Để bảo vệ sức khỏe cho cả nhà, bạn có thể đầu tư xây dựng chế độ “ăn sạch” với nguồn thực phẩm lành mạnh. Tuy nhiên, dinh dưỡng lành mạnh vẫn chưa đủ nếu bạn bỏ qua các tiêu chuẩn khác như “ở sạch” và “chơi sạch”.
Bên cạnh chế độ “ăn sạch”, bạn vẫn cần phải quan tâm đến những yếu tố khác như “ở sạch” và “chơi sạch”, đặc biệt là đối với gia đình có trẻ nhỏ. Đây cũng chính là lý do tại sao xu hướng sống xanh sử dụng các dòng sản phẩm từ thiên nhiên và bảo vệ môi trường ngày càng phổ biến hơn.
Hãy cùng tìm hiểu về 3 chuẩn sạch của căn nhà để bạn có thể bảo vệ sức khỏe gia đình một cách toàn diện nhất nhé!
Ăn sạch | Chế độ ăn eat clean
Thuật ngữ “ăn sạch” (eat clean) đã trở nên rất phổ biến trong cộng đồng những người quan tâm đến sức khỏe. Vậy eat clean là gì? Đây là chế độ ăn tập trung vào thực phẩm tươi và nguyên chất. Để hiểu hơn về eat clean, bạn hãy cùng tìm hiểu chế độ ăn sạch cùng thực đơn eat clean nhé!
Chế độ ăn eat clean – ăn sạch
Dưới đây là 7 bí quyết đơn giản để bạn bắt đầu chế độ ăn eat clean – ăn sạch sống khỏe ngay từ hôm nay.
1. Ăn nhiều rau và trái cây
Ăn sạch với rau và trái cây chứa nhiều chất xơ, vitamin, khoáng chất, các hợp chất thực vật sẽ giúp bạn chống viêm và bảo vệ các tế bào khỏi bị hư hại. Nhiều nghiên cứu đã khảo sát lượng tiêu thụ nhiều trái cây và rau quả giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh như ung thư và bệnh tim. (1)
2. Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn
Hầu hết các mặt hàng chế biến đã mất một số chất xơ và chất dinh dưỡng nhưng lại nhiều đường, hóa chất hoặc các thành phần khác. Hơn nữa, thực phẩm chế biến có liên quan đến chứng viêm và tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
Thực phẩm chế biến sẵn thường chứa nhiều carb tinh chế sẽ khiến bạn dễ ăn quá mức nhưng lại cung cấp rất ít giá trị dinh dưỡng. Nghiên cứu đã liên kết việc tiêu thụ carb tinh chế với rủi ro bị viêm, kháng insulin, gan nhiễm mỡ và béo phì. (1)
3. Đọc nhãn kỹ trước khi mua thực phẩm
Mặc dù chế độ ăn eat clean dựa trên thực phẩm tươi, bạn vẫn có lúc mua một số loại thực phẩm đóng gói trong siêu thị như các loại hạt, rau, củ, quả, thịt, cá… Vì thế, bạn phải đọc nhãn thật kỹ để đảm bảo không có chất bảo quản, đường bổ sung hoặc chất béo không lành mạnh nhằm ăn sạch sống khỏe.
4. Tránh thêm đường vào thức ăn
Nguyên tắc tránh thêm đường vào thực phẩm rất quan trọng khi bạn muốn áp dụng chế độ ăn sạch. Tuy nhiên, đường lại rất phổ biến trong các món ăn hàng ngày. Thậm chí, đường cũng có trong các thực phẩm không có vị đặc biệt ngọt, như nước sốt và gia vị. Các nghiên cứu cho thấy hợp chất fructose có trong đường có thể gây bệnh béo phì, tiểu đường, gan nhiễm mỡ, ung thư cùng nhiều vấn đề sức khỏe khác. (1)
5. Hạn chế uống rượu bia
Rượu bia được tạo ra bằng cách lên men ngũ cốc, trái cây hoặc rau quả nghiền nát. Nếu bạn uống rượu với liều lượng vừa phải (đặc biệt là rượu vang) thì có thể giúp tăng cường sức khỏe tim mạch. Tuy nhiên, lượng tiêu thụ rượu quá nhiều đã được chứng minh là thúc đẩy viêm và có thể góp phần gây ra một số vấn đề sức khỏe như bệnh gan, rối loạn tiêu hóa và mỡ bụng dư thừa. Do đó, để ăn sạch sống khỏe, bạn cần hạn chế nhiều nhất có thể lượng rượu bia hấp thụ vào cơ thể mỗi ngày.
