10 nguyên nhân vì sao bạn không có kinh nguyệt

(4.44) - 73 đánh giá

Nguyên nhân phổ biến khiến phụ nữ không có kinh nguyệt là do mang thai. Tuy nhiên, bạn có thể rất hoang mang và lo lắng nếu không có hoạt động tình dục mà vẫn đột ngột mất kinh. Vậy nguyên nhân khiến bạn không có kinh nguyệt là gì?

Nguyên nhân khiến bạn không có kinh nguyệt không chỉ là vì thai kỳ mà còn do thói quen sinh hoạt hoặc đang có một bệnh lý cần điều trị. Bạn cũng có thể bị chậm kinh do cân nặng thay đổi nhanh chóng, nội tiết tố bất thường hoặc thời kỳ mãn kinh (độ tuổi 40 – 50).

Tình trạng mất kinh nguyệt có thể xảy ra trong 1 – 2 tháng hoặc bị vô kinh hoàn toàn trong 3 tháng liên tiếp hoặc hơn. Dưới đây là 10 nguyên nhân phổ biến khiến bạn không có kinh nguyệt.

1. Bạn không có kinh nguyệt do bị căng thẳng

Tình trạng bạn bị căng thẳng (stress) trong thời gian dài có thể làm thay đổi quá trình sản xuất hormone giải phóng gonadotrophin (GnRH), cản trở sự rụng trứng và khiến kinh nguyệt không đều. Tình trạng căng thẳng dẫn đến mất kinh không chỉ là do bạn gặp áp lực trong công việc, học tập mà còn từ nhiều vấn đề khác trong cuộc sống.

Nếu bạn đang phải đối mặt với những vấn đề quá sức của bản thân hoặc liên tục phải chịu căng thẳng và lo lắng thì bạn nên đến gặp bác sĩ. Bác sĩ sẽ đưa cho bạn lời khuyên cần làm gì để đối phó với tình trạng căng thẳng.

Khi bạn có thể kiểm soát được mức căng thẳng của mình thì chu kỳ kinh nguyệt sẽ trở lại bình thường sau một vài tháng.

2. Bạn mất kinh do tập thể dục quá sức

Tình trạng tập thể dục quá sức có thể gây ra sự thay đổi hormone tuyến yên và hormone tuyến giáp dẫn đến thay đổi sự rụng trứng và chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, nếu bạn chỉ tập thể dục 1 – 2 giờ mỗi ngày thì đây không phải là nguyên nhân khiến bạn mất kinh. Bạn chỉ có thể mất kinh khi tập luyện hàng giờ đồng hồ mỗi ngày khiến nội tiết tố bị thay đổi.

Nếu bạn buộc phải lên kế hoạch để tập luyện nhiều giờ mỗi ngày thì nên đến gặp bác sĩ thể thao để có được những lời khuyên về chế độ dinh dưỡng tối ưu. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu bạn giãn cơ hoặc xét nghiệm máu để hỗ trợ những nhu cầu về thể chất của bạn.

3. Bạn không có kinh nguyệt do mắc bệnh

Bạn có thể bị mất kinh nếu gặp một số bệnh mãn tính dưới đây:

  • Tiểu đường
  • Bệnh tuyến giáp
  • U nang buồng trứng
  • Rối loạn chức năng gan
  • Các bệnh về tuyến thượng thận
  • Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
  • U tuyến yên (có thể hoặc không phải là ung thư)

Nếu bạn đang mắc một trong những bệnh lý kể trên thì chu kỳ kinh nguyệt của bạn sẽ không thể trở lại bình thường cho đến khi tình trạng bệnh được điều trị.

Các tình trạng nhiễm sắc thể bẩm sinh như hội chứng Turner và hội chứng không nhạy cảm androgen cũng có thể gây ra các vấn đề về kinh nguyệt, khả năng sinh sản và thường có liên quan đến tình trạng vô kinh.

Một số loại bệnh cấp tính khiến bạn giảm cân nhanh chóng, thiếu hụt dinh dưỡng hoặc rối loạn nội tiết tố gây ra tình trạng mất kinh là viêm phổi, đau tim, suy thận, viêm màng não… Sau khi bệnh được điều trị, bạn có thể phải cần vài tháng để kinh nguyệt trở lại bình thường.

4. Bạn không có kinh nguyệt do đồng hồ sinh học

Việc thay đổi lịch trình có thể làm đồng hồ sinh học của cơ thể bạn thay đổi. Nếu bạn thường xuyên thay đổi ca làm việc từ ngày sang đêm, không cố định thì chu kỳ kinh nguyệt của bạn có thể đến sớm hoặc muộn hơn dự kiến.

