Chú trọng vấn đề dinh dưỡng cho người bị xơ gan không chỉ giúp bạn kiểm soát tốt sức khỏe của gan mà còn góp phần cải thiện sức khỏe tổng thể.
Phần lớn trường hợp, những người mắc bệnh xơ gan đều bị suy dinh dưỡng. Điều này bắt nguồn từ:
- Những thay đổi trong quá trình trao đổi chất
- Các vấn đề tiêu hóa phát sinh do gan chịu thương tổn
Khi đó, sức khỏe tổng thể sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ tình trạng trên. Như vậy, để giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng, bạn sẽ cần chú trọng nhiều vào chế độ ăn uống thường ngày của mình.
Nếu bạn chưa biết nên bắt đầu từ đâu để xây dựng chế độ dinh dưỡng cho người bị xơ gan phù hợp, hãy tìm đến sự trợ giúp của bác sĩ điều trị hoặc chuyên gia dinh dưỡng. Họ có thể đưa ra một số lời khuyên hữu ích cũng như xác định hướng đi giúp bạn.
Vì sao cần chú trọng dinh dưỡng cho người bị xơ gan?
Gan là cơ quan nội tạng lớn nhất trong cơ thể. Bên cạnh đó, đây cũng là một trong những bộ phận quan trọng nhất với hơn 500 chức năng. Vì vậy, khi tình trạng xơ hóa diễn ra, các chức năng của gan sẽ dần suy giảm đáng kể, bao gồm cả việc hỗ trợ cơ thể hấp thụ chất dinh dưỡng từ thức ăn.
Do đó, mục tiêu hàng đầu của chế độ dinh dưỡng cho người bị xơ gan sẽ gồm ba yếu tố như sau:
- Cung cấp đầy đủ dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể
- “Cắt giảm” khối lượng công việc mà gan phải gánh vác
- Ngăn chặn tình huống gan phải chịu thêm thương tổn bằng cách phòng ngừa biến chứng phát sinh
Ngoài ra, nhiều nhà nghiên cứu cũng cho rằng một chế độ dinh dưỡng cho người bị xơ gan không tốt cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển của biến chứng xơ gan, bao gồm tử vong.
Thêm vào đó, xơ gan là căn bệnh không thể chữa lành. Vì vậy, chế độ ăn uống lành mạnh đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe tương lai của gan sau này.
Người bị xơ gan nên ăn gì và uống gì?
Sau khi bạn được chẩn đoán xơ gan, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn áp dụng chế độ dinh dưỡng cho người bị xơ gan càng sớm càng tốt, kể cả khi bạn thấy cơ thể mình vẫn khỏe mạnh.
Điều này là do vào giai đoạn đầu của bệnh (còn gọi là xơ gan còn bù), hầu hết triệu chứng xơ gan đều không bộc lộ rõ ràng. Những dấu hiệu của bệnh gan này cần nhiều năm để thể hiện rõ. Thông thường, bạn sẽ bắt gặp chúng khi tình trạng tổn thương ở gan đã trở nên nghiêm trọng. Lúc đó, bệnh đã chuyển sang giai đoạn xơ gan mất bù.
Thực tế, tuy chú trọng vấn đề dinh dưỡng có khả năng phòng ngừa gan nhận thêm thương tổn, nhưng nó lại không thể chữa lành các mô sẹo đã hình thành tại đây. Do đó, bạn có thể sẽ cần áp dụng chế độ ăn uống này suốt đời.
Một chế độ dinh dưỡng cho người bị xơ gan tốt thường bao gồm:
Trái cây và rau củ quả
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích mọi người nên lựa chọn thực phẩm tươi mới nếu có thể. Đối với các sản phẩm đóng hộp như trái cây ngâm, nước ép rau củ… bạn nên hạn chế sử dụng. Hàm lượng natri (muối) và đường trong những sản phẩm này không tốt cho sức khỏe gan vốn đã suy yếu.
