Thở có kiểm soát (hay thở chu môi) là cách thở mà bác sĩ hay điều dưỡng hướng dẫn bệnh nhân nhằm hỗ trợ tình trạng khó thở. Vì đây là một kỹ thuật thở giúp hỗ trợ làm giảm tình trạng khó thở, tình trạng này gây ra bởi nhiều nguyên nhân.
Lưu ý: Thở có kiểm soát là một kỹ thuật bổ sung cùng với các thuốc và phương pháp điều trị khác mà bác sĩ đã kê toa cho bạn. Mặc dù được áp dụng rộng rãi, nhưng nó có thể không thích hợp với một số trường hợp khó thở nhất định.
Tại sao phải kiểm soát hơi thở?
Khi khó thở, cơ thể bạn đáp ứng bằng cách thở quá nhanh, quá nông, hay bị gián đoạn. Điều này làm cho phổi không thể lấy đủ lượng không khí mà cơ thể bạn cần. “Thở có kiểm soát” (đôi khi được gọi là “thở chu môi”) là một phương pháp thở làm cho hơi thở chậm lại để phổi có thể lấy được nhiều không khí hơn. Điều này có thể giúp bạn thở chậm lại và giảm bớt tình trạng khó thở.
Thở có kiểm soát đã được chứng minh giúp cải thiện khả năng gắng sức cũng như tăng sức mạnh của các cơ chịu trách nhiệm cho việc hô hấp. Tuy nhiên, nó không phải luôn có lợi cho tất cả ai bị khó thở. Bác sĩ sẽ người tư vấn cho bạn liệu kỹ thuật này có phù hợp với bạn hay không.
Thời điểm thích hợp để học kỹ thuật này là khi bạn đang thư giãn. Ban đầu bạn có thể thực hành 4-5 lần một ngày, sau đó bạn có thể thực hành nó bất cứ khi nào bạn cảm thấy khó thở, hoặc khi bạn làm việc gì đó gây khó thở, ví dụ như leo cầu thang.
Kỹ thuật thở có kiểm soát
Bác sĩ hoặc điều dưỡng sẽ hướng dẫn cho bạn kỹ thuật thở có kiểm soát. Sau đây là một số lưu ý khi luyện tập:
Ngồi thẳng thường tốt hơn so với nằm, hoặc ngồi thõng vai, vì điều này giúp làm tăng thể tích phổi và lượng không khí đưa vào.
- Hít vào bằng mũi và thở ra bằng miệng với tốc độ chậm đều.
- Khép miệng khi hít vào bằng mũi và chu môi thở ra bằng miệng (giống như huýt sáo). Việc chu môi sẽ làm cho luồng khí đi ra chậm hơn.
- Cố gắng giữ cho thời gian thở ra gấp đôi thời gian hít vào. Điều này giúp tống đi khí cặn trong phổi và tạo nhiều không gian cho không khí mới (nhiều oxy hơn) vào trong phổi. Bạn có thể làm tốt điều này bằng cách đếm thầm và chậm “một, hai” khi hít vào và “một, hai, ba, bốn” khi thở ra, không nên ngưng thở giữa khi hít vào và thở ra.
Cơ hoành là một cơ hô hấp lớn nằm bên dưới phổi, ngăn cách giữa lồng ngực và khoang bụng. Cơ này sẽ di chuyển lên trên khi thở ra, và đi xuống khi hít vào, làm phổi nở ra, kéo không khí đi vào phổi. Khi khó thở chúng ta có xu hướng quên sử dụng cơ này. Thay vào đó chúng ta lại sử dụng các cơ ở vai và phần trên của ngực, điều này làm cho hơi thở nông hơn và nhanh hơn. Vì thế khi bạn có khuynh hướng thở nhanh hơn nữa và cảm giác thở mệt hơn do sử dụng những cơ vùng ngực hơn là cơ hoành.
Bạn có thể kiểm tra bạn có đang sử dụng cơ hoành hay không bằng cách đặt bàn tay ở dưới mũi xương ức (vùng thượng vị) để cảm nhận: Điều này rất dễ thấy khi bạn ho do cơ hoành ép ra ở vị trí này. Do đó, đặt tay vùng thượng vị, khi bạn hít vào bụng phình lên, khi thở ra bụng xẹp xuống.
Cách tốt nhất để giảm trọng lượng của vai là đặt tay lên đùi bạn hoặc lên chỗ tựa tay của ghế ngồi. Một người bạn hoặc người thân đứng đằng sau bạn, nhẹ nhàng xoa bóp vai để giúp bạn thư giãn.
Tài liệu tham khảo
http://patient.info/health/controlled-breathing-pursed-lips-breathing