Viêm hạch mạc treo là gì?
Viêm hạch mạc treo là tình trạng các tuyến lympho trong ổ bụng (thường nằm trong mạc treo ruột) bị viêm phù nề và gây đau bụng âm ỉ, không kéo dài. Thông thường bệnh không nghiêm trọng và sẽ khỏi mà không cần điều trị. Viêm hạch mạc treo là nguyên nhân gây đau bụng khá phổ biến ở trẻ em dưới 16 tuổi, và ít gặp ở người lớn. Đôi khi viêm hạch mạc treo khó để chẩn đoán phân biệt với những nguyên nhân gây đau bụng khác như viêm ruột thừa.
Viêm hạch mạc treo còn được gọi là viêm tuyến lympho mạc treo.
Các tuyến lympho là gì?
Tuyến lympho hay hạch lympho có mặt khắp cơ thể với kích thước bằng hạt đậu. Các tuyến này là phần quan trọng của hệ miễn dịch cơ thể. Suốt quá trình viêm, các tuyến lympho tăng sinh gây phù nề và đau giúp hệ miễn dịch tiêu diệt các các yếu tố gây nhiễm. Các tuyến này sẽ trở lại bình thường sau khi hết viêm nhiễm.
Chúng ta thường thấy hạch lympho ở cổ sưng to khi bị viêm họng. Tương tự, các tuyến lympho ở bụng, cạnh ruột non sưng nề trong suốt quá trình viêm hạch mạc treo.
Nguyên nhân gây viêm hạch mạc treo là gì?
Nguyên nhân gây ra tình trạng viêm và sưng các tuyến lympho đa số do nhiễm virus. Ít gặp hơn là nhiễm vi khuẩn, ví dụ như nhiễm khuẩn ở ruột. Các tuyến bị viêm gây đau, căng tức vùng bụng và sốt.
Triệu chứng của viêm hạch mạc treo là gì?
Các triệu chứng bao gồm:
- Đau bụng. Cơn đau thường ở quanh rốn hoặc hố chậu phải.
- Sốt và cảm giác khó chịu.
- Có thể nôn hoặc tiêu chảy
- Kèm theo đau họng, hoặc cảm lạnh trước khi đau bụng.
Viêm hạch mạc treo được chẩn đoán như thế nào?
Rất khó chẩn đoán xác định viêm hạch mạc treo vì các triệu chứng không đặc hiệu và các hạch nằm sâu trong ổ bụng nên không thể sờ thấy. Vì thế chẩn đoán thường là loại trừ những nguyên nhân khác có thể gây kiểu đau bụng như vậy, sau đó sẽ nghĩ đến chẩn đoán viêm hạch mạc treo.
Đôi khi khó chẩn đoán hoặc loại trừ những nguyên nhân khác gây đau bụng như viêm ruột thừa chẳng hạn.
Nếu việc chẩn đoán không rõ ràng, bác sĩ có thể đề nghị:
- Theo dõi với việc kiểm tra lại vài giờ sau đó do chính bác sĩ đó để xem triệu chứng có thay đổi gì không.
- Hội chẩn với bác sĩ ngoại khoa.
- Làm các xét nghiệm để tìm kiếm các tình trạng bệnh lý khác
Các xét nghiệm cần làm là gì?
Không có xét nghiệm đặc hiệu để đưa ra chẩn đoán xác định của bệnh viêm hạch mạc treo. Tuy nhiên những xét nghiệm sau có thể giúp chẩn đoán bệnh lý khác có thể gây đau bụng. Ví dụ, xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra có nhiễm trùng đường tiểu, hoặc siêu âm bụng hoặc CT scan. Đôi khi đặc điểm trên siêu âm hoặc ct scan cho thấy tuyến hạch phù nề điển hình có thể giúp hướng tới chẩn đoán viêm hạch mạc treo.
Chú ý: Nếu nghi ngờ bạn có thể mang thai thì xét nghiệm kiểm tra có thai là cần thiết. Vì tình trạng nguy hiểm như thai ngoài tử cung, có thể xảy ra ở 3 tháng đầu thai kỳ, có thể gây triệu chứng tương tự như viêm hạch mạc treo.
Điều trị viêm hạch mạc treo ra sao?
Thông thường không cần điều trị đặc hiệu, giảm đau có thể được sử dụng nếu thật sự cần thiết. Nếu nhiễm trùng do vi khuẩn thì bạn nên uống kháng sinh nhưng trường hợp này không phổ biến lắm.
Bác sĩ sẽ khuyên bạn chú ý đến những triệu chứng có thể là khẩn cấp cần phải khám lại ngay, ví dụ như đau bụng gia tăng hoặc khó chịu hơn.
Khi nào cần phải phẫu thuật?
Trong vài trường hợp như viêm ruột thừa hoặc thai ngoài tử cung cũng không thể loại trừ hoàn toàn ngay cả khi đã có xét nghiệm. Lúc đó bệnh nhân sẽ được phẫu thuật nội soi ổ bụng để đánh giá nguyên nhân nghi ngờ trong ổ bụng.
Nếu bạn phải phẫuu thuật hoặc nội soi ổ bụng thì có thể thấy các hạch lympho bị viêm. Tuy nhiên mục đích của phẩu thuật không phải để tìm các tuyến hạch bị phù nề mà là để chắc chắn không bỏ sót các bệnh lý quan trọng như viêm ruột thừa.
Tiên lượng như thế nào?
Các triệu chứng thường cải thiện trong vòng vài ngày và hầu như khỏi hoàn toàn trong vòng 2 tuần. Rất hiếm như nếu nguyên nhân là nhiễm vi khuẩn thì tình trạng có thể nghiêm trọng hơn nếu không được điều trị.
Xem thêm bài Viêm phúc mạc : Nguyên nhân, triều trị và dự phòng của BS.TS. Phạm Nguyên Quý và Ths.BS. La Vĩnh PhúcTài liệu tham khảo
http://www.patient.co.uk/health/Mesenteric-Adenitis.htm