TỔNG QUAN
Viêm gan là gì?
Viêm là tình trạng hay phản ứng sinh học đặc trưng bởi sưng, nóng, đỏ và đau. Viêm gan có nghĩa là ”tình trạng viêm xảy ra ở gan”. Viêm gan được gây ra bởi nhiều nguyên nhân mà phổ biến nhất là một trong 5 loại virus (A, B, C, D hoặc E). Tất cả những loại virus này gây nên phản ứng viêm ở gan và cản trở chức năng sinh lý của gan. Một số tình trạng và tác nhân khác cũng có thể gây viêm gan, ví dụ như thiếu cung cấp máu cho gan, chất độc, rối loạn tự miễn, uống nhiều rượu, chấn thương gan và một số loại thuốc. Mặc dù hiếm gặp hơn, một số virus như Epstein-Barr virus (EBV, trong bệnh tăng bạch cầu đơn nhân) hoặc cytomegalovirus (CMV) cũng có thể gây viêm gan.
Có 2 loại viêm gan chủ yếu: viêm gan cấp (nhất thời, thoáng qua) và viêm gan mãn (kéo dài ít nhất là 6 tháng). Trong trường hợp viêm gan cấp, tình trạng viêm ở gan xuất hiện đột ngột và có thể kèm theo buồn nôn, nôn, đau bụng, sốt và đau nhức toàn thân. Một số trường hợp viêm gan cấp không đi kèm bất kỳ triệu chứng nào. Phản ứng viêm gan cấp thường chấm dứt trong vài ngày hoặc vài tuần ở đa số bệnh nhân. Tuy nhiên, thỉnh thoảng tình trạng viêm này không biến mất. Viêm gan kéo dài trên 6 tháng được gọi là viêm gan mãn (mãn tính, có nơi gọi là ”viêm gan mạn”).
Viêm gan ảnh hưởng đến gan như thế nào?
Gan có chức năng xử lý các chất thải trong máu. Khi gan bị viêm, nó không làm tốt việc loại bỏ chất thải. Khi gan không hoạt động tốt, một chất thải có tên là bilirubin (billy-ru-bin) bắt đầu tích tụ trong máu và ở các mô. Bilirubin làm cho da của người bị viêm gan chuyển sang màu vàng-cam. Hiện tượng này được gọi là vàng da. Bilirubin và những sản phẩm thải khác cũng có thể gây ra ngứa, buồn nôn, sốt và đau nhức toàn thân.
Viêm gan B là gì và lây truyền như thế nào?
Có 5 loại virus gây ra bệnh viêm gan. Mỗi virus viêm gan được đặt tên theo một ký tự trong bảng chữ cái: viêm gan A, viêm gan B, viêm gan C, viêm gan D và viêm gan E. Viêm gan B là tình trạng viêm gan rất nghiêm trọng, thường lây lan qua sự tiếp xúc với máu và/hoặc dịch cơ thể của người đã nhiễm bệnh.
TRIỆU CHỨNG
Các triệu chứng của bệnh viêm gan B là gì?
Những triệu chứng của bệnh viêm gan B có thể gồm:
- Ăn không ngon miệng
- Buồn nôn
- Ói
- Cảm giác yếu và mệt mỏi
- Đau bụng, đặc biệt là phần bụng quanh vùng gan
- Tiểu vàng sậm
- Vàng da (da và lòng trắng mắt (kết mạc) chuyển màu vàng)
- Đau khớp
Các triệu chứng của viêm gan B có thể diễn tiến từ nhẹ đến nặng.
Nếu bạn bị viêm gan B thể nhẹ, bạn có thể thậm chí không biết mình bị bệnh. Viêm gan B có thể không gây ra triệu chứng hoặc chỉ có các triệu chứng giống viêm dạ dày ruột.
NGUYÊN NHÂN và YẾU TỐ NGUY CƠ
Viêm gan B lây truyền như thế nào?