6. Uống nhiều nước lọc mỗi ngày
Nước là đồ uống lành mạnh và tự nhiên nhất mà bạn có thể uống mỗi ngày. Nước không chứa chất phụ gia, đường, chất làm ngọt nhân tạo hoặc các thành phần hóa chất khác. Đây chính là thức uống sạch nhất mà bạn có thể uống. Nước giữ cho bạn luôn tươi tắn và đảm bảo các hoạt động trong cơ thể trôi chảy.
7. Chọn thức ăn từ nguồn uy tín
Ngoài thực phẩm tươi và chưa qua chế biến, chế độ ăn sạch còn cần lựa chọn thực phẩm đến từ động vật được nuôi dưỡng đúng chuẩn an toàn. Nhiều sản phẩm chăn nuôi xuất xứ từ các trang trại đông đúc và mất vệ sinh. Động vật chăn nuôi cũng thường được cho dùng kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng và tiêm các hormone như estrogen và testosterone để tối đa hóa sự tăng trưởng. Vì thế, bạn nên cân nhắc chọn mua thức ăn sạch có nguồn gốc uy tín.
Chế độ ăn eat clean là một phần quan trọng của lối sống xanh khi bạn nói “không” với những thực phẩm kém lành mạnh để “ăn sạch”.
Thực đơn eat clean – ăn sạch sống khỏe
Ngoài xây dựng chế độ ăn eat clean, bạn cũng có thể tham khảo thêm thực đơn eat clean 7 ngày để không chỉ ăn sạch mà còn cần biết cách lên những món ăn đảm bảo nguồn dinh dưỡng cho cả gia đình.
• Ngày 1
– Sáng: Ngũ cốc tùy chọn, 1 quả chuối, 3/4 cốc sữa tươi không đường. Đến bữa phụ của buổi sáng, bạn có thể ăn nhẹ cùng trái cây.
– Trưa: 1 bát cơm gạo lứt, 150g ức gà luộc, rau củ. Bữa xế, bạn cũng có thể ăn tráng miệng với trái cây.
– Tối: 150g hải sản hấp hoặc luộc cùng thật nhiều rau xanh.
• Ngày 2
– Sáng: 2 quả trứng ốp la, salad trộn. Đến bữa sáng phụ, bạn có thể ăn nhẹ cùng 1 nắm các loại hạt hoặc đậu.
– Trưa: 1 chén nhỏ cơm gạo lứt, 150g ức gà nướng, rau luộc. Đến bữa xế, bạn lại ăn nhẹ cùng 1 nắm các loại hạt và đậu.
– Tối: 150g cá nướng cùng salad trộn.
• Ngày 3
– Sáng: Ngũ cốc tùy chọn, hoa quả tươi, 1 hộp sữa chua không đường và bạn ăn bữa nhẹ cùng 1 quả trứng luộc.
– Trưa: 1 đĩa nui trộn hải sản nhỏ, rau xà lách trộn, cà chua. Với bữa xế, bạn ăn 1 trái cam hoặc táo, lê.
– Tối: 1 bát nhỏ cơm gạo lứt, 150g cá và nhiều rau củ.
• Ngày 4
– Sáng: Ức gà luộc, 1 cốc sữa không đường và ăn bữa nhẹ cùng 1 quả táo hoặc 1 quả lê.
– Trưa: 1 bát nhỏ cơm gạo lứt, cà chua, thịt bò, rau củ luộc và ăn xế cùng hoa quả sấy.
