TỔNG QUAN
Sỏi mật là gì?
Sỏi mật được hình thành khi dịch mật tích trữ trong túi mật trở nên cứng tạo thành sỏi. Sự tích tụ nhiều cholesterol, muối mật hay bilirubin (sắc tố mật) có thể gây nên sỏi mật.
Khi sỏi mật hiện diện trong túi mật, người ta gọi đó là bệnh sỏi túi mật. Nếu sỏi mật hiện diện trong đường mật, người ta gọi đó là bệnh sỏi đường mật. Sỏi mật làm dịch mật tắc nghẽn trong đường mật, có thể gây nhiễm trùng đường mật, tụy hay gan trầm trọng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Hình ảnh các dạng sỏi mật theo vị trí
Hình ảnh sỏi mật trong túi mật
NGUYÊN NHÂN
Tại sao lại có sự hình thành sỏi mật?
Sỏi cholesterol được hình thành khi dịch mật chứa nhiều cholesterol, nhiều bilirubin, ít muối mật, hoặc khi túi mật co thắt tốt (làm dịch mật bị ứ đọng) do một vài nguyên nhân.
Sỏi sắc tố có xu hướng xuất hiện ở người mắc bệnh xơ gan, nhiễm trùng đường mật hay bệnh lý di truyền về máu như thiếu máu hồng cầu hình liềm. Nguyên nhân tạo sỏi sắc tố chưa được khẳng định.
TRIỆU CHỨNG
Các triệu chứng của sỏi mật là gì?
Đầu tiên, hầu hết sỏi mật không gây triệu chứng. Tuy nhiên, khi sỏi mật lớn dần lên, hay khi chúng bắt đầu gây tắc nghẽn đường mật, các triệu chứng hay “đợt tấn công” bắt đầu khởi phát. Các triệu chứng của sỏi mật thường xảy ra vào buổi tối và sau bữa ăn chứa nhiều chất béo. Các triệu chứng sau đây là thường gặp nhất, tuy nhiên mỗi người có thể có các triệu chứng khác nhau:
- Đau liên tục, dữ dội ở vùng bụng trên (vùng thượng vị,tức vùng bụng từ rốn trở lên) tăng dần 1 cách nhanh chóng và có thể kéo dài từ 30 phút đến vài giờ.
- Đau lưng vùng giữa 2 xương bả vai.
- Đau ở vai phải.
- Buồn nôn.
- Nôn.
- Sốt.
- Ớn lạnh.
- Vàng da (vàng mắt hay vàng da).
- Bụng chướng.
- Không dung nạp được thức ăn béo.
- Đầy bụng.
- Khó tiêu.
Nếu có những triệu chứng sau đây, hãy gặp bác sĩ ngay lập tức:
- Đổ mồ hôi.
- Ớn lạnh.
- Sốt nhẹ.
- Vàng da hoặc vàng mắt (vàng phần tròng trắng của mắt).
- Đi tiêu ra phân màu trắng hoặc nhạt.
Một số bệnh nhân có thể bị sỏi mật mà không có triệu chứng nào. Chúng không ảnh hưởng đến hoạt động của túi mật, gan, hay tụy, và không cần phải điều trị trong hầu hết các trường hợp.
Các triệu chứng của sỏi mật có thể nhầm lẫn với một số tình trạng bệnh khác như nhồi máu cơ tim, viêm ruột thừa cấp, loét dạ dày/ruột, hội chứng ruột kích thích, một số loại thoát vị ống tiêu hóa, viêm tụy cấp, hay viêm gan. Do đó, bạn phải luôn đến cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác.
Xem thêm bài Tìm hiểu về viêm túi mật do sỏi của BS. Võ Huy Văn vàTS.BS. Tô Mai Xuân HồngYẾU TỐ NGUY CƠ
Ai là người dễ bị sỏi mật?
Những yếu tố sau đây làm tăng nguy cơ bị sỏi mật:
- Béo phì . Béo phì là yếu tố nguy cơ chính của sỏi mật, đặc biệt là ở phụ nữ.
- Estrogen . Nhiều estrogen trong quá trình mang thai, liệu pháp hormone thay thế, hay thuốc tránh thai làm tăng mức cholesterol trong dịch mật và giảm sự co thắt của túi mật, cả hai đều dẫn đến sự hình thành sỏi mật.
- Chủng tộc . Những người gốc Mỹ có tỉ lệ sỏi mật cao hơn và có vẻ như có mức cholesterol cao hơn trong dịch mật do yếu tố di truyền.
- Giới tính . Nữ giới có nguy cơ bị sỏi mật cao gấp 2 lần nam giới.
- Tuổi . Người trên 60 tuổi có nguy cơ bị sỏi mật cao hơn so với người trẻ.
- Thuốc hạ cholesterol . Thuốc làm giảm hàm lượng cholesterol trong máu có thể làm tăng lượng cholesterol trong dịch mật, do đó, làm tăng nguy cơ bị sỏi mật.
- Đái tháo đường . Những người mắc bệnh đái tháo đường nhìn chung có mức acid béo (triglycerides) cao, làm tăng nguy cơ bị sỏi mật
- Giảm cân nhanh . Trong quá trình giảm cân nhanh, cơ thể chuyển hóa chất béo nên gan tiết ra nhiều cholesterol hơn trong dịch mật, làm tăng nguy cơ bị sỏi mật.
- Nhịn đói . Nhịn đói làm giảm sự co thắt của túi mật, do đó làm cho dịch mật trở nên cô đặc với mức cholesterol cao.
CHẨN ĐOÁN
Làm sao để chẩn đoán sỏi mật?
Trong vài trường hợp, sỏi mật không kèm theo triệu chứng được phát hiện tình cờ qua quá trình chẩn đoán các bệnh khác. Tuy nhiên, khi các cơn đau dai dẳng hay tái diễn, bạn nên đến cơ sở y tế để được hỏi bệnh sử và thăm khám đầy đủ, kèm theo các xét nghiệm sau đây:
- Siêu âm bụng . Phương tiện chẩn đoán dùng sóng siêu âm để tạo nên hình ảnh của các cơ quan trong ổ bụng.
- Xét nghiệm máu . Tìm các dấu hiệu liên quan đến tình trạng nhiễm trùng, tắc nghẽn, vàng da và/hoặc viêm tụy cấp.
- Chụp cắt lớp điện toán vùng bụng (CT bụng) . Phương tiện chẩn đoán hình ảnh kết hợp giữa tia X và máy tính để tao nên hình ảnh cắt dọc và cắt ngang của cơ thể. Kỹ thuật này cho thấy hình ảnh chi tiết từng phần của cơ thể, bao gồm xương, cơ, mỡ và các cơ quan khác. Hình ảnh CT cho kết quả chi tiết hơn X quang thông thường.
- Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) . Thủ thuật trong đó ống nội soi được đưa vào ruột non qua miệng và dạ dày. Sau đó, một chất cản quang đặc biệt được bơm vào đường mật để làm hiện hình hệ thống đường mật.
ĐIỀU TRỊ
Sỏi mật được điều trị như thế nào?
Bác sĩ sẽ cùng bạn lựa chọn phương pháp điều trị sỏi mật dựa trên:
- Tuổi, tổng trạng và bệnh sử của bạn
- Bệnh trạng (tình trạng nhiễm trùng, biến chứng,…)
- Khả năng dung nạp thuốc, chịu đựng thủ thuật hay liệu pháp điều trị
- Tiên lượng về diễn tiến bệnh
- Ý kiến và mong muốn của bạn
Nếu sỏi mật không gây triệu chứng, việc điều trị thường là không cần thiết. Tuy nhiên nếu cơn đau tiếp diễn, việc điều trị có thể bao gồm:
- Cắt túi mật . Khi túi mật được cắt bỏ, dịch mật sẽ lưu thông trực tiếp từ gan xuống ruột non. Một vài triệu chứng không mong muốn như tiêu chảy có thể xuất hiện do không có dịch mật dự trữ ở túi mật.
- Cắt hay nới rộng cơ vòng . Cơ vòng có vai trò như một cái van quanh lỗ mở của ống mật vào ruột. Thủ thuật cắt nới rộng cơ vòng sẽ giúp viên sỏi đi qua ống mật vào lòng ruột.
- Thuốc uống làm tan sỏi . Thuốc chứa acid mật có thể giúp làm tan sỏi.
- Tiêm Methyl-tert-butyl ether . Việc tiêm chất này vào túi mật có thể làm tan sỏi.
- Tán sỏi bằng sóng ngoài cơ thể . Thủ thuật này sử dụng sóng để phá viên sỏi thành những mảnh nhỏ hơn để chúng có thể trôi qua ống mật vào ruột.
Tài liệu tham khảo
http://healthlibrary.integrisok.com/YourFamily/Women/NewsRecent/85,P00841
http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gallstones/basics/definition/con-20020461
http://www.webmd.com/digestive-disorders/tc/gallstones-topic-overview