Xét nghiệm theo dõi sức khỏe thai nhi

(4.06) - 59 đánh giá

Tại sao những xét nghiệm đặc biệt lại cần thiết trong quá trình mang thai?

Những xét nghiệm đặc biệt trong quá trình mang thai được thực hiện khi thai nhi có nguy cơ cao mắc những vấn đề có thể gây ra những biến chứng thai kỳ hoặc dẫn đến thai chết lưu. Điều này có thể xảy ra ở các trường hợp sau:

  • Mang thai nguy cơ cao (khi người phụ nữ mang thai đã từng có những biến chứng trong lần mang thai trước hoặc đã có sẵn một tình trạng bệnh như đái tháo đường hoặc bệnh lý tim mạch)
  • Vấn đề xảy ra trong quá trình mang thai, như vấn đề về sự phát triển của thai nhi, mẫn cảm Rh mẹ hoặc tăng huyết áp
  • Cử động thai nhi giảm
  • Thai kỳ kéo dài hơn 42 tuần (thai già tháng)
  • Đa thai kèm những biến chứng nhất định.

Những xét nghiệm này được thực hiện vào thời điểm nào của thai kỳ?

Xét nghiệm thường bắt đầu giữa tuần 32 và 34 của thai kỳ. Những xét nghiệm này có thể được thực hiện sớm hơn nếu thai nhi có những vấn đề đặc biệt nghiêm trọng hoặc khi có nhiều yếu tố nguy cơ.

Bao lâu thì xét nghiệm lại 1 lần?

Số lần thực hiện xét nghiệm phụ thuộc vào tình trạng dẫn đến làm xét nghiệm, tình trạng đó có ổn định hay không và kết quả của xét nghiệm. Một số xét nghiệm được làm hàng tuần. Trong một số tình huống nhất định, xét nghiệm có thể được thực hiện hai lần mỗi tuần.

Xét nghiệm đặc biệt gồm có những loại nào?

Những xét nghiệm để theo dõi sức khỏe thai nhi bao gồm đếm số lần cử động thai nhi, test không đả kích, trắc đồ sinh vật lý, trắc đồ sinh vật lý cải tiến, test co thắt đả kích và siêu âm Doppler động mạch rốn.

Đếm số lần cử động thai nhi là gì?

Nếu bạn cảm thấy sự cử động của thai nhi giảm đi so với mức bình thường bạn nghĩ, bác sĩ có thể yêu cầu bạn theo dõi cử động thai nhi. Đếm cử động thai nhi (còn được gọi là đếm số lần đạp) là một xét nghiệm bạn có thể thực hiện ở nhà. Có nhiều cách để đếm số lần đạp. Bác sĩ của bạn sẽ cho bạn biết mức độ thường xuyên của việc theo dõi này và khi nào thì nói cho bác sĩ biết.

Test không đả kích là gì?

Test không đả kích theo dõi nhịp tim của thai nhi đáp ứng với cử động thai nhi theo thời gian. Thuật ngữ không đả kích (nonstress) có nghĩa là trong lúc xét nghiệm, không dùng bất kì thứ gì để gây căng thẳng lên thai nhi.

Test không đả kích được thực hiện như thế nào?

Xét nghiệm này được thực hiện trong phòng mạch bác sĩ hoặc trong bệnh viện. Nó được thực hiện khi bạn đang ngồi dựa lưng hay đang nằm và thường mất ít nhất 20 phút. Một dây thắt lưng mang bộ phận cảm thụ để đo nhịp tim thai nhi sẽ được đeo quanh bụng bạn. Nhịp tim thai được ghi lại bằng máy.

Kết quả của test không đả kích có ý nghĩa gì?

Nếu ≥ 2 lần tăng nhịp trong một khoảng thời gian 20 phút, kết quả sẽ là “phản ứng tốt” hoặc “yên tâm”. Một kết quả phản ứng tốt nghĩa là tại lúc đó không có vấn đề gì. Nếu kết quả là không phản ứng tốt thì nghĩa là không đủ lần tăng nhịp được phát hiện trong khoảng 40 phút. Điều này mang nhiều ý nghĩa. Nó có thể chứng tỏ đứa trẻ đang ngủ khi test được thực hiện. Nếu vậy, test sẽ kéo dài thêm 40 phút nữa, hoặc là đứa trẻ sẽ được kích thích để cử động bằng âm thanh được phát ra ở trên bụng mẹ.

Một kết quả phản ứng không tốt có thể xuất hiện khi người phụ nữ đang sử dụng một số loại thuốc nhất định. Hoặc cũng có thể là do thai nhi không được cung cấp đủ oxy.

Trắc đồ sinh vật lý là gì?

Trắc đồ sinh vật lý (BPP) có thể được thực hiện khi kết quả của các xét nghiệm khác không chắc chắn. BPP sử dụng một hệ thống thang điểm để đánh giá sự khỏe mạnh của thai nhi trong 5 lĩnh vực:

1. Nhịp tim thai nhi
2. Cử động thở thai nhi
3. Cử động cơ thể thai nhi
4. Trương lực cơ thai nhi
5. Lượng nước ối

Mỗi lĩnh vực sẽ được cho điểm từ 0 đến 2, tổng điểm cho 5 lĩnh vực tối đa là 10 điểm.

Trắc đồ sinh vật lý được thực hiện như thế nào?

Một BPP bao gồm theo dõi nhịp tim thai nhi (tương tự cách thực hiện của test không đả kích) và siêu âm. Trong quá trình thực hiện siêu âm, một dụng cụ gọi là đầu dò chuyển đổi được di chuyển nhẹ nhàng trên bụng bạn khi bạn đang nằm hoặc ngồi dựa lưng. Đầu dò này tạo ra một sóng âm mà sẽ dội lại khi gặp các tạng trong cơ thể bạn. Đầu dò chuyển đổi tiếp nhận những âm dội này, rồi sẽ chuyển chúng sang hình ảnh chiếu trên màn hình để kỹ thuật viên quan sát.

Ý nghĩa kết quả trắc đồ sinh vật lý?

Kết quả đạt 8-10 điểm là yên tâm. Nếu kết quả đạt 6 điểm thì khả nghi (không đủ kết luận yên tâm cũng như kết luận bất thường). Nếu bạn có một kết quả khả nghi, dựa vào thời gian mang thai của bạn, bạn có thể sẽ làm lại BPP trong 12-24 giờ tiếp theo, hoặc có thể bạn sẽ được quyết định phải sinh đứa trẻ. Một kết quả đạt 4 điểm hoặc thấp hơn có nghĩa là cần phải thực hiện những xét nghiệm sâu hơn. Đôi lúc, nó có nghĩa là đứa trẻ nên được sinh sớm hoặc ngay lập tức.

Cho dù đạt bao nhiêu điểm, nhưng nếu không đủ lượng nước ối có nghĩa là cần thực hiện xét nghiệm thường xuyên hơn hoặc có thể cần xem xét việc cho sinh đứa trẻ ngay.

Trắc đồ sinh vật lý cải tiến là gì?

Một BPP cải tiến được thực hiện với cùng mục đích như BPP. BPP cải tiến bao gồm xét nghiệm không đả kích và đánh giá nước ối dựa vào siêu âm. Nó ít phức tạp hơn nhưng vẫn hữu ích như một BPP trong chẩn đoán tình trạng sức khỏe thai nhi.

Trắc đồ sinh vật lý cải tiến được thực hiện như thế nào?

Nhịp tim thai được theo dõi giống như cách thực hiện của test không đả kích. Siêu âm được dùng để đo lượng nước ối trong 4 vùng của tử cung.

Ý nghĩa kết quả trắc đồ sinh vật lý cải tiến?

Nếu kết quả là không phản ứng, có thể có nghĩa là thai nhi không được nhận đủ oxy. Kết quả đánh giá lượng nước ối cho biết độ hoạt động tốt của nhau thai. Nếu dịch ối ít, có thể là do có vấn đề về máu lưu thông trong nhau thai. Test BPP đầy đủ hoặc test co thắt đả kích có thể cần thiết để khẳng định kết quả.

Test co thắt đả kích là gì?

Test co thắt đả kích giúp bác sĩ theo dõi phản ứng của nhịp tim thai khi tử cung co thắt. Test co thắt đả kích đôi khi được sử dụng nếu kết quả các xét nghiệm khác không rõ hoặc dương tính.

Test co thắt đả kích được thực hiện như thế nào?

Trong test này, những dây thắt lưng có gắn các bộ phận cảm ứng cảm nhận nhịp tim thai và sự co thắt của tử cung được đeo quanh ngang bụng. Để làm tử cung co thắt nhẹ, bạn có thể được yêu cầu xoa nhẹ núm vú thông qua lớp áo bạn đang mặc hoặc sẽ được cho dùng oxytoxin.

Ý nghĩa của kết quả test co thắt đả kích?

Nếu nhịp tim thai không giảm sau khi tử cung co thắt, thì kết quả là bình thường (âm tính). Nếu giảm nhịp tim thai sau hầu hết các đợt co thắt tử cung thì kết quả là dương tính (kết quả làm bác sĩ lo ngại). Kết quả có thể không rõ ràng hoặc không thỏa mãn (khi không đủ co thắt để tạo ra một kết quả có ý nghĩa).

Siêu âm Doppler động mạch rốn là gì?

Siêu âm Doppler được sử dụng để kiểm tra máu lưu thông trong động mạch rốn, một mạch máu nằm trong dây rốn. Siêu âm Doppler được thực hiện kèm với những xét nghiệm khác khi thai nhi xuất hiện những dấu hiệu không phát triển tốt.

Siêu âm Doppler động mạch rốn được thực hiện như thế nào?

Bạn sẽ ở tư thế nằm hoặc ngồi dựa lưng để thực hiện xét nghiệm này. Một đầu dò chuyển đổi sẽ được di chuyển nhẹ nhàng trên bụng bạn để phát ra những sóng âm. Hình ảnh của động mạch đang được kiểm tra sẽ xuất hiện trên màn hình máy tính.

Ý nghĩa kết quả siêu âm Doppler động mạch rốn?

Một kết quả siêu âm bình thường là kết quả cho thấy lượng máu lưu thông bình thường trong động mạch rốn. Nếu xét nghiệm cho thấy có vấn đề với máu lưu thông trong nhau thai, thì nó có nghĩa là có sự suy giảm lượng oxy cung cấp cho thai nhi.

Xem thêm bài viết Bài 50 - Các xét nghiệm cần thực hiện trong thai kỳ của BS. Lê Tiểu My

Giải thích thuật ngữ

  • Đa thai: tình trạng mang 2 hay nhiều thai.
  • Đái tháo đường: tình trạng đường trong máu quá cao.
  • Dây rốn: một cấu trúc giống sợi dây thừng chứa mạch máu nối thai nhi với nhau thai.
  • Mẫn cảm Rh mẹ: là tình trạng mà mẹ mang Rh âm sẽ tạo kháng thể chống protein Rh. Những kháng thể này có thể phản ứng lại đối với yếu tố Rh của đứa trẻ nếu đứa trẻ mang Rh dương, gây thiếu máu, vàng da và những vấn đề khác.
  • Thai già tháng: khi thai kỳ kéo dài hơn 42 tuần.
  • Đầu dò chuyển đổi: một thiết bị tạo sóng âm và chuyển đổi những sóng dội thành tín hiệu điện.
  • Nhau thai: là mô cung cấp dinh dưỡng cũng như loại trừ chất thải cho bào thai.
  • Nước ối: là dịch trong túi bao quanh bào thai trong tử cung người mẹ.
  • Oxy: khí cần thiết để duy trì sự sống.
  • Oxytocin: một hormone dùng để gây ra co thắt tử cung.
  • Siêu âm Doppler: một phương pháp siêu âm sử dụng sóng âm để kiểm tra tốc độ di chuyển của một vật thể. Siêu âm Doppler có thể được sử dụng để kiểm tra nhịp tim thai hoặc tốc độ máu lưu thông trong tĩnh mạch hoặc động mạch.
  • Siêu âm: xét nghiệm dùng sóng âm để kiểm tra các cấu trúc bên trong cơ thể. Trong suốt thai kỳ, nó có thể được sử dụng để kiểm tra thai nhi.
  • Tăng tốc nhịp tim: tăng nhịp tim thai.
  • Thai chết lưu: sinh hạ một đứa trẻ vốn đã tử vong trong tử cung.
  • Thai nhi: cơ thể phát triển trong tử cung từ tuần 9 thai kỳ cho đến kết thúc thai kỳ.
  • Tử cung: là một cơ quan nằm trong vùng chậu nữ, chứa và nuôi dưỡng bào thai trong thai kỳ.

Nếu bạn có thêm những câu hỏi gì, hãy liên hệ bác sĩ sản – phụ khoa.

Tài liệu tham khảo

http://www.acog.org/~/media/For%20Patients/faq098.pdf?dmc=1&ts=20140416T1856177176

Biên dịch - Hiệu đính

Lê Minh Hòa - BS. Lê Thanh Nhã Uyên
Đánh giá:

Bài viết liên quan

Bài 28 – Làm gì khi bị chấn thương trong thai kỳ

(82)
Những loại chấn thương hay gặp Bị đánh: do mâu thuẫn va chạm, và người “ra tay” đâu còn tâm sức để ý bạn có bầu hay không. Phụ nữ chân yếu tay mềm, ... [xem thêm]

Làm thế nào để có mái tóc khỏe đẹp trong thời kì mang thai

(59)
Chăm sóc tóc trong thai kì Trong thai kỳ, do thay đổi của nội tiết nên cơ thể người mẹ có nhiều vấn đề cần được quan tâm. Chăm sóc tóc đúng cách khi mang ... [xem thêm]

Giải đáp thắc mắc về viêm gan trong thai kỳ

(43)
Viêm gan B và viêm gan C là bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng ảnh hưởng đến gan. Cả hai bệnh đều gây ra bởi vi-rút (còn được gọi là viêm gan siêu vi), dễ lây ... [xem thêm]

Bài 20 – Câu chuyện của cái sẹo mổ lấy thai

(48)
Một ngày, tôi chỉ cho con cái sẹo trên bụng, cái sẹo mổ cách đây mấy năm. Và câu chuyện bắt đầu… Ngày không xưa lắm, con nằm trong bụng mẹ. Một hôm, ... [xem thêm]

Giảm đau khi sinh: Phương pháp Gây tê ngoài màng cứng

(10)
Mình nhận được rất nhiều câu hỏi của các thai phụ gần ngày sanh về vấn đề “sanh không đau” nên mình viết bài này nhằm giải đáp một số thắc mắc ... [xem thêm]

Siêu âm trong thai kỳ

(78)
Siêu âm là gì? Siêu âm là năng lượng dưới dạng sóng âm. Trong mỗi lần siêu âm, các đầu dò phát ra các sóng âm truyền qua cơ thể. Sóng âm đến các mô, ... [xem thêm]

Lựa chọn mang thai: Nuôi con, cho nhận con nuôi, và phá thai

(64)
Tôi nên làm gì khi biết mình đang có thai? Có ba lựa chọn dành cho bạn nếu bạn đang có thai: Sinh và nuôi em bé Sinh em bé và gửi em bé làm con nuôi Chấm dứt thai ... [xem thêm]

Sẩy thai sớm

(69)
Sẩy thai sớm là gì? Thai phụ bị mất thai trước 20 tuần thì được gọi là sẩy thai sớm. Sẩy thai sớm có thường gặp không? Sự sẩy thai xảy ra phổ biến ... [xem thêm]

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN