Khi trẻ bị tay chân miệng, bố mẹ sẽ có vô vàn câu hỏi về bệnh để có thể tìm được phương hướng hỗ trợ điều trị cho thiên thần nhỏ tốt nhất.
Tay chân miệng là một dạng bệnh truyền nhiễm khá phổ biến ở trẻ nhỏ và do virus gây nên. Nếu bạn đang có những thắc mắc xoay quanh vấn đề trẻ bị tay chân miệng uống thuốc gì hoặc cần bôi thuốc gì để mau lành bệnh thì hãy cùng Chúng tôi tìm câu trả lời thông qua bài viết sau nhé.
1. Trẻ bị tay chân miệng bao lâu thì khỏi?
Khoảng cách thời gian giữa việc đã nhiễm trùng và xuất hiện các triệu chứng đầu tiên thường diễn ra từ 3 – 6 ngày. Sốt và đau họng là hai dấu hiệu đầu tiên dễ nhận biết ở trẻ. Các vết loét gây đau sẽ bắt đầu nổi ở khu vực miệng từ 1 – 2 ngày sau khi cơn sốt bắt đầu. Phát ban trên các bộ phận khác trên cơ thể có thể diễn ra 1 – 2 ngày sau đó.
Với những biện pháp điều trị thích hợp, trẻ bị bệnh tay chân miệng có thể khỏi bệnh sau 7 – 10 ngày. Mặt khác, bố mẹ hãy nhớ rằng virus vẫn có khả năng tồn tại trong cơ thể ngay cả khi các triệu chứng đã giảm bớt. Do vậy, con sẽ có thể lây nhiễm cho bạn bè hoặc những người tiếp xúc với mình từ một vài ngày hoặc thậm chí vài tuần dù cho đã được chẩn đoán hoàn toàn khỏi bệnh. Một số bé không bao giờ có bất kỳ triệu chứng nào nhưng thực chất là đã nhiễm bệnh.
2. Trẻ bị bệnh uống thuốc gì, bôi thuốc gì?
Bệnh tay chân miệng là do virus gây ra nên không thể dùng thuốc kháng sinh để điều trị. Hầu hết trẻ nhỏ mắc bệnh tay chân miệng sẽ đều dần tự hồi phục mà không có biến chứng quá nguy hiểm. Mặt khác, bạn vẫn có thể áp dụng những biện pháp hỗ trợ điều trị tay chân miệng tại nhà nhằm giảm nhẹ các triệu chứng. Ngoài ra, các thuốc uống và bôi phù hợp với bé trong thời điểm này là:
- Acetaminophen có thể được sử dụng nhằm giảm chứng đau đầu, sốt và đau họng.
- Ibuprofen cũng có thể được sử dụng cho trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên.
- Không bao giờ dùng aspirin cho trẻ em hoặc thanh thiếu niên trừ khi có chỉ định của bác sĩ.
- Bạn có thể bôi thuốc xanh methylen lên các vết loét giúp hạn chế tình trạng nhiễm trùng.
3. Trẻ bị tay chân miệng kiêng gì?
Một số điều kiêng cữ khi chăm sóc bé yêu bị chân tay miệng tại nhà là:
- Tránh các loại nước ép trái cây có nhiều axit như nước cam. Chúng có thể gây kích ứng các vết loét miệng.
- Đối với trẻ dưới một tuổi, cho trẻ uống sữa mẹ, sữa công thức hoặc chất lỏng bổ sung chất điện giải.
- Trẻ bị tay chân miệng nên kiêng những thực phẩm chua, cay, mặn, nóng để ngăn ngừa tình trạng khó kích ứng niêm mạc miệng.
- Hạn chế cho bé tiếp xúc với nhiều người nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm chéo.
- Cố gắng chú ý để con yêu không làm vỡ các nốt phồng rộp.
- Không nên cho trẻ đến những nơi nhiều khói bụi, thiếu vệ sinh sạch sẽ.
- Kiêng ép con ăn quá nhiều bởi lúc này bé đang mệt và khẩu vị cũng theo đó mà bị ảnh hưởng.
4. Mắc bệnh tay chân miệng nên ăn gì?
Một số thực phẩm phù hợp với trẻ bị tay chân miệng là:
- Thực phẩm dễ nuốt, như cháo, súp, thức ăn nghiền nhuyễn
- Uống nước dừa
- Ăn đủ đủ chín
- Dưa hấu
- Sữa chua
- Kem, thạch rau câu.
Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc xung quanh vấn đề trẻ bị tay chân miệng. Nếu bé vẫn sốt cao không khỏi và có dấu hiệu mất nước, không tỉnh táo, hãy đưa con đến bệnh viện để được khám cũng như điều trị kịp thời.
Phương Uyên/HELLO BACSI