Mụn thịt dư là tình trạng rất phổ biến và thường không có hại nhưng có thể gây mất thẩm mỹ, khó chịu cho người bệnh. Bạn cũng cần quan sát và chú ý nếu các nốt u nhú này có đi kèm những dấu hiệu bất thường khác hoặc có xu hướng to lên, lan rộng ra.
Tìm hiểu chung
Mụn thịt dư là bệnh gì?
Mụn thịt dư (mụn cơm có cuống, mụn thịt thừa) là những u nhú trên da có dạng lồi nhỏ, màu da hoặc màu nâu, trông giống như mụn cóc. Các nốt mụn thịt này có kích thước từ vài mm đến 5 cm.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng nào đi kèm với tình trạng mụn thịt dư?
Mụn thịt dư lành tính là các u nhú trên da, hơi mềm và trông như được “treo” ngoài da thay vì nổi trên bề mặt. Mặc dù một số nốt mụn thịt có thể tự rụng theo thời gian nhưng hầu hết vẫn tồn tại trên da từ khi hình thành.
Ban đầu, mụn thịt chỉ nhỏ như đầu kim và có kích thước dẹt. Kích thước tối đa của hầu hết các nốt mụn này thường nhỏ (đường kính 2-5 mm, khoảng 1/3 đến một nửa kích thước của một cục tẩy trên đầu bút chì), một số có thể lớn hơn từ 1-5cm.
Mụn thịt có thể mọc bất cứ nơi nào trên cơ thể, phổ biến nhất là mụn thịt ở cổ và nách. Một số vị trí khác có mụn thịt thừa là trên ngực, lưng, ở vùng háng, trên mí mắt hoặc dưới nếp gấp mông.
Mụn thịt dư thường không gây đau nhưng có thể làm người bệnh khó chịu khi mọc ở nơi dễ bị kích thích liên tục (như mụn thịt ở hoặc ở bẹn). Nếu ở vị trí dễ thấy như trên mặt, người ta thường loại bỏ mụn thịt thừa vì lý do thẩm mỹ.
Hãy cẩn thận với tình trạng mụn thịt bị kích ứng đỏ lên gây chảy máu hoặc đen lại do bị xoắn và hoại tử. Nhìn chung, đây là những u lành tính, không có tiềm năng trở thành ung thư (ác tính).
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân nào gây ra mụn thịt dư?
Mụn thịt dư là tình trạng rất phổ biến và thường xảy ra sau tuổi trung niên. Nguyên nhân gây ra những nốt mụn thịt thừa này có thể phân loại thành nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp.
- Nguyên nhân trực tiếp hay còn gọi là nguyên nhân do cơ địa, nội tiết, xuất phát từ bên trong cơ thể người bệnh. Loại mụn này thường do tình trạng tăng sinh collagen khiến cấu trúc da bị thay đổi kết hợp với rối loạn tuyến mồ hôi, da nhạy cảm…
- Nguyên nhân gián tiếp chủ yếu đến từ chế độ sinh hoạt và các thói quen, lối sống như ăn uống thiếu chất, sử dụng nhiều chất kích thích, mỹ phẩm có các thành phần gây tổn thương làn da, dùng các loại thuốc ảnh hưởng nội tiết dẫn tới bị mụn thịt dư.
Nguy cơ mắc phải
Những ai thường mắc phải tình trạng mụn thịt dư?
Mụn thịt là tình trạng rất phổ biến và có thể xuất hiện ở bất cứ ai. Tuy nhiên, một số đối tượng dễ bị mụn thịt dư là:
- Người thừa cân, béo phì
- Phụ nữ trong thai kỳ
- Do di truyền
- Bệnh nhân tiểu đường (kháng insulin)
- Trẻ nhỏ có nếp gấp da và hay trầy xát da
Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.
Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế, vậy nên tốt nhất là bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh mụn thịt dư?
Một số u nhú trên da có cấu trúc tương tự nhưng không phải mụn thịt. Chúng ta thường nhầm lẫn một số loại u là mụn thịt thừa. Tuy nhiên, bác sĩ có thể kiểm tra bằng biện pháp sinh thiết để giúp phân biệt rõ nếu bạn có thắc mắc.
Những phương pháp nào dùng để điều trị tình trạng mụn thịt dư?
Điều quan trọng bạn cần lưu ý là mụn thịt dư thường không cần phải điều trị, trừ khi chúng gây khó chịu về vấn đề thẩm mỹ hay ở những chỗ bất tiện. Nếu cần loại mụn, bác sĩ sẽ tiến hành những phương pháp sau:
- Gián đoạn mạch máu nuôi mụn bằng cách dùng chỉ tơ nha khoa cột xung quanh gốc
- Đốt lạnh mụn với nitơ lỏng
- Đốt mụn bằng điện
- Cắt mụn bằng kéo, có thể dùng thuốc gây mê
Thông thường, bác sĩ có thể dễ dàng loại bỏ mụn nhỏ mà không cần gây mê. Nếu mụn thịt dư có kích thước lớn hơn, người bệnh có thể cần thuốc gây tê tại chỗ (tiêm lidocaine) trước khi lấy mụn. Nếu cần lấy số lượng nhiều, người bệnh sẽ được dùng một loại kem gây tê tại chỗ (kem betacaine hay LMX 5%).
Bác sĩ da liễu, các bác sĩ gia đình và nội khoa là những người sẽ tiến hành cắt bỏ mụn. Đôi khi, bác sĩ nhãn khoa có thể tham gia vào quá trình này để loại bỏ các mụn gần với mép mí mắt.
Bạn không nên tự ý loại bỏ các mụn thịt lớn để tránh tình trạng xuất huyết.
Phòng ngừa
Những biện pháp phòng ngừa tình trạng mụn thịt dư
Hãy quan tâm chế độ ăn uống, sinh hoạt để hạn chế những nguyên nhân gián tiếp dẫn đến mụn thịt dư, cụ thể là:
- Uống nhiều nước, bổ sung đầy đủ vitamin, khoáng chất, tăng sức đề kháng cho da
- Hạn chế sử dụng các loại thức ăn nhanh, đồ hộp, sản phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa
- Làm sạch da đúng cách
- Sử dụng kem chống nắng hàng ngày
- Không dùng tay dụi mắt hoặc nặn mụn để tránh làm tổn thương da, khiến da yếu đi
- Hạn chế trang điểm khi không cần thiết
- Tránh căng thẳng, ngủ sớm và ngủ đủ giấc
- Rèn luyện thể dục thể thao
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.