Đốm trắng trên môi (hoặc mụn trắng ở môi) có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đôi khi chúng cũng có thể là một dấu hiệu của bệnh ung thư miệng. Vì thế, bạn nên đi khám bác sĩ ngay khi phát hiện để có thể chữa trị bệnh kịp thời.
Nguyên nhân làm xuất hiện đốm trắng trên môi
Có rất nhiều nguyên nhân khiến môi có đốm trắng, bao gồm:
Mụn rộp sinh dục
Quan hệ tình dục qua đường miệng có thể gây ra các đốm trắng chứa bã nhờn hoặc những vết loét nhỏ trên môi. Chúng có thể bắt đầu xuất hiện như những vết loét nhỏ và dần dần trở nên phồng rộp và chứa đầy bã nhờn bên trong.
Mụn thịt (một dạng mụn nhỏ màu trắng trên da)
Loại mụn này thường xuất hiện ở trẻ nhỏ, môi bị nổi hột trắng khi những tế bào chết đọng lại trên da. Mụn thịt thường xuất hiện trên mặt nhưng thỉnh thoảng chúng vẫn có thể mọc trên môi.
Ung thư miệng
Một trong những dấu hiệu của bệnh ung thư miệng là môi nổi hạt trắng. Hạt trắng này thường rất phẳng, không nổi cộm. Ban đầu, bạn có thể không cảm thấy đau nhưng dần dần nó có thể rỉ máu và viêm loét rộng ra. Việc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời mà không có biện pháp bảo vệ, lạm dụng rượu, hút thuốc lá và virus lây qua đường tình dục HPV là những nguyên nhân gây ra ung thư miệng.
Môi bị đốm trắng do nấm miệng
Là một bệnh lây nhiễm do nhiễm nấm gây ra các vết loét màu trắng trên môi, miệng và nướu hoặc trên amidan. Loại nấm phổ biến nhất gây ra tình trạng này là candida albicans.
Đôi lúc những đốm trắng trên môi là do sự đa dạng gen vô hại cũng giống như trường hợp những người có các nốt ruồi hoặc đặc điểm bẩm sinh trên người.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Những đốm trắng trên môi hiếm khi gây ra những tình trạng nguy hiểm cần cấp cứu. Tuy nhiên, bạn cũng nên đến gặp bác sĩ nếu như bạn gặp phải những dấu hiệu đi kèm dưới đây:
- Các đốm trắng gây đau;
- Các đốm trắng chảy máu;
- Cảm giác như có vật gì đó tắc trong cổ họng;
- Sưng cuống họng hoặc cổ;
- Tê lưỡi;
- Khó nhai và nuốt;
- Sốt và đau họng.
Một khi những đốm trắng này không biến mất trong vòng 2 tuần, bạn nên đến bệnh viện ngay để điều trị kịp thời.
Bác sĩ chẩn đoán những bệnh liên quan đến những đốm trắng trên môi như thế nào?
Bác sĩ sẽ có thể yêu cầu bạn kể về tiền sử bệnh và tiến hành một vài kiểm tra vật lý để xem xét những đốm trắng trên môi. Các bác sĩ sẽ dựa vào độ sưng của cuống họng, mặt và bên trong miệng. Sau đó họ sẽ kiểm tra cổ để xem bạn có bị sưng hạch bạch huyết hay không.
Khi cần thiết, các bác sĩ cũng có thể làm các kiểm tra trên phòng thí nghiệm đối với mẫu lấy từ môi của bạn để chắc chắn rằng bạn có nhiễm các loại vi khuẩn, virus hoặc nấm. Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn mắc ung thư miệng, họ có thể lấy mẫu sinh thiết tế bào để tiến hành kiểm tra tế bào ung thư.
Trong nhiều trường hợp, bác sĩ có thể chẩn đoán dựa vào việc quan sát các đốm trắng trên môi bạn. Ngoài ra, họ cũng có thể tiến hành các xét nghiệm máu để xem bạn có nhiễm các loại virus lây qua đường tình dục hay không.
Cách chữa đốm trắng trên môi
Cách chữa đốm trắng trên môi tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra. Một vài căn bệnh như đốm trắng bã nhờn thì không cần phải điều trị. Tuy nhiên, nếu bạn không thích sự xuất hiện của những đốm trắng chứa bã nhờn này thì bạn có thể được tiến hành các tiểu phẫu loại bỏ chúng. Các bác sĩ có thể sử dụng các kỹ thuật như phẫu thuật điện hoặc tia laser để loại bỏ những đốm trắng này.
Trong trường hợp mụn trắng ở môi do nấm miệng gây ra thì các bác sĩ sẽ điều trị cho bạn bằng cách kê các loại thuốc chống nấm.
Nếu môi bạn xuất hiện các nốt trắng do các virus lây qua đường tình dục thì bác sĩ sẽ cho bạn dùng các loại thuốc chống virus. Tuy nhiên, chúng chỉ có tác dụng tạm thời mà không điều trị dứt điểm. Bạn phải trao đổi thêm với bác sĩ về tình trạng này.
Nếu như những đốm trắng này là dấu hiệu của ung thư miệng thì bạn sẽ phải điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau bao gồm phẫu thuật cắt bỏ các tế bào ung thư, liệu pháp hóa học hoặc phương pháp xạ trị để ngăn chặn sự lây lan của tế bào ung thư.
Cách chữa đốm trắng trên môi tại nhà
Dù các đốm trắng trên môi gây ra bởi nguyên nhân nào đi nữa thì bạn cũng tuyệt đối không được nặn chúng vì hành động này có thể làm cho vùng nổi đốm trên môi khó chịu hơn và tăng khả năng lây lan qua các vùng khác.
Bạn có thể thoa kem dưỡng ẩm lên trên môi để tránh tình trạng môi bị khô và đau nếu được sự cho phép của bác sĩ. Ngoài ra, bạn cũng nên rửa chúng với nước muối ấm để giảm bớt cảm giác khó chịu. Bạn hoàn toàn có thể làm hỗn hợp nước muối vệ sinh ở nhà bằng cách trộn nửa muỗng canh muối vào một cốc nước ấm, ngậm trong miệng một lúc trước khi nhổ ra.
Nói tóm lại, các đốm trắng trên môi của bạn có thể là kết quả của nhiều nguyên nhân khác nhau liên quan đến một số căn bệnh. Bởi vì sự xuất hiện của chúng có thể là dấu hiệu sớm của ung thư, vì thế bạn nên đi khám bác sĩ để có được chẩn đoán chính xác và điều trị càng sớm càng tốt.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Dấu hiệu ung thư miệng: Khi nào cảnh báo nguy hiểm?
- Nấm miệng không chỉ xảy ra ở trẻ em
- 7 cách chăm sóc răng miệng cho nụ cười tỏa nắng