Kinh nguyệt cũng có thể bị thay đổi nếu bạn gặp tình trạng jet lag (một triệu chứng rối loạn giấc ngủ tạm thời khi bạn bay qua những múi giờ khác nhau).

5. Bạn uống thuốc làm thay đổi kinh nguyệt

Một số loại thuốc khiến bạn không có kinh nguyệt hoặc trễ kinh là thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần, thuốc tuyến giáp, thuốc chống co giật và một số loại thuốc hóa trị.

Các biện pháp tránh thai bằng nội tiết tố dưới đây cũng có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt của bạn. Chúng bao gồm:

  • Que cấy tránh thai Nexplanon
  • Thuốc tiêm tránh thai Depo-Provera
  • Thuốc viên chỉ có progesterone MiniPill
  • Vòng tránh thai IUD có chứa kích thích tố Mirena

Một số biện pháp tránh thai có thể khiến bạn ra kinh nhiều, một số khiến bạn ra ít kinh còn một số lại khiến bạn mất kinh.

6. Bạn không có kinh nguyệt vì cân nặng thay đổi

Nếu bạn phải trải qua những thay đổi mạnh mẽ về cân nặng như thừa cân, thiếu cân quá nhiều thì bạn cũng có thể bị mất kinh.

Béo phì có thể ảnh hưởng đến estrogen và progesterone, thậm chí khiến bạn giảm khả năng sinh sản. Chỉ số khối cơ thể (BMI) quá cao có thể là nguyên nhân khiến bạn không có kinh nguyệt. Vì thế, bạn nên giảm cân khi bị béo phì để giúp điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt.

Trong trường hợp bạn thiếu cân khiến cho cơ thể thiếu chất béo và chất dinh dưỡng nên không thể sản xuất hormone gây ra tình trạng kinh nguyệt không đều. Bạn cũng có thể bị vô kinh nếu mắc chứng chán ăn hoặc tiêu thụ lượng calo ít hơn so với lượng mà cơ thể bạn đốt cháy. Thông thường, bạn tăng cân trở lại sẽ giúp kinh nguyệt đều đặn hơn.

Khi bạn thay đổi cân nặng nhanh chóng như tăng cân hoặc giảm cân do bệnh tật, uống thuốc hoặc thay đổi chế độ ăn uống thì sẽ gây trở ngại cho việc sản xuất hoặc giải phóng hormone khiến bạn bị mất kinh.

7. Bạn đang ở giai đoạn kinh nguyệt không đều

Một chu kỳ kinh nguyệt bình thường sẽ kéo dài từ 21 – 35 ngày. Tuy nhiên, chu kỳ này có thể không đều khi bạn mới bắt đầu có kinh hoặc đã bị mất kinh nguyệt trong thời gian dài trước đó.

Trong giai đoạn bắt đầu hành kinh ở tuổi dậy thì, các bé gái có thể bị mất kinh cho đến khi kinh nguyệt bắt đầu lại bình thường. Phụ nữ đã từng bị mất kinh nguyệt do sử dụng biện pháp tránh thai, liệu pháp hormone hoặc bị bệnh cũng sẽ có kinh nguyệt không đều.

Khi bạn bước vào giai đoạn dậy thì hoặc trải qua một số can thiệp cũng như mắc phải một căn bệnh, kinh nguyệt sẽ không đều một thời gian.

8. Bạn không có kinh nguyệt vì đang cho con bú

Khi đang cho con bú, bạn có thể nhận thấy kinh nguyệt không ra, kinh ra ít hoặc không thường xuyên. Nguyên nhân là khi bạn cho con bú đã cung cấp cho bé tất cả lượng calo mà cơ thể bé cần.

Nhiều phụ nữ thường nghĩ cho con bú là một hình thức kiểm soát sinh sản nhưng thực tế không phải vậy. Ngay cả khi bạn không có kinh nguyệt trong lúc cho con bú thì bạn vẫn có thể mang thai. Vì vậy, bạn hãy sử dụng hình thức kiểm soát sinh sản khác nếu chưa sẵn sàng cho việc có con tiếp theo.

9. Bạn không có kinh nguyệt ở giai đoạn mãn kinh

Phụ nữ trong thời kỳ tiền mãn kinh là khoảng thời gian chuyển từ tuổi sinh sản sang tuổi không sinh sản. Kinh của bạn có thể ra ít, nhiều, thường xuyên hoặc không đều đặn.

