Viêm cột sống dính khớp và thoái hóa cột sống lưng là hai bệnh cơ xương khớp rất dễ gây nhầm lẫn do triệu chứng của chúng khá giống nhau. Nếu bạn không tìm hiểu rõ hai căn bệnh này để biết cách phân biệt viêm cột sống dính khớp và thoái hóa cột sống lưng thì có thể dẫn đến việc điều trị sai phương pháp, khiến bệnh tình trở nên nghiêm trọng hơn.
Hiện nay, thoái hóa cột sống lưng và viêm cột sống dính khớp là hai bệnh lý xương khớp khá phổ biến ở Việt Nam. Đây đều là những căn bệnh mạn tính, gây đau đớn, hạn chế khả năng vận động và làm biến dạng cột sống của người bệnh. Quan trọng hơn, ở giai đoạn đầu, đa phần người bệnh ít khi chú ý đến triệu chứng của cả 2 bệnh lý này, chỉ khi bệnh gây nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống thì mới đến bệnh viện khám và điều trị.
Viêm cột sống dính khớp
Viêm cột sống dính khớp đúng như tên gọi, đây là tình trạng viêm ở các khớp trục như cột sống và khớp cùng chậu (nằm ở phía sau, giữa hai mông, nơi tiếp giáp giữa xương cùng cụt nằm dưới cột sống thắt lưng và phía sau của hai xương cánh chậu), gây cứng và dính cột sống. Tuy nhiên, một số khớp ngoại biên khác, đặc biệt là các khớp lớn ở chi dưới như khớp háng và khớp gối cũng có thể bị tổn thương.
Yếu tố di truyền và yếu tố môi trường là hai nguyên nhân chính dẫn đến căn bệnh này. Các triệu chứng thường gặp của bệnh viêm cột sống dính khớp là đau và cứng khớp từ cổ xuống lưng dưới. Nếu được chẩn đoán và phát hiện kịp thời, bạn có thể dễ dàng kiểm soát các cơn đau và tình trạng cứng khớp cũng như ngăn ngừa tình trạng các khớp bị biến dạng.
Viêm cột sống dính khớp ảnh hưởng đến khoảng 0,1 – 0,5% số người trưởng thành. Bệnh này có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến hơn ở nam giới trẻ tuổi (chiếm đến 95% tổng số người mắc bệnh). Với phụ nữ, bệnh này ít phổ biến hơn và nếu có thì chỉ ở mức độ nhẹ.
1. Triệu chứng
Trong giai đoạn đầu phát bệnh, các triệu chứng thường nhẹ nên không được chú ý đến. Đến khi các triệu chứng đã rõ ràng, đa phần bệnh đã tiến triển được nhiều tháng cho đến vài năm. Dấu hiệu sớm thường gặp của bệnh viêm cột sống dính khớp là:
- Đau và cứng khớp: đau âm ỉ, mơ hồ ở vùng lưng, thắt lưng kéo dài hơn ba tháng. Các triệu chứng đau thường bắt đầu từ khớp cùng chậu, sau đó lan dần theo chiều từ dưới lên cho đến tận đốt sống cổ. Những cơn đau này thường tăng lên về đêm hoặc khi ho, hắt hơi, đi kèm với dấu hiệu co cứng cột sống lưng.
- Viêm ở vùng khớp cùng chậu: triệu chứng này thường xuất hiện sớm nhất, sớm hơn cả các triệu chứng tại cột sống. Bạn sẽ thấy đau ở vùng mông, một hoặc hai bên.
- Viêm các khớp ngoại biên như sưng đau kéo dài ở một khớp lớn (khớp háng, khớp gối, khớp cổ chân…).
- Viêm các điểm bám tận cùng của gân, thường gặp nhất tại gân Achilles, cân gan chân.
Ở giai đoạn sau, người bệnh thường sẽ có các biến dạng cột sống rõ rệt như eo lưng dẹt do teo cơ cạnh cuộc sống, lưng gù, cổ khom về phía trước.
Các triệu chứng của bệnh viêm cột sống dính khớp không chỉ xuất hiện ở các khớp mà người bệnh còn có các triệu chứng như: biếng ăn, sốt nhẹ, mệt mỏi, sưng ở mắt…
2. Nguyên nhân
Nguyên nhân gây viêm cột sống dính khớp vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy bệnh có liên quan đến yếu tố di truyền. Các nhà khoa học cũng đã phát hiện ra rằng những người mang gen HLA – B27 có nhiều khả năng mắc phải bệnh này hơn những người khác.
Ngoài ra, còn có một số yếu tố khác được xem là có liên quan đến cơ chế sinh bệnh như: môi trường, loạn sản sụn và canxi hóa tổ chức sụn loạn sản, yếu tố loạn khuẩn… Trong đó, yếu tố di truyền và yếu tố môi trường là hai nguyên nhân phổ biến nhất.
3. Điều trị
Hiện vẫn chưa có cách nào để điều trị viêm cột sống dính khớp, tức là bạn phải gắn bó lâu dài với trạng thái cột sống như vậy. Nhìn chung, các phương pháp điều trị chủ yếu là giảm đau, giảm tê cứng ở khớp, ngăn ngừa tình trạng khớp bị biến dạng và duy trì khả năng thực hiện các hoạt động bình thường.
Tập thể dục là phương pháp luôn được khuyến khích trong mọi trường hợp. Phương pháp này có thể giúp giảm tê cứng ở khớp, cải thiện tư thế đi lại và khả năng hô hấp. Ngoài ra, các bài tập căng cơ, tăng cường sự dẻo dai còn có thể hạn chế tình trạng các khớp bị dính liền ở vị trí bị viêm và sưng.
Các loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh viêm cột sống dính khớp thường là thuốc kháng viêm giảm đau (NSAIDs) như thuốc có hoạt chất diclofenac…, thuốc chống thấp khớp (DMARDs), tùy theo mức độ bệnh lý của mỗi người. Khi sử dụng, bạn nên theo dõi các biểu hiện đi kèm, các tác dụng phụ của thuốc để có hướng xử lý phù hợp.
Ngoài ra, bác sĩ có thể đề nghị bạn làm phẫu thuật thay thế khớp nhân tạo nếu có dấu hiệu tổn thương nghiêm trọng ở vùng cột sống – thắt lưng hoặc vùng hông.
Thoái hóa cột sống lưng
Thoái hóa cột sống lưng là tình trạng các tế bào sụn ở cột sống vùng thắt lưng bị thoái hóa theo thời gian, khiến khả năng tái tạo và sản sinh sụn mất dần và giảm hẳn. Từ đó, chất lượng sụn giảm dần, tính đàn hồi và chịu lực kém hơn, gây đau đớn, khó chịu khi vận động.
Thoái hóa cột sống lưng cũng là một bệnh khá phổ biến và ai cũng có nguy cơ mắc phải bệnh này. Tuy nhiên, người lớn tuổi sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với người khác. Cũng giống như bệnh viêm cột sống dính khớp, chứng thoái hóa cột sống thắt lưng không thể chữa khỏi mà chỉ có thể điều trị để hạn chế sự phát triển của bệnh.
1. Nguyên nhân
Nếu viêm cột sống dính khớp có liên quan đến các yếu tố di truyền thì chứng thoái hóa cột sống thắt lưng thường do yếu tố tuổi tác và các yếu tố cơ giới như chấn thương, lao động, tư thế sinh hoạt hàng ngày…
Tuổi tác càng cao thì càng dễ mắc phải chứng thoái hóa cột sống lưng bởi lúc này, các khớp đã mất đi độ linh hoạt vốn có. Điều này khiến vùng cột sống mất đi khả năng sản xuất và tái tạo sụn mới trong khi độ đàn hồi và khả năng chịu lực của những tế bào sụn cũ giảm dần. Điều này khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, đau đớn khi vận động.
Ngoài ra, những chấn thương trong quá trình lao động nếu không được chăm sóc kỹ cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh thoái hóa cột sống lưng. Không những vậy, chế độ ăn thiếu dinh dưỡng, thiếu canxi, vitamin D; thường xuyên hút thuốc lá, uống nhiều bia rượu; lao động nặng nhọc; mang vác vật nặng từ nhỏ trong giai đoạn khung xương đang định hình; ít vận động; tư thế ngồi học, làm việc không đúng cũng là những yếu tố có thể dẫn đến chứng thoái hóa cột sống lưng.
2. Triệu chứng
Triệu chứng dễ nhận biết nhất là xuất hiện các cơn đau ở vùng thắt lưng, có khi đau âm ỉ, có khi đau dữ dội, sau đó giảm dần và biến mất. Triệu chứng này cũng xuất hiện khi vận động nhiều, vận động nặng khiến cột sống phải chịu nhiều áp lực. Ngoài ra, bạn còn có thể gặp phải các triệu chứng như:
- Vùng thắt lưng thường xuất hiện những cơn đau bất ngờ với cường độ tăng dần khi bị chấn thương, vận động quá mức hoặc khi bị nhiễm lạnh.
- Đau buốt ở vùng cột sống thắt lưng, sau đó lan xuống mông và đùi, khiến bạn gặp khó khăn trong việc cúi gập người, đứng lên ngồi xuống hoặc đi lại khó khăn.
- Xuất hiện triệu chứng cứng cơ cạnh cột sống vào sáng sớm, khi cử động các khớp nghe thấy tiếng kêu.
3. Điều trị
Hiện bệnh thoái hóa cột sống lưng vẫn chưa có phương pháp điều trị để chữa khỏi hoàn toàn. Các phương pháp điều trị chủ yếu là để giảm các cơn đau cũng như hạn chế sự phát triển của bệnh:
- Cũng giống như bệnh viêm cột sống dính khớp, người bị thoái hóa cột sống lưng cũng sẽ được kê thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) như thuốc có hoạt chất…, thuốc làm giãn cơ cho những bệnh nhân bị chứng co cứng cơ…
- Tập vật lý trị liệu cũng là một trong những phương pháp điều trị thường được chỉ định cho người mắc chứng thoái hóa cột sống lưng. Phương pháp này không chỉ giúp tăng khả năng vận động mà còn giúp các khớp trở nên linh hoạt hơn.
- Ngoài ra, bạn cũng có thể tham khảo thêm một số bài thuốc Đông y. Các bài thuốc từ thảo dược tự nhiên không những giúp giảm đau mà còn có thể tăng cường sức đề kháng.
Bí quyết giúp bạn sống khỏe dù bị viêm cột sống dính khớp hay thoái hóa cột sống lưng
Dù bạn mắc bệnh viêm cột sống dính khớp hay thoái hóa cột sống lưng, bạn cũng nên:
- Hạn chế mang vác vật nặng, làm việc quá sức, làm việc sai tư thế, không đứng lâu hay ngồi lâu để tránh ảnh hưởng đến cột sống
- Không nên nằm nệm mà nên nằm trên giường cứng với gối mỏng
- Từ bỏ thói quen hút thuốc lá và uống rượu bia vì những thói quen này có thể khiến các cơn đau nhức trở nên tồi tệ hơn
- Dùng đúng liều lượng thuốc và tuân thủ chế độ tập luyện do bác sĩ chuyên khoa chỉ định, không tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc. Giai đoạn tiến triển của bệnh nếu không được điều trị đúng, các khớp sẽ bị phá hủy và gây dính khớp
- Duy trì việc tập thể dục hằng ngày để giúp xương khớp trở nên dẻo dai. Những bài tập hiệu quả nhất mà bạn có thể thử là yoga, bơi lội, chạy bộ…
- Xây dựng chế độ ăn hợp lý, tránh bị thừa cân, béo phì để giảm khối lượng cơ thể, hạn chế sức ép đến cột sống. Bạn nên ăn nhiều thực phẩm có chứa chất xơ, chất chống oxy hóa, canxi và các chất hỗ trợ tái tạo xương khớp. Đồng thời bạn nên giảm bớt chất béo, hạn chế thức ăn có nhiều dầu mỡ.
- Tái khám đúng lịch hẹn để theo dõi các triệu chứng của bệnh cũng như các tác dụng phụ của thuốc.
Để tránh những hậu quả đáng tiếc do nhầm lẫn giữa hai căn bệnh trên, ngay khi gặp phải các triệu chứng nêu trên, bạn nên chủ động tìm cách giảm đau và sắp xếp thời gian đi khám sớm nhất tại các cơ sở chuyên khoa xương khớp uy tín nhất.