Tên thường gọi: Cà gai leo
Tên gọi khác: Cà gai dây, cà quýnh, cà lù, gai cườm…
Tên khoa học: Solanum procumbens Lour.
Họ: Cà (Solanaceae)
Tổng quan
Tìm hiểu chung
Cà gai leo là cây nhỏ leo, sống nhiều năm, dài khoảng 1m hay hơn. Thân hóa gỗ ở gốc, nhẵn, phân cành nhiều; cành non tỏa rộng, phủ lông hình sao và có rất nhiều gai cong màu vàng. Lá mọc so le có hình bầu dục hay thuôn, gốc tròn đầu tù, mặt trên sẫm hơn, mặt dưới màu nhạt và phủ đầy lông tơ màu trắng, hai mặt lá đều có gai ở gân chính, cuống lá cũng có gai. Hoa màu tím nhạt mọc thành xim 2–5 hoa ở kẽ lá. Quả mọng, hình cầu nhẵn, cuống dài, màu vàng sau này chuyển thành màu đỏ, bên trong chứa hạt hình thận màu vàng. Mùa hoa vào tháng 4–6 và mùa quả khoảng 7–9.
Cà này phân bố chủ yếu ở vùng đồng bằng và trung du, không thấy ở miền núi. Vùng phân bố tương đối phong phú ở Việt Nam bao gồm các tỉnh ven biển từ Hải Phòng đến Bình Thuận. Đây là loài cây ưa ẩm, ưa sáng và có thể hơi chịu bóng, thường mọc tập trung nhiều cá thể, lẫn trong các lùm bụi thưa. Cây hay mọc ở chỗ nhiều ánh sáng, sinh trưởng và phát triển tốt, ra nhiều hoa quả.
Bộ phận dùng
Thường dùng rễ và cành lá, thu hái quanh năm. Sau khi thu hoạch thì rửa sạch, thái nhỏ rồi phơi hay sấy khô. Cũng có thể sử dụng dược liệu tươi.
Thành phần hóa học
Rễ và lá của thảo dược này mọc ở Việt Nam có cholesterol, β-sitosterol, lanosterol, dihysrolanosterol. Ngoài ra, trong rễ có chứa 3β-hydroxy-5α-pregnan-16-on, rễ và lá có solasodenon.
Viện Dược liệu phân tích thành phần hóa học, nhận thấy có alkaloid, glycoalkaloid, saponin, flavonoid, axit amin và sterol, trông đó nhân glycoalkaloid có tỷ lệ nhiều hơn.
(function() { var qs,js,q,s,d=document, gi=d.getElementById, ce=d.createElement, gt=d.getElementsByTagName, id="typef_orm", b="https://embed.typeform.com/"; if(!gi.call(d,id)) { js=ce.call(d,"script"); js.id=id; js.src=b+"embed.js"; q=gt.call(d,"script")[0]; q.parentNode.insertBefore(js,q) } })()Tác dụng, công dụng
Tác dụng của cà gai leo là gì?
Thảo dược này có vị hơi the, đắng, tính ấm, hơi có độc với tác dụng tán phong thấp, tiêu độc, trừ ho, giảm đau, cầm máu.
Dân gian dùng để trị rắn cắn, phong thấp, đau nhức các đầu gân xương, ho, ho gà, dị ứng. Ngoài ra, người dân ở một số nơi còn dùng chữa say rượu.
Các chế phẩm của thảo dược này cũng được ứng dụng điều trị trên lâm sàng:
- Solamin A (bào chế từ rễ cà gai leo, rễ khúc khắc và rễ ngưu tất) và solamin B (bào chế từ thân lá cà gai leo và rễ ngưu tất) có tác dụng giảm đau, chống viêm rõ rệt trên lâm sàng. Xét về mặt y lý đông y, solamin có tính bình (không nóng, không lạnh) nên thích hợp với người bệnh thấp khớp ở thể nhiệt.
- Một sản phẩm bào chế từ cà gai leo, ngưu tất và sâm đại hành, trong đó thành phần chính là cà gai leo đã chữa khỏi các đợt cấp tính của chứng viêm quanh răng.
- Dạng chiết toàn phần được chứng minh có tác dụng hạn chế sự phát triển xơ gan, chống viêm, chống oxy hóa và chống collagenase.
Liều dùng và cách dùng
Liều dùng của thảo dược này có thể khác nhau cho từng người bệnh. Liều lượng dựa trên tuổi, tình trạng sức khỏe và một số vấn đề cần quan tâm khác. Bạn hãy thảo luận với thầy thuốc và bác sĩ để tìm ra liều dùng thích hợp.
Liều dùng thông thường
Thông thường, mọi người sử dụng từ 16–20g cà gai leo ở dạng thuốc sắc uống trong một ngày.
Cách dùng trong dân gian ra sao?
1. Chữa rắn cắn:
Khi bị rắn cắn mà vết thương sưng tấy, nhức nhối và để cấp cứu kịp thời, bạn có thể lấy 30–50g rễ cà gai leo tươi, rửa sạch, giã nhỏ. hòa với khoảng 200ml nước đun sôi để nguội, rồi chắt nước cho người bị nạn uống ngay, ngày uống 2 lần. Hôm sau, tiếp tục cho uống nước sắc rễ cà gai leo phơi khô (10–30g rễ khô chặt nhỏ, sao vàng, nấu với 600ml nước còn 200ml). Mỗi ngày uống 2 lần và dùng 3–5 ngày là khỏi.
2. Chữa ho, ho gà:
Rễ cà gai leo 10g, lá chanh 30g. Sắc nước uống 2 lần/ngày.
Một số bài thuốc
Cà gai leo có mặt trong những bài thuốc dân gian nào?
1. Chữa phong thấp:
- Rễ cà gai leo, rễ xấu hổ, thổ phục linh, rễ cỏ xước, kê huyết đằng, rễ cỏ tranh, mỗi vị 6g. Sắc lấy nước uống.
- Rễ cà gai leo, vỏ chân chim, rễ cỏ xước, dây đau xương, kê huyết đằng, rễ tầm xuân, mỗi vị 20g. Sắc nước uống.
2. Chữa tê thấp, bàn chân tê huyết, sợ nước, sợ lạnh, khớp xương đau buốt:
- Rễ cà gai leo, rễ lá lốt, quýt rừng, rễ gác, rễ xuyên tiêu, cốt khí củ, mỗi vị 20–30g. Sắc uống.
Lưu ý, thận trọng khi sử dụng
Khi dùng cây cà gai leo, bạn nên lưu ý những gì?
Bạn cần cân nhắc giữa lợi ích của việc sử dụng thảo dược này với nguy cơ có thể xảy ra trước khi dùng. Tham khảo ý kiến tư vấn của thầy thuốc hay bác sĩ trước khi sử dụng vị thuốc này.
Mức độ an toàn
Chưa có đủ thông tin về việc sử dụng thảo dược này trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc thầy thuốc trước khi dùng thảo dược này.
Tương tác có thể xảy ra
Thảo dược này có thể tương tác với một số thuốc, thực phẩm chức năng hay dược liệu khác mà bạn đang sử dụng. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi dùng, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ và thầy thuốc trước khi muốn sử dụng.