Bệnh bạch cầu là một dạng ung thư tế bào tạo máu trong tủy xương. Có 4 dạng bệnh bạch cầu thường gặp là bạch cầu lympho cấp tính, bạch cầu lympho mãn tính, bạch cầu dòng tủy cấp tính và bạch cầu dòng tủy mãn tính.
Các tế bào bạch cầu khỏe mạnh được xem là những “chiến binh” giúp cơ thể chống lại nguy cơ nhiễm trùng. Chúng phát triển và phân chia theo trình tự để bạn khỏe mạnh. Sau một thời gian nhất định, chúng tự động chết đi để cơ thể sản sinh tế bào bạch cầu mới. Ở những người mắc bệnh bạch cầu, tủy xương tạo ra những tế bào bất thường, hoạt động sai cách và không tuân theo quy luật đào thải tự nhiên.
Tế bào bạch cầu bất thường sẽ tự động phân chia tạo ra số lượng lớn, chiếm nhiều không gian trong tủy xương và ức chế hoạt động của tế bào khỏe mạnh. Điều này khiến cơ thể xuất hiện một số triệu chứng bất ổn từ nhẹ đến nặng. Bệnh xảy ra ở mọi độ tuổi, phổ biến hơn ở trẻ em dưới 15 tuổi và người lớn từ 50 tuổi trở lên.
Bệnh bạch cầu có thể chữa khỏi nhưng thời gian điều trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại bệnh, tuổi tác, khả năng đáp ứng điều trị của bệnh nhân.
Triệu chứng bệnh bạch cầu
Các triệu chứng bệnh bạch cầu biểu hiện khác nhau ở mỗi loại bệnh. Tuy nhiên, người mắc bệnh bạch cầu sẽ thường có những biểu hiện như:
- Sốt hoặc ớn lạnh
- Mệt mỏi kinh niên, thường hay đuối sức
- Thường xuyên bị nhiễm trùng ở mức độ từ nhẹ đến nặng
- Giảm cân nhanh dù vẫn ăn nhiều
- Sưng hạch bạch huyết, gan và lá lách to bất thường
- Dễ bị bầm tím và chảy máu dù chỉ có va chạm nhẹ
- Nổi mẩn đỏ
- Đổ mồ hôi đêm
- Đau nhức xương khớp
Triệu chứng bệnh bạch cầu ở trẻ em
Bệnh bạch cầu ở trẻ em cũng gây ra các vấn đề bất thường do tế bào bạch cầu lỗi hoạt động trong tủy xương. Khi đó, tế bào xấu tích tụ trong tủy và lấn át các tế bào máu bình thường. Kết quả là bệnh nhi không có đủ tế bào hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu cho nhu cầu miễn dịch của cơ thể. Sự thiếu hụt này sẽ thể hiện rõ ràng hơn khi trẻ được làm xét nghiệm máu.
Tuy nhiên, bạn có thể phỏng đoán tình trạng thiếu tế bào máu của bé qua những triệu chứng thường ngày.
Triệu chứng bệnh bạch cầu ở trẻ em do thiếu hụt hồng cầu
- Bé thường xuyên bị mệt mỏi, không năng động
- Hay bị chóng mặt
- Khó thở
- Da xanh, môi nhợt nhạt
Triệu chứng do thiếu tế bào bạch cầu bình thường
- Nhiễm trùng
- Thường bị sốt không rõ nguyên nhân
Triệu chứng bệnh bạch cầu ở trẻ em do bị thiếu hụt tiểu cầu
- Dễ bị bầm tím và chảy máu dù bé chỉ có va chạm rất nhẹ
- Thường xuyên bị chảy máu cam
- Nướu bị chảy máu khi đánh răng hoặc có đụng chạm nhẹ
Các triệu chứng khác
Ngoài những triệu chứng riêng biệt trên, trẻ mắc bệnh bạch cầu thường gặp phải những dấu hiệu phổ biến như:
Trướng bụng
Điều này xảy ra khi gan và lá lách của trẻ bị giãn to bất thường khiến bụng bị sưng lên. Bác sĩ có thể cảm nhận được điều này khi dùng tay ấn nhẹ vào bụng của trẻ.
Biếng ăn và gầy yếu
Khi trẻ bị trướng bụng do bệnh bạch cầu, chúng sẽ cảm thấy no sau khi chỉ ăn một lượng nhỏ thức ăn. Điều này khiến trẻ không hứng thú với việc ăn uống và sụt cân, gầy yếu dần theo thời gian.
Sưng hạch bạch huyết
Hạch bạch huyết có vai trò duy trì khả năng miễn dịch của cơ thể. Khi các tế bào bạch cầu bị lỗi lan sang hệ thống hạch bạch huyết, chúng sẽ làm các hạch này bị tổn thương và bé có khả năng miễn dịch kém.
Bạn có thể nhìn thấy hạch bạch huyết bị sưng của trẻ bằng mắt thường. Chúng thường là một cục u dưới da ở một số bộ phận cơ thể như hai bên cổ, dưới cánh tay, bẹn hoặc phía trên xương đòn.
Tuy nhiên, ở trẻ em, các hạch bạch huyết thường to hơn khi cơ thể bé đang chống lại các yếu tố nhiễm trùng. Đa phần các trường hợp sưng hạch bạch huyết ở trẻ có liên quan đến yếu tố nhiều hơn là bệnh bạch cầu. Song bạn vẫn cần đưa con đi khám bác sĩ để có kết luận chính xác.
Nhức đầu, co giật, nôn ói
Triệu chứng này xảy ra khi tế bào bạch cầu bị bệnh đã lan đến não và tủy sống. Đôi khi tình trạng này còn khiến trẻ bị mờ mắt hoặc khả năng giữ thăng bằng kém.
Sưng ở mặt và cánh tay
Trẻ em mắc bệnh bạch cầu cũng thường gặp hội chứng SVC – tắc nghẽn tĩnh mạch chủ trên. Tình trạng này khiến máu lưu thông qua khu vực đầu và cánh tay bị ứ đọng dẫn tới hiện tượng sưng, phù.
Điều đáng lo ngại là triệu chứng bệnh bạch cầu ở trẻ em thường giống với biểu hiện của những bệnh lý khác. Vì thế, khi trẻ có dấu hiệu sức khỏe bất thường, bạn cần đưa bé đến bác sĩ để được chẩn đoán nguyên nhân chính xác.
Nguyên nhân và cơ chế hình thành bệnh bạch cầu
Y học vẫn chưa xác định nguyên nhân chính xác gây bệnh bạch cầu là gì. Bác sĩ chỉ cho rằng bệnh phát triển từ sự kết hợp của yếu tố di truyền và tác động của môi trường sống bên ngoài.
Bệnh xảy ra khi một số tế bào máu bị đột biến ADN hoặc gặp bất kỳ tổn thường nào đó khiến nó hoạt động bất thường, phân chia tế bào nhiều quá mức cần thiết của cơ thể.
Theo thời gian, các tế bào bạch cầu bị lỗi sẽ chiếm nhiều không gian trong tủy xương và lấn át tế bào khỏe mạnh. Điều này khiến bạn mắc bệnh bạch cầu.
Yếu tố phân loại và 4 dạng bệnh bạch cầu phổ biến
Khi phân loại bệnh bạch cầu, y học dựa trên 2 yếu tố là tốc độ tiến triển bệnh và loại tế bào bị bệnh.
Với yếu tố tiến triển, bệnh bạch cầu có 2 loại là cấp tính và mãn tính.
Bệnh bạch cầu cấp tính xảy ra khi các tế bào máu chưa phát triển hoàn thiện. Chúng không thể thực hiện chức năng bình thường và có tốc độ phân chia diễn ra rất nhanh. Vì thế, người mắc bệnh bạch cầu cấp tính thường tiến triển rất nhanh và cần phải điều trị tích cực, kịp thời.
Bệnh bạch cầu mãn tính là tình trạng các loại tế bào bạch cầu trong tủy xương sản xuất không đồng nhất. Có loại được sản xuất quá nhiều nhưng cũng có loại được sinh ra rất ít. Loại bệnh này thường xảy ra ở các tế bào máu trưởng thành và có diễn biến chậm hơn so với bệnh bạch cầu cấp tính.
Ở một số trường hợp, bệnh bạch cầu mãn tính không có triệu chứng gì bất thường hoặc không được chẩn đoán trong nhiều năm.
Với yếu tố phân loại dựa trên loại tế bào, bệnh bạch cầu thường xảy ra ở tế bào bạch cầu lympho và bạch cầu dòng tủy.
Bạch cầu lympho có chức năng hình thành các mô bạch huyết để tạo ra hệ thống miễn dịch cho cơ thể. Trong khi đó, bạch cầu dòng tủy có vai trò tạo ra các tế bào hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu cho cơ thể.
Dựa trên các yếu tố phân loại đó, y học kết luận bệnh bạch cầu có 4 dạng phổ biến là bệnh bạch cầu lympho cấp tính, bệnh bạch cầu lympho mãn tính, bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính và bạch cầu dòng tủy mãn tính.
Các yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ mắc bệnh bạch cầu
- Đã từng điều trị ung thư bằng phương pháp hóa trị hoặc xạ trị
- Rối loạn di truyền, bao gồm cả hội chứng down
- Thường xuyên tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại, đặc biệt là thuốc nhuộm tóc, benzene (có trong xăng)
- Hút thuốc lá
Đó là những yếu tố rủi ro khiến bạn có nhiều nguy cơ mắc bệnh bạch cầu. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp mắc bệnh dù không có bất kỳ yếu tố nào hoặc có đủ hoặc đa số những yếu tố kể trên nhưng không mắc bệnh bạch cầu.