Liệu pháp nhận thức – hành vi: Sức mạnh của sự bày tỏ

(3.96) - 25 đánh giá

Liệu pháp nhận thức – hành vi (Cognitive behavioral therapy – CBT) là một trong những loại tâm lý trị liệu. Người trị liệu sẽ trò chuyện về tình trạng bệnh và những vấn đề liên quan của mình với một bác sĩ tâm lý hoặc một nhà trị liệu. Liệu pháp này giúp người trị liệu nhận thức được suy nghĩ không chính xác hoặc tiêu cực khi đứng trước các tình huống thách thức. Từ đó phản hồi chúng theo những cách tích cực và hiệu quả hơn.

Liệu pháp nhận thức – hành vi có thể là một công cụ rất hữu ích, dù thực hiện đơn lẻ hoặc kết hợp với các liệu pháp khác trong điều trị rối loạn sức khỏe tâm thần (trầm cảm, rối loạn căng thẳng sau chấn thương hoặc rối loạn ăn uống). Tuy nhiên, không phải ai dùng liệu pháp này cũng đều có bệnh về sức khỏe tâm thần. Liệu pháp nhận thức – hành vi ngoài mục đích chữa trị còn là một công cụ hiệu quả để giúp người bệnh học cách kiểm soát tốt hơn các tình huống căng thẳng trong cuộc sống.

Ai có thể cần liệu pháp nhận thức – hành vi?

Liệu pháp nhận thức – hành vi được sử dụng để điều trị rất nhiều vấn đề tâm lý. Các nhà tâm lý học thường ưu tiên áp dụng liệu pháp này vì tính nhanh chóng xác định và có thể đối phó với những thách thức cụ thể. Liệu pháp cũng thường cần ít phiên trị liệu hơn và được thực hiện theo mô hình.

Một số vấn đề mà liệu pháp này có thể giúp kiểm soát là:

  • Kiểm soát các triệu chứng của bệnh tâm thần
  • Ngăn ngừa tái phát các triệu chứng bệnh tâm thần
  • Điều trị bệnh tâm thần khi thuốc không phải là một lựa chọn tốt
  • Tìm hiểu các kỹ thuật để đối phó với các tình huống căng thẳng trong cuộc sống
  • Xác định cách để kiểm soát cảm xúc
  • Giải quyết xung đột trong các mối quan hệ và tìm hiểu cách giao tiếp tốt hơn
  • Đối phó với những tin tức đau buồn hoặc mất mát
  • Khắc phục sang chấn tâm lý liên quan đến lạm dụng hoặc bạo lực
  • Đối phó với một căn bệnh cụ thể
  • Quản lý các triệu chứng thể chất mạn tính

Ngoài ra, liệu pháp có thể cải thiện các tình trạng rối loạn sức khỏe tâm thần như:

  • Phiền muộn
  • Rối loạn lo âu
  • Ám ảnh
  • Rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD)
  • Rối loạn giấc ngủ
  • Rối loạn ăn uống
  • Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD)
  • Rối loạn sử dụng chất
  • Rối loạn lưỡng cực
  • Tâm thần phân liệt
  • Rối loạn chức năng tình dục

Trong một số trường hợp, liệu pháp nhận thức – hành vi có hiệu quả nhất khi được kết hợp với các phương pháp điều trị khác như thuốc.

Liệu pháp nhận thức – hành vi có nguy hiểm không?

Nói chung, có rất ít rủi ro trong việc điều trị bằng liệu pháp hành vi – nhận thức. Đôi khi, người bệnh có thể cảm thấy khó chịu vì phải đối diện với những cảm xúc hay trải nghiệm thực tế khắc nghiệt, phũ phàng. Trong một phiên trị liệu, việc khóc, buồn bã hoặc cảm thấy tức giận là một phần của liệu pháp. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể cảm thấy kiệt sức về mặt thể chất.

Một số dạng liệu pháp nhận thức – hành vi như liệu pháp tiếp xúc có thể yêu cầu người bệnh đối mặt với các tình huống họ muốn tránh, ví dụ như ở trong một nơi kín và chật, nếu người trị liệu mắc chứng sợ không gian hẹp. Điều này có thể dẫn đến căng thẳng tạm thời hoặc lo lắng. Tuy nhiên, các rủi ro sẽ giảm thiểu nếu người bệnh chọn một nhà trị liệu có chuyên môn tốt. Nhờ đó, họ sẽ học được kỹ năng đối phó để kiểm soát và chiến thắng những cảm giác hay nỗi sợ tiêu cực.

