Táo bón là một bệnh rất thường gặp ở bất kỳ ai. Tuy nhiên, mọi người thường có xu hướng xấu hổ khi phải đến gặp bác sĩ cũng như chưa có kiến thức chuẩn về bệnh, vì vậy dẫn đến việc điều trị bệnh táo bón phổ biến không hiệu quả.
Hầu hết người Việt Nam thường rất ngại ngùng khi gặp bác sĩ để khám về các căn bệnh ở ruột như táo bón, tiêu chảy… Họ thường đến các tiệm thuốc để mua thuốc tự điều trị. Việc không hiểu rõ về căn bệnh và không được hướng dẫn chi tiết từ bác sĩ có thể làm cho bệnh táo bón trầm trọng hơn. Tuy nhiên, bạn đừng quá lo lắng, bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về căn bệnh “nhạy cảm” này.
Làm sao để biết bạn đang bị táo bón?
Bệnh táo bón phổ biến không chỉ liên quan đến số lần bạn đi tiêu, mà còn bao gồm một loạt các dấu hiệu sau:
- Phải dùng lực rất mạnh để rặn
- Phân cứng
- Cảm giác phân không thể ra ngoài được.
- Giảm số lần đi tiêu
Không phải ai cũng bị táo bón giống nhau, bệnh sẽ khác nhau tùy theo tình trạng của mỗi người. Một số người bị táo bón có thể 2–3 ngày mới đi tiêu được, trong khi người khỏe mạnh thường đi tiêu mỗi ngày 1 lần. Nếu bạn không đi tiêu được trong nhiều ngày liền, hãy đến gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán và điều trị.
Nguyên nhân nào gây ra bệnh táo bón phổ biến ở mọi người?
Có rất nhiều nguyên nhân gây táo bón như chế độ ăn uống, căng thẳng, nội tiết tố… Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến nhất:
1. Không ăn đủ chất xơ
Chất xơ thường rất khó được tiêu hóa, vì vậy khi vào trong ruột nó sẽ đẩy những thực phẩm còn lại ra ngoài. Bên cạnh đó, chất xơ còn có khả năng hấp thụ nước giúp phân mềm, vì vậy việc đi tiêu sẽ dễ dàng hơn.
Việc ăn ít chất xơ, đặc biệt là ăn nhiều thức ăn nhanh, sẽ làm bạn dễ bị táo bón. Mặc dù chất xơ không giúp điều trị được táo bón, nhưng ăn nhiều chất xơ sẽ giúp bạn phòng ngừa bệnh.
2. Sử dụng một số loại thuốc
Táo bón là một trong những tác dụng phụ phổ biến của một số loại thuốc kê toa như thuốc có tính gây ngủ, thuốc chống trầm cảm, thuốc lợi tiểu, thuốc làm giảm huyết áp và thuốc kháng axit (có chứa canxi và nhôm). Một số loại thuốc bổ sung sắt cũng có thể gây ra táo bón. Tốt nhất là bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về bất kỳ tác dụng phụ nào của thuốc mình đang dùng.
3. Stress
Stress có lẽ là nguyên nhân ít người nghĩ đến. Theo các chuyên gia, các yếu tố tâm lý có thể đóng một vai trò quan trọng gây ra bệnh táo bón. Trên thực tế, não bộ và ruột có liên quan mật thiết với nhau, vì vậy stress hay các vấn đề tâm lý khác có thể ảnh hưởng đến thói quen vệ sinh của bạn.
4. Phụ thuộc vào thuốc nhuận tràng
Nhiều người bị táo mạn tính thường được chỉ định thuốc nhuận tràng. Nếu dùng thuốc này trong thời gian dài sẽ dẫn đến tình trạng phụ thuộc, làm ruột “lười” vận động. Vì vậy, khi ngưng dùng thuốc, tình trạng táo bón sẽ xảy ra.
5. Không đi tiêu khi có nhu cầu
Nhiều người thường ngại đi vệ sinh ở những nơi công cộng hoặc chỗ làm, cũng có người vì lo làm nhiều đến nỗi không muốn đi tiêu. Việc bạn cố gắng nhịn có thể gây ra tình trạng táo bón. Phân càng ở lâu trong ruột càng bị rút hết nước, do đó nó sẽ trở nên cứng và gây khó khăn cho việc đi tiêu.
6. Hormone
Ở phụ nữ, bệnh táo bón có thể xuất hiện trước hoặc trong kỳ kinh. Điều này là do sự biến động các mức hormone estrogen và progesterone. Bên cạnh đó, mang thai cũng khiến bạn dễ bị táo bón hơn.
7. Không thường xuyên tập thể dục
Tập thể dục thường xuyên sẽ giúp quá trình hoạt động của ruột tốt hơn, giúp bạn duy trì thói quen đi vệ sinh hàng ngày. Việc hạn chế vận động có thể dẫn đến táo bón mạn tính, tình trạng này thường xuất hiện chủ yếu ở người lớn tuổi vì họ ít vận động hơn.
8. Uống không đủ nước
Khi cơ thể không đủ nước, nó sẽ lấy nước từ nhiều nguồn và một trong số đó là từ phân. Bên cạnh đó, nước rất cần thiết cho thức ăn đi qua ruột, vì vậy thiếu nước sẽ làm chuyển động ruột bị chậm lại.
Điều trị táo bón như thế nào?
Nếu bị táo bón mạn tính, bạn nên đến gặp bác sĩ để được hướng dẫn điều trị bệnh. Bên cạnh đó, một số thay đổi về lối sống sẽ giúp bạn kiểm soát được bệnh táo bón:
1. Hình thành thói quen đi tiêu buổi sáng
Bạn nên cố gắng hình thành thói quen đi tiêu vào mỗi buổi sáng, đây là thời gian đại tràng hoạt động mạnh nhất.
2. Biết rõ nguyên nhân gây ra bệnh
Mỗi người sẽ có một nguyên nhân khác nhau gây ra táo bón, có người là do chế độ ăn uống, có người bị táo bón khi đi du lịch. Việc xác định được nguyên nhân sẽ giúp bạn hạn chế các nguy cơ bị táo bón trong những lần sau.
3. Uống nhiều nước
Màu sắc của nước tiểu sẽ giúp bạn biết cơ thể có đang thiếu nước hay không. Thông thường, nếu bạn không uống đủ nước, nước tiểu sẽ có màu vàng.
4. Tập yoga
Các bài tập yoga nhất định (chủ yếu là các bài tập có liên quan đến xoắn người) làm tăng lưu lượng máu đến đường tiêu hóa và kích thích ruột hoạt động, có thể giúp làm giảm táo bón.
Qua bài viết trên đây, Chúng tôi hi vọng cung cấp cho bạn đọc những kiến thức cần thiết nhất về căn bệnh “khó nói” này.