– Tối: Salad ức gà luộc/hấp hoặc chiên áp chảo với một chút dầu oliu.
• Ngày 5
– Sáng: 1 củ khoai lang luộc, 1 quả trứng luộc và ăn nhẹ cùng 1 trái dưa leo.
– Trưa: Ăn cơm gạo lứt cuộn rong biển, dưa leo, cà rốt và ăn nhẹ với salad trái cây.
– Tối: Cá hồi áp chảo, rau củ hấp.
• Ngày 6
– Sáng: Bánh mì đen, trứng ốp la, salad cùng trái cây ít đường như táo, cam, quýt.
– Trưa: 150g thịt luộc cuốn rau sống cùng hoa quả hoặc các loại hạt.
– Tối: 1 chén cơm gạo lứt nhỏ, 150g cá nướng, rau xanh.
• Ngày 7
Vào ngày cuối tuần, bạn có thể chọn lựa thức ăn sạch hợp với khẩu vị và ăn tùy thích theo lựa chọn của bản thân. Tuy nhiên, bạn chỉ nên ăn vừa phải, không nạp quá nhiều đường, gia vị để chuẩn bị khởi động một tuần mới khỏe mạnh.
Ở sạch | Thói quen dọn dẹp sạch sẽ
Các chứng dị ứng vật nuôi, bụi bặm, nấm mốc hoặc hóa chất có thể khiến bạn khổ sở ngay trong chính ngôi nhà của mình. Vì thế, bên cạnh thói quen ăn sạch, bạn nên duy trì thói quen dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ từng căn phòng để tránh nguy cơ bị dị ứng hay kích ứng.
1. Phòng ngủ
• Giường và gối: Khi không dùng, bạn nên bao bọc gối, nệm và khung giường trong túi chống bụi. Bạn nên giặt khăn trải giường, vỏ gối và chăn ít nhất 1 lần/tuần trong nước ấm khoảng 54°C. Để giảm nguy cơ bị kích ứng da, bạn nên chọn chất liệu vải 100% cotton. Đây là nguyên liệu vừa an toàn cho làn da nhạy cảm lại thân thiện với môi trường.
• Cửa sổ: Nếu bị dị ứng phấn hoa, bạn không nên chọn phòng ngủ có cửa sổ hướng ra vườn. Hãy làm sạch nấm mốc ở khung cửa sổ và ngưỡng cửa. Bạn nên treo rèm để phòng bớt bị chói nắng vào buổi sáng và ngăn gió lạnh vào ban đêm. Ngoài ra, bạn cũng nên giặt rèm 2 – 3 lần/tháng.
• Nội thất: Bạn chọn ghế, tủ quần áo và đầu giường bằng chất liệu dễ làm sạch như da, gỗ, kim loại hoặc nhựa. Hãy tránh đồ nội thất bọc nệm sẽ dễ bám bụi. Nếu phòng có dùng thảm thì bạn nên hút bụi thường xuyên hoặc giặt thảm 1 lần/tuần. Phòng ngủ nên càng ít đồ nội thất càng tốt để tạo cảm giác thông thoáng.
Trong điều kiện ô nhiễm nặng nề ở thành phố, bạn có thể cân nhắc lắp máy lọc không khí. Hãy thử điều chỉnh bộ lọc không khí của bạn để nó hướng không khí trong lành về phía đầu khi bạn ngủ. Ngoài ra, giải pháp vệ sinh phòng ngủ thường xuyên bằng các sản phẩm lau chùi lành tính, có nguồn gốc thiên nhiên cũng góp phần “tăng xanh” cho không gian nghỉ ngơi của bạn.