Cần chuẩn bị gì để tham gia trị liệu?

Trước tiên, hãy tìm một nhà trị liệu uy tín. Người bệnh có thể nhờ các bác sĩ, người quen đã từng trị liệu giới thiệu cho mình. Nếu muốn tự tìm, hãy thông qua một hiệp hội tại địa phương hoặc các nguồn uy tín trực tuyến. Hãy kiểm tra các thông tin về nhà trị liệu đó, như:

  • Hoàn cảnh và giáo dục. Các nhà trị liệu tâm lý được đào tạo có thể có một số chức danh công việc khác nhau, tùy thuộc vào trình độ học vấn và vai trò của họ. Hầu hết đều có bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ với chuyên môn là tư vấn tâm lý. Ngoài ra, bác sĩ y khoa chuyên về sức khỏe tâm thần (bác sĩ tâm thần) có thể kê đơn thuốc cũng như hỗ trợ cả về liệu pháp tâm lý.
  • Chứng nhận và giấy phép. Hãy chắc chắn rằng nhà trị liệu được chọn đáp ứng các yêu cầu về giấy phép và chứng nhận uy tín về tâm lý học.
  • Lĩnh vực chuyên môn. Tìm hiểu về chuyên môn và kinh nghiệm của nhà trị liệu, vì tuy cùng một khoa tâm lý học, mỗi người thường sẽ thiên về một vấn đề tâm lý riêng. Người bệnh không chỉ nên chọn một nhà trị liệu giỏi, mà còn cần phải phù hợp.

Tìm hiểu về chi phí của liệu pháp, kể cả việc bảo hiểm y tế có chi trả hay không. Một số chương trình trị liệu có giới hạn về số lượng buổi tham gia. Hãy thảo luận kỹ lưỡng với nhà trị liệu trước khi đăng ký.

Hệ thống các vấn đề đang gặp phải. Trước cuộc hẹn đầu tiên với nhà trị liệu, người bệnh hãy suy nghĩ về những vấn đề muốn giải quyết, mức độ ưu tiên cũng như tầm ảnh hưởng của chúng đến cuộc sống của mình. Chuẩn bị trước để không phải bỏ sót bất kỳ vấn đề nào cũng là một cách tận dụng triệt để thời gian tại phiên trị liệu.

Quy trình thực hiện liệu pháp nhận thức – hành vi

Liệu pháp nhận thức – hành vi có thể được tổ chức trong khuôn khổ từng người một hoặc theo nhóm. Một phiên trị liệu về nhận thức – hành vi thường bao gồm:

  • Tìm hiểu về tình trạng sức khỏe tâm thần của người bệnh
  • Học và thực hành các kỹ thuật như thư giãn, đối phó, khả năng phục hồi, kiểm soát căng thẳng và tính quyết đoán

Những gì sẽ diễn ra trong buổi trị liệu?

Tại phiên đầu tiên, chuyên gia trị liệu thường sẽ thu thập thông tin về người bệnh và hỏi về vấn đề muốn giải quyết. Sức khỏe thể chất và cảm xúc trong hiện tại lẫn quá khứ của người bệnh cũng sẽ được đào sâu. Người bệnh được khuyến khích nói về những suy nghĩ và cảm xúc thật. Đừng lo lắng nếu thấy khó mở lòng. Nhà trị liệu có thể giúp người bệnh có được sự tự tin và thoải mái hơn. Trong một số trường hợp, nhà trị liệu có thể đề xuất phối hợp điều trị bằng thuốc, nhằm tối ưu hóa liệu pháp. Khi trải qua quá trình trị liệu, người bệnh sẽ được yêu cầu làm “bài tập về nhà”. Điều này nhằm giúp họ ghi nhớ, áp dụng những điều đã học vào cuộc sống thường ngày.

Người bệnh nên quan tâm những gì trong phiên trị liệu đầu tiên?

