Bệnh tự kỷ (Autism) là một căn bệnh khiến trẻ em bị khiếm khuyết trong tương tác xã hội, phát triển ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp. Điều này có thể là do nhiều vấn đề tiềm ẩn gây ra. Tin vui là có rất nhiều cách để dạy trẻ tự kỷ tập nói và giúp trẻ hòa nhập với cộng đồng.
Trong bài viết này, Chúng tôi chia sẻ cùng bạn 10 bí quyết có thể khuyến khích trẻ tự kỷ nói chuyện và tương tác với mọi người.
Trẻ tự kỷ bắt đầu nói chuyện khi nào?
Trẻ tự kỷ thường có xu hướng chậm phát triển về mặt ngôn ngữ hơn những đứa trẻ bình thường khác. Trẻ tự kỷ gặp nhiều vấn đề về giao tiếp và thường bắt đầu nói chuyện rất trễ. Các báo cáo cho thấy trẻ tự kỷ thường bắt đầu tập nói và học tập về môi trường xung quanh từ 6 tuổi trở lên.
Bạn có thể làm gì để dạy trẻ tự kỷ tập nói chuyện?
Nếu bạn băn khoăn không biết “Liệu trẻ tự kỷ có thể nói chuyện được hay không?” thì câu trả lời là có. Tuy nhiên việc này dạy trẻ biết nói chuyện thường tốn khá nhiều thời gian. Vì vậy, bạn có thể thực hiện theo một số các bí quyết mà Chúng tôi chia sẻ dưới đây để thúc đẩy nhanh quá trình đó:
1. Giúp trẻ tăng tương tác với thế giới bên ngoài
Người ta nói rằng trẻ em thường có xu hướng học hỏi và thích nghi với môi trường xung quanh. Do đó, điều đầu tiên và quan trọng nhất bạn cần làm là không để trẻ cảm thấy mình khác biệt so với những trẻ em bình thường, rằng mình không thể làm được những việc mà trẻ bình thường có thể làm được. Bạn hãy tập xem trẻ như những đứa trẻ khác, dẫn bé đến công viên hoặc các khu vui chơi để tăng sự tương tác của bé với xã hội bên ngoài. Điều này sẽ rất tốt để dạy trẻ tự kỷ tập nói vì khi thấy nhiều người nói chuyện, bé sẽ cảm thấy có động lực để nói chuyện hơn.
2. Để ý đến những sở thích và những điều trẻ quan tâm
Khi bạn làm hoặc nói về những vấn đề mà con thích, bé sẽ dễ chú ý và lắng nghe hơn. Bạn có thể bắt đầu từ việc mua những món đồ chơi mà con yêu thích và khuyến khích bé chơi cùng chúng mỗi ngày. Một khi trẻ đã quen với việc chơi với món đồ đó, hãy cất chúng ở những nơi mà trẻ không thể lấy được. Ban đầu, khi trẻ đòi đồ chơi bằng hành động, hãy đưa cho bé. Tuy nhiên sau đó, hãy giả vờ như không hiểu những hành động của bé. Điều này sẽ thúc đẩy việc bé phải nói chuyện để có được món đồ chơi mà chúng muốn.
3. Sử dụng ngôn ngữ đơn giản
Khi dạy trẻ tự kỷ tập nói, bạn dùng từ ngữ càng đơn giản thì con bạn sẽ càng dễ nắm bắt hơn. Bạn nên sử dụng những từ ngữ đơn giản và ngắn gọn. Khả năng tiếp thu ngôn ngữ của trẻ tự kỷ khá hạn chế, vì vậy việc sử dụng những từ ngữ quá phức tạp sẽ làm cho trẻ bối rối và cảm thấy khó khăn. Điều này sẽ cho phép con bạn làm quen được với những từ ngữ mới và dễ dàng vận dụng chúng trong quá trình giao tiếp.
4. Sử dụng cách giao tiếp phi ngôn ngữ
Hình thức giao tiếp phi ngôn ngữ đặt nền tảng cho giao tiếp bằng lời nói. Bạn nên bắt chước tất cả các cử chỉ và hành động của con, ví dụ như gật đầu để thể hiện sự đồng ý… Điều này sẽ giúp bé học hỏi từ thế giới bên ngoài tốt hơn và nhanh hơn. Các cử chỉ và giao tiếp phi ngôn ngữ càng gần gũi thì con bạn càng dễ hiểu và thích nghi tốt hơn với các kỹ năng giao tiếp trong tương lai.
5. Dạy cho bé về những sự vật và cảm giác
Hãy dạy cho trẻ một cách từ từ tên những sự vật và cảm xúc của con người. Cách tốt nhất chính là liên kết chúng lại với nhau. Ví dụ như khi bé đến mở tủ lạnh, hãy nói với con rằng bé làm vậy là vì đói hoặc khát nước. Điều này sẽ giúp trẻ biết thêm về những sự vật xung quanh mình và gắn liền chúng với những cảm xúc khác nhau.
6. Sử dụng các thiết bị công nghệ để hỗ trợ
Công nghệ mới và các phương pháp hỗ trợ trực quan không chỉ giúp bạn dễ dàng dạy trẻ tự kỷ tập nói hơn mà còn giúp bé cảm thấy vui vẻ hơn khi tìm hiểu về chúng. Một số ứng dụng và trò chơi thiết kế riêng cho trẻ tự kỷ giúp việc học của các bé trở nên thú vị và dễ dàng hơn.
7. Tham gia các câu lạc bộ dành cho bố mẹ của trẻ tự kỷ
Có rất nhiều cách để dạy trẻ tự kỷ tập nói, một trong số đó là tham gia câu lạc bộ hoặc hội dành cho bố mẹ có con tự kỷ. Tại đây, bạn có thể gặp gỡ các cặp bố mẹ có cùng hoàn cảnh và trao đổi với nhau về những cách để dạy trẻ tự kỷ tập nói chuyện. Một số câu lạc bộ còn tổ chức các buổi tập huấn định kỳ về kiến thức và kỹ năng chăm sóc trẻ tự kỷ. Ngoài ra, đây cũng là môi trường để các trẻ tự kỷ có thể vui chơi và giao tiếp với các bạn khác giống như mình, giúp các bé kết bạn và hòa nhập dễ dàng hơn.
8. Giao tiếp bằng ánh mắt
Bạn có thể cảm thấy tức giận khi con không bao giờ nhìn vào mắt người đang nói chuyện với mình. Trẻ tự kỷ có xu hướng không bao giờ nhìn thẳng vào mắt người khác vì chúng cảm thấy sợ sệt điều gì đó. Để giúp trẻ học cách nhìn vào mắt người khác (giao tiếp bằng mắt), bạn có thể bắt đầu bằng việc dán một miếng dán ngộ nghĩnh lên trán của mình để thu hút sự chú ý của bé. Điều này sẽ giúp trẻ quen với việc giao tiếp bằng ánh mắt và nhắc nhở bé luôn nhìn vào mặt của người đang nói chuyện với mình.
9. Cho con không gian riêng
Cách tốt nhất để dạy trẻ tự kỷ nói là tạo điều kiện cho con tự học. Tự học rất quan trọng vì điều này giúp con bạn phân tích và hiểu rõ tình huống hơn. Vì vậy, bạn nên dành cho trẻ những không gian riêng để tự tìm hiểu về những thứ xung quanh. Việc này tốn khá nhiều thời gian, nhưng có thể mang đến nhiều hiệu quả lâu dài và bền vững hơn. Đừng thúc ép mà hãy để con bạn học theo tốc độ của riêng chúng, dạy trẻ tự kỷ tập nói đòi hỏi bạn phải có sự kiên nhẫn rất lớn. Khi bạn hỏi một câu hỏi hoặc thấy con muốn một cái gì đó, hãy dừng lại một lúc để cho con thời gian trả lời hoặc nói lên những mong muốn của mình. Sau đó, bạn nên nhanh chóng trả lời hoặc đáp ứng nhu cầu của bé (nếu là nhu cầu chính đáng), như vậy bé sẽ cảm nhận được sức mạnh của lời nói và giao tiếp. Điều này sẽ khuyến khích bé nói nhiều hơn.
10. Tin tưởng con
Điều quan trọng nhất mà trẻ tự kỷ cần chính là sự ủng hộ và tin tưởng của cha mẹ. Hãy luôn động viên và cho con biết rằng bạn sẽ luôn luôn ở bên cạnh chúng. Đừng gây áp lực cho trẻ vì như thế sẽ làm bé cảm thấy căng thẳng và không tìm thấy hứng thú trong việc học. Hãy luôn giữ bầu không khí vui vẻ và lạc quan, điều này rất tốt cho quá trình phát triển và học hỏi của trẻ tự kỷ. Đừng để bất kỳ áp lực nào ảnh hưởng đến con của bạn.
Trẻ tự kỷ không chỉ cần được dạy về cách tập nói mà còn phải được quan tâm chăm sóc về nhiều mặt. Vì vậy, bố mẹ cần tìm hiểu thật kỹ về tình trạng của con cũng như những biện pháp hỗ trợ bé. Để tìm hiểu thêm về bệnh tự kỷ, bạn có thể tham khảo trong bài viết sau Lời khuyên dành cho gia đình có trẻ bị tự kỷ
Để giúp trẻ tự kỷ khám phá thế giới, cả bé lẫn bố mẹ đều cần phải kiên nhẫn rất nhiều. Chúng tôi hy vọng những bí quyết này có thể giúp con bạn nói chuyện và giao tiếp tốt hơn với thế giới bên ngoài. Điều quan trọng nhất bạn cần nhớ chính là luôn tin tưởng và ở bên cạnh động viên bé, điều này sẽ tạo nên nhiều động lực để bé tương tác với thế giới bên ngoài hơn.
Phương Quỳnh/HELLO BACSI