Lứa tuổi từ 11 – 14 là điểm khởi đầu của giai đoạn dậy thì ở tuổi vị thành niên. Bố mẹ hãy làm bạn với con tuổi dậy thì để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Tuổi dậy thì là lứa tuổi mà trẻ có sự tăng trưởng nhanh chóng về thể trạng cùng nhiều thay đổi về tâm sinh lý. Bài viết sau sẽ trang bị cho bố mẹ những thông tin cần thiết về sự phát triển của con ở giai đoạn này, để hiểu và làm bạn với con.
Sự phát triển thể chất
Dậy thì là giai đoạn mà bé có nhiều sự thay đổi trên toàn bộ cơ thể. Đây còn được xem là điểm khởi đầu của sự bứt phá về tăng trưởng. Dấu hiệu dậy thì đầu tiên là vú bắt đầu phát triển, xuất hiện kinh nguyệt ở các bé gái và mọc râu ở các bé trai.
Trong những năm đầu, các bé trai thường tăng trưởng chiều cao chậm hơn các bé gái, nhưng lại phát triển vượt bậc vào những năm tiếp theo. Sự phát triển của hệ xương sẽ giúp bé tăng trưởng về chiều cao. Ngoài ra, xương sọ cũng trở nên dày dặn hơn, vùng trán nổi bật và xương hàm mở rộng về trước hơn.
Bên cạnh đó, con còn có sự tăng trưởng về kích thước của các cơ quan, tim sẽ tăng đôi trọng lượng, phổi sẽ tăng đôi thể tích. Quan trọng hơn, con sẽ tăng cân nhanh chóng. Với bé gái, cân nặng sẽ tăng nhiều trong suốt quá trình dậy thì. Ngoài ra, dậy thì còn chứng kiến sự thay đổi về vị trí tích mỡ. Lượng mỡ trong cơ thể của bé trai sẽ gia tăng, lượng mỡ trong cơ thể của bé gái sẽ chuyển sang tích trữ ở vùng hông, vú và bắp tay.
Sự phát triển nhận thức
Dậy thì là thời điểm não bộ phát triển khả năng suy nghĩ, tiếp thu, đưa ra lý giải và ghi nhớ. Trẻ vị thành niên thường suy nghĩ tập trung vào những chuyện xảy ra ở hiện tại, nhưng đã bắt đầu dự đoán được những kết quả có thể xảy ra ở tương lai. Trẻ cũng bắt đầu nhận ra rằng một vấn đề không chỉ có một mặt và thông tin có thể được giải thích bằng nhiều cách khác nhau.
Sự phát triển về cảm xúc và xã hội
Lúc còn nhỏ, các bé hầu như gắn bó và phụ thuộc rất nhiều vào gia đình, bố mẹ. Khi bước vào tuổi dậy thì, bé trở nên độc lập hơn, dần tách khỏi gia đình hơn, bạn bè sẽ là người thay thế bố mẹ khi trẻ cần lời khuyên. Khi ở nhà, các bé cũng thích có thời gian và không gian riêng tư hơn là dành thời gian với gia đình. Tuy nhiên, gia đình vẫn là một phần vô cùng quan trọng để giúp trẻ xây dựng ý thức về bản thân. Do đó, bạn hãy cố gắng dành thời gian riêng cho con, trò chuyện với con để có thể hiểu được trẻ, trở thành người bạn lớn của trẻ.
Sự phát triển vận động và cảm giác
Trẻ ở lứa tuổi này thường vụng về và lúng túng. Bộ não của trẻ cần có thời gian để thích nghi với cơ thể đang lớn dần lên. Vào thời điểm này, bạn nên khuyến khích trẻ luyện tập những bài tập nhẹ nhàng thường xuyên để cải thiện khả năng phối hợp và xây dựng thói quen sống lành mạnh.
Việc tìm hiểu kỹ về những điều diễn ra ở tuổi dậy thì là cần thiết cho các bậc phụ huynh để có thể làm bạn với con. Hy vọng rằng bài viết này sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc chăm sóc, nuôi dạy con cái trong độ tuổi dậy thì!