Nếu bạn ở trong thời kỳ mãn kinh thì có nghĩa là bạn sẽ không còn rụng trứng hay có kinh nguyệt nữa. Độ tuổi mãn kinh trung bình là 51 tuổi.

10. Bạn bị mất kinh do mang thai ngoài tử cung

Nếu bạn nghĩ rằng mình không thể mang thai vì đã đặt vòng tránh thai thì bạn đã sai lầm rồi đấy! Bạn có thể mang thai ngoài tử cung khiến kinh nguyệt không ra. Trong trường hợp này, việc thử thai của bạn có thể không chính xác do hình dạng của thiết bị đặt bên trong. Bác sĩ có thể sẽ phải kiểm tra vùng chậu hoặc siêu âm để xác nhận bạn có mang thai ngoài tử cung hay không.

Khi thấy không có kinh nguyệt trong 1 – 2 tháng, bạn nên đến bác sĩ để kiểm tra chứ không nên tự chẩn đoán và điều trị bệnh tại nhà.

Bạn cần đến bác sĩ ngay nếu xuất hiện kèm thêm các dấu hiệu khác khi mất kinh như đau đầu, tầm nhìn thay đổi, buồn nôn hoặc nôn, sốt, rụng tóc, tiết sữa ở ngực, tóc phát triển quá mức…

Bạn nên nhanh chóng đến bệnh viện để điều trị bệnh khi thấy không có kinh nguyệt. Bác sĩ sẽ tìm ra những nguyên nhân khiến bạn mất kinh để từ đó có những phương pháp điều trị thích hợp. Bạn cũng cần thay đổi lối sống như để ý đến chế độ ăn uống, kiểm soát căng thẳng và ngủ đủ giấc để kinh nguyệt đều đặn trở lại nhé.

Đánh giá:

Bài viết liên quan

Thế nào là một chu kỳ kinh nguyệt bình thường?

(86)
Mỗi tháng một lần, chu kỳ kinh nguyệt lại tìm đến bạn. Chuyện này xảy ra bình thường đến nỗi bạn chẳng mấy để tâm đến nó, dù đôi lúc nó gây ra ... [xem thêm]

5 bí quyết giúp bạn hết mệt trong người khi đến ngày đèn đỏ

(29)
Bạn thường cảm thấy mệt trong người đến mức chỉ muốn nằm bẹp dí trên giường mỗi khi đến kỳ đèn đỏ? Hãy thử các bí quyết chăm sóc sức khỏe ... [xem thêm]

Khối u tuyến giáp ít có khả năng là ung thư tuyến giáp

(19)
U tuyến giáp được chia thành 2 loại: u lành tính là u không gây bệnh ung thư tuyến giáp và có chức năng tiết ra hormone tuyến giáp để hỗ trợ hoạt động của ... [xem thêm]

Những hiểu lầm thường gặp về tuổi mãn kinh ở phụ nữ

(15)
Mãn kinh là giai đoạn mà mỗi người phụ nữ đều phải trải qua trong cuộc đời. Trong giai đoạn này, buồng trứng đã ngừng hoạt động và phụ nữ sẽ mất ... [xem thêm]

Tin bất ngờ: chữa đau bụng kinh nhờ yoga

(81)
Bạn có quan tâm đến việc tập luyện yoga trong những ngày hành kinh không? Đừng lo lắng quá, yoga là bài tập rất tốt mà bất cứ ai cũng thực hiện được ... [xem thêm]

Nhu cầu tình dục thấp ở phụ nữ

(79)
Tìm hiểu chungNhu cầu tình dục thấp ở phụ nữ là gì?Ham muốn tình dục ở phụ nữ dao động tự nhiên qua thời gian. Ham muốn nhiều hay ít thường trùng với ... [xem thêm]

7 dấu hiệu cảnh báo u nang buồng trứng chuyển sang thể ác tính

(97)
U nang buồng trứng là bệnh phụ khoa phổ biến ở nữ giới. Hầu hết các khối u là lành tính nhưng bạn không nên chủ quan vì một số trường hợp u nang có nguy ... [xem thêm]

Phẫu thuật giá âm đạo không căng

(10)
Tìm hiểu chungPhẫu thuật giá âm đạo không căng là gì?Giá âm đạo không căng là phẫu thuật để điều trị tiểu không kiểm soát khi gắng sức. Tiểu không ... [xem thêm]

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN