Bạn có thể e ngại các loại thức ăn, đồ uống hay môi trường sống mà quên mất rằng người đang nằm bên cạnh mình cũng có thể lây lan bệnh. Đây chính là lý do vì sao mà bạn nên cẩn thận khi chọn bạn tình và chung thủy một vợ một chồng để tránh nguy cơ mắc các bệnh xã hội.
Trước đây, bệnh xã hội là thuật ngữ y khoa dùng để chỉ những căn bệnh nguy hiểm, có khả năng lây nhiễm cao trong cộng đồng. Con đường lây truyền chủ yếu của bệnh là qua đường tình dục không an toàn như các bệnh HIV/AIDS, bệnh giang mai, bệnh lậu, bệnh sùi mào gà…
Một số bệnh có khả năng nhiễm cao và gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe xã hội như bệnh lao cũng được coi là một bệnh xã hội. Ngày nay, bệnh xã hội còn có tên gọi khác là bệnh lây truyền qua đường tình dục hay bệnh hoa liễu. Ước tính hiện nay có khoảng 20 loại bệnh xã hội phổ biến có thể gây nguy hiểm cho bạn khi quan hệ tình dục.
Tại sao bệnh xã hội nguy hiểm?
Bệnh xã hội là những căn bệnh nghiêm trọng cần được phát hiện và điều trị kịp thời. Các bệnh xã hội đều nằm trong nhóm các bệnh truyền nhiễm phổ biến nhất được chia thành hai nhóm:
• Bệnh xã hội có thể điều trị: Nhóm các bệnh xã hội có thể điều trị và chữa khỏi bao gồm những bệnh như bệnh giang mai, viêm âm đạo, bệnh lậu, bệnh sùi mào gà, bệnh chlamydia…
• Bệnh xã hội khó điều trị: Nhóm các bệnh rất khó có thể điều trị khỏi hoàn toàn hoặc không thể chữa khỏi như bệnh viêm gan B, HIV/AIDS…
Bệnh xã hội có khả năng lây lan rất cao qua đường tình dục như giao hợp hoặc quan hệ tình dục bằng miệng. Thậm chí, việc tiếp xúc với các vật thể ướt hoặc ẩm ướt như là khăn tắm, quần áo ướt, chỗ ngồi trong nhà vệ sinh cũng có thể làm lây nhiễm ký sinh trùng trichomonas gây bệnh nhiễm trùng đường sinh dục.
Đối tượng dễ mắc phải bệnh xã hội
Bất kì ai đã từng quan hệ tình dục đều có nguy cơ mắc bệnh xã hội. Tuy nhiên, nhóm đối tượng có nguy cơ cao, dễ mắc phải bệnh xã hội là:
• Những người có nhiều hơn một bạn tình, có quan hệ tình dục không lành mạnh
• Những người có quan hệ tình dục với người đã có nhiều đối tác tình dục
• Không dùng bao cao su khi quan hệ tình dục không an toàn
• Dùng chung bơm kim tiêm khi tiêm, chích ma túy
• Những người mua bán tình dục, hành nghề mại dâm hoặc mua dâm
Tình trạng nhiễm bệnh ngày càng nghiêm trọng vì bệnh xã hội thường có ít triệu chứng rõ rệt nên khó nhận biết và phòng ngừa. Bên cạnh đó, nhiều người bệnh do mặc cảm, tự ti nên giấu bệnh, không tới bệnh viện khám chữa, làm tình trạng bệnh nghiêm trọng thêm và lây lan cho nhiều người.
Trẻ em vị thành niên và những người trẻ tuổi cũng có ít kiến thức về tình dục an toàn, đồng thời tần suất quan hệ tình dục nhiều nên cũng có nguy cơ mắc bệnh xã hội cao hơn những nhóm tuổi trưởng thành khác.
Các bệnh xã hội phổ biến nhất
Sau đây là danh sách các bệnh xã hội phổ biến mà bạn nên đề phòng.
1. Bệnh sùi mào gà
Bệnh sùi mào gà là tình trạng xuất hiện những mụn cóc ở bộ phận sinh dục. Bệnh sùi mào gà là một trong những bệnh phổ biến lây truyền qua đường tình dục, gây ra bởi một số chủng virus HPV. Virus này có thể gây bệnh sùi mào gà cũng như bệnh ung thư cổ tử cung, vì vậy đặc biệt nguy hiểm cho phụ nữ.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây bệnh sùi mào gà là do virus HPV. Theo thống kê, có 30 – 40 chủng virus HPV khác nhau có thể ảnh hưởng lên bộ phận sinh dục nhưng chỉ một số chủng cụ thể gây bệnh sùi mào gà. Quan hệ tình dục sẽ góp phần lây lan HPV.