Ngoài ra, bạn có thể phối hợp trái cây với các món ăn khác. Ví dụ như ăn kèm trái cây với ngũ cốc hoặc yến mạch không chỉ tăng thêm giá trị dinh dưỡng của món ăn mà còn giúp bạn ngon miệng hơn nhờ vị ngọt tự nhiên.
Thêm vào đó, những loại trái cây giàu chất xơ như táo cũng có thể trở thành một bữa ăn nhẹ lành mạnh.
Sữa và các sản phẩm làm từ sữa
Ở những người mắc bệnh gan, các sản phẩm làm từ sữa thông thường có thể khiến họ gặp vấn đề với việc tiêu hóa do hàm lượng chất béo dồi dào. Do đó, để ngăn chặn tình huống này, bạn nên ưu tiên dùng các sản phẩm sữa ít béo hoặc sữa làm từ thực vật như sữa đậu nành hay sữa hạnh nhân.
Mặt khác, các món ngọt tuyệt hảo như bánh pudding, bánh kem… cũng cần được hạn chế. Nếu nhận thấy cơ thể gặp khó khăn trong việc xử lý chất béo và đường, bạn có thể sẽ cần loại bỏ chúng ra khỏi thực đơn dinh dưỡng cho người bị xơ gan.
Các loại ngũ cốc nguyên hạt
Ngũ cốc nguyên hạt là thành phần luôn góp mặt trong nhiều chế độ ăn uống, bao gồm cả chế độ dinh dưỡng cho người bị xơ gan, gồm:
- Bánh mì ngũ cốc nguyên hạt
- Gạo lứt
- Mì ống
Ngoài ra, granola (một dạng ngũ cốc ăn liền) cũng có thể được dùng nếu bạn đang vội. Tuy nhiên, hãy đảm bảo lượng đường và natri trong sản phẩm này thấp trước khi sử dụng nhé.
Protein (đạm)
Ngoài ra, người bị xơ gan không nên ăn các loại thịt đỏ (thịt bò, thịt dê, thịt heo…) và thịt chế biến sẵn, ví dụ như xúc xích hay lạp xưởng.
Theo các chuyên gia, nguồn cung cấp protein tốt nhất cho cơ thể là thịt gia cầm nạc, cá và trứng. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng nguồn đạm thực vật như các loại đậu và hạt hay đậu phụ.
Các món ngọt tráng miệng
Bánh bích quy, bánh crepe, bánh rán hay bánh quế đều chứa một lượng đường, muối và chất béo khiến gan trong quá trình xơ hóa nhận thêm thương tổn. Do đó, lúc này, bạn nên hạn chế tối đa việc tiêu thụ những món ưa thích như trên.
Tuy nhiên, nếu bạn tự làm bánh tại nhà và đảm bảo được hàm lượng ba yếu tố trên đều nằm trong phạm vi cho phép, bạn có thể thêm món ngọt vào thực đơn dinh dưỡng cho người bị xơ gan hàng ngày.
Thức uống
Bia, rượu và những thức uống chứa cồn tương tự đều là tác nhân gây tổn hại đến gan. Vì vậy, người mắc bệnh xơ gan nên kiêng hẳn những loại thức uống này.
Thay vào đó, bạn có thể bổ sung nước cho cơ thể bằng nước lọc hoặc nước trái cây. Tuy nhiên, vì bạn đang cần hạn chế lượng đường và muối hấp thụ, nên hãy cẩn thận xem kỹ nồng độ các thành phần có trong sản phẩm được dán nhãn khi chọn mua nước từ siêu thị. Ngoài ra, cách tốt nhất để kiểm soát lượng đường tiêu thụ là tự đun nước hoặc làm nước ép trái cây tại nhà.
Mặt khác, hiện nay một số nghiên cứu cho thấy cà phê có thể đem lại lợi ích cho người mắc các bệnh về gan.