Buổi trị liệu đầu tiên cũng là cơ hội để người bệnh xem xét mức độ phù hợp của nhà trị liệu. Hãy chú ý các điểm như:

  • Cách tiếp cận của nhà trị liệu
  • Loại trị liệu đề xuất có phù hợp hay không
  • Mục tiêu điều trị có được hướng đến hay không
  • Độ dài của mỗi phiên trị liệu
  • Số lượng phiên trị liệu cần tham gia

Có thể mất vài lần gặp gỡ để nhà trị liệu hiểu đầy đủ về tình huống và mối quan tâm của người bệnh, cũng như để xác định hướng xử lý tốt nhất. Nếu người bệnh không cảm thấy thoải mái với nhà trị liệu qua buổi đầu tiên, hãy thử gặp một người khác. Mức độ phù hợp cao giữa người bệnh và nhà trị liệu thực sự ảnh hưởng nhiều đến chất lượng của liệu pháp. Chắc chắn ai cũng mong muốn chi phí bỏ ra để điều trị sẽ thu về những kết quả xứng đáng.

Các bước thông thường trong một phiên trị liệu

  • Xác định tình huống hoặc vấn đề rắc rối trong cuộc sống. Chúng có thể bao gồm các vấn đề như tình trạng sức khỏe, hôn nhân, những cảm xúc tiêu cực hoặc triệu chứng của rối loạn tâm thần. Giai đoạn này cần thời gian để tìm hiểu kỹ lưỡng vì nó quyết định hết 80% hướng xử lý.
  • Nhận thức được suy nghĩ, cảm xúc cá nhân về những vấn đề này. Khi người bệnh đã xác định được các vấn đề cần giải quyết, chuyên gia sẽ khuyến khích chia sẻ suy nghĩ về chúng. Chuyên gia sẽ để người bệnh tự trình bày. Điều này cho phép quan sát được thái độ của người bệnh trước một vấn đề cụ thể. Người bệnh cũng có thể được yêu cầu ghi chép lại các cảm xúc dưới dạng nhật ký.
  • Xác định suy nghĩ tiêu cực. Để giúp người bệnh nhận ra các kiểu suy nghĩ và hành vi có thể gây vấn đề, nhà trị liệu sẽ yêu cầu chú ý các phản ứng về thể chất, cảm xúc và hành vi tùy tình huống khác nhau. Thông thường người bệnh sẽ không nhận ra suy nghĩ của mình có vấn đề, đó là lúc nhà trị liệu vào cuộc.
  • Định hình lại suy nghĩ tiêu cực. Nhà trị liệu sẽ khuyến khích người bệnh tự vấn bản thân liệu quan điểm đó có dựa trên thực tế hay chỉ là cảm xúc chủ quan. Đây thường là giai đoạn khó khăn của phiên trị liệu. Người bệnh thường có những cách nghĩ đã ăn sâu vào lối sống. Tuy vậy, khi thực hành suy nghĩ tích cực, thói quen mới sẽ hình thành và tạo nên hành vi tốt hơn.

Tính bảo mật của liệu pháp nhận thức – hành vi

Các cuộc trò chuyện giữa chuyên gia và người bệnh luôn được bảo mật. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nhà trị liệu sẽ cần trình báo nếu có mối đe dọa về sự an toàn của người bệnh hoặc khi được yêu cầu bởi luật pháp. Những tình huống này bao gồm:

  • Có nguy hiểm đe dọa (ngay lập tức hoặc sắp xảy ra) trực tiếp đến người bệnh
  • Có nguy hiểm liên quan đến tính mạng con người
  • Có tình tiết liên quan đến lạm dụng trẻ em hoặc người lớn đang ốm/khuyết tật
  • Người bệnh không thể tự chăm sóc bản thân một cách an toàn.

Cần lưu ý những gì khi tham gia trị liệu?

Sau đây là những bước để tận dụng tối đa liệu pháp:

