Gai gót chân là tình trạng thường gặp ở những người trung niên nhưng cũng có thể xảy ra ở người trẻ, đặc biệt là những người vận động bàn chân nhiều như vận động viên hoặc quân nhân.
Cân gan chân là một nhóm các mô liên kết, có tác dụng nâng đỡ và neo giữ các cấu trúc khác ở bàn chân. Gai gót chân xảy ra khi các dải mô liên kết này bị kích thích và xuất hiện các phản ứng viêm ở phần cân gan chân và gót chân. Đây là nguyên nhân thường gặp của đau gót chân. Gai gót chân là tình trạng thường gặp ở những người trung niên nhưng cũng có thể xảy ra ở người trẻ, đặc biệt là những người vận động bàn chân nhiều như vận động viên hoặc quân nhân.
Các triệu chứng của gai gót chân
Gai gót chân có thể xảy ra ở một chân hoặc cả hai chân. Đau là triệu chứng chính và vị trí đau có thể là bất cứ nơi nào ở mặt dưới của bàn chân. Tuy nhiên, vị trí đau thường gặp nhất là vùng cách gót bàn chân 4cm về phía trước, vùng này có thể đau nhiều hơn khi chạm vào.
Cơn đau thường tệ nhất khi bạn bước những bước đầu tiên khi thức dậy vào buổi sáng hoặc sau một thời gian dài nằm hoặc ngồi nghỉ ngơi. Tập thể dục nhẹ nhàng có thể làm giảm bớt triệu chứng đau. Việc bạn đi bộ đường dài sẽ làm cho cơn đau nặng hơn. Nếu bạn đi một đoạn đường ngắn nhưng bước đi bằng đầu ngón chân hoặc đi lên cầu thang, cơn đau cũng có thể nặng hơn. Đôi khi cơn đau có thể khiến bạn đi khập khiễng.
Các yếu tố nguy cơ
Mặc dù gai gót chân có thể xuất hiện mà không có nguyên nhân rõ ràng, tuy nhiên có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ viêm cân gan chân, bao gồm:
- Tuổi tác. Chứng bệnh này phổ biến nhất ở độ tuổi từ 40 đến 60;
- Một số loại bài tập thể dục. Những bài tập thể chất đặt sức nặng nhiều lên bàn chân, gót chân như chạy đường dài, thể dục nhịp điệu, khiêu vũ… có thể khiến cho chứng gai gót chân xuất hiện sớm hơn;
- Đặc thù công việc. Công nhân nhà máy, bác sĩ phẫu thuật, giáo viên hoặc những người phần lớn thời gian làm việc phải đi bộ hoặc đứng cũng có thể làm tổn thương cân gan chân dẫn đến gai gót chân;
- Cấu tạo bàn chân. Cấu tạo bất lợi của bàn chân như vòm chân quá cao hoặc bàn chân quá phẳng, đồng thời dáng đi bất thường cũng sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng xuất hiện gai gót chân;
- Béo phì. Thừa cân sẽ đặt thêm áp lực lên cân bàn chân của bạn.
Các biến chứng
Nếu gai gót chân chân không được điều trị có thể dẫn đến đau gót chân mãn tính gây khó khăn trong hoạt động thường ngày của bạn. Ngoài ra, những cơn đau do gai gót chân có thể dẫn đến những bất thường trong dáng đi, khiến bạn dễ gặp một số bệnh về bàn chân, đầu gối, hông.
Nếu bạn nghi ngờ mình bị chứng gai gót chân, hãy đến thăm khám bác sĩ để kiểm tra kỹ hơn. Bác sĩ sẽ kiểm tra bàn chân của bạn, xem bạn đứng và bước đi. Bạn cũng có thể được chụp X-quang bàn chân để tìm xem có bất thường về xương bàn chân không, chẳng hạn như gãy xương.