Ắt bạn đã từng nghe nhiều về tầm quan trọng của việc giúp con xây dựng lòng tự trọng cho bản thân, nhưng cụ thể thì cần phải làm những gì?
Tự trọng là phẩm chất tốt đẹp của con người và gắn liền với giá trị cá nhân, không phân biệt tài năng hay tính cách như thế nào. Từ những lời trêu chọc của bạn bè, con sẽ nhận ra rằng mình không phải là người toàn vẹn nhất và khi lớn lên, một đôi lần bé cũng sẽ bị người khác xúc phạm đến lòng tự tôn của mình.
Dù muốn hay không thì bố mẹ cũng phải đối diện sự thật và giúp con tìm lại giá trị bản thân. Vậy những bậc làm cha mẹ cần làm gì để xây dựng lòng tự trọng và giúp bé giữ vững tin trước những thử thách ở trường và xã hội ập đến? Bài viết sau đây sẽ cho bạn câu trả lời.
1. Yêu thương con vô điều kiện
Lòng tự trọng của một đứa trẻ sẽ được chắp cánh khi nhận được sự tôn trọng từ bố mẹ. Hãy luôn thương con vô điều kiện và chấp nhận dù bé là ai, mạnh mẽ hay yếu đuối, khó khăn thế nào, tài năng và khí chất đến đâu thì bé vẫn là con của bạn.
2. Chăm chú lắng nghe
Bạn nên đặt điện thoại sang một bên để không lơ là những thắc mắc từ bé. Con có thể nhìn qua ánh mắt mà cảm nhận được rằng, bạn có đang thực sự lắng nghe những gì bé nói hay không. Điều này làm cho bé cảm thấy tự tin hơn và biết mình quan trọng với bố mẹ. Nếu bận thì bạn hãy nói cho con biết điều và tránh không làm lơ những nhu cầu của bé nhé!
3. Khuyến khích những trải nghiệm mới
Bố mẹ hãy truyền cảm hứng để con khám phá những điều mới mẻ như thử món ăn mới, kết bạn mới hoặc chơi trò trượt ván mà trước đây chưa từng thử qua. Để xây dựng lòng tự trọng, thay vì những hoạt động cạnh tranh thì bố mẹ nên tăng cường cho bé học cách kết nối với mọi người.
4. Đối diện với thất bại
Bất cứ lúc nào thất bại cũng có thể xảy ra nên bạn hãy dạy con biết chấp nhận, thay đổi và cố gắng thì thành công sẽ đến. Nếu con vẫn không làm được, bố mẹ hãy khen ngợi vì sự cố gắng của con và khuyến khích bé kiên trì thêm.
Sự phản hồi mang tính xây dựng và đánh giá cao nỗ lực có thể giúp con quên đi mặc cảm và thất bại của bản thân mà tự tin và lạc quan hơn. Với cách này, bé sẽ hiểu được ý nghĩa của sự thất bại và xem đây là một phần bình thường của cuộc sống, đồng thời nỗ lực học tập hơn.
5. Dành lời khen
Bạn nên công nhận những đóng góp của bé cho gia đình. Trong bữa ăn tối quây quần, bạn hãy dành lời khen khi bé tự giác giúp mẹ làm việc nhà và cảm ơn con nhé. Những lời khen khi con làm điều tốt sẽ giúp con nhận ra giá trị bản thân và nâng cao lòng tự trọng của bé đấy!
6. Thấu cảm
Nếu con cần tâm sự, hãy đồng cảm và cho bé biết rằng bạn hiểu và tôn trọng quan điểm của bé. Con phải cảm nhận được rằng ý nghĩ, cảm xúc, mong muốn và ý kiến của mình là quan trọng.
7. Đừng so sánh
Các bậc phụ huynh thường so sánh con mình với những đứa trẻ khác và hay lo lắng liệu bé có đang hoàn thành tốt công việc không. Bố mẹ nên nhớ rằng so sánh là điều không nên, bởi vì con là một cá thể riêng biệt.
8. Hãy khuyến khích
Khuyến khích không giống với việc dành lời khen. Ngợi khen là khi bạn cho con thấy bé giỏi nếu làm tốt điều gì đó. Mặt khác, khuyến khích là khi bạn thừa nhận những nỗ lực của bé dẫu mọi việc chưa thực hoàn hảo.
Hy vọng những thông trên sẽ giúp các phụ huynh hiểu hơn về tính cách chung của trẻ tuổi mới lớn và có thể khuyến khích lòng tự trọng của trẻ nhiều hơn.