Kiểu dáng và chất liệu bàn chải đánh răng đã có những bước tiến dài trong nhiều thế kỷ qua. Các dạng bàn chải đánh răng đầu tiên đã tồn tại cách đây gần 5000 năm. Một số nền văn minh cổ đại đã sử dụng một loại tăm (chew stick) để lấy thức ăn – đó là một cành cây nhỏ, mảnh với đầu tận cùng được làm giập để cọ xát vào các răng. Trong suốt thế kỷ vừa qua, bàn chải đánh răng đã được chế tác với tay cầm bằng xương, gỗ hoặc ngà voi và phần lông cứng từ lông heo, lợn rừng hoặc các động vật khác. Loại bàn chải đánh răng bằng sợi nylon, như chúng ta biết ngày nay, được phát minh vào năm 1938.
Loại bàn chải đánh răng nào phù hợp cho bạn?
Có hai loại bàn chải đánh răng: bàn chải cầm tay và bàn chải điện. Kích thước và hình dạng của bàn chải phải phù hợp, cho phép tiếp cận mọi vị trí trong miệng một cách dễ dàng. Nha sĩ có thể cho bạn lời khuyên về loại bàn chải nào phù hợp với nhu cầu của mình.
Đối với tất cả các loại bàn chải, chúng ta nên chải răng ít nhất hai lần một ngày với kem đánh răng chứa fluor là cần thiết giúp làm sạch răng và cung cấp lượng fluor phù hợp để phòng ngừa sâu răng. Có thể tìm kiếm các loại bàn chải đánh răng từ các công ty có uy tín trên thị trường, nhằm đảm bảo mua được các sản phẩm an toàn và hiệu quả; tức là mọi thành phần trong bàn chải đánh răng đều an toàn khi sử dụng trong miệng. Trong đó bao gồm:
- Đầu tận cùng của lông bàn chải không có cạnh sắc hay lởm chởm;
- Vật liệu làm tay cầm phải được kiểm tra về độ bền khi sử dụng hàng ngày;
- Lông bàn chải không rơi ra với lực sử dụng thông thường;
- Bàn chải đánh răng có thể sử dụng cho trẻ em dù không có người lớn giám sát;
- Và bàn chải có thể làm giảm đáng kể mảng bám trên răng và tình trạng viêm nướu nhẹ.
Hình 1. Một số dạng bàn chải đánh răng thông thường.
Bàn chải điện cũng phải đáp ứng các yêu cầu về mức độ an toàn của một trong các phòng thí nghiệm như Underwriters Laboratories, Northbrook… Các nhà sản xuất bàn chải điện cũng phải cung cấp bằng chứng từ ít nhất một nghiên cứu lâm sàng (nghiên cứu trên những người tình nguyện) cho thấy những sản phẩm này an toàn đối với cả mô cứng, mô mềm của miệng và các phục hồi răng (miếng trám, phục hình răng).
Hình 2. Bàn chải điện.
Cả bàn chải đánh răng cầm tay và bàn chải điện đều có thể làm sạch răng một cách hiệu quả và triệt để. Những người gặp khó khăn khi sử dụng bàn chải cầm tay có thể nhận thấy bàn chải điện dễ sử dụng và thoải mái hơn. Trẻ em có thể thích thú hơn khi chải răng bằng bàn chải điện. Cho dù bạn quyết định chọn loại bàn chải nào, vấn đề quan trọng là bàn chải đó phải cho bạn cảm giác dễ dàng và thoải mái khi sử dụng để giúp làm sạch tất cả bề mặt răng một cách triệt để khi chải răng ít nhất 2 lần/ngày.
Làm thế nào để giữ cho bàn chải răng được sạch sẽ?
Bạn có thể đã nghe nói về nhiễm khuẩn bàn chải đánh răng và tự hỏi đó có phải là một vấn đề cần quan tâm hay không?
Khoang miệng của mỗi người có chứa hàng trăm loại vi sinh vật khác nhau, một số sẽ được truyền qua bàn chải đánh răng khi sử dụng. Vi sinh vật ngoài môi trường cũng có thể phát triển trên bàn chải đánh răng trong quá trình lưu trữ. Bàn chải đánh răng có thể đã chứa vi khuẩn khi vừa lấy ra khỏi hộp, vì không có quy định nào bắt buộc bàn chải phải được bảo quản trong môi trường vô trùng khi bán ra thị trường. Tuy nhiên, cơ thể con người thường xuyên tiếp xúc với các vi khuẩn có hại tiềm tàng, và có những cơ chế để tự bảo vệ chống lại vi sinh vật và ngăn ngừa nhiễm trùng.
Mặc dù nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng vi sinh vật có thể phát triển trên bàn chải đánh răng sau khi sử dụng, tuy nhiên còn thiếu bằng chứng về việc vi khuẩn phát triển trên bàn chải đánh răng sẽ dẫn đến các vấn đề sức khỏe đặc biệt nào. Bên cạnh đó, cũng không có bằng chứng lâm sàng nào khẳng định ngâm một bàn chải đánh răng trong nước súc miệng kháng khuẩn hay chất vệ sinh bàn chải thương mại có ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến sức khỏe hay không. Cho nên trong lúc chờ đợi có những nghiên cứu khác thì chúng ta nên sử dụng một số phương pháp làm sạch bàn chải như sau:
- Không dùng chung bàn chải đánh răng.
- Rửa sạch bàn chải đánh răng của bạn với nước máy sau khi sử dụng để loại bỏ hết kem đánh răng còn thừa và các mảnh vụn thức ăn.
- Đặt bàn chải ở vị trí thẳng đứng và để khô cho đến lần sử dụng kế tiếp. Nếu có nhiều bàn chải được đặt trong cùng vật chứa, cần giữ các bàn chải không tiếp xúc với nhau.
- Không nên che phủ hay bảo quản bàn chải trong những hộp đựng kín thường xuyên. Vì một môi trường ẩm ướt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn hơn những nơi thoáng khí.
- Thay bàn chải đánh răng mới 3-4 tháng/lần. Lúc này, lông bàn chải đã bị mòn và xơ, kém hiệu quả để làm sạch răng. Bàn chải có thể mòn nhanh hay chậm tùy thuộc mỗi cá nhân. Thường xuyên kiểm tra độ mòn của lông bàn chải và thay mới sớm hơn nếu cần thiết. Bàn chải đánh răng của trẻ em có thể cần phải được thay thế thường xuyên hơn của người lớn.
Tuy nhiên cũng nên lưu ý việc sử dụng máy rửa chén hoặc lò vi sóng, có thể làm hỏng bàn chải.
Hình 3. Cách bảo quản bàn chải đúng.
Các chất vệ sinh bàn chải đánh răng không được chứng minh mang lại lợi ích về sức khỏe. Nếu người tiêu dùng muốn lựa chọn sử dụng một trong những sản phẩm này, thì cũng nên chọn những loại đã được kiểm tra bởi cơ quan chức năng. Các nhà sản xuất những sản phẩm được kiểm tra phải cung cấp các thông tin thể hiện:
- Sản phẩm được thiết kế để khử trùng bàn chải đánh răng.
- Sản phẩm được thiết kế để sử dụng trong việc giảm sự tích tụ tự nhiên của vi khuẩn trên bàn chải đánh răng.
Hình 4. Một sản phẩm dùng vệ sinh bàn chải đánh răng. (iTouchless Home UV Toothbrush Sanitizer and Holer)
Tài liệu tham khảo
1. http://www.ada.org/sections/scienceAndResearch/pdfs/patient_78.pdf
2. http://www.ada.org/sections/scienceAndResearch/pdfs/patient_60.pdf