Viêm dạ dày là tình trạng viêm xảy ra ở lớp lót bên trong dạ dày. Nó có thể xảy ra cấp tính hoặc mạn tính.
Nguyên nhân của viêm dạ dày
Dạ dày thường tiết ra acid để giúp tiêu hóa thức ăn và diệt vi khuẩn. Acid tiết ra cũng có tính làm loét (xói mòn) nên các tế bào ở niêm mạc, hay lớp lót trong dạ dày, thường tiết ra các chất nhầy tự nhiên để tự bảo vệ. Bình thường thì cơ thể có một sự cân bằng giữa lượng acid tiết ra và lượng chất nhầy bảo vệ. Viêm dạ dày xảy ra khi có sự mất cân bằng dẫn đến tổn thương niêm mạc.
Viêm dạ dày có thể xảy ra do uống quá nhiều rượu, nôn mạn tính, stress hoặc sử dụng một số loại thuốc như aspirn hoặc các loại thuốc giảm đau kháng viêm khác. Nó cũng có thể xảy ra do các nguyên nhân dưới đây:
- Helicobacter pylori (H. pylori, thường gọi là Hp): một loại vi khuẩn sống bên trong lớp nhầy phủ bên trong dạ dày, nếu không điều trị, sự nhiễm khuẩn này có thể dẫn tới loét và nó có thể dẫn tới ung thư dạ dày. Chúng thường được phát hiện thông qua nội soi dạ dày, qua test hơi thở, tìm kháng nguyên trong phân.
Hình 1. Helicobacter pylori (H. pylori)
- Trào ngược dịch mật: Dịch mật thay vì chảy xuống ruột non thì trào ngược vào trong dạ dày.
- Nhiễm trùng: nhiễm một số loại vi khuẩn và virus.
Nếu viêm dạ dày không được điều trị, nó có thể dẫn tới xuất huyết tiêu hóa nghiêm trọng và có thể gia tăng tỷ lệ phát sinh ung thư dạ dày.
Triệu chứng của viêm dạ dày
Triệu chứng của viêm dạ dày khác nhau ở từng người bệnh và nhiều người có thể chẳng có triệu chứng nào. Tuy nhiên, dưới đây là một vài triệu chứng phổ biến:
- Buồn nôn
- Thường xuyên đau bụng
- Chướng bụng
- Nôn
- Khó tiêu
- Bỏng rát và cồn cào trong dạ dày giữa các bữa ăn hoặc ban đêm
- Nấc cục
- Mất cảm giác ngon miệng
- Nôn ra máu hoặc nôn ra thức ăn màu như cà phê
- Phân đen, sệt như nhựa đường
Chẩn đoán viêm dạ dày
Để chẩn đoán viêm dạ dày, bác sĩ sẽ xem lại tiền sử gia đình, thăm khám đánh giá và có thể đề nghị một số xét nghiệm:
- Nội soi tiêu hóa trên (thường gọi là nội soi dạ dày): Một ống nội soi nhỏ có gắn camera sẽ được đưa qua miệng của bạn xuống tới dạ dày để quan sát niêm mạc dạ dày. Bác sĩ sẽ kiểm tra hiện tượng viêm, xét nghiệm tìm vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori) và có thể làm sinh thiết, một thủ thuật để lấy mẫu mô nhỏ và gửi tới phòng xét nghiệm phân tích.
Hình 2. Hình ảnh minh họa về nội soi dạ dày
- Xét nghiệm máu: Bác sĩ sẽ làm vài xét nghiệm máu như kiểm tra số lượng hồng cầu để phát hiện bệnh thiếu máu. Họ cũng có thể tầm soát nhiễm H.pylori (qua việc đo mức kháng thể đặc hiệu) và thiếu máu nghiêm trọng.
- Tìm máu ẩn trong phân: Xét nghiệm này kiểm tra xem trong phân có máu, dù là một lượng rất nhỏ, hay không. Đó có thể là dấu hiệu của xuất huyết dạ dày.
Hình 3. Vài hình ảnh về niêm mạc dạ dày bình thường
Hình 4. Vài hình ảnh về niêm mạc dạ dày bị nhiễm H. Pylori
Điều trị viêm dạ dày
Phương pháp điều trị thường bao gồm:
- Uống thuốc kháng acid dạ dày (antacid) như thuốc ức chế bơm proton, chẹn thụ thể H2
- Nếu nguyên nhân viêm dạ dày là do H.pylori thì bác sĩ sẽ chỉ định một phác đồ với vài loại kháng sinh đi kèm thuốc kháng acid dạ dày
- Nếu viêm dạ dày do thiếu máu ác tính, vitamin B12 sẽ được sử dụng
- Cân nhắc thay đổi loại thuốc giảm đau/kháng viêm
- Tránh thức ăn cay nóng, có tính acid, đồ chiên hoặc nhiều dầu mỡ
- Tránh uống rượu và giảm stress
- Loại bỏ các thức ăn gây kích thích dạ dày khỏi bữa ăn của bạn như lactose từ sữa hay gluten từ lúa mì
Nếu yếu tố nguy cơ biến mất thì viêm dạ dày cũng thường cải thiện.
Hãy nói chuyện với bác sĩ trước khi ngưng thuốc hoặc bắt đầu bất cứ phương pháp trị viêm dạ dày nào.
Tiên lượng bệnh viêm dạ dày
Đa số bệnh nhân viêm dạ dày thường hồi phục nhanh chóng khi điều trị bắt đầu.
Xem thêm bài Loét dạ dày