Việc lên kế hoạch bữa ăn cho người bệnh tiểu đường không những giúp bạn nâng cao sức khỏe, mà còn có thể phòng ngừa các biến chứng như bệnh tim mạch hoặc các bệnh về thận.
Những năm gần đây, số bệnh nhân mắc tiểu đường đang tăng nhanh. Tuy nhiên, nhiều trường hợp có thể được phòng tránh và thậm chí có thể chữa khỏi. Một chế độ dinh dưỡng tốt và cân bằng không chỉ cung cấp năng lượng, khiến bạn giữ tâm trạng thoải mái mà còn có thể giúp phòng tránh căn bệnh này.
Lên kế hoạch các bữa ăn cho người bệnh tiểu đường là cách giúp bạn biết lựa chọn thức ăn nào, bao nhiêu là đủ cũng như đưa ra cho bạn những bữa ăn nhẹ thích hợp. Kế hoạch ăn uống hoàn hảo nên phù hợp với việc sinh hoạt và thói quen ăn uống của bạn. Một số cách giúp bạn lên kế hoạch bữa ăn có thể bao gồm:
- Phương pháp khẩu phần ăn
- Đếm lượng carb
- Chỉ số đường huyết
Mục đích của việc lên kế hoạch bữa ăn cho người bệnh tiểu đường
Lên kế hoạch cho bữa ăn không chỉ giúp bạn cải thiện lượng đường huyết, huyết áp và lượng cholesterol mà còn giúp bạn kiểm soát cân nặng của mình. Những người có bệnh tiểu đường cần phải rất cẩn thận để lượng thức ăn cân bằng với thuốc uống insulin/và các hoạt động vật lý giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Trong khi hoạt động thể chất đóng một vai trò quan trọng, những gì bạn ăn lại có tác động lớn lên kế hoạch giảm cân và kiểm soát bệnh đái tháo đường. Bạn chỉ cần chú ý đến một số lựa chọn thực phẩm, đặc biệt là lượng carbohydrate và chất béo bạn ăn.
Phương pháp giúp bạn lên kế hoạch bữa ăn
Dưới đây là một số phương pháp lên kế hoạch bữa ăn hữu ích. Bạn có thể chọn một hoặc kết hợp nhiều cách dưới đây sao cho phù hợp với bản thân:
1. Phương pháp khẩu phần ăn
Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ đã đưa ra một phương pháp bảy bước đơn giản của việc lên kế hoạch bữa ăn cho người bệnh tiểu đường. Trên thực tế, phương pháp này tập trung vào việc ăn rau quả nhiều hơn. Hãy thêm các loại rau củ không tinh bột khoảng một nửa phần ăn như cà rốt, rau bó xôi, cà chua, sau đó thêm vào một phần tư thành phần protein như cá ngừ hoặc thịt lợn nạc. Cuối cùng, thêm một phần tư các loại hạt hoặc thực phẩm giàu tinh bột. Bạn cũng có thể thêm vào khẩu phần các loại trái cây hoặc các sản phẩm từ sữa, một ly nước, trà hoặc cà phê không đường.
2. Đếm lượng carb
Carbohydrates có ảnh hưởng lớn nhất lên mức độ đường huyết trong máu của bạn khi nó được phân giải thành glucose. Để giúp tầm soát lượng đường trong máu, người bệnh tiểu đường nên cố gắng ăn cùng một lượng carbohydrate mỗi ngày vào khoảng thời gian cố định; đặc biệt là nếu bạn dùng thuốc trị đái tháo đường hoặc insulin.
Chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp bạn đo lường khẩu phần thực phẩm, đặc biệt chú ý vào kích thước khẩu phần và lượng carbohydrate thông qua việc đọc nhãn thực phẩm. Nếu bạn đang sử dụng insulin hoặc thuốc uống khác, bác sĩ có thể hướng dẫn cho bạn làm thế nào để tính toán số lượng carbohydrate trong mỗi bữa ăn, sau đó điều chỉnh lượng insulin thích hợp.
3. Chỉ số đường huyết
Chỉ số đường huyết sẽ đánh giá các loại thực phẩm chứa carbohydrate dựa trên tác động của chúng đến đường huyết. Một số người mắc bệnh tiểu đường sử dụng phương pháp này để xem xét lựa chọn các loại thực phẩm, đặc biệt là carbohydrate. Bạn hãy tìm đến chuyên gia để được tư vấn dinh dưỡng cho dù phương pháp này có phù hợp với bạn hay không.
Việc lên bữa ăn cho người bệnh tiểu đường có vẻ khó khăn nhưng chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp bạn thực hiện điều này. Khi bạn lựa chọn thực phẩm dinh dưỡng cho mình, bạn không chỉ nâng cao sức khỏe toàn diện mà còn có thể phòng ngừa những biến chứng của bệnh tiểu đường như bệnh tim mạch hoặc các bệnh về thận.