2. Phòng khách
• Cây xanh: Phòng khách có cây xanh vừa trang trí lại vừa có tác dụng giúp không khí trong lành vào ban ngày. Bạn có thể chọn các loại cây trồng trong nhà tốt cho sức khỏe như: thường xuân, lưỡi hổ, hoa cúc, hoa đồng tiền, bạch mã, trầu bà…
• Vật nuôi: Bạn nên hạn chế cho thú cưng quanh quẩn ở phòng khách. Hãy dạy thú cưng cách đi vệ sinh đúng chỗ và tắm ít nhất 1 lần/tuần để giảm nguy cơ bị dị ứng lông thú cưng. Nếu bạn có em bé, tốt nhất nên cách ly thú cưng càng xa bé càng tốt.
• Đồ nội thất: Bạn nên cân nhắc thay thế ghế sofa bọc nệm bằng đồ nội thất làm bằng da, gỗ, kim loại hoặc nhựa. Nếu dùng thảm, bạn giặt thảm tại nhà 1 lần/tuần. Phòng khách thường có nhiều đồ nội thất dễ bám bụi, bạn cần thu xếp tổng vệ sinh 1 lần/tháng.
3. Phòng bếp
Phòng bếp sạch sẽ có thể giúp ích rất nhiều cho chế độ ăn eat clean của bạn đấy. Bạn hãy lưu ý dọn dẹp các khu vực bếp dưới đây:
• Bếp nấu ăn: Bạn lắp đặt và sử dụng quạt thông gió có lỗ thông hơi để loại bỏ khói nấu ăn và giảm độ ẩm. Hầu hết các máy hút mùi trên bếp chỉ đơn giản là lọc các hạt nấu ăn chứ không thông hơi bên ngoài.
• Bồn rửa: Hãy rửa chén mỗi ngày, chà rửa bồn rửa và vòi để loại bỏ nấm mốc và mảnh vụn thức ăn. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, bạn có thể học cách làm nước rửa chén tự nhiên hoặc sử dụng nước rửa chén gốc thực vật.
• Tủ lạnh: Bạn lau hơi nước ẩm đọng trên tủ lạnh để tránh nấm mốc phát triển. Hãy vứt bỏ thực phẩm bị mốc hoặc quá hạn. Bạn nên thường xuyên làm sạch tủ lạnh và tủ đông trước khi mua thực phẩm bỏ vào.
• Tủ và bàn: Bạn có thể làm sạch tủ và mặt bàn bằng chất tẩy rửa và nước. Tốt nhất bạn nên dùng dung dịch tẩy rửa có nguồn gốc tự nhiên để ngăn ngừa nguy cơ bị kích ứng da khi lau dọn. Hãy lưu trữ thực phẩm trong hộp thủy tinh và đậy nắp kín trước khi cất vào tủ.
• Chất thải thực phẩm: Bạn cho rác vào một cái hộp có nắp chống côn trùng và đổ rác hàng ngày. Thói quen giữ cho nhà bếp không có vụn thức ăn sẽ giúp giảm khả năng xuất hiện chuột và gián.
4. Phòng tắm
• Thông gió: Bạn có thể lắp đặt quạt hút để giảm độ ẩm trong khi tắm.
• Sàn nhà: Bạn sử dụng sàn gạch, nhựa vinyl, gỗ hoặc vải sơn.
• Tường: Tường nhà tắm nên ốp gạch hoặc sơn tường bằng sơn men chống nấm mốc.
• Vòi hoa sen và bồn tắm: Bạn nên lau khô bồn tắm và kéo rèm lại. Hãy làm sạch hoặc thay thế rèm tắm và đồ tắm bị mốc.
• Toilet và bồn rửa: Bạn nên chà sạch cả hệ thống ống nước và sửa chữa chỗ rò rỉ.
