Clostridium Difficile là gì?
Kháng sinh thường được dùng để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn. Nhưng ở một số người, thuốc kháng sinh có thể khởi phát tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng gây ra bởi một loại vi khuẩn gọi là Clostridium diffilcile hay C.difficile. Vi khuẩn này có thể gây viêm đại tràng, là một tình trạng viêm nghiêm trọng ở đại tràng.
Bạn nhiễm vi khuẩn C.Diff như thế nào?
Thật ra vi khuẩn C.difficile tồn tại xung quanh chúng ta, trong không khí, nước, đất và cả ở trong phân của người và động vật. Vi khuẩn này cũng tồn tại trong ruột non của người nhưng không gây triệu chứng gì.
Vi khuẩn này thường lây lan ở các cơ sở chăm sóc y tế như bệnh viện hay viện dưỡng lão, là những nơi mà các nhân viên y tế có thể tiếp xúc nhiều nhất với vi khuẩn này, kế đến là bệnh nhân hoặc người cư trú trong viện dưỡng lão.
Bạn có thể nhiễm vi khuẩn này nếu tiếp xúc trực tiếp với áo quần, chăn hoặc bề mặt dính phân của bệnh nhân nhiễm C.difficile, sau đó đưa những vi khuẩn này vào cơ thể qua đường miệng hoặc mũi.
Ai có nguy cơ nhiễm C.diff ?
Những người già đang ở các cơ sở chăm sóc y tế là những người có nguy cơ cao nhất, đặc biệt khi họ đang được điều trị kháng sinh. Nguyên nhân là do cơ thể chúng ta có hàng ngàn loại vi khuẩn khác nhau, một số loại có lợi, một số loại có hại. Nếu kháng sinh tiêu diệt đủ lượng vi khuẩn có lợi, kháng sinh sẽ làm cho C.diff có thể phát triển không kiểm soát và làm phát bệnh.
Tuy nhiên cũng có một số lớn những người trẻ bị nhiễm C.diff ngay cả khi họ không dùng kháng sinh hay điều trị ở các trung tâm chăm sóc sức khỏe. Không rửa tay kĩ sau khi phơi nhiễm với vi khuẩn cũng có thể gây bệnh.
Bạn cũng có nguy cơ nhiễm C.diff cao hơn khi đang bị các bệnh như ung thư đại tràng, bệnh viêm ruột, suy giảm miễn dịch do điều trị ung thư hoặc các bệnh lý khác.
Triệu chứng của nhiễm C.diff là gì?
Đi cầu phân lỏng nhiều lần trong ngày là một trong những triệu chứng của nhiễm C.diff. Bạn cũng có thể bị tiêu chảy và đau quặn bụng ngay cả bị nhiễm trùng nhẹ. Nếu bạn nhiễm C. diff, tiêu chảy có thể kèm theo mùi rất nặng và hôi. Phân cũng có thể có máu nếu bị nhiễm trùng nặng.
Những triệu chứng và dấu hiệu của nhiễm trùng nặng bao gồm:
- Tiêu chảy hơn 10 lần/ ngày
- Đau bụng quặn
- Sốt
- Nôn và buồn nôn
- Sút cân/ Chán ăn
- Mất nước
- Nhịp tim nhanh
Khi bắt đầu điều trị kháng sinh, bạn thường bị tiêu chảy nhẹ, có thể là do nhiễm khuẩn C. diff nhẹ. Tuy nhiên, nếu tiêu chảy xảy ra nhiều hơn 3 lần trong ngày và triệu chứng kéo dài hơn 2 ngày thì bạn nên khám bác sĩ ngay.
Vi khuẩn C.Diff có thể gây ra những vấn đề gì?
Nếu không điều trị nhiễm trùng C.diff sớm, bạn có thể bị mất nước do tình trạng tiêu chảy nghiêm trọng. Việc mất thể tích dịch có thể ảnh hưởng đến huyết áp, chức năng thận và tổng trạng chung của bạn.
Nhiễm trùng do C. diff có thể dẫn đến phình đại tràng nhiễm độc hoặc thủng ruột mặc dù những tình trạng này hiếm xảy ra.
Trường hợp bị phình đại tràng nhiễm độc, đại tràng không thể đào thải hơi hoặc phân, sẽ làm đại tràng phình to hơn và vỡ. Nếu không phẫu thuật cấp cứu, biến chứng này có thể tử vong.
Thủng ruột là tình trạng ruột già bị thủng làm các vi khuẩn gây hại thoát khỏi đại tràng, gây nên tình trạng nhiễm trùng nguy hiểm hơn là viêm phúc mạc.
Làm sao để chẩn đoán nhiễm C.diff?
Nếu nghi ngờ bạn nhiễm vi khuẩn này, bác sĩ có thể sẽ đề nghị một hoăc nhiều xét nghiệm về phân. Các xét nghiệm bao gồm:
- Enzyme immunoassay
- Polymerase chain reaction
- GDH/EIA
Nếu nghi ngờ đại tràng của bạn có vấn đề nghiêm trọng, bác sĩ có thể sẽ đề nghị chụp X quang hoặc chụp cắt lớp đại tràng.
Điều trị C.Diff như thế nào?
Kháng sinh có thể gây khởi phát nhiễm trùng do C.diff nhưng một số loại kháng sinh khác lại có thể dùng để tiêu diệt C.diff. Chúng bao gồm:
- Metronidazole
- Vancomycin
- Fidaxomicin
Bạn hãy trao đổi với bác sĩ về tác dụng phụ của kháng sinh.
Nếu bị thủng ruột, có thể bạn cần được phẫu thuật để loại bỏ vùng bị tổn thương.
Đôi khi nhiễm C.diff có thể tái phát. Do đó, bác sĩ có thể đề nghị điều trị giúp tái lập môi trường vi sinh vật trong đại tràng bằng các các vi khuẩn khỏe mạnh. Việc này được thực hiện bằng cách đưa phân của người khác vào đại tràng của bạn qua nội soi đại tràng. Đôi khi việc này có thể được tiến hành qua đường mũi-dạ dày. Những người hiến phân được tầm soát cẩn thận để chắc chắn họ không bị nhiễm trùng hoặc kí sinh trùng.
Có thể dự phòng nhiễm C.diff bằng cách nào?
Nếu bạn đang ở bệnh viện hoặc điều trị lâu dài ở các cơ sở y tế, bạn có thể tự bảo vệ mình khỏi nhiễm C.diff bằng nhiều cách. Ví dụ:
- Yêu cầu người chăm sóc rửa tay kĩ trước và sau khi chăm sóc bạn.
- Yêu cầu tất cả thiết bị y tế được khử trùng trước khi chúng được mang vào phòng.
- Rửa tay với xà phòng và nước sau khi đi toilet/cầu xí và trước khi ăn.
Nếu bác sĩ kê thuốc kháng sinh vì bất kể lý do gì, bạn phải hỏi nó có thật sự cần thiết không? Hãy trao đổi với bác sĩ về các lựa chọn điều trị khác, và không tự mua uống kháng sinh nếu không có sự đồng ý của bác sĩ.
Nhiều trường hợp nhiễm C.diff nhẹ và ngắn ngày, nhưng một số khác có thể rất nghiêm trọng. Hãy luôn cẩn trọng và không ngần ngại tìm đến sự giúp đỡ của bác sĩ nếu bạn có các triệu chứng.
Tài liệu tham khảo
www.webmd.com/digestive-disorders/clostridium-difficile-colitis