Niềng răng là cách chỉnh nha giúp bạn có hàm răng đều và đẹp hơn. Thay vì lo lắng niềng răng có đau không, bạn nên tìm hiểu thật kỹ các giai đoạn niềng răng để có giải pháp giảm đau hiệu quả nhất.
Nếu bạn có một hàm răng đều đẹp và trắng sáng thì bạn rất may mắn. Tuy nhiên, nếu bạn không may bị hô hay móm thì niềng răng vẫn có thể giúp bạn. Việc niềng răng có thể khiến cho bạn cảm thấy rất khó chịu, nhưng thật ra trải nghiệm này cũng không phải quá tệ nếu bạn có sự chuẩn bị chu đáo.
Quy trình niềng răng như thế nào?
Một quy trình niềng răng có thể gồm 5 bước sau và có thể dài ngắn tùy vào tình trạng răng miệng của bạn.
Bước 1: Khám lâm sàng và chụp hình
Bác sĩ chụp hình hàm răng rồi đưa dữ liệu vào máy để phân tích tình trạng lệch lạc của răng và hàm. Sau khi đã có những hình ảnh chuyên sâu, bác sĩ sẽ phân tích và giúp bạn lên kế hoạch niềng răng và hiểu rõ về kết quả sau khi kết thúc quá trình
Bước 2: Tư vấn thực hiện
Bác sĩ sẽ tư vấn sâu hơn về phác đồ điều trị như: bạn nên dùng loại mắc cài nào, niềng răng trong bao lâu, giá cả hết bao nhiêu và nên chăm sóc răng ra sao…
Bước 3: Làm sạch răng
Sau khi bạn đã đồng ý với phác đồ, bác sĩ sẽ cạo vôi răng để làm sạch răng cho bạn. Quá trình này không chỉ làm sạch tất cả các chất tồn đọng trong miệng để tránh các bệnh nha khoa mà còn để xử các tổn thương về răng miệng như sâu răng, vỡ răng….
Bước 4: Lắp mắc cài
Đây là bước các bác sĩ gắp loại mắc cài bạn đã chọn vào răng cho bạn. Bạn sẽ cần tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ sau mỗi 7 ngày, 2 tuần hay 1 tháng…Mỗi lần tái khám, bác sĩ sẽ chỉnh mắc cài cũng như chụp hình răng và hàm để the dõi hiệu quả của quá trình niềng răng.
Bước 5: Tháo mắc cài
sau khi đã kết thúc phác đồ, bác sĩ sẽ giúp bạn tháo niềng răng và theo dõi sức khỏe răng miệng cho bạn. Bạn cũng cần chăm sóc răng miệng thật kỹ ở giai đoạn này.
Các loại mắc cài khi niềng răng
Việc chọn mắc cài ảnh hưởng tới thẩm mỹ của hàm răng và hiệu quả của quá trình niềng răng. Bạn hãy tham khảo để chọn loại thích hợp nhất.
1. Niềng răng kim loại
Niềng răng kim loại là loại khung đầu tiên được dùng trong niềng răng. Niềng được làm từ vàng, bạc hay thép không gỉ cùng với dây cao su đàn hồi giúp giữ khung và định hình cấu trúc hàm.
Tuy niềng răng kim loại rẻ nhất trong các loại nhưng ít thẩm mỹ nhất và cũng hơi khó chịu. Khung mắc cài kim loại rất mạnh nên thời gian đầu mới đeo có thể gây khó chịu ở phần má và nướu răng.
2. Niềng răng sứ
Niềng răng sứ gồm hợp kim sứ và các loại vật liệu vô cơ khác. Tuy niềng răng sứ đã thẩm mỹ hơn nhưng lại tốn thời gian hơn niềng răng kim loại.
3. Niềng răng mắc cài tự khóa
Niềng răng mắc cài tự khóa gồm các dây cung hiện đại cùng các nắp trượt tự động giữ dây cung vào khe mắc cài. Bạn không cần quá thường xuyên đến nha sỹ để điều chỉnh dây cung.
Niềng răng tự khóa có cấu trúc phức tạp hơn nên khá dày và lộ nhưng lại ít đau hơn niềng răng sứ hay kim loại.
4. Niềng răng mặt lưỡi
Niềng răng mặt lưỡi là loại khung kim loại khá giống niềng răng kim loại nhưng được gắn vào mặt trong của răng. Niềng răng này có tính thẩm mỹ cao nhưng thời gian điều trị lâu hơn và chỉ dùng cho các trường hợp răng lệch lạc không nghiêm trọng.
5. Niềng răng không mắc cài
Niềng răng không mắc cài hay còn gọi là Invisalign là cách chỉnh nha bằng một loại khay trong suốt. Đây là cách niềng răng thẩm mỹ nhất và người đeo có thể tháo khay niềng bất cứ khi nào mình muốn.
Niềng răng không mắc cài rất dễ đeo, không cần đi tái khám nha sĩ nhiều lần. Tuy nhiên, bạn cần tháo niền răng trước mỗi bữa cơm và phải dành thời gian vệ sinh khay nên cũng khá tốn thời gian.
Trước, trong và sau khi niềng răng
Thông thường bạn sẽ trải qua 3 giai đoạn khi niềng răng. Bạn sẽ ngạc nhiên về sự khác nhau trước và sau khi niềng răng đấy.
1. Trước khi bạn bắt đầu đeo niềng
Quá trình lắp mắc cài vào trong răng của bạn sẽ không đau. Thông thường sẽ mất từ 2 đến 3 giờ để lắp xong mắc cài.
- Đầu tiên, nha sĩ sẽ đặt vòng xung quanh răng cùng của bạn. Khi đó bạn có thể cảm thấy hơi tê nhưng không quá đau.
- Sau đó, nha sĩ sẽ sử dụng một loại keo đặc biệt cho răng của bạn và dù keo có mùi không dễ chịu lắm nhưng sẽ không làm bạn đau. Các mắc cài và dây sẽ được gắn lên từng răng nhờ vào loại keo này. Nha sĩ sẽ tiến hành gắn dây cung và sử dụng thun liên hàm phù hợp.
- Sau khoảng vài tiếng, bạn sẽ cảm thấy đau nhức ở răng và nướu. Thường thì bạn sẽ “sống chung” với cơn đau này khoảng 1 tuần. Đây cũng là lúc bạn sẽ dần làm quen với cảm giác có mắc cài trong miệng. Dây cung tạo áp lực lên răng và dần dần kéo răng vào đúng vị trí.
Trong tuần đầu tiên sau khi đeo niềng, bạn sẽ phải trải nghiệm tất cả những cảm giác sau: đau nhức răng và lợi, đặc biệt là khi nhai; bị loét hoặc đau ở bên trong miệng; cảm giác khó chịu hoặc cắn vào lưỡi. Thông thường, những cơn đau này có thể được điều trị bằng thuốc giảm đau không cần kê toa, như acetaminophen (Tylenol). Hãy chỉ ăn thức ăn mềm cho tuần đầu tiên, chẳng hạn như súp, sữa chua và kem. Đồ uống lạnh và chất xơ có thể khiến bạn bị viêm lợi nên hãy tránh xa những món này.
Hầu hết mọi người sẽ quen với đeo niềng sau khoảng một tháng. Sau sáu tháng, bạn thậm chí còn không cảm nhận được là mình đang đeo mắc cài. Mặc dù vậy, bạn cũng sẽ trải qua một số cơn đau trong giai đoạn này.
2. Khi niềng răng bắt đầu được siết chặt
Cơ chế hoạt động của niềng răng là các mắc cài sẽ gây áp lực lên răng. Nhờ đó mà sau một thời gian nhất định răng của bạn sẽ di chuyển vào đúng vị trí. Thời gian mang niềng sẽ khác nhau tùy thuộc vào loại mắc cài bạn sử dụng cũng như tình trạng răng của mỗi người. Thông thường, bạn sẽ mang niềng trong khoảng 2 năm.
Trong quá trình niềng răng bạn phải thường xuyên đi khám nha sĩ để kiểm tra. Nha sĩ sẽ xem xét, đánh giá răng của bạn cũng như lực mà mắc cài đang tác động lên răng. Nếu răng của bạn bị di chuyển và áp lực mà niềng gây ra giảm thì tức là việc niềng răng của bạn đang không đạt được hiệu quả. Mỗi lần thăm khám, nha sĩ sẽ thắt chặt dây để tăng lực ép cho mắc cài.
Khi mắc cài thắt chặt có thể gây đau và nhức trong vài ngày. Nhưng bạn hãy yên tâm vì thật ra cảm giác này cũng sẽ không quá khó chịu dù rằng bạn mới trải qua lần đầu. Sau một vài ngày, bạn sẽ quen dần với những cơn đau và lực kéo được tăng lên. Thuốc giảm đau không cần kê toa có thể được sử dụng để giảm bớt đau nhức.
3. Sau khi niềng răng được tháo ra
Tất cả nỗi đau đớn mà bạn phải chịu sẽ chẳng là gì khi niềng răng được gỡ ra và khi bạn sở hữu một hàm răng đều tăm tắp. Các quy trình trong quá trình niềng răng có thể gây khó chịu cho bạn nhưng lúc tháo ra thì lại chẳng hề gây đau đớn.
Sau khi tháo mắc cài, răng của bạn sẽ được làm sạch hoàn toàn. Nha sĩ có thể chụp X quang và một vài thủ tục khác để kiểm tra xem niềng răng của bạn có hiệu quả như thế nào. Nếu bạn có răng khôn, bạn sẽ được nha sĩ khuyên nhổ đi. Vì răng khôn có thể làm hàm răng vốn đã được chỉnh hoàn hảo của bạn bị thay đổi vị trí.
Tuy nhiên, quá trình niềng răng của bạn vẫn chưa hoàn toàn kết thúc vì nha sĩ sẽ đưa cho bạn hàm duy trì. Đây là một thiết bị tùy chỉnh, thường được làm bằng cao su hoặc nhựa, ngăn ngừa răng của bạn di chuyển trở lại vị trí ban đầu trước khi chỉnh nha. Hàm duy trì của bạn có thể có dây kim loại để giữ răng ở đúng vị trí, cho xương và nướu có thời gian để lành. Bạn có thể cần phải đeo hàm duy trì hàng ngày, hoặc chỉ cần đeo vào ban đêm. Nhưng hãy yên tâm vì hàm duy trì sẽ không gây ra bất kỳ đau đớn nào cả.
Niềng răng có đau không?
Niềng răng chỉ đau thời gian đầu khi bạn mới đeo mắc cài và chưa quen. Để làm giảm những cơn đau khi niềng răng, bạn nên lưu ý các điều sau đây:
1. Tránh thực phẩm gây hại cho răng: Có một vài loại thực phẩm mà bạn nên tránh không ăn khi chỉnh nha. Những thực phẩm như bỏng ngô, kẹo cứng, kẹo dính và kẹo cao su có thể làm hỏng niềng răng. Bạn cũng cần hạn chế ăn các loại thực phẩm có nhiều đường và tinh bột. Trong tuần đầu tiên sau khi niềng, bạn nên ăn thực phẩm mềm, thời gian sau bạn cũng nên hạn chế các món ăn quá chứng vì có thể gây hại cho răng.
2. Vệ sinh răng miệng cẩn thận: Bên cạnh việc dùng kem đánh răng có chứa fluor thì bạn cũng nên sử dụng thêm chỉ nha khoa để làm sạch răng. Đánh răng 2–3 lần mỗi ngày để loại bỏ thức ăn, làm sạch răng và nướu.
3. Tránh tham gia hoạt động mạnh: Trong giai đoạn đeo niềng, bạn nên cẩn thận không tham gia các hoạt động quá mạnh. Nếu bạn cần tham gia các giải thể thao chẳng hạn, hãy hỏi qua ý kiến bác sĩ và nên có dụng cụ bảo vệ phù hợp.
4. Sử dụng sáp mềm bảo vệ răng: Nha sĩ sẽ cho bạn loại sáp mềm để sử dụng bất cứ khi nào dây niềng răng của bạn cọ xát vào bên trong miệng. Loại sáp này sẽ hạn chế vết loét. Nếu thun hay mắc cài của bạn bị lệch và gây đau, hãy đến gặp bác sĩ chỉnh nha của bạn ngay nhé.
Dù niềng răng sẽ gây ra một vài cơn đau và thời gian mang niềng cũng không phải ngắn, nhưng chắc chắn bạn sẽ rất hài lòng khi thấy sự thay đổi của răng và cả khuôn mặt của mình sau khi tháo niềng đấy!