Hưởng ứng lối sống xanh, nhiều người chọn lọc các sản phẩm tẩy rửa có nguồn gốc thực vật hoặc sử dụng các nguyên liệu tự nhiên như chanh tươi, giấm trắng, dầu ô liu…
Chơi sạch | Đồ chơi sạch cho bé
Bạn có thể mua đồ chơi cho con như món quà vào những dịp sinh nhật, lễ tết hoặc khi trẻ ngoan ngoãn. Đồ chơi là một cách tuyệt vời để trẻ học hỏi cách xử lý các vấn đề. Tuy nhiên, đôi khi những món quà này có thể khiến bé yêu bị trầy xước, bầm tím, chảy máu, đầu độc, sốc, nghẹt thở, nghẹn hoặc kích ứng bởi đồ chơi độc hại. (2)
Để chọn mua đồ chơi an toàn cho bé, bạn nên tránh các loại đồ chơi độc hại sau đây:
• Đồ chơi có mùi thơm: Mùi thơm quá nồng nặc sẽ gây kích thích lên niêm mạc đường hô hấp của bé, tác động xấu lên mắt, có thể gây hắt xì, ngứa mũi… Tình trạng kéo dài có thể gây chảy máu mũi, ảnh hưởng tới mắt, khoang mũi và dẫn đến khô mũi, viêm mũi.
• Đồ chơi có màu sắc sặc sỡ: Nếu trẻ vô tình ngậm hoặc cắn những đồ chơi có màu sắc sặc sỡ sẽ có thể bị nhiễm độc do dùng sơn không an toàn. Chất độc thâm nhập vào miệng và tay chân bé, sẽ đi vào cơ thể và mạch máu, ảnh hưởng đến não của trẻ và có thể gây ngộ độc.
• Đồ chơi bằng nhựa không an toàn: Nhiều đồ chơi trẻ em có thể sử dụng nhựa tái chế, quy trình sản xuất các sản phẩm này thường phải thêm các chất hóa học làm dẻo. Các chất này có thể chứa chất phthalates gây hiện tượng dậy thì sớm, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Thị trường đồ chơi trẻ em ngày càng phong phú với rất nhiều mẫu mã đẹp mà giá cả lại rẻ, nhưng lại tiềm ẩn rất nhiều rủi ro sức khỏe. Vậy thế nào mới là đồ chơi an toàn cho bé yêu?
Với tình trạng đồ chơi độc hại xuất hiện ngày càng nhiều, “đồ chơi sạch” và sản phẩm thân thiện với môi trường theo xu hướng “sống xanh” đang ngày càng được các phụ huynh quan tâm. Đối với trẻ em, “đồ chơi” cũng chính là “đồ ăn” khi bé thường xuyên cầm, nắm, ngậm, gặm và thậm chí… nuốt vào miệng. Vì vậy, bạn nên lưu ý những điều sau đây khi chọn đồ chơi cho bé:
• Đồ chơi không có mùi: Bạn chọn đồ chơi hoàn toàn không có mùi để đảm bảo an toàn cho trẻ.
• Đồ chơi có màu sắc gần gũi tự nhiên: Đồ chơi an toàn cho trẻ được sử dụng những loại sơn an toàn với gam màu gần gũi tự nhiên.
• Đồ chơi bằng chất liệu an toàn cho trẻ: Chất liệu an toàn cho trẻ có thể là giấy, vải, gỗ… Một số loại nhựa cũng được sản xuất theo tiêu chí phù hợp với trẻ em.
Bên cạnh việc lựa chọn “đồ chơi sạch”, bạn cũng nên cân nhắc tránh các mẫu đồ chơi có kích thước nhỏ mà trẻ có thể nhét vào mũi, tai và miệng. Đồng thời, bạn cũng nên vệ sinh đồ chơi cho trẻ thường xuyên bằng dung dịch làm sạch có nguồn gốc thực vật.
Một ngôi nhà, một gia đình khỏe mạnh toàn diện sẽ không thể thiếu những sản phẩm chăm sóc vệ sinh lành tính có nguồn gốc từ thiên nhiên, an toàn cho cả người lớn và trẻ nhỏ. Khi áp dụng tiêu chuẩn “ăn sạch” với trào lưu thực phẩm hữu cơ (organic) hay chế độ ăn eat clean, bạn có thể quên mất mình đã bỏ qua “ở sạch” và “chơi sạch”. Hãy nghĩ xa hơn về những rủi ro tiềm ẩn trong chính căn nhà bạn để lựa chọn các sản phẩm một cách thông minh nhé!
Thảo Viên | HELLO BACSI