Để ước tính cân nặng của thai nhi, các bác sĩ sản khoa thường dùng phương pháp siêu âm. Nhiều mẹ bầu luôn băn khoăn về việc tại sao phải xác định cân nặng của thai nhi và không biết liệu siêu âm cân nặng thai nhi có chính xác không.
Vậy việc ước tính cân nặng của thai nhi bằng phương pháp siêu âm liệu có chính xác không và tầm quan trọng của việc dự đoán được cân nặng thai nhi đối với quá trình sinh nở của mẹ bầu như thế nào? Mời bạn cùng Chúng tôi tìm hiểu qua trong bài viết này nhé!
Bác sĩ dự đoán cân nặng của thai nhi thế nào qua siêu âm?
Có hơn 30 thuật toán khác nhau được sử dụng để dự đoán cân nặng của bé thông qua hình thức siêu âm. Các thông số sẽ được thu thập từ những vị trí khác nhau và được dùng để tính toán kích cỡ của bé. Bốn thông số hay được sử dụng để ước tính kích thước và cân nặng của bé:
- Chu vi vòng đầu
- Đường kính lưỡng đỉnh: Đây là đường kính được đo ở mặt cắt lớn nhất từ trán ra sau gáy hộp sọ của bé. Nói một cách đơn giản, đường kính lưỡng đỉnh có thể hiểu là đường kính của chu vi đầu bé. Tuy nhiên, nhiều em bé có cân nặng giống nhau nhưng lại có đường kính lưỡng đỉnh khác nhau. Vì vậy thông số này không phải lúc nào cũng đáng tin cậy để ước tính cân nặng của bé qua siêu âm.
- Chu vi bụng: Đây có thể được coi là thông số phản ánh chính xác nhất kích thước của bé.
- Chiều dài xương đùi: Xương đùi được xem là xương dài nhất trong cơ thể. Tuy nhiên cũng giống như đường kính lưỡng đỉnh, nhiều em bé có trọng lượng giống nhau nhưng có chiều dài xương đùi khá khác biệt.
Các thông số khác như giới tính của em bé, tuổi thai và các yếu tố khác cũng được sử dụng kết hợp để đưa ra cân nặng dự đoán của trẻ. Ví dụ, em bé của các bà mẹ mắc bệnh tiểu đường có thể lớn hơn do lượng đường trong máu của mẹ cao và một số nghiên cứu đã chứng minh rằng những em bé này sẽ lớn hơn bình thường.
Ngoài siêu âm, y tá hoặc bác sĩ cũng có thể dự đoán trọng lượng của thai nhi bằng tay khi thực hiện khám thai bằng thủ thuật Leopold. Cách này cũng giúp xác định vị trí của em bé trong bụng. Tuy nhiên, đây không phải là cách chính xác để dự đoán cân nặng thực sự của em bé, mặc dù trong một số trường hợp, phương pháp này cho kết quả chính xác hơn những cách khác.
Việc siêu âm cân nặng thai nhi có chính xác không?
Siêu âm là một phương pháp không chính xác để xác định cân nặng của thai nhi. Phương pháp này chỉ giúp dự đoán cân nặng của em bé với sai số 8 – 15%, nghĩa là em bé của bạn có thể nặng hơn hoặc nhẹ hơn 8 – 15% so với cân nặng thực tế của bé.
Phương pháp siêu âm thường chính xác hơn khi xác định kích thước của bé trong nửa đầu của thai kỳ. Ở giai đoạn sau, mỗi thai nhi phát triển theo hướng khác nhau và độ chính xác của siêu âm lúc này phụ thuộc nhiều vào việc em bé của bạn có kích cỡ trung bình hay nhỏ. Càng gần đến ngày dự sinh, em bé càng phát triển lớn hơn và các bác sĩ gặp nhiều khó khăn trong việc xác định chính xác cân nặng của bé.
Tuy nhiên, phương pháp này vẫn được áp dụng để phát hiện ra những bất thường trong cân nặng của trẻ, giúp bác sĩ có thể tiến hành các bước kiểm tra chuyên sâu hơn.
Tại sao phải ước tính cân nặng của thai nhi?
Một trong những lý do bạn cần đến gặp bác sĩ trong suốt thai kỳ là để theo dõi sự phát triển của bé, đặc biệt là trong những tháng cuối thai kỳ.
Trước đây, người ta ước tính cân nặng của thai nhi bằng cách lấy trọng lượng của người mẹ ở thời điểm hiện tại trừ đi trọng lượng trước khi mang thai. Tuy nhiên, phương pháp này sai lệch rất nhiều vì quên trừ đi các yếu tố khác chẳng hạn như trọng lượng nước ối, nhau thai hoặc thậm chí là cân nặng tăng thêm của người mẹ trong thai kỳ. Sau này, người ta áp dụng siêu âm như một phương pháp để ước tính cân nặng của thai. Tuy phương pháp này có sai số, nhưng phương pháp này chính xác hơn các phương pháp trước đó.
Trong trường hợp cân nặng ước tính của bé lớn hơn quá nhiều so với cân nặng tiêu chuẩn của thai nhi ở tuổi thai đó, một số bác sĩ có thể sẽ chỉ định sinh mổ. Nhìn chung, các bác sĩ sẽ chỉ định mổ khi một thai nhi có trọng lượng ước tính lớn hơn 4,5kg, thường gặp trong trường hợp các cơ quan của thai nhi bị phì đại (hội chứng macrosomia) gây ra do mẹ bầu bị đái tháo đường thai kỳ.
Mối nguy hiểm đầu tiên của việc sinh thường một em bé có trọng lượng quá lớn là sinh khó do kẹt vai (shoulder dystocia). Tình trạng này xảy ra khi cơ thể em bé bị kẹt lại trong tử cung của mẹ và có thể gây tổn thương một số dây thần kinh ở cánh tay và vai của bé. Tình trạng này có thể gây tổn thương vĩnh viễn ở cơ tay của trẻ, đồng thời cũng gây tổn thương vùng chậu của mẹ.
Bác sĩ có thể chỉ định mổ lấy thai khi nhận thấy trọng lượng của trẻ quá lớn. Tuy nhiên, đôi khi cân nặng dự tính có thể cao hơn cân nặng thực tế của bé khi sinh ra. Đó là lý do vì sao bạn không nên sử dụng phương pháp ước tính này để đưa ra quyết định về hình thức sinh của mình.
Siêu âm ở tam cá nguyệt thứ 3 của thai kỳ
Ở ba tháng cuối thai kỳ, đặc biệt là giai đoạn trước khi chuyển dạ, bạn sẽ được yêu cầu siêu âm định kỳ thường xuyên. Một số điều mà bác sĩ muốn xem xét thông qua kết quả siêu âm:
- Vị trí của em bé
- Vị trí của nhau thai
- Thể tích ối
- Trắc đồ sinh vật lý: được thực hiện nhằm xem xét tình trạng vận động, chuyển động hô hấp và trương lực cơ của thai nhi.
Ngay cả khi em bé của bạn có kích thước lớn hơn bình thường, bạn vẫn có thể sinh thường mà không cần sinh mổ. Cân nặng dự đoán chỉ là một yếu tố giúp bác sĩ cân nhắc lựa chọn phương pháp sinh sao cho phù hợp nhất và tránh rủi ro cho mẹ lẫn bé.
Siêu âm không phải là một phương pháp chính xác để xác định kích thước và cân nặng của bé nhưng phương pháp này vẫn được sử dụng khá phổ biến vì tính tiện lợi và dễ thực hiện. Việc thực hiện phương pháp siêu âm giúp bác sĩ ước tính và đưa ra những phương pháp thăm dò chuyên sâu hơn khi thấy những bất thường trong cân nặng của bé. Chúng tôi hy vọng các mẹ bầu có thể tìm được câu trả lời cho câu hỏi: “Siêu âm cân nặng thai nhi có chính xác không?”.
Phương Quỳnh/HELLO BACSI