Những người có quan hệ tình dục đều có thể bị nhiễm HPV và có nguy cơ mắc bệnh sùi mào gà. Ngoài ra, bạn cũng có thể mắc sùi mào gà ở miệng hoặc ở lưỡi do quan hệ bằng miệng với người bị bệnh.
Triệu chứng
Sau khi nhiễm virus HPV, bệnh thường phát triển âm thầm. Bệnh sùi mào gà thường không thể phát hiện bằng mắt thường, các mụn cóc sinh dục rất nhỏ và có màu giống với da hoặc tối hơn một chút.
Sùi mào gà ở nam giới có những nốt sùi phát triển ở dương vật, tinh hoàn hoặc hậu môn. Bệnh sùi mào gà ở nữ thường làm xuất hiện nốt sùi ở âm hộ, thành âm đạo, xung quanh bộ phận sinh dục, hậu môn, cổ tử cung.
Khi bị bệnh sùi mào gà, bệnh nhân thường có các triệu chứng bao gồm:
• Những nốt sùi nhỏ ở bộ phận sinh dục
• Nhiều nốt sùi sát nhau trông giống như bông súp lơ
• Bộ phận sinh dục bị ngứa và gây khó chịu
• Bị chảy máu khi quan hệ tình dục.
Bệnh sùi mào gà có thể điều trị được nhưng rất dễ tái phát nếu tình trạng lây nhiễm HPV không được kiểm soát chặt chẽ.
2. Bệnh chlamydia
Bệnh chlamydia là bệnh xã hội phổ biến nhiều người mắc phải. Bệnh do vi khuẩn chlamydia trachomatis gây ra lây lan chủ yếu qua quan hệ tình dục qua giao hợp, nhưng bạn cũng có thể bị lây nhiễm qua đường tình dục bằng miệng.
Nguyên nhân
Bệnh chlamydia do vi khuẩn chlamydia trachomatis gây ra. Vi khuẩn này lây lan chủ yếu qua đường tình dục.
Nếu phụ nữ mang thai bị nhiễm bệnh chlamydia, em bé cũng sẽ nhiễm bệnh từ mẹ khi mẹ sinh bé. Tình trạng này có thể gây ra viêm phổi hoặc nhiễm trùng mắt nghiêm trọng cho trẻ sơ sinh. Mắc chlamydia cũng dễ dẫn đến sinh non. Khi mang thai, bạn nên kiểm tra xem mình có bị nhiễm chlamydia hay không để điều trị kịp thời.
Triệu chứng
Hầu hết những người bị nhiễm bệnh chlamydia không biểu hiện triệu chứng rõ rệt cho đến vài tuần sau khi bạn quan hệ tình dục với người bạn tình bị nhiễm bệnh. Ngay cả khi chlamydia không gây ra triệu chứng, bệnh cũng có thể gây ảnh hưởng lớn tới cơ quan sinh dục.
Phụ nữ bị nhiễm bệnh có thể thấy những triệu chứng:
• Dịch âm đạo bất thường
• Cảm giác nóng rát khi đi tiểu
Nam giới bị nhiễm bệnh có thể thấy những triệu chứng:
• Ra dịch từ dương vật
• Cảm giác nóng rát khi đi tiểu
• Đau và sưng ở một hoặc cả hai tinh hoàn.
Nam giới và nữ giới cũng có thể bị nhiễm chlamydia trong trực tràng do quan hệ tình dục qua đường hậu môn, hoặc lây lan từ một nơi bị nhiễm trùng khác, chẳng hạn như âm đạo. Trong trường hợp này, một số triệu chứng có thể xảy ra là đau trực tràng và chảy máu.
Nếu nghi ngờ bạn hoặc bạn tình của mình có thể bị nhiễm chlamydia, hãy đến khám bác sĩ ngay. Bệnh có thể được điều trị bằng kháng sinh phù hợp theo chỉ định của bác sĩ.
