc các hạch bạch huyết bị sưng.
Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh lymphoma?
Việc điều trị lymphoma tùy thuộc vào loại và giai đoạn bệnh, sức khỏe tổng thể và sở thích của bạn. Mục đích của việc điều trị là tiêu diệt càng nhiều tế bào ung thư càng tốt và giúp bệnh thuyên giảm.
Phương pháp điều trị bệnh lymphoma bao gồm:
- Tích cực giám sát. Một số dạng lymphoma phát triển rất chậm. Bạn và bác sĩ có thể quyết định chờ đợi để điều trị u lympho khi nó gây ra các dấu hiệu và triệu chứng ảnh hưởng các hoạt động hàng ngày của bạn. Cho đến lúc đó, bạn có thể trải qua các xét nghiệm định kỳ để theo dõi tình trạng của mình.
- Hóa trị. Hóa trị sử dụng thuốc để tiêu diệt các tế bào phát triển nhanh, chẳng hạn như tế bào ung thư. Các loại thuốc này thường được dùng qua tĩnh mạch, nhưng cũng có thể được dùng để uống, tùy thuộc vào loại thuốc cụ thể mà bạn nhận được.
- Thuốc. Các loại thuốc khác được sử dụng để điều trị lymphoma bao gồm các loại thuốc nhắm mục tiêu tập trung vào những bất thường cụ thể trong tế bào ung thư. Thuốc miễn dịch sử dụng hệ thống miễn dịch của bạn để tiêu diệt tế bào ung thư.
- Xạ trị. Trong xạ trị, bác sĩ sử dụng tia năng lượng cao, chẳng hạn như tia X và proton, để tiêu diệt tế bào ung thư.
- Cấy ghép tủy xương. Ghép tủy xương, còn được gọi là ghép tế bào gốc, liên quan đến việc sử dụng liều cao hóa trị và xạ trị để ức chế tủy xương của bạn. Sau đó, tế bào gốc tủy xương khỏe mạnh từ cơ thể của bạn hoặc từ người hiến tặng được truyền vào máu và đi đến xương. Tại đây, các tế bào này sẽ xây dựng lại tủy xương.
Sự khác biệt giữa bệnh lymphoma và bạch cầu ác tính
Cả bệnh bạch cầu ác tính và lymphoma đều là các loại ung thư máu và có chung một số triệu chứng thường gặp. Tuy nhiên, vị trí, phương pháp điều trị và các triệu chứng cụ thể của hai bệnh không giống nhau.
Triệu chứng
Những người bị lymphoma và bệnh bạch cầu ác tính đều bị sốt và đổ mồ hôi ban đêm. Tuy nhiên, bệnh bạch cầu có nhiều khả năng gây chảy máu quá nhiều, dễ bầm tím, đau đầu và nhiễm trùng tăng lên. Những người bị lymphoma có nhiều khả năng bị ngứa da, chán ăn, sụt cân không rõ nguyên nhân và các hạch bạch huyết bị sưng.
Vị trí
Bệnh bạch cầu thường bắt đầu trong tủy xương, làm cho tủy sản xuất quá nhiều tế bào máu trắng. Lymphoma bắt đầu trong các hạch bạch huyết và tiến triển khi các tế bào máu trắng bất thường lan rộng.
Điều trị
Các bác sĩ có thể chọn chờ đợi để điều trị lymphoma và bệnh bạch cầu vì một số loại ung thư phát triển chậm. Nếu bác sĩ quyết định điều trị ung thư, họ có thể chỉ định hóa trị và xạ trị cho cả hai bệnh. Tuy nhiên, bệnh bạch cầu có hai phương pháp điều trị phổ biến khác, gồm ghép tế bào gốc và liệu pháp nhắm trúng đích.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
Chúng tôi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.