Biên dịch: BS. Đinh Chí Thiện
Viêm tiểu phế quản là bệnh nhiễm trùng ở các đường thở nhỏ trong phổi (gọi là các tiểu phế quản). Bệnh này thường gặp ở em bé. Phần lớn những em bé bị bệnh thường không nặng lắm và sẽ hồi phục hoàn toàn. Nhưng đôi khi bệnh trở nặng và có thể cần phải nhập viện.
Tìm hiểu về lá phổi
Không khí đi vào 2 lá phổi sẽ qua khí quản, xuống các nhánh đường thở lớn (phế quản) và vào trong các nhánh nhỏ hơn (tiểu phế quản). Các tiểu phế quản là nhánh nhỏ nhất trước khi không khí vào đến hàng triệu túi khí li ti của phổi (gọi là phế nang). Khí oxy trong không khí sẽ đi qua vách mỏng của phế nang để hòa vào dòng máu.
Viêm tiểu phế quản là gì?
Viêm tiểu phế quản khi có tình trạng viêm ở các tiểu phế quản. Nguyên nhân thường do virus có tên gọi là virus hợp bào hô hấp (RSV) gây ra, đôi khi cũng do các virus khác. RSV là nguyên nhân thường gặp của bệnh cảm lạnh. Ở một số em bé, RSV cũng có thể xâm nhiễm sâu xuống đường thở gây ra viêm tiểu phế quản. RSV được phát tán trong không khí qua các giọt nước li ti khi ho và hắt hơi. Những tiểu phế quản bị nhiễm bệnh sẽ sưng lên và ùn tắc chất nhày.
Ai dễ mắc viêm tiêu phế quản?
Người ta ước tính cứ trong 3 em bé dưới 12 tháng tuổi ở Anh thì có chừng 1 bé một ngày nào đó sẽ mắc viêm tiểu phế quản. Bệnh hầu như thường xảy ra ở những em bé từ 3-6 tháng tuổi. Nhưng đối với hầu hết thì bệnh không nặng. Tuy nhiên, cứ 100 em bé thì có 3 bé nhập viện vì viêm tiểu phế quản trước khi được 1 tuổi. Trẻ sẽ có khả năng mắc bệnh viêm tiểu phế quản nặng hơn khi:
- Trẻ sinh non.
- Trẻ mắc các bệnh tim.
- Trẻ có sẵn một bệnh phổi.
Triệu chứng của viêm tiểu phế quản là gì?
Viêm tiểu phế quản ở Anh thường xảy ra vào những tháng mùa đông (tháng 11 tới tháng 3).
- Triệu chứng cảm lạnh: sổ mũi, ho và sốt nhẹ thường có trong 2-3 ngày đầu.
- Thở nhanh, khó thở và khò khè sẽ xuất hiện khi sự nhiễm trùng lan xuống tới các tiểu phế quản. Nhịp thở có thể lên đến 60-80 lần mỗi phút.
- Lỗ mũi của bé sẽ nở lớn ra và khi đó ho dữ dội hơn.
- Nếu để ý thì bạn sẽ thấy các thớ cơ ở giữa xương sườn rút sâu vào bên trong mỗi khi bé hít thở. Đó là do bé phải cố gắng hơn bình thường để thở.
- Em bé có thể sẽ bỏ ăn bỏ uống. Bởi lí do em bé bị bệnh và dễ bị mệt. Do đó bé sẽ rất khó khăn khi phải vừa thở vừa ăn cùng lúc.
Thường thì các triệu chứng trở nặng nhất vào lúc 2-3 ngày sau khi khởi bệnh. Mức độ của bệnh có thể từ nhẹ (nặng hơn một chút so với cảm lạnh) cho đến nguy kịch vối biểu hiện khó thở dữ dội. Sau khi đạt đỉnh, các triệu chứng này thường giảm dần và biến mất trong vòng 1-2 tuần. Ho do kích thích có thể kéo dài hơn một chút. Trong một số trường hợp thì ho có thể kéo dài một vài tuần sau khi những triệu chứng khác không còn nữa.
Ở một số trẻ, sau vài đợt viêm tiểu phế quản, sẽ dễ bị thở khò khè và ho hơn, nhất là khi chúng bị ho hay cảm lạnh. Đây được gọi là hội chứng hậu viêm tiểu phế quản và thường sẽ hết vào lúc nào đó. Trong một số ít trường hợp, triệu chứng khò khè sẽ xuất hiện rồi mất đi trong suốt một vài năm, thường đi kèm với ho và cảm lạnh.
Cách điều trị viêm tiểu phế quản như thế nào?
Viêm tiểu phế quản là bệnh tự giới hạn. Có nghĩa là bệnh sẽ tự hết khi hệ miễn dịch thải sạch sẽ virus. Không có thuốc để diệt virus. Thuốc kháng sinh không giết được virus và thường cũng không được kê toa. Mục đích của việc điều trị gồm những việc sau đây:
- Đảm bảo rằng em bé không bị thiếu nước. Trẻ sẽ bị thiếu nước nếu không được cho ăn hoặc uống khá.
- Hỗ trợ khi trẻ bị khó thở.
- Chú ý các biến chứng có thể xảy ra.
Điều trị tại nhà
Ở hầu hết trường hợp, các triệu chứng thường không nặng. Bác sĩ sẽ khám thấy con bạn hiện không có dấu hiệu thiếu nước và có thể thở một cách êm dịu. Em bé ăn và uống được khá là một biểu hiện tốt. Em bé sẽ dễ thở hơn nếu bạn nâng cao đầu nằm của cái cũi lên một chút khi bé ngủ. Nên cho bé đi khám bác sĩ khi trở nên tệ hơn, cụ thể:
- Nếu con bạn không chịu ăn hoặc uống.
- Khi nhịp thở nhanh hơn.
- Khi thấy bé khó khăn để thở.
- Khi thấy bé không hồng hào nữa, có khi tái nhợt hoặc xanh tím.
Điều trị khi nhập viện
Cứ 100 trẻ thì có khoảng 3 trẻ bị viêm tiểu phế quản phải nhập viện. Đa số chỉ nằm viện ngắn ngày đến khi vượt qua giai đoạn trở nặng. Lí do chính khiến trẻ phải nhập viện liên quan đến việc trẻ ăn hoặc uống kém. Ở bệnh viện, nếu cần thiết thì bé có thể được cho ăn qua một ống thông đặt vào trong dạ dày. Nếu bé khó thở thì có thể được hỗ trợ oxy. Khoảng 2 trong số 100 bé nhập viện vì viêm tiểu phế quản là cần giúp thở trong một khoảng thời gian (thông khí hỗ trợ) cho đến khi hết nhiễm trùng.
Một vài em bé sẽ diễn tiến nặng, hoặc có biến chứng viêm phổi. Sẽ cần chăm sóc tích cực cho một số ít các trường hợp.
Nhiều kiểu trị liệu được thử nghiệm qua nhiều năm. Nhưng không may là, nghiên cứu đã cho thấy không có biện pháp nào tạo ra khác biệt đối với tiến trình của bệnh. Đó chính là lí do vì sao điều trị là mang tính hỗ trợ, phần chính yếu là để hệ miễn dịch của trẻ tiêu diệt virus.
Viêm tiểu phế quản có thể được phòng ngừa không?
Không phổ biến
Nhiễm RSV, nguyên nhân chính của viêm tiểu phế quản, cũng gây ra ho và cảm lạnh ở người lớn và trẻ em. Không thể né tránh virus này một cách triệt để. Có thể giữ con của bạn tránh xa những người ho và bị cảm lạnh. Tuy nhiên, biện pháp này thường không khả thi. Có một loại vắc-xin nhưng nó chỉ được dùng cho những em bé và trẻ nhỏ có bệnh lí tim và ngực nặng hoặc có các vấn đề về hệ miễn dịch.
Cho bú mẹ và không hút thuốc lá có thể giúp phòng ngừa
Những em bé được bú mẹ và những bé sống ở ngôi nhà không có thuốc lá, khi mắc viêm tiểu phế quản, sẽ ít bị bệnh nặng như những em bé không được bú mẹ và những bé sống với những người hút thuốc. Bởi vì, việc em bé hút thuốc thụ động làm ảnh hưởng đến bề mặt lót của đường thở, gây giảm khả năng chống cự đối với sự nhiễm trùng. Bên cạnh đó, những em bé bú mẹ còn được nhận những kháng thể truyền từ người mẹ sang, giúp bảo vệ đứa trẻ.
Tiêm kháng thể
Việc tiêm kháng thể hàng tháng từ khi lọt lòng có thể giúp làm giảm độ nặng của viêm tiểu phế quản khi bệnh xảy ra. Cách làm này có thể được cân nhắc ở những đứa bé sanh rất non, hoặc những em bé có bệnh lí ngực và tim nặng. Mục tiêu là để giới hạn mức độ nặng nếu đứa trẻ mắc viêm tiểu phế quản.