3. Bệnh lậu
Bệnh lậu là bệnh lây truyền qua đường tình dục do vi khuẩn neisseria gonorrhoeae gây ra. Bệnh thường gây đau và các triệu chứng khác ở đường sinh dục của người bệnh và cũng có thể gây ra các vấn đề ở trực tràng, cổ họng, mắt hoặc khớp. Cả nam giới và phụ nữ đều có thể bị bệnh, mặc dù bệnh phổ biến ở nam giới hơn nữ giới.
Nguyên nhân
Bệnh lậu do một loại vi khuẩn gọi là Neisseria gonorrhoeae gây ra. Bệnh lây lan chủ yếu qua quan hệ tình dục dưới bất kì hình thức nào bao gồm giao hợp, quan hệ qua đường hậu môn hay quan hệ bằng miệng.
Nếu bạn tiếp xúc với dương vật, âm đạo, miệng hoặc hậu môn của người mang vi khuẩn này, bạn có thể bị bệnh lậu. Phụ nữ mang thai bị nhiễm bệnh lậu có thể lây cho đứa bé khi sinh con qua đường âm đạo.
Triệu chứng
Các triệu chứng bệnh thường xảy ra trong vòng từ 2 đến 14 ngày sau khi tiếp xúc. Tuy nhiên, một số người bị nhiễm bệnh lậu không có các triệu chứng đáng chú ý và có sự khác biệt giữa nam và nữ.
Ở nam giới, thường tình trạng nhiễm bệnh lậu sẽ bắt đầu xuất hiện triệu chứng sau một tuần. Triệu chứng đáng chú ý đầu tiên thường là cảm giác nóng rát hoặc đau đớn khi đi tiểu. Khi bệnh tiến triển, người bệnh sẽ đi tiểu nhiều hơn, khi mở dương vật có thể bị sưng hoặc đỏ, tinh hoàn bị sưng hoặc đau kèm theo viêm họng dai dẳng.
Bệnh lậu có thể điều trị bằng kháng sinh. Nếu không được điều trị, bệnh có thể gây tổn thương niệu đạo và tinh hoàn, tình trạng đau có thể lan tới trực tràng.
Ở nữ giới, các triệu chứng bệnh lậu thường nhẹ hơn hoặc khá giống với các dạng nhiễm trùng khác nên khó phát hiện. Các triệu chứng bao gồm: ra dịch âm đạo màu kem hoặc hơi xanh, đau hoặc cảm giác nóng rát khi đi tiểu, nhu cầu đi tiểu nhiều hơn, chu kì kinh nguyệt kéo dài, viêm họng, đau khi quan hệ tình dục và đau bụng dưới.
4. Bệnh giang mai
Bệnh giang mai là một căn bệnh lây lan chủ yếu qua đường tình dục. Người bị nhiễm bệnh thường không biết về căn bệnh này và vô tình truyền bệnh cho bạn tình của mình. Phụ nữ có thai bị bệnh giang mai có thể truyền bệnh sang cho em bé.
Bệnh này được gọi là giang mai bẩm sinh, có thể gây ra những bất thường hoặc thậm chí tử vong cho trẻ sơ sinh. Bệnh giang mai từng là một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng lớn và thường gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng lâu dài như viêm khớp, tổn thương não và mù lòa.
Nguyên nhân
Bệnh giang mai do vi khuẩn treponema pallidum gây ra.
Triệu chứng
Bệnh giang mai có 4 giai đoạn. Triệu chứng cũng phụ thuộc vào từng giai đoạn cụ thể. Tuy nhiên, các giai đoạn có thể chồng chéo lên nhau và các triệu chứng không phải luôn phát triển theo trình tự nhất định.
Ở giai đoạn khởi phát triệu chứng chủ yếu là đau. Giai đoạn thứ hai thường gây ngứa, sau đó là triệu chứng đau miệng, âm đạo và hậu môn. Các triệu chứng của bệnh thường biến mất và giai đoạn thứ ba hoặc giai đoạn tiềm ẩn. Giai đoạn này có thể kéo dài trong nhiều năm. Khoảng 15% bệnh nhân không được chữa trị sẽ tiến triển sang giai đoạn muộn là giai đoạn thứ tư, gây phá hủy cơ quan và hệ thần kinh.
Bệnh giang mai có thể điều trị bằng kháng sinh. Càng điều trị bệnh sớm thì chỉ cần dùng một vài loại kháng sinh và hiệu quả điều trị sẽ được phát huy một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện và chữa trị, bệnh thường gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng lâu dài như viêm khớp, tổn thương não và mù lòa.