  • Hợp tác với chuyên gia. Liệu pháp có hiệu quả nhất khi người tham gia tích cực làm theo hướng dẫn của nhà trị liệu. Sự hợp tác giữa hai bên hỗ trợ cho việc đặt mục tiêu và đánh giá tiến bộ theo thời gian.
  • Cởi mở và trung thực. Sự thành công của liệu pháp phụ thuộc vào mức độ sẵn sàng chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc và kinh nghiệm từ người bệnh.
  • Bám sát kế hoạch điều trị. Khi suy sụp hoặc thiếu động lực, người bệnh thường không tham gia đầy đủ các phiên trị liệu, dẫn tới gián đoạn tiến trình điều trị. Hãy cố gắng hoàn tất và tuân thủ yêu cầu từ chuyên gia.
  • Đừng mong đợi kết quả ngay lập tức. Các vấn đề tình cảm thường khiến chúng ta cảm thấy đau lòng, nhưng cảm xúc đòi hỏi thời gian để đối diện. Những phiên đầu của trị liệu chính là thời điểm khó khăn nhất và cần kiên nhẫn.
  • Làm “bài tập về nhà”. Nếu được yêu cầu, hãy viết nhật ký hoặc thực hiện các hoạt động khác ngoài tham dự trị liệu thông thường. Thực hiện các bài tập này giúp người bệnh biết áp dụng các bài học, hình thành thái độ tích cực.

Nếu cảm thấy trị liệu không có kết quả khả quan, hãy thông báo ngay với chuyên gia. Người bệnh và nhà trị liệu có thể sẽ cần quyết định thực hiện một số thay đổi hoặc thử một cách tiếp cận khác.

Kết quả của liệu pháp nhận thức – hành vi

Liệu pháp nhận thức – hành vi thường được coi là liệu pháp ngắn hạn. Một khóa trị liệu kéo dài từ khoảng 5 đến 20 phiên. Người bệnh và chuyên gia có thể thảo luận để xác định thời lượng trị liệu phù hợp.

Liệu pháp này có thể không chữa khỏi hoàn toàn tình trạng của người bệnh. Dù vậy, người bệnh có thể rèn luyện sức mạnh tinh thần để xử lý tình huống một cách lành mạnh. Từ đó chính họ sẽ cảm thấy tốt hơn về bản thân và cuộc sống.

Đánh giá:

Bài viết liên quan

7 thói quen không tốt cho sức khỏe trong phòng tắm

(90)
Thường xuyên vệ sinh phòng tắm là điều cần thiết (thậm chí sẽ tốt hơn nếu bạn sử dụng một số sản phẩm vệ sinh nhà tắm an toàn), nhưng bạn có thể ... [xem thêm]

Cách trang điểm tự nhiên giúp bạn đáng yêu hơn

(82)
Bạn ngại trang điểm cầu kỳ nhưng vẫn muốn che bớt khuyết điểm và tôn lên vẻ đẹp tự nhiên mỗi khi hẹn hò? Cách trang điểm tự nhiên sẽ giúp bạn luôn ... [xem thêm]

10 cách đối phó với gan nhiễm mỡ độ 1 hiệu quả

(90)
Bên cạnh phương pháp điều trị y khoa, bạn cũng có thể áp dụng một số thói quen sống lành mạnh để cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ độ 1.Gan là cơ quan ... [xem thêm]

Mẹo hay giúp người nhiễm HIV hình thành thói quen tập thể dục

(58)
Để hình thành thói quen không hề dễ, nhất là các thói quen tốt. Tuy nhiên, bài viết sẽ cung cấp các mẹo hay giúp người nhiễm HIV có thể làm được.Nếu bạn ... [xem thêm]

Phân biệt mài mòn và siêu mài mòn da

(18)
Hai kĩ thuật thẩm mỹ dermabrasion (mài mòn da) và microdermabrasion (siêu mài mòn da) đã được áp dụng trong nhiều năm để điều trị các bệnh về da bao gồm tái ... [xem thêm]

23 cách nấu ăn bằng lò vi sóng cực nhanh giúp bạn thay đổi khẩu vị

(84)
Bạn muốn chế biến nhiều món ngon nhưng ngại tốn thời gian? Hãy bỏ túi ngay các bí quyết nấu ăn bằng lò vi sóng nhé! Cuộc sống bận rộn khiến bạn không ... [xem thêm]

14 căn bệnh gây thay đổi tính cách bạn có thể chưa biết!

(77)
Mỗi người đều có một tính cách riêng, thường sẽ theo bạn suốt cuộc đời. Tuy nhiên, ở vài thời điểm nhất định, một số bệnh lý có khả năng gây ra ... [xem thêm]

Bệnh xã hội: Nguy cơ tiềm ẩn ngay bên cạnh bạn

(92)
Bạn có thể e ngại các loại thức ăn, đồ uống hay môi trường sống mà quên mất rằng người đang nằm bên cạnh mình cũng có thể lây lan bệnh. Đây chính là ... [xem thêm]

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN