Môi trường càng bị tàn phá thì thời tiết cũng càng khắc nghiệt. Cái nắng gay gắt không chỉ khiến người ta khó chịu, mệt mỏi mà còn tiềm ẩn nhiều yếu tố gây ung thư da. Tình trạng này gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời. Vậy liệu bạn đã biết các dấu hiệu nhận biết của ung thư da?
Mỗi ngày, bạn phải bước ra ngoài để đi làm, đi học hoặc đi chơi. Bạn rất khó có thể tránh hoàn toàn ánh nắng mặt trời. Càng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nhiều, nỗi lo về ung thư da của bạn sẽ càng lớn. Tìm hiểu về căn bệnh ung thư da, cụ thể là cách nhận biết các dấu hiệu ung thư da, sẽ giúp bạn phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.
Sơ lược về ung thư da
Ung thư da là tình trạng các tế bào trong cơ thể phát triển không kiểm soát và hình thành khối u. Ung thư sau đó lan sang các khu vực và bộ phận khác, gọi là di căn.
Bạn có thể bị ung thư ở bất cứ đâu, nhưng da – cơ quan bao ngoài cơ thể và cũng là cơ quan có diện tích lớn nhất – là một trong những cơ quan dễ bị tổn thương mà chúng ta cần lưu ý. Ung thư da được chia làm 3 dạng là ung thư tế bào đáy, ung thư tế bào vảy, ung thư biểu mô tuyến bã nhờn và khối u ác tính.
Nếu có các yếu tố nguy cơ sau, bạn nên đặc biệt chú ý:
- Da trắng nhạy cảm dễ tổn thương
- Tiền sử bị cháy nắng hoặc phơi nắng quá nhiều
- Sống ở vùng khí hậu nhiều nắng hoặc khu vực vĩ độ cao
- Nhiều nốt ruồi
- Các tổn thương tiền ung thư
- Tiền sử gia đình hoặc cá nhân bị ung thư da
- Hệ miễn dịch yếu
- Tiếp xúc với bức xạ hoặc các chất như asen
Những dấu hiệu cảnh báo ung thư da
Dấu hiệu ung thư da có thể đa dạng tùy vào dạng bệnh mà bạn mắc phải. Dưới đây là 10 dấu hiệu cảnh báo ung thư da phổ biến mà bạn nên lưu ý.
1. Mảng da sần sùi, thô ráp, đóng vảy
Nếu quan sát và nhận thấy các mảng thô ráp, đóng vảy có màu chuyển từ nâu đến hồng đậm trên cơ thể, đặc biệt là mặt, đầu và hai tay, bạn nên đặc biệt cẩn thận. Bởi vì, đây chính là biểu hiện của bệnh dày sừng quang hóa, một trong những tổn thương da tiền ung thư. Bạn thường sẽ thấy những mảng da như thế này ở người da trắng, từng bị tổn thương da vì ánh nắng mặt trời. Nếu bạn không chắc chắn, hãy hỏi bác sĩ và lưu ý theo dõi vùng da đó xem có biến chuyển gì hay không.
2. Một nốt u tròn như hạt ngọc, trong mờ như sáp
Hãy để ý nếu trên da bạn xuất hiện một nốt u tròn với những đặc điểm sau:
- Nhìn như hạt ngọc, hơi mềm mềm
- Trong mờ, hơi bóng như sáp
- Trông như mụn nhưng không có nhân, ở giữa lõm.
Nếu nốt u phát triển rộng thêm, hãy đến gặp bác sĩ để được xem xét. Bởi vì, một nốt u trong mờ, hơi bóng hoặc có màu nhợt nhạt có thể là dấu hiệu của ung thư da, cụ thể là ung thư biểu mô tế bào đáy. Kèm theo đó, cơ thể bạn cũng có xu hướng dễ chảy máu hoặc xuất hiện các tia máu nhỏ đan xen trên gần bề mặt da (do các mạch máu nhỏ bị giãn).
3. Những tổn thương có bề mặt bằng phẳng, màu đỏ hồng như thịt tươi hay nâu như sẹo trên da
Hãy đi bác sĩ thăm khám nếu bạn có những vết lở loét lâu không lành, lõm xuống ở giữa và dễ bị chảy máu. Có vô số nguyên nhân khiến vết thương của bạn đóng vảy không lành và ung thư biểu mô tế bào đáy là một trong số đó. Những dấu hiệu ung thư da loại này thường được tìm thấy trên đầu, mặt, cổ, tay và chân. Nói chung thì ung thư biểu mô tế bào đáy không hẳn là bệnh hiểm nghèo, nó có thể được điều trị nếu phát hiện kịp thời.
4. Những vùng da tổn thương có màu đỏ, chạm vào thấy chắc, rắn
Một dấu hiệu cảnh báo ung thư da khác là trên da xuất hiện những vùng tổn thương màu đỏ, cứng, xỉn màu, dần lan rộng ra, có phần trung tâm lõm xuống hay bị loét.
Khu vực bị loét có thể:
- Phát triển thêm một vòng mô khác bên trong khu vực ban đầu
- Phát triển thành một mảng giòn có màu khác biệt
- Mãi không lành
Các vùng tổn thương này có thể hình thành nốt mủ trông như một nốt mụn hoặc nhọt nhưng không chịu lặn đi, thường xuất hiện trên mặt, tai và tay. Đối với những người da sẫm màu hơn, tổn thương đôi khi phát triển trên các khu vực không tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
5. Tổn thương phẳng với bề mặt thô ráp, đóng vảy
Các tổn thương phẳng có vảy, đóng dày sần lên trên bề mặt hay tổn thương mãi không lành giống như đã đề cập ở trên có thể là triệu chứng ung thư da, cụ thể là ung thư biểu mô tế bào vảy.
Ngày càng có nhiều người bị ung thư biểu mô tế bào vảy do sử dụng giường tắm nắng hay tắm nắng tự nhiên quá nhiều. Loại ung thư này có thể xuất hiện trên da hoặc thậm chí trên đường hô hấp, đường tiêu hóa và các cơ quan rỗng. Ung thư biểu mô tế bào vảy thường không gây chết người mà chỉ gây biến dạng hoặc để lại sẹo. Tuy nhiên, bạn cần phải điều trị càng sớm càng tốt.
Bạn có thể tìm hiểu thêm về bệnh lý này trong bài viết “Ung thư biểu mô tế bào vảy là bệnh gì?”
6. Nốt ruồi bất thường có thể là dấu hiệu của ung thư da
Bạn cần thận trọng và đến gặp bác sĩ khi:
- Trên da có nốt ruồi phát triển thành đốm nâu thẫm đi cùng các vết lốm đốm có màu đậm hơn
- Nốt ruồi vốn có bỗng dưng thay đổi màu sắc hoặc kích thước. Khi chạm vào thấy cảm giác không giống lúc trước hoặc bị chảy máu ở nốt ruồi
Nốt ruồi đột nhiên thay đổi có khi là dấu hiệu của một khối u hắc tố ác tính. Ung thư hắc tố là căn bệnh ung thư nguy hiểm có khả năng gây tử vong. Tỷ lệ rủi ro mắc ung thư hắc tố ác tính phụ thuộc vào sự tương tác của nhiều yếu tố như gene di truyền, đột biến do tia cực tím và các yếu tố khác hiện còn chưa được nghiên cứu chi tiết.
Hãy luôn kiểm tra xem nốt ruồi của bạn có các dấu hiệu sau đây hay không:
- Bất đối xứng, tức là méo mó, không rõ hình dạng
- Đường viền bao ngoài mờ nhạt, không rõ nét
- Nhiều màu sắc lẫn lộn
- Đường kính lớn hơn 0,6cm
- Phát triển kích thước và thay đổi về mặt hình dạng
7. Những tổn thương có viền không rõ ràng màu đỏ, trắng, xanh hoặc xanh đen
Khối u ác tính có thể phát triển ở những vị trí không ai ngờ đến. Bạn hãy chú ý những khu vực như lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu ngón tay hoặc ngón chân, bên trong khoang miệng, mũi hay khu vực quanh âm đạo và hậu môn.
Bất kỳ đốm tối màu nào trông kỳ lạ, đặc biệt khi nó xuất hiện đột ngột, có bất thường về màu sắc, hay khi chạm vào thấy đau đều cần được bác sĩ xem xét, kiểm tra.
Cứ mỗi tiếng đồng hồ trôi qua lại có 1 người chết vì khối u hắc tố ác tính. Nếu không chắc chắn về những bất thường trên da, bạn hãy đến bệnh viện kiểm tra. Có thể bạn cho đây là suy nghĩ thái quá nhưng việc phát hiện bệnh sớm có thể sẽ cứu sống bạn.
8. Dấu hiệu ung thư da: Mụn cứng, màu vàng trên mí mắt
Nếu đột nhiên có mụn vàng cứng trên mí mắt, bạn hãy đi bệnh viện khám. Nốt mụn kiểu này có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác trên cơ thể như đầu, cổ, thân mình hoặc vùng sinh dục. Đây có khả năng là biểu hiện của một loại ung thư hiếm gặp: ung thư biểu mô tuyến bã nhờn. Mụn này phát triển chậm và không đặc biệt nguy hiểm nhưng bạn cần phải điều trị.
Ngoài ra, mụn cứng, màu vàng trên mí mắt có thể là biểu hiện của bệnh ung thư ở nơi khác trong cơ thể (hội chứng Muir Torré). Các mụn này cũng có khi lành tính (không gây ung thư) mà chỉ gây khó chịu và phiền nhiễu cho bạn.
9. U nhỏ màu đỏ như thịt tươi hoặc tím bầm
Một u nhỏ với những đặc điểm sau đây có thể là dấu hiệu của ung thư da:
- Màu đỏ, xanh, tím hoặc đỏ như thịt tươi
- Trông giống như một nhọt nhỏ
- Lõm ở trung tâm
Ung thư tế bào Merkel rất hiếm, nhưng người ta có thể phát triển những khu vực da bị tổn thương trên mặt, đầu hoặc cổ. Người lớn tuổi có tiền sử tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá mức hoặc người có hệ miễn dịch suy yếu thường gặp những u nhỏ này.
Ung thư tế bào Merkel sẽ phát triển và lan rộng nhanh chóng. Nhận biết và chẩn đoạn bệnh càng sớm thì càng có lợi cho việc điều trị.
10. Mảng/đốm lớn màu đỏ hoặc tím trên da cảnh báo dấu hiệu ung thư da
Các mảng màu đỏ hoặc tím nổi lên trên da có thể là dấu hiệu của một loại ung thư da có tên Kaposi sarcoma. Bệnh ung thư da này rất hiếm gặp và thường xảy ra ở những người bị AIDS hoặc ghép nội tạng.
Kaposi sarcoma phát triển trong các mạch máu ở da, tạo ra tổn thương hoặc khối u không đau trên mặt hoặc chân. Các khối u ở vị trí chân hay háng làm chân sưng lên và đau đớn.
Kết luận
Ung thư là căn bệnh đáng sợ và ung thư da là một trong những loại ung thư phổ biến nhất.
Bạn nên thường xuyên chú ý đến cơ thể mình để phát hiện dấu hiệu ung thư da như da có vảy hoặc nốt ruồi, mụn u bất thường. Nếu được phát hiện sớm, hầu hết các bệnh ung thư da sẽ được điều trị thành công.
Bên cạnh đó, bạn nên đeo kính râm, tránh phơi nắng và áp dụng các biện pháp chống nắng để bảo vệ da toàn diện mỗi khi ra ngoài. Càng ít bị cháy nắng, rám nắng thì nguy cơ ung thư da càng giảm.