Viêm đại tràng

(3.99) - 21 đánh giá

Tìm hiểu chung

Bệnh viêm đại tràng là gì?

Đại tràng hay ruột già, là một ống cơ rỗng xử lý chất thải từ quá trình tiêu hóa của ruột non, loại bỏ nước và những phần còn lại như phân qua hậu môn. Đại tràng nằm trong phúc mạc, một túi lớn chứa ruột, trong khoang bụng. Viêm đại tràng là tình trạng sưng (viêm) ruột kết.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng viêm đại tràng là gì?

Các dấu hiệu viêm đại tràng phổ biến là:

  • Đau bụng và đầy hơi có thể liên tục hoặc đến và đi
  • Máu trong phân
  • Liên tục muốn đi tiêu (mót rặn)
  • Mất nước
  • Tiêu chảy
  • Sốt

Bạn có thể gặp các biểu hiện khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Đối tượng nào có nguy cơ mắc bệnh cao hơn?

Bệnh có khuynh hướng di truyền trong gia đình. Người ở độ tuổi trong khoảng 15 đến 30 có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể tấn công bất kỳ ai dù trong độ tuổi, giới tính hay chủng tộc nào.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau, vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương pháp thích hợp nhất.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây viêm đại tràng là gì?

Ngoài yếu tố gia đình có người mắc bệnh thì các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây bệnh viêm đại tràng. Tuy nhiên, có một vài điều có thể làm tăng nguy cơ mắc căn bệnh này bao gồm:

  • Nhiễm trùng gây ra bởi một loại virus hoặc ký sinh trùng
  • Ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn
  • Bệnh Crohn
  • Máu lưu thông kém (viêm đại tràng do thiếu máu cục bộ)
  • Xạ trị ruột già trong quá khứ (hẹp do xạ trị)
  • Viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh
  • Viêm đại tràng giả mạc do nhiễm difficile clostridia
  • Hệ miễn dịch bị suy giảm
  • Sinh sống tại các khu đô thị hoặc khu công nghiệp
  • Tác dụng của các loại thuốc điều trị kháng viêm không steroid

Ngoài ra, thói quen giữ vệ sinh cá nhân quá sạch sẽ từ lúc bé có thể giúp bạn tránh được những căn bệnh khi còn trẻ, song lại có thể làm cho bạn dễ dàng mắc phải các rối loạn trong hệ miễn dịch như bệnh viêm đại tràng khi về già.

Chẩn đoán & Điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh viêm đại tràng?

Bác sĩ sẽ thực hiện thăm khám lâm sàng. Bạn cũng sẽ được hỏi về các triệu chứng viêm đại tràng như:

  • Các triệu chứng đã xuất hiện bao lâu?
  • Mức độ đau?
  • Cơn đau kéo dài bao lâu và tần xuất xuất hiện cơn đau?
  • Tiêu chảy kéo dài bao lâu?
  • Bạn có đi du lịch không?
  • Bạn có uống thuốc kháng sinh thời gian gần đây không?

Bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh bằng cách đưa một ống linh hoạt vào trong trực tràng (soi đại tràng sigma linh hoạt hoặc nội soi đại tràng) và nhìn vào một số vùng của ruột kết. Bạn có thể phải làm sinh thiết khi thực hiện thủ thuật này. Sinh thiết có thể hiển thị những thay đổi liên quan đến tình trạng viêm. Điều này có thể giúp bác sĩ xác định nguyên nhân gây viêm đại tràng.

Các xét nghiệm khác có thể xác định bệnh viêm đại tràng bao gồm:

  • Chụp CT bụng
  • MRI bụng
  • Thụt bari
  • Cấy phân
  • Kiểm tra trứng và ký sinh trùng trong phân

Những phương pháp nào dùng để điều trị viêm đại tràng?

Việc điều trị viêm đại tràng tùy thuộc vào nguyên nhân.

Đối với viêm đại tràng không được chẩn đoán hoặc không kiểm soát được, điều trị ban đầu (không phụ thuộc vào nguyên nhân) là ổn định sức khỏe của bệnh nhân và giảm đau nếu cần thiết. Bạn có thể được cho uống chất lỏng để bù nước. Tuy nhiên, đối với những bệnh nhân mất nước rõ rệt, những người không thể uống hoặc có những bất thường về điện giải, bác sĩ sẽ yêu cầu truyền dịch.

Thuốc trị viêm đại tràng thường được sử dụng để kiểm soát bệnh viêm ruột. Mỗi người sẽ có một phác đồ điều trị thuốc khác nhau.

Kháng sinh không thường được sử dụng, trừ khi bác sĩ tìm ra nguyên nhân gây bệnh là do vi khuẩn. Lúc này, dùng kháng sinh giúp rút ngắn thời gian nhiễm trùng.

Các loại thuốc không cần toa để điều trị tiêu chảy nên được sử dụng một cách thận trọng, đặc biệt là nếu bạn có đau bụng kèm theo sốt. Hãy chủ động kiểm tra với bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi dùng thuốc chống tiêu chảy.

Phẫu thuật thường không phải là một lựa chọn điều trị cho hầu hết các nguyên nhân gây viêm đại tràng.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn quản lý bệnh viêm đại tràng?

Lối sống và các biện pháp khắc phục tại nhà sau có thể giúp bạn đối phó với bệnh viêm đại tràng:

  • Ban đầu tránh các thức ăn cứng và nên có một chế độ ăn uống những thực phẩm nhẹ, dễ tiêu, giúp bù nước cho cơ thể và để đại tràng được nghỉ ngơi.
  • Thay đổi chế độ ăn uống giúp giảm triệu chứng hoặc các đợt bùng phát, nhưng không chữa khỏi một số loại viêm đại tràng.
  • Ghi lại danh sách những thực phẩm bạn dùng để biết cách tránh các loại thực phẩm có thể liên quan đến việc làm các triệu chứng xấu đi.

Tránh các loại thực phẩm sau đây nếu bạn có viêm đại tràng:

  • Thức ăn dầu mỡ hoặc thức ăn chiên rán
  • Sữa hoặc các sản phẩm có chứa sữa
  • Một số thực phẩm nhiều chất xơ như bỏng ngô, các loại hạt và ngô
  • Người không dung nạp lactose nên tránh các sản phẩm sữa có chứa lactose.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Những cách kiểm soát bệnh

Bởi vì căn bệnh này sẽ làm cho bạn cảm thấy rất khó chịu, do đó bạn nên tìm hiểu và thử một vài biện pháp dưới đây để kiểm soát bệnh viêm đại tràng một cách hiệu quả nhất.

1. Vận động nhiều hơn

Đã có những bằng chứng khoa học cho thấy tập luyện thể dục góp phần đáng kể trong việc giúp các bệnh nhân kiểm soát các triệu chứng của bệnh viêm đại tràng. Đồng thời, tập luyện thể thao còn làm cho xương và các cơ bắp trở nên chắc khỏe hơn cũng như tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể.

2. Sử dụng các loại thuốc điều trị

Có khá nhiều loại thuốc trị viêm đại tràng. Các thuốc này thường sẽ tác động đến hệ miễn dịch, làm giảm viêm sưng hoặc ngăn chặn cũng như điều trị nhiễm trùng. Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc dựa vào các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của bệnh và những loại thuốc bạn đã uống trong quá trình điều trị trước đó. Để đạt được hiệu quả tốt nhất, bạn cần phải uống thuốc đúng liều theo toa và đúng giờ.

3. Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng

Căn bệnh viêm đại tràng có khả năng làm cho cơ thể khó hấp thu một vài loại vitamin và chất khoáng như vitamin A, D, E, K, axit folic và vitamin B12. Ngoài ra, bạn cũng sẽ nhận thấy cơ thể có những phản ứng nhạy cảm với một số nhóm thực phẩm nhất định. Do đó, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc các chuyên gia dinh dưỡng để có một chế độ dinh dưỡng phù hợp.

4. Hãy dành thời gian để giải tỏa căng thẳng

Căng thẳng là một phần trong cuộc sống của mỗi người và không ai có thể phủ nhận sự tồn tại của nó. Tuy nhiên, sự căng thẳng và lo âu sẽ làm các triệu chứng viêm đại tràng trở nên trầm trọng hơn.

Vì thế, bạn nên ưu tiên dành ra một khoảng thời gian mỗi ngày để thư giãn, suy ngẫm, hít thở sâu và tập thể dục. Điều quan trọng là bạn nên làm những việc thật sự khiến tâm trạng trở nên thoải mái và không làm việc quá sức để tiết kiệm năng lượng cho việc giải quyết những vấn đề khác.

5. Bỏ thói quen hút thuốc lá

Hút thuốc lá khiến căn bệnh viêm đại tràng trở nên trầm trọng hơn rất nhiều. Nó có thể làm tăng mức độ của các tình trạng liên quan đến căn bệnh này như mất xương và các vấn đề về mắt. Cho dù gặp nhiều khó khăn ban đầu trong việc cai thuốc nhưng vì một sức khỏe tốt, bạn nên kiên trì bỏ thuốc lá. Ngoài ra, nếu cần thiết, bạn cũng có thể đi khám bác sĩ để có thêm những lời khuyên hữu ích.

6. Sống tích cực

Mắc phải một căn bệnh như viêm đại tràng có thể sẽ khiến cho bạn phải đương đầu với khá nhiều vấn đề. Do đó, tốt nhất bạn nên tìm kiếm sự hỗ trợ, động viên từ gia đình và bạn bè.

Hơn nữa, bạn cũng nên tự lập ra những kế hoạch gồm những hoạt động mà bạn yêu thích để thực hiện. Đặc biệt, điều quan trọng nhất là bạn phải lạc quan về những gì bản thân có thể làm được và hãy hạn chế làm những việc khiến bạn cảm thấy quá tải. Tóm lại, bạn hãy tìm tất cả mọi cách để tận hưởng cuộc sống trọn vẹn và bạn có thể nói chuyện với các chuyên gia tư vấn tâm lý để được giúp đỡ nhiều hơn.

7. Sử dụng các loại thực phẩm chức năng

Để đáp ứng đầy đủ các nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể, bác sĩ có thể đề nghị bạn dùng thêm các loại thực phẩm bổ sung các vitamin và khoáng chất. Chúng giúp bổ sung thêm các chất như canxi, vitamin D, vitamin B12, axit folic và chất sắt cho cơ thể bạn.

Ngoài ra, một số người, đặc biệt là trẻ em, có thể phải dùng đến những thực phẩm chức năng ở dạng lỏng để thay thế cho thực phẩm. Tuy nhiên, bạn rất cần đi khám bác sĩ trước khi quyết định dùng bất cứ loại thực phẩm bổ sung nào dù cho chúng có nguồn gốc từ tự nhiên. Bởi vì một vài loại trong số đó có thể có tác động tiêu cực trong việc điều trị bệnh viêm đại tràng.

Vô vàn những căn bệnh khác có thể tấn công bạn, bên cạnh bệnh viêm đại tràng, cho nên bạn rất cần phải duy trì sức khỏe tổng quát của cơ thể trong tình trạng tốt nhất. Đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện ra bệnh sớm hơn và biết được thói quen nào có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe sẽ giúp bạn kiểm soát được bệnh. Ngoài ra, bạn cũng nên tập thể dục đều đặn, có một chế độ ăn uống giàu chất dinh dưỡng, kiểm soát căng thẳng và không hút thuốc để giữ cho cơ thể luôn khỏe mạnh cũng như tinh thần sảng khoái nhé.

Đánh giá:

Bài viết liên quan

Hoại tử vô mạch

(11)
Định nghĩaHoại tử vô mạch là bệnh gì?Hoại tử vô mạch là một căn bệnh về xương, xảy ra do mất tạm thời hoặc vĩnh viễn nguồn cung cấp máu tới ... [xem thêm]

Mụn thịt

(98)
Tìm hiểu chungMụn thịt là tình trạng gì?Mụn thịt là nhóm các nang mụn. Chúng khá nhỏ, có đầu trắng chứa keratin và xuất hiện thành từng nhóm trên da của ... [xem thêm]

Viêm da

(15)
Viêm da là một tình trạng phổ biến, có thể gây khó chịu cho người bệnh. Một số dạng viêm da có thể kéo dài rất lâu trong khi số khác chỉ xuất hiện và ... [xem thêm]

U lympho tế bào T

(75)
Tìm hiểu chungBệnh u lympho tế bào T là gì?U lympho là ung thư bắt đầu trong các tế bào lympho, một loại tế bào máu trắng của hệ miễn dịch. U lympho là loại ... [xem thêm]

Đa ối

(100)
Tìm hiểu chungĐa ối là tình trạng gì?Đa ối hay rối loạn nước ối là tình trạng có quá nhiều nước ối hình thành trong thời thai kỳ. Hầu hết các mẹ bầu ... [xem thêm]

Lao phổi

(88)
Bệnh lao là thuật ngữ đề cập đến một nhóm bệnh lý mang tính lây truyền cao. Trong đó, phổ biến nhất là lao phổi chiếm tỷ lệ 80 – 85% tổng số ca bệnh. ... [xem thêm]

Lymphôm Burkitt

(42)
Tìm hiểu chungLymphôm Burkitt là bệnh gì?Bệnh lymphôm Burkitt là một dạng của ung thư hạch bạch huyết không Hodgkin mà ung thư bắt nguồn từ các tế bào miễn ... [xem thêm]

Chấy rận (chí rận)

(100)
Định nghĩaChấy rận (chí rận) là gì?Chấy rận, hay còn gọi là chí rận, là động vật ký sinh rất nhỏ, không cánh sống ký sinh bằng máu của bạn. Chấy rận ... [xem thêm]

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN