Cao huyết áp vô căn là tình trạng tăng huyết áp không xác định được nguyên nhân. Bệnh thường phát sinh ở người cao tuổi. Tuy nhiên, ngày nay, không ít người trẻ tuổi rơi vào tình trạng này.
Tăng huyết áp hay cao huyết áp là vấn đề sức khỏe vô cùng phổ biến, cứ ba người sẽ có một người mắc bệnh. Trước đây, chỉ có những người cao tuổi mới thường rơi vào tình trạng này. Tuy nhiên, ngày nay, tỷ lệ bị tăng huyết áp đang dần “trẻ” hóa. Phần lớn trường hợp, người trẻ tuổi có xu hướng bị cao huyết áp vô căn.
Vậy, cao huyết áp vô căn là gì? Vì sao người trẻ tuổi có thể mắc bệnh này? Làm thế nào để điều trị bệnh hiệu quả? Chúng tôi sẽ giúp bạn tìm hiểu.
Bạn có thể muốn đọc thêm: Những lợi ích tuyệt vời từ phác đồ điều trị tăng huyết áp.
Cao huyết áp vô căn là gì?
Các chuyên gia định nghĩa huyết áp là áp lực tác động lên thành động mạch. Lực này là do tim tạo ra, chịu trách nhiệm đưa những tế bào hồng cầu mang oxy và chất dinh dưỡng đi khắp cơ thể. Trường hợp cường độ áp lực gia tăng hơn bình thường gọi là tăng huyết áp hoặc cao huyết áp.
Dựa vào nguyên nhân gây bệnh, tăng huyết áp có thể được phân thành hai nhóm nhỏ gồm:
- Cao huyết áp vô căn: còn gọi là tăng huyết áp nguyên phát. Đối với tình trạng này, bác sĩ dường như không thể xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh. Phần lớn người mắc bệnh tăng huyết áp đều thuộc nhóm này.
- Tăng huyết áp thứ phát: phát sinh dưới dạng hệ quả của một vấn đề sức khỏe cụ thể, ví dụ như bệnh thận.
Vì sao người trẻ tuổi có thể bị cao huyết áp vô căn?
Nhiều nhà nghiên cứu đánh giá cao huyết áp vô căn là căn bệnh của người cao tuổi. Theo thống kê, chỉ khoảng 5% người bị tăng huyết áp dưới 35 tuổi. Tuy nhiên, con số này đang dần “trẻ” hóa theo thời gian.
Các chuyên gia từ Viện Tim mạch Việt Nam cho hay, hiện nay có hơn 1/4 người trưởng thành mắc bệnh tăng huyết áp. Trong số đó, 70% trường hợp là cao huyết áp vô căn.
Mặt khác, tính từ năm 2000 đến nay, tỷ lệ người trẻ tuổi bị cao huyết áp vô căn đã tăng thêm 47%.
Nguyên nhân tăng huyết áp ở người trưởng thành dưới 35 tuổi thường bắt nguồn từ những vấn đề sức khỏe liên quan đến:
- Thận
- Mạch máu
- Hàm lượng cholesterol trong máu
- Cơ quan nội tiết
Tuy nhiên, trường hợp này chỉ chiếm tầm 30%, số còn lại có thể phát sinh bởi những yếu tố về lối sinh hoạt không khoa học, bao gồm:
- Không cân bằng giữa công việc hoặc học tập với nghỉ ngơi
- Thường xuyên thức khuya
- Lạm dụng thức uống chứa cồn (bia, rượu…) hoặc chất kích thích (cà phê) trong thời gian dài
- Chế độ ăn uống không hợp lý, chẳng hạn như:
- Ăn quá mặn
- Thường dùng thực phẩm đóng hộp hoặc chế biến sẵn
- Hay ăn các món chiên, xào
- Hút thuốc lá
- Căng thẳng kéo dài
- Ít vận động thể chất
- Béo phì
Không ít người xem tăng huyết áp là “kẻ sát nhân thầm lặng”. Điều này có thể giải thích bởi những triệu chứng tăng huyết áp thường không rõ ràng. Tuy nhiên, người trẻ tuổi bị cao huyết áp vẫn có khả năng bắt gặp một số dấu hiệu liên quan gián tiếp như:
- Khó kiềm chế cảm xúc
- Dễ nổi nóng
- Khả năng tập trung kém
Ngoài ra, nhiều người còn mang tâm lý chủ quan và xem nhẹ các dấu hiệu. Do đó, họ không có biện pháp điều trị kịp thời, dẫn đến tình trạng phát sinh một loạt biến chứng nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như:
- Đột quỵ
- Nhồi máu cơ tim hoặc suy tim
- Tổn thương thận
- Tai biến mạch máu não
- Tử vong
Theo Tổ chức Tăng huyết áp Quốc tế (International Society for Hypertension), chỉ khoảng 50% trường hợp người mắc bệnh tăng huyết áp nhận thức được tình trạng sức khỏe của bản thân.
Bạn có thể muốn đọc thêm: Mách bạn vài cách điều trị tăng huyết áp ở người cao tuổi.
3 cách điều trị cao huyết áp vô căn ở người trẻ tuổi
Mục đích của quá trình điều trị tăng huyết áp là đưa chỉ số huyết áp về lại mức lý tưởng (90/60 – 120/80mmHg) và duy trì nó trong phạm vi này. Xác định nguyên nhân tăng huyết áp là điều thiết yếu để quá trình điều trị diễn ra thuận lợi hơn. Tuy nhiên, cao huyết áp vô căn lại không thể xác định nguyên nhân gây bệnh. Do đó, ngoài việc sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp do bác sĩ chỉ định, bạn còn nên thay đổi lối sống theo hướng tích cực hơn. Điều này giúp bạn đảm bảo hiệu quả của liệu trình điều trị.
Bạn có thể quan tâm: Chỉ số đo huyết áp và những điều bạn cần biết.
1. Thay đổi thói quen sinh hoạt, làm việc cũng như chế độ ăn uống
Áp dụng lối sống lành mạnh là biện pháp điều trị cơ bản và dễ thực hiện nhất dành cho người mắc bệnh tăng huyết áp, đặc biệt là ở người trẻ tuổi. Phương pháp này chỉ yêu cầu bạn hai việc gồm:
Thay đổi thói quen sinh hoạt
Nếu thường xuyên gặp căng thẳng trong công việc, bạn có thể muốn thử nghe một vài bản nhạc không lời trong lúc làm việc. Lưu ý đừng để âm thanh quá lớn nhé. Đồng thời, hãy dành ra 10–15 phút nghỉ ngơi sau khi hoàn thành một công việc đầy áp lực.
Bên cạnh đó, giấc ngủ rất quan trọng. Bạn cần tập thói quen đi ngủ sớm trước 11 giờ. Một số nghiên cứu cho thấy huyết áp của những người đi ngủ sau 11 giờ đêm có xu hướng cao hơn so với những người thường ngủ sớm.
Cải thiện chế độ ăn uống
Để hạ chỉ số huyết áp, việc đầu tiên bạn cần làm là hạn chế sử dụng muối để nêm thức ăn. Natri (muối) có khả năng trữ nước trong cơ thể, từ đó gây tăng huyết áp. Bạn có thể thay thế muối bằng những gia vị khác, ví dụ như nghệ, tỏi…
2. Thường xuyên rèn luyện thể chất, đặc biệt là bơi
Không chỉ hỗ trợ đưa chỉ số huyết áp về lại mức lý tưởng, bơi lội còn có khả năng:
- Giảm nguy cơ đột quỵ cũng như suy tim
- Cải thiện máu lưu thông
- Tăng chất nhờn cho các khớp
Ngoài ra, các chuyên gia còn cho biết, thời gian bơi tốt nhất ở mỗi lần tập nên là 60–90 phút. Bơi lâu hơn có thể khiến bạn mệt mỏi, từ đó gây phản tác dụng.
3. Sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp do bác sĩ kê đơn
Khi áp dụng lối sống lành mạnh nhưng không đem lại hiệu quả như mong đợi, bạn có thể sẽ cần dùng thêm thuốc điều trị tăng huyết áp.
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, bác sĩ có thể kê cho bạn những loại thuốc từ các nhóm sau:
- Thuốc lợi tiểu: ngăn chặn tình trạng trữ nước trong cơ thể và loại bỏ natri
- Thuốc chẹn kênh canxi: ngăn sự co thắt mao mạch bằng cách làm gián đoạn sự di chuyển của canxi vào tế bào
- Thuốc ức chế men chuyển: ức chế hormone gây tăng huyết áp
- Thuốc chẹn kênh beta: giảm tốc độ nhịp tim, từ đó điều tiết lượng máu lưu thông qua các mao mạch
Tuy nhiên, bác sĩ không khuyến khích người trẻ tuổi lạm dụng thuốc. Bên cạnh những lợi ích sức khỏe do chúng đem lại, một số loại thuốc có thể dẫn đến tác dụng phụ không mong muốn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Do đó, khi nhận được toa thuốc, bạn nên hỏi rõ bác sĩ về những tác dụng phụ có nguy cơ phát sinh. Nếu thấy cơ thể có biểu hiện bất thường, bạn nên yêu cầu bác sĩ đổi đơn thuốc.