5. Bệnh herpes sinh dục
Bệnh herpes là bệnh xã hội gây ra tình trạng lở loét ở bộ phận sinh dục, bệnh do virus herpes gây ra. Bệnh rất dễ lây qua tiếp xúc da và quan hệ tình dục không sử dụng bao cao su.
Nguyên nhân
Cả hai chủng virus herpes, HSV-1 và HSV-2, có thể gây ra herpes sinh dục, nhưng thủ phạm thường là HSV-2.
Triệu chứng
Triệu chứng chính của bệnh herpes sinh dục là mụn nước gây đau đớn xung quanh dương vật, âm đạo hoặc hậu môn. Các vết rộp vỡ, để lại vết lở loét. Một số người có triệu chứng herpes sinh dục rất nhẹ hoặc không có triệu chứng gì cả. Tuy nhiên, khi các triệu chứng của bệnh xuất hiện thì sẽ vô cùng đau đớn.
Bởi vì herpes sinh dục do virus gây ra, bệnh nhân cần sử dụng các loại thuốc để kiểm soát bệnh.
Cách phòng ngừa bệnh xã hội
Bạn có thể lưu ý những điều dưới đây để phòng bệnh xã hội cho chính mình và người ấy nhé:
• Duy trì thói quen tình dục an toàn: Sử dụng bao cao su giúp phòng ngừa đáng kể lây lan các bệnh xã hội.
• Cẩn thận với “tình một đêm”: Tốt nhất là bạn nên tránh xa những cuộc tình chóng vánh này. Càng có quan hệ với nhiều bạn tình, khả năng bạn mắc bệnh xã hội càng cao.
• Chung thủy một vợ một chồng: Vợ hoặc chồng của bạn cũng phải đảm bảo chung thủy để giảm nguy cơ mắc bệnh xã hội.
• Hết sức cẩn trọng khi chọn bạn tình: Không nên có quan hệ tình dục với người có thể mắc bệnh xã hội.
• Khám sức khỏe định kỳ: Điều này không những giúp bạn phòng bệnh mà còn hạn chế nguy cơ lây lan bệnh xã hội cho người khác.
• Tránh tiêu thụ chất kích thích: Không uống rượu, hút thuốc, sử dụng ma túy trước khi quan hệ tình dục. Nam giới thường không sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục nếu họ say hoặc đang thăng hoa sau khi dùng thuốc phiện.
• Nhận biết dấu hiệu bệnh xã hội: Học cách nhận biết các dấu hiệu và triệu chứng của các bệnh xã hội để có thể phát hiện kịp thời nguy cơ mắc bệnh xã hội từ bạn và bạn tình.
• Tìm hiểu và cập nhật kiến thức về các bệnh xã hội: Những hiểu biết của bạn về sức khỏe và lối sống lành mạnh sẽ giúp bạn bảo vệ bản thân mình tốt hơn.
• Tránh lây lan bệnh xã hội cho người khác: Nếu bạn phát hiện và được bác sĩ chuẩn đoán mắc một trong các bệnh xã hội, bạn không nên có quan hệ tình dục cho đến khi bệnh được điều trị khỏi.
• Tuân theo chỉ dẫn điều trị: Nếu bị mắc bệnh xã hội, bạn cần tuyệt đối tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ để điều trị. Trong quá trình điều trị, bạn nên thường xuyên tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ để kiểm tra tiến triển bệnh và ngăn ngừa nguy cơ tái phát.
• Dùng bao cao su khi quan hệ: Sử dụng bao cao su bất cứ khi nào bạn có quan hệ tình dục, đặc biệt là với bạn tình mới.
• Chia sẻ với bạn tình: Nếu phát hiện bị bệnh xã hội, nên thông báo cho bạn tình để họ được kiểm tra và cũng được điều trị nếu không may bị lây bệnh từ bạn.
Vì bệnh xã hội chủ yếu lây truyền qua đường tình dục nên nguy cơ mắc bệnh xã hội đặc biệt cao ở những người trẻ có lối sống phóng khoáng hơn hoặc vợ chồng ngoại tình. Nếu bạn đi theo chế độ chung thủy một vợ một chồng thì bạn không chỉ phòng tránh được nhiều bệnh mà còn giữ gìn được niềm hạnh phúc gia đình.