Bạn có thể nhiễm viêm gan B nếu quan hệ tình dục không an toàn với người bị nhiễm (mà bạn hoặc chính người ấy cũng không biết). Người sử dụng chung kim tiêm cũng có nguy cơ mắc bệnh cao. Nhân viên y tế (như y tá, kỹ thuật viên xét nghiệm, bác sĩ,…) cũng có thể nhiễm virus nếu bị kim đã sử dụng cho người bệnh đâm phải. Viêm gan B cũng có thể lây truyền từ mẹ sang con trong khi sanh. Bạn cũng có nhiều khả năng bị viêm gan B nếu du lịch đến những nơi có tỉ lệ viêm gan B cao.
Viêm gan B không thể lây truyền qua tiếp xúc thông thường. Ví dụ, bạn không thể nhiễm viêm gan B khi ôm hoặc bắt tay với người bị nhiễm.
CHẨN ĐOÁN và XÉT NGHIỆM
Viêm gan B được chẩn đoán như thế nào?
Xét nghiệm máu được dùng để chẩn đoán viêm gan B. Kết quả xét nghiệm máu giúp bác sĩ biết được chức năng gan của bạn và chúng cũng có thể được dùng để theo dõi bệnh trạng của bạn trong suốt quá trình điều trị.
Bác sĩ có thể muốn xem hình dạng gan của bạn bằng siêu âm hoặc X-quang. Sinh thiết gan cũng có thể cần thiết. Sinh thiết gan là kỹ thuật trong đó một mẫu gan nhỏ được lấy ra và soi dưới kính hiểm vi. Sinh thiết gan có thể giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh và kiểm tra tình trạng của gan trực tiếp.
ĐIỀU TRỊ
Điều trị viêm gan B như thế nào?
Nếu bị viêm gan B cấp, cơ thể của bạn có thể tự chống lại tình trạng nhiễm bệnh, có nghĩa là bạn không cần điều trị. Bác sĩ sẽ giúp kiểm soát triệu chứng và theo dõi bệnh trạng trong lúc cơ thể của bạn (hệ miễn dịch) hoạt động để tiêu diệt virus.
Nếu bạn bị viêm gan B mãn, bác sĩ gia đình sẽ chuyển bạn đến bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa hoặc một chuyên khoa sâu khác (ví dụ: chuyên khoa gan mật) để điều trị. Có một số phương pháp (phác đồ) đã điều trị viêm gan B thành công. Chúng thường bao gồm những thuốc kháng/chống virus.
Việc điều trị có thể kéo dài 1 năm hoặc hơn, tùy vào độ nặng của bệnh và sự đáp ứng với điều trị.
BIẾN CHỨNG
Các biến chứng của bệnh viêm gan B mãn là gì?
Ở một số người, viêm gan mãn có thể dẫn đến xơ gan. Xơ gan xảy ra khi các tế bào gan chết đi và được thay thế bằng mô sẹo (mô sợi) và mô mỡ. Vùng gan đã bị tổn thương này không hoạt động được nữa và không thể loại bỏ các chất thải ra ngoài cơ thể. Xơ gan dẫn đến suy gan và thậm chí là ung thư gan.
Nếu bị viêm gan B, bạn cũng dễ bị nhiễm virus viêm gan D (còn gọi là virus delta) hơn. Virus này chỉ có thể phát triển ở người đã bị viêm gan B. Nó có thể làm cho triệu chứng của viêm gan B hoặc của bệnh gan xấu hơn. Sự lây truyền xảy ra qua tiếp xúc với máu hoặc dịch cơ thể của người đã bị nhiễm virus viêm gan D.
PHÒNG NGỪA
Có thể phòng ngừa viêm gan B?
Cách tốt nhất để phòng ngừa viêm gan B là quan hệ tình dục an toàn (dùng bao cao su) và tránh dùng chung kim tiêm.
Bạn cũng có thể tiêm vaccine để phòng ngừa viêm gan B. Hiện nay, việc tiêm ngừa được thực hiện thường quy cho tất cả trẻ sơ sinh trong năm đầu đời. Vaccine là tương đối an toàn và được tiêm 3 mũi trong khoảng 6 tháng. Việc tiêm chủng cũng nên được thực hiện đối với những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao như nhân viên y tế, trẻ em, người du lịch đến các nước có tỉ lệ nhiễm cao, người sử dụng ma túy và người có nhiều bạn tình.
Tài liệu tham khảo
http://familydoctor.org/familydoctor/en/diseases-conditions/hepatitis-b.html