Sâu răng, thường được gọi là “lỗ sâu”, bắt đầu từ men răng, lớp bảo vệ ngoài cùng của răng. Ở một số người, đặc biệt là người lớn tuổi, răng bị lộ ra khỏi nướu và sâu răng cũng có thể xuất hiện tại những vùng đó. Ngày nay, nhờ những tiến bộ khoa học mà sâu răng có thể được chữa trị và loại trừ.
Sâu răng tiến triển như thế nào?
Răng được bao bọc bởi một màng dính có chứa vi khuẩn gọi là mảng bám. Khi ăn hoặc uống, vi khuẩn sinh ra axit làm phá vỡ men răng hoặc bề mặt chân răng. Mảng bám tích tụ quanh đường viền nướu và trên mặt nhai các răng cối nằm sâu trong miệng và tăng nguy cơ bị sâu răng ở những vị trí này.
Chúng ta thường không thể nhận ra những dấu hiệu hoặc triệu chứng sâu răng sớm, nhưng những lỗ sâu tiến triển thường có những triệu chứng như sau:
- Thường xuyên mắc thức ăn quanh răng
- Khó chịu hoặc đau đớn trong miệng hoặc xung quanh miệng
- Gặp khó khăn khi cắn một số loại thức ăn
- Nhạy cảm với nóng, lạnh hoặc đồ ăn ngọt
- Hôi miệng
- Có những đốm trắng, chuyển sang màu đậm dần trên răng
Điều trị sâu răng thế nào?
Sâu răng tiến triển có thể gây đau và dẫn đến mất răng. Nếu không điều trị, vi khuẩn có thể lan xuyên qua răng và phát triển thành ổ mủ (ổ áp-xe) – một dạng nhiễm trùng nghiêm trọng ở dưới nướu. Nhiễm trùng dạng này có thể lan sang những bộ phận khác của cơ thể với hậu quả nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong trong một số trường hợp.
Những tiến bộ khoa học đã giúp nha sĩ hướng dẫn chúng ta cách phòng ngừa và thậm chí sửa chữa sâu răng giai đoạn sớm. Tái khoáng hóa (remineralization) là phương pháp sử dụng những vật liệu chứa fluoride, calcium và phosphate để rửa, dán và bao bọc những lỗ sâu răng. Những vật chất này là thành phần kiến tạo nên men răng cứng, và việc tiếp xúc với chúng sẽ giúp răng tự sửa chữa. Cũng như bất kỳ phương pháp điều trị khác, tái khoáng hóa không phải lúc nào cũng thành công. Bệnh nhân thành công nhất khi thay đổi thói quen chăm sóc răng miệng tại nhà theo sát hướng dẫn của nha sĩ.
Với những bệnh tiến triển sang giai đoạn muộn hơn, nha sĩ có thể phải loại bỏ những lỗ sâu và khôi phục lại răng. Nếu lỗ sâu nhỏ, nha sĩ chỉ cần đặt miếng trám. Nếu lỗ sâu gây nhiều ảnh hưởng đến cấu trúc răng, nha sĩ cần đặt mão (mũ) lên phần răng còn lại. Trong những trường hợp nghiêm trọng khác, khi phần răng khỏe còn lại quá ít thì răng sẽ phải bị nhổ đi.
Ngăn ngừa sâu răng
Vệ sinh răng miệng tốt là bước đầu tiên để ngăn ngừa sâu răng. Chải răng hai lần mỗi ngày với kem đánh răng chứa fluoride và làm sạch kẽ răng mỗi ngày với chỉ nha khoa hoặc dụng cụ làm sạch kẽ răng. Uống nước chứa fluoride khi cần là một cách giúp men răng chắc khỏe. Hạn chế ăn vặt và ngậm thức uống có nhiều đường hoặc axit lâu trong miệng. Lưu ý nên để nha sĩ đặt xi-lanh (sealants), một chất keo bảo vệ quanh răng, trên mặt nhai các răng sau (bao gồm răng hàm và răng khôn). Chất keo này sẽ lấp đầy các hố rãnh trên răng và giúp loại bỏ nơi mà vi khuẩn có thể tích tụ.
Ngày càng có nhiều sản phẩm trở nên thông dụng trong việc giúp điều trị và ngăn ngừa sâu răng. Tại sao bạn lại chần chừ để lỗ sâu tiến triển? Hãy khám nha sĩ thường xuyên để kiểm tra sức khỏe răng miệng toàn diện và vệ sinh răng miệng một cách chuyên nghiệp, cũng như cập nhật những kỹ thuật mới nhằm cải thiện sức khỏe răng miệng.
Xem thêm bài Trám bít hố rãnh phòng ngừa sâu răng của BS. Nguyễn Phan Thế Huy Tài liệu tham khảo
http://www.ada.org/sections/scienceAndResearch/pdfs/March_2013_Patient_Page_tooth_decay.pdf