Định nghĩa
Xuất tinh ngược dòng là bệnh gì?
Xuất tinh ngược dòng là một tình trạng mà trong đó tinh dịch đi ngược vào bàng quang thay vì ra ngoài thông qua niệu đạo khi xuất tinh. Khi đó mặc dù bạn vẫn đạt cực khoái, tinh dịch xuất ra ngoài sẽ rất ít hoặc không có. Tình trạng này còn được gọi là cực khoái khô. Xuất tinh ngược không có hại, nhưng nó có thể gây vô sinh nam.
Những ai thường mắc phải bệnh xuất tinh ngược dòng?
Nam giới có các vấn đề liên quan đến bàng quang thường dễ gặp phải tình trạng này. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.
Triệu chứng và dấu hiệu
Những dấu hiệu và triệu chứng của xuất tinh ngược dòng là gì?
Xuất tinh ngược khiến cho bạn dù vẫn đạt cực khoái nhưng chỉ xuất ra rất ít hoặc không xuất ra tinh dịch. Ngoài ra, sau khi đạt cực khoái, bạn có thể tiểu ra nước tiểu đục màu vì có chứa tinh dịch.
Có thể có các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Xuất tinh ngược không có hại nhưng vẫn ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bạn. Do đó nếu bắt gặp các triệu chứng xuất tinh ngược, bạn nên liên hệ với bác sĩ ngay để tìm ra phuuơng hướng điều trị tốt nhất và kịp thời. Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra bệnh xuất tinh ngược dòng là gì?
Nguyên nhân của bệnh xuất tinh ngược có thể do bàng quang vẫn mở thay vì đóng trong khi xuất tinh gây ra tình trạng tinh dịch đi ngược vào bàng quang.
Một số điều kiện có thể ảnh hưởng đến cơ bắp chịu trách nhiệm đóng mở bàng quang trong quá trình xuất tinh. Chúng bao gồm:
- Phẫu thuật, chẳng hạn như phẫu thuật cổ bàng quang hoặc phẫu thuật tuyến tiền liệt.
- Tác dụng phụ của một số thuốc dùng để điều trị cao huyết áp, phì đại tuyến tiền liệt và các rối loạn tâm trạng.
- Tổn thương thần kinh gây ra do bệnh tiểu đường, đa xơ cứng hoặc chấn thương tủy sống.
Nguy cơ mắc bệnh
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh xuất tinh ngược dòng?
Những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh xuất tinh ngược dòng, bao gồm:
- Mắc bệnh tiểu đường hoặc bệnh đa xơ cứng;
- Từng bị tuyến tiền liệt hoặc phẫu thuật bàng quang;
- Dùng một số loại thuốc cho bệnh cao huyết áp hoặc rối loạn tâm lý;
- Bị chấn thương tủy sống.
Điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh xuất tinh ngược dòng?
Để điều trị bệnh xuất tinh ngược, bác sĩ có thể đề nghị bạn ngưng sử dụng một số loại thuốc có thể gây xuất tinh ngược dòng. Khoảng một phần ba bệnh nhân bị xuất tinh ngược do bệnh tiểu đường hoặc phẫu thuật đã cải thiện được tình trạng sau khi điều trị bằng các thuốc đóng cổ bàng quang (như pseudoephedrine, phenylephrine, chlorpheniramine, brompheniramine, hoặc imipramine). Tuy nhiên, hầu hết các loại thuốc này có thể làm tăng nhịp tim và huyết áp, có thể gây nguy hiểm ở nam giới có huyết áp cao hoặc có bệnh tim.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh xuất tinh ngược?
Để chẩn đoán xuất tinh ngược, bác sĩ có thể:
- Hỏi bạn một số câu hỏi về các triệu chứng của bạn. Bác sĩ cũng có thể hỏi về bất kỳ vấn đề sức khỏe, phẫu thuật hoặc các bệnh ung thư mà bạn đã có và những loại thuốc bạn dùng có nguy cơ dẫn đến bệnh xuất tinh ngược.
- Khám lâm sàng dương vật, tinh hoàn và trực tràng.
- Xét nghiệm nước tiểu của bạn, xét nghiệm này sẽ cho biết có sự hiện diện của tinh dịch trong nước tiểu của bạn sau khi đạt cực khoái không. Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thủ dâm để đạt cực khoái và sau đó cung cấp một mẫu nước tiểu để phân tích trong phòng thí nghiệm. Nếu một lượng lớn tinh trùng được tìm thấy trong nước tiểu của bạn, bạn có thể đã mắc bệnh xuất tinh ngược.
Nếu bạn đạt cực khoái khô, nhưng bác sĩ không tìm thấy tinh dịch trong bàng quang của bạn, bạn có thể đang gặp vấn đề trong quá trình sản xuất tinh dịch.
Phong cách sống và thói quen sinh hoạt
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh xuất tinh ngược dòng?
Những thói quen sinh hoạt và phong cách sống dưới đây sẽ giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh xuất tinh ngược:
- Duy trì việc kiểm soát lượng đường trong máu hoặc tránh xa các loại dược phẩm, thuốc uống dễ gây xuất tinh ngược.
- Khám bác sĩ ngay sau khi phát hiện triệu chứng.
- Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe của bạn.
- Dùng thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc trong toa được kê cho bạn.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.