Tuy nhiên, hầu hết chuyên gia y tế vẫn khuyến nghị người bệnh gan nên tránh xa các loại đồ uống chứa caffeine như cà phê, trà hay nước ngọt vì giả thiết trên còn cần nhiều nghiên cứu chuyên sâu hơn để khẳng định độ tin cậy của nó.
Những lưu ý khi xây dựng chế độ dinh dưỡng cho người bị xơ gan
Việc xây dựng chế độ ăn uống thường ngày cho người mắc bệnh xơ gan có những yếu tố cần được lưu ý như sau:
Phân bố bữa ăn
Để ngăn chặn tình trạng suy dinh dưỡng, bác sĩ có thể yêu cầu bạn bổ sung nhiều calo hơn bình thường trong mỗi bữa ăn.
Nếu bạn cảm thấy không thể dùng ba bữa chính hàng ngày với khối lượng calo “khổng lồ” như chỉ định của bác sĩ, hãy thử chia các khẩu phần ăn này thành nhiều bữa nhỏ hơn trong ngày. Điều này có thể cùng lúc giúp bạn đạt “chỉ tiêu” như trên và không bị bội thực.
Không ít nhà nghiên cứu cũng tán thành biện pháp ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày thay vì ba bữa chính. Ngoài ra, khi áp dụng phương pháp trên, bạn hãy đảm bảo khoảng cách giữa các bữa ăn nên là 2 giờ.
Một số người bệnh xơ gan có xu hướng tỉnh giấc trong đêm và không thể ngủ tiếp. Trong khi đó, họ lại có thể ngủ nhiều hơn vào ban ngày. Để giải quyết trường hợp này, các chuyên gia khuyến nghị người bệnh nên ăn nhẹ vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Mẹo nấu ăn
Nhằm gia tăng khẩu vị trong mỗi bữa ăn, bạn có thể áp dụng một số mẹo nấu ăn như sau:
- Luộc, hấp, nướng hoặc áp chảo rau củ thay vì chiên hoặc xào.
- Sử dụng các loại gia vị từ thảo mộc như quế, nghệ, tỏi… để thay thế muối. Những loại gia vị này không chỉ làm món ăn thêm hấp dẫn, mà còn đem đến nhiều lợi ích sức khỏe khác cho bạn.
- Thực tế, bạn vẫn có thể ăn một ít thịt bò hoặc thịt heo trong khẩu phần của mình. Tuy nhiên, thịt gia cầm không da (thịt gà, thịt ngan…) vẫn là lựa chọn ưu tiên hơn cả. Thay vì chiên, bạn có thể chuyển sang nướng hoặc áp chảo thịt, nhưng đừng để thịt cháy nhé.
- Tránh ăn hải sản sống hoặc thịt nấu nửa sống nửa chín.
- Xử lý thực phẩm an toàn để tránh ngộ độc.
Bạn nên ăn uống như thế nào nếu biến chứng phát sinh?
Biến chứng xơ gan thường gặp gồm ba loại là:
- Tích trữ dịch ở khoang bụng (cổ trướng)
- Nồng độ glucose trong máu giảm đáng kể (hạ đường huyết hay sốc insulin)
- Các tế bào não chịu ảnh hưởng liên lụy (bệnh não gan)
Khi chúng phát sinh, chế độ dinh dưỡng cho người bị xơ gan có thể cần thay đổi đôi chỗ để phù hợp với tình trạng sức khỏe hiện tại hơn, bao gồm việc cắt giảm lượng muối, đường và protein trong mỗi khẩu phần ăn.
Một chế độ dinh dưỡng cho người bị xơ gan hiệu quả có khả năng giúp bạn tiếp tục cung cấp dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể theo nhu cầu. Đồng thời, nó cũng hỗ trợ giảm bớt khối lượng công việc của gan và hạn chế phát sinh biến chứng.