Lồng ruột là một căn bệnh khá phổ biến ở trẻ em, nhưng vẫn có thể xảy ra ở người lớn. Theo thống kê, tỷ lệ trẻ em mắc bệnh này là 90% trong khi chỉ có 2–5% người lớn bị lồng ruột. Khác với trẻ em, nguyên nhân gây ra lồng ruột ở người lớn rõ ràng hơn. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu rõ hơn về tình trạng này.
Bệnh lồng ruột ở người lớn là gì?
Lồng ruột là một vấn đề nghiêm trọng khi một phần ruột trượt vào một phần khác của ruột. Khối ruột lồng này thường cản trở sự lưu thông của thức ăn và dịch tiêu hóa. Lồng ruột cũng làm tắc nghẽn quá trình cung cấp máu cho phần ruột bị ảnh hưởng, điều này có thể dẫn đến thủng ruột, nhiễm trùng đường ruột, nhiễm độc và gây hoại tử ruột.
Dấu hiệu và triệu chứng lồng ruột ở người lớn
Vì bệnh lồng ruột ở người lớn hiếm gặp và gây ra các triệu chứng tương tự như nhiều tình trạng khác nên việc chẩn đoán đôi khi khá khó khăn. Các triệu chứng thường gặp là đau bụng từng đợt, có thể buồn nôn hoặc nôn mửa. Người bệnh thường đến gặp bác sĩ sau khi có những triệu chứng này trong vài tuần không hết.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Đây là một tình trạng cần được can thiệp y tế sớm. Do đó, nếu bạn có những triệu chứng khác thường ở vùng bụng, hãy đến gặp bác sĩ để kiểm tra ngay.
Nguyên nhân gây lồng ruột ở người lớn
Ruột là một cơ quan trong đường tiêu hóa, có hình ống, rỗng bên trong, rất dài và xếp gọn gàng trong ổ bụng. Khi bị lồng ruột, một phần ruột (thường là ở ruột non) bị trượt vào phần khác của ruột. Hình dạng của đoạn ruột bị lồng được ví như ống nhòm một mắt có những đoạn ngắn trượt lên nhau để kéo dài và thu gọn lại.
Một vài trường hợp, khối lồng ruột xuất hiện do có sự tăng trưởng bất thường trong ruột, như bướu nhỏ hay khối u. Nhu động bình thường của ruột tác động lên điểm này, kéo và nhồi phần ruột này vào trong phần ruột phía trước. Nhiều trường hợp không xác định được nguyên nhân lồng ruột là gì.
Lồng ruột ở người lớn thường là hậu quả của các tình trạng hay thủ thuật y khoa như:
- Có polyp hay khối u trong đường ruột
- Các mô như mô sẹo hình thành trong ruột
- Phẫu thuật để giảm cân (như nối tắt dạ dày) hoặc các phẫu thuật khác ở đường ruột
- Tình trạng viêm do bệnh lý như bệnh Crohn gây ra
Những yếu tố làm tăng nguy cơ bị lồng ruột ở người lớn
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị lồng ruột như:
- Đã từng bị lồng ruột trước đây
- Tiền sử gia đình có người bị bệnh này
Chẩn đoán bệnh lồng ruột ở người lớn
Để chẩn đoán chính xác khi có nghi ngờ bị lồng ruột, bác sĩ thường yêu cầu làm một số phương pháp hỗ trợ chẩn đoán, như:
- Siêu âm và chẩn đoán hình ảnh ổ bụng. Siêu âm, chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính (CT) có thể cho thấy vùng ruột bị tắc nghẽn do lồng ruột. Hình ảnh đặc trưng cho tình trạng này trông giống như một con mắt, đại diện cho một phần ruột bị cuộn trong phần ruột khác. Kết quả chẩn đoán hình ảnh cũng có thể cho thấy ruột có bị rách hay thủng không.
- Bơm hơi hay thụt barium. Bơm hơi hay thụt barium là phương pháp giúp hình ảnh ruột rõ nét hơn. Trong quá trình này, bác sĩ sẽ bơm khí hay đưa dung dịch barium lỏng vào đại tràng thông qua trực tràng.
Điều trị lồng ruột ở người lớn
Mục tiêu trong điều trị cấp cứu lồng ruột là ngăn chặn mất nước quá mức và sốc, cũng như phòng ngừa nhiễm trùng có thể xảy ra khi một phần ruột bị hoại tử do thiếu máu nuôi dưỡng.
Thông thường, lồng ruột ở người lớn có phần ruột bị lồng lớn, nên việc phẫu thuật là cần thiết. Không giống như lồng ruột ở trẻ em, bác sĩ sẽ không chọn bơm khí hay thụt dung dịch baium để điều trị. Bác sĩ sẽ cố loại bỏ tắc nghẽn trong ruột cũng như giảm thiểu khả năng tiến hành thủ thuật, phẫu thuật ngoại khoa.
Nếu cần phẫu thuật, bác sĩ sẽ tháo gỡ vùng ruột bị lồng, loại trừ tắc nghẽn và cắt bỏ tất cả các phần ruột đã hoại tử. Phẫu thuật ngoại khoa là cách điều trị thường thấy ở người lớn và những trường hợp cấp tính.
Một vài trường hợp, lồng ruột chỉ xảy ra tạm thời và tự khỏi mà không cần điều trị.
Tình trạng lồng ruột có nguy hiểm không?
Đoạn ruột bị lồng có thể không được cung cấp máu đầy đủ. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, các mô ở đoạn ruột bị thiếu máu nuôi dưỡng sẽ chết. Kết quả là gây rách hoặc thủng thành ruột, có thể dẫn đến nhiễm trùng niêm mạc trong ổ bụng (viêm phúc mạc).
Viêm phúc mạc là một tình trạng nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng và cần được chăm sóc y tế khẩn cấp. Các dấu hiệu và triệu chứng khi đó là:
- Đau bụng
- Sưng bụng
- Sốt
Phòng ngừa lồng ruột ở người lớn
Lồng ruột khá khó phòng ngừa vì nó có thể gây ra do một tình trạng bệnh lý trước đó hoặc không có nguyên nhân rõ ràng. Nếu đã được chẩn đoán bị lồng ruột, bác sĩ sẽ thực hiện các phương pháp chăm sóc và điều trị (nếu cần thiết) để phòng ngừa tắc